article detail

Nhà mạng tích cực đảm bảo chất lượng sau sự cố đứt 4 tuyến cáp quang biển

luxiie
1 năm trước
Cập nhật 1 năm trước
Các nhà mạng lớn FPT Telecom, VNPT, Viettel... cho biết đang tích cực làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố trên 4 tuyến.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đều xác nhận việc 4/5 tuyến cáp quang biển quốc tế mà các ISP Việt Nam khai thác đang gặp sự cố, ảnh hưởng đến lưu lượng kết nối từ Việt Nam đi quốc tế.

Các ISP cho biết khi sử dụng cáp quang biển đều phải dự phòng tình huống sự cố xảy ra. Do đó, tất cả nhà mạng đều dàn băng thông của mình ở nhiều tuyến cáp chứ không tập trung ở một hoặc hai tuyến nhằm giảm thiểu rủi ro.

Cáp quang biển thế giới kết nối đến Việt Nam

Với nhà mạng FPT Telecom, trong những năm gần đây đã tăng lưu lượng băng thông quốc tế hơn gấp đôi để dự phòng cáp quang biển gặp sự cố liên tục do nhiều các nguyên nhân khác nhau." Ngay khi sự cố xảy ra, những nguồn băng thông thiếu hụt sẽ được ứng cứu bằng các nguồn dự trữ, đảm bảo khách hàng bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, không bị gián đoạn dịch vụ hoặc dịch vụ phục hồi trong thời gian ngắn nhất," đại diện FPT Telecom cho biết. 

Nhấn mạnh đây là sự cố bất khả kháng, đại diện VNPT cho hay nhà mạng này đã chủ động triển khai những phương án ứng cứu để đảm bảo kết nối Internet quốc tế cho khách hàng của đơn vị mình, bao gồm việc chia sẻ tải giữa các link quốc tế; chủ động làm việc với các đối tác Facebook, Tiktok, YouTube; đồng thời tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bổ sung tài nguyên cáp. 

Nhờ đó, nhiều người dùng dịch vụ của VNPT có thể sử dụng và trải nghiệm gần như bình thường các nền tảng Facebook, Tiktok, YouTube cũng như các giao dịch chứng khoán tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ data di động hoàn toàn đảm bảo.

Tuy nhiên, theo đại diện VNPT, khi sự cố xảy ra đồng thời trên cả 4 hệ thống cáp biển, việc truy cập Internet quốc tế của người dùng Việt Nam đều bị ảnh hưởng, nhất là trong giờ cao điểm và đối với các hoạt động đòi hỏi băng thông Internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim… 

Với Viettel, đơn vị này đã nhanh chóng lên các phương án định tuyến, điều tiết dung lượng trên những hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền; đồng thời mua bổ sung dung lượng ứng cứu nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ cấp cho khách hàng. 

Đại diện nhà mạng này khẳng định dù đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố đồng thời trên cả 4 tuyến cáp quang biển chính kết nối từ Việt Nam đi và vào đúng dịp nghỉ lễ, nhưng Viettel đã triển khai tất cả giải pháp tối ưu nhất. 

Những nhà mạng như CMC, NetNam đều triển khai phương án ứng cứu, chuyển hướng lưu lượng ngay sau khi tiếp nhận thông tin xảy ra sự cố với các tuyến cáp biển.

Cụ thể, CMC Telecom nâng cấp thêm dung lượng trên các tuyến cáp đất liền qua Trung Quốc và Campuchia kết nối đi Singapore.

Song song với việc thực hiện phương án ứng cứu, những nhà mạng lớn trong nước đang tích cực làm việc với các hệ thống cáp biển, nhà khai thác tàu để xác định nguyên nhân, vị trí xảy ra sự cố và kế hoạch sửa chữa trong thời gian sớm nhất.

Cáp quang biển ngày nay dù có kết cấu đa lớp vững chắc, song cũng không đảm bảo hoàn toàn bền vững với thời gian và tránh được mọi mối nguy hại, nhất là các mối nguy hại do chính con người gây ra như: Thả neo mỏ tàu thuyền trúng cáp, cắt trộm dây cáp… ngoài ra cáp quang bị đứt do động đất, núi lửa ngầm, giông bão, trượt bùn…

Mỗi khi có sự cố đứt cáp quang biển xảy ra, các website quốc tế sẽ chạy với tốc độ rùa bò. Để khắc phục đơn vị quản lý tuyến cáp phải xác định vị trí, dùng hệ thống đo kiểm điện tử kiểm tra, dùng tàu thuyền chuyên dụng vớt cáp lên sau đó mới tiến hành đấu nối, khắc phục sự cố. Nếu đoạn cáp đứt ở bờ biển nông, thời tiết thuận lợi thì thời gian khắc phục nhanh, đơn giản và ngược lại.

Nguồn: vietnamplus

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập