Bạn nghĩ Game miễn phí không đem lại lợi nhuận cho nhà phát hành? Thế thì bạn nhầm to rồi!

Thu Hồng
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Dù là game miễn phí, nhưng nhà phát triển vẫn có thể kiếm được tiền, thậm chí rất nhiều tiền là đằng khác.

Hầu hết những tựa game hot và đạt được nhiều thành công vang dội đều có một đặc điểm chung: đó là chúng hoàn toàn miễn phí tải xuống. Cũng là điều dễ hiểu, khi mà game miễn phí thì sẽ có nhiều lượt tải xuống hơn là những tựa game trả phí. Đây cũng chính là nguyên nhân đem lại sức hút cho các tựa game này. 

Tuy nhiên, sẽ thật khó hiểu nếu như có người nói rằng, game miễn phí mang lại rất nhiều lợi nhuận cho nhà phát triển. Đúng vậy, dù là game miễn phí, nhưng nhà phát triển vẫn có thể kiếm được tiền, thậm chí rất nhiều tiền là đằng khác. 

SuperData, một công ty nghiên cứu về trò chơi điện tử, ước tính rằng, tựa game "Fortnite" của Epic Games đã tạo ra doanh thu gần 296 triệu USD chỉ trong vòng 1 tháng. Nhân con số đó với 12 tháng, "Fortnite" có khả năng tạo ra 3,5 tỷ đô la doanh thu hàng năm. 

Lợi nhuận ở đâu ra? 

Hầu hết game miễn phí trên thị trường di động hiện nay đều mang lại lợi nhuận cao, thậm chí có hiệu quả lợi nhuận cao hơn các tựa game trả phí. Có rất nhiều cách để nhà phát triển “moi tiền” từ bạn. Cùng điểm qua một số những cách thức mà họ sử dụng: 

1. Đặt quảng cáo

Đặt quảng cáo có lẽ là hình thức phổ biến nhất để đem lại doanh thu cho các nhà phát triển ứng dụng. Bởi lẽ thời gian người dùng dành cho việc chơi game là rất lớn, nên việc đặt quảng cáo trong game và các ứng dụng là hình thái phát triển nhanh nhất của ngành quảng cáo trong điện thoại. Theo số liệu thống kê thì doanh thu kiếm được từ việc đặt quảng cáo trong ứng dụng điện thoại đạt mức 100 tỉ USD vào năm 2020.

2. Mua hàng trong ứng dụng

Nếu như bạn đã từng một lần bấm vào mua bundle kẹo đặc biệt trong Candy Crush, thì xin chúc mừng, bạn đã vừa "hiến máu" cho các nhà phát triển ứng dụng rồi đó. Các vật phẩm bán trong ứng dụng chính là hình thức được các nhà phát triển (đặc biệt là ứng dụng trò chơi) sử dụng để kiếm tiền từ sản phẩm của mình.

Hầu hết các trò chơi trên mobile từ trước tới nay đều có những tính năng yêu cầu bạn bỏ tiền mua, thay vì thu phí ngay khi bạn tải xuống. Đó có thể là một bộ skin mới, tiền hay vật phẩm trong game. Ở khoản thu này, nhà phát triển đã "vẽ ra" hàng tá thủ thuật khác để thu lợi nhuận từ khách hàng. Ví dụ, tăng thêm nhiều hoạt động khác nhau để buộc người chơi mua skin, nạp tiền để được nhận skin cao cấp hơn...

Dù ban đầu bạn không sẵn sàng “rót tiền” vào nó đi chăng nữa thì dần dần, khi mà hàng trăm, hàng nghìn người chơi khác cũng rất muốn nhân vật đó hay bộ skin độc quyền đó, bạn cũng rất có khả năng sẽ bỏ tiền ra mua. Thêm nữa, những người đã mua sẽ có xu hướng tiếp tục mua. Thực chất, chỉ cần 1/10 lượng người dùng đã tạo nên 65% lợi nhuận của game.

Ước tính đến cuối năm nay, doanh thu từ việc bán vật phẩm trong ứng dụng sẽ đạt 37 tỉ USD - con số khổng lồ cho thấy những người chơi game di động đang chịu chơi và chịu khó "đập tiền" như thế nào.

3. Làm song song cả bản miễn phí và trả tiền

Rất ít người sẵn sàng trả tiền để chơi một tựa game mà họ chưa thử bao giờ. Đây là lý mà nhiều nhà phát triển tạo ra song song cả bản “Regular” (chuẩn) và bản “Lite” (Rút gọn) để người dùng trải nghiệm. Link dẫn tới bản chuẩn sẽ được đính kèm trong bản Rút gọn miễn phí.

Đây là điều tiện cả đôi đường, vì nó cho khách hàng cái nhìn tổng quan về dịch vụ mà họ sẽ được hưởng, cũng như làm việc mua bán trở nên dễ dàng hơn nhờ link đính kèm.

4. Tính phí khi cài đặt

Ví dụ như khi bạn đang chơi 1 game, sẽ có một tin nhắn nổi lên màn hình mời kéo bạn cài thêm một game khác. Cái tên nói lên tất cả, khi bạn cài đặt tựa game được gợi ý này, nhà phát triển sẽ được tiền.

Thị trường game bây giờ đã trở thành một ngành công nghiệp giải trí khổng lồ. Trong bất cứ một mô hình kinh doanh nào, tiền phải tới từ người mua hàng. Và ở đây, có thể coi người mua chính là những người chơi game.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập