4 tính năng "đến rồi đi" của điện thoại không phải ai cũng biết

Long Do
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Điện thoại có lịch sử khá dài nên đã từng xuất hiện rất nhiều tính năng "đến rồi lại đi".

Những năm gần đây các nhà sản xuất điện thoại liên tục có những ý tưởng thiết kế và tính năng táo bạo cho các sản phẩm của mình. Ví dụ như tai thỏ trên iPhone X được ra mắt từ năm 2017, hay điện thoại màn hình gập của Samsung, Huawei... Hay là camera hiển vi trên Oppo Find X3 Pro, camera tiềm vọng.... Và nhờ vào những thay đổi trong xu hướng thiết kế và sự lỗi thời của các công nghệ cũ đã khiến điện thoại thông minh dần dần loại bỏ nhiều tính năng phần cứng đã từng phổ biến.

Dưới đây là những tính năng phần cứng đã từng rất thịnh hành và hiện tại không còn cần thiết nữa.

Bàn phím QWERTY

Những chiếc điện thoại ngày xưa đều trang bị bàn phím QWERTY vật lý. Từ Palm Treo 650 đến Nokia E71, Nokia E63, BlackBerry Bold 8800, BlackBerry Bold 9900, và nhiều máy khác, mình dám chắc là anh em nào ở đây cũng từng dùng qua một chiếc điện thoại bàn phím QWERTY rồi luôn.

Cảm giác gõ trên bàn phím QWERTY là điều mà các smartphone hiện tại vẫn chưa thể tái tạo được khi gõ trên một tấm kính. Ngày xưa mình còn gõ mà không cần nhìn luôn vì có thể dùng xúc giác mò chữ chứ còn trên màn hình kính thì chịu.

Nhưng bàn phím này cũng có điểm hạn chế. Đầu tiên là ĐAU. Chính xác là đau thật đấy. Việc gõ bàn phím vật lý trong khoảng thời gian dài làm ngón tay mình bị đau và nhức. Và việc gõ phím trên màn hình thì chẳng bị bất kì vấn đề gì cả, thậm chí nó còn giúp màn hình có kích thước to hơn chứ không phải một nhúm như lúc còn dùng bàn phím QWERTY.

Mình vẫn nhớ nhưng không hề muốn bàn phím QWERTY sẽ trở lại một chút này cả. 

Cổng sạc độc quyền

Trước USB-C, đã có micro-USB và trên một số thiết bị thậm chí có cả mini-USB. Nhưng trước cả đấy là thời đại của cổng sạc độc quyền. Nokia thường ưa chuộng các chân sạc tròn, mỏng trong khi Motorola lại chọn những loại cáp có kiểu dáng kỳ quặc trông giống như những con rắn thu nhỏ. Apple đã dùng cổng 30 pin của mình cho những chiếc iPhone đầu tiên. 

Vào thời điểm đấy mượn sạc của nhau là một vấn đề khá lớn. Còn bây giờ thì USB-C đã trở thành quy chuẩn cho cổng sạc và kết nối của các thiết bị di động và phụ kiện rồi. Nên mọi việc trở nên dễ dàng hơn khi bạn đi chơi mà không mang theo sạc. Ngoài USB-C thì vẫn có cổng Lightning và đôi khi là micro-USB nhưng phổ biến nhất hiện tại thì vẫn là USB-C thôi.

Pin có thể tháo rời

Pin tháo rời được đã từng là tiêu chuẩn của điện thoại. Gần như mọi thiết bị điện thoại ngày xưa đều có thể tháo được nắp lưng và pin ở đằng sau. Mặc dù tính năng nay có thể giúp mọi người có thể thay pin dự phòng để tiếp tục sử dụng khi không có thời gian sạc máy. Nhưng mình toàn dùng để tắt máy và reset máy nhanh khi bị đơ. Các hãng như Samsung, Nokia và đa số các nhà sản xuất thiết bị Android còn bán pin dự phòng và bán cả đế sạc rời cho những viên pin đó.

Hiện tại thì pin của điện thoại đã phát triển hơn rất nhiều rồi. Nhất là trong khoảng 10 năm đổ lại đây. Một viên pin liền vẫn xuống cấp theo thời gian nhưng thời gian sử dụng có thể lên đến 2-4 năm trước khi cần phải thay nên chả phải vấn đề gì to cả.

Và người dùng bây giờ ưa chuộng các thiết kế  làm từ kim loại và kính hơn là nhựa và polycarbonate. Hơn nữa, mọi người muốn điện thoại có khả năng chống nước và bụi bẩn hơn. Thiết kế pin rời gần như không đáp ứng được tính năng này. Những thay đổi trong xu hướng mua của người dùng cũng dẫn đến những thay đổi trong thiết kế phần cứng.

Và sự có mặt của pin dự phòng và sạc nhanh cũng giúp giải quyết các vấn đề về thời gian. Một viên pin 10000mAh giờ gần như chỉ ngang bằng với một chiếc điện thoại, sạc cho cả điện thoại và cả các phụ kiện khác (tai nghe, đồng hồ). 

Ăng-ten bên ngoài

Ăng-ten có đủ hình dạng và kích cỡ. Một số cao và gầy, trong khi những máy khác thấp và béo. Một số còn kéo dài ra được để bắt sóng tốt hơn. Nhưng những ăng-ten bên ngoài mang đến một ngoại hình khá xấu và vướng víu khi sử  dụng.

May mà bây giờ ăng-ten và sóng điện thoại đã tốt hơn nên các nhà sản xuất có thể cho ăng-ten ẩn bên trong máy. 

 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập