article detail

92% người dùng Internet Việt Nam có chơi game, cao hơn cả Trung Quốc, Hàn Quốc

3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Việt Nam đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng về tỷ lệ người dùng Internet có chơi game trong khu vực APAC.

Những năm gần đây, thị trường game trực tuyến toàn thế giới đã và đang tăng trưởng với tốc độ siêu nhanh. Tencent của Trung Quốc hay VNG của Việt Nam đều là một trong số những ông lớn, có những thành công vượt bậc trong việc phát hành game. Thậm chí, 80% doanh thu của VNG trong nhiều năm qua đến từ mảng game và cũng giúp tập đoàn này giữ vững vị thế là 1 "kỳ lân khởi nghiệp" của Việt Nam.

Người dân nước ta được đánh giá là khá yêu game và hình ảnh người chơi game trên điện thoại, laptop, PC là rất dễ gặp trong cuộc sống thường ngày. Và theo báo cáo mới nhất của We are social ft Hootsuite, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam có chơi game cũng đã lên tới 92,1%.

Con số này đưa nước ta lên vị trí thứ 5 trong khu vực APAC (Châu Á Thái Bình Dương) về tỷ lệ người dùng Internet chơi game năm 2021. Việt Nam xếp sau Thái Lan (96,6%), Phillipines (95,8%), Indonesia (94,5%) và Ấn Độ (92,8%) với khoảng cách không quá xa.

Khá bất ngờ là Việt Nam cũng đứng trên hai cường quốc về game là Trung Quốc (88,6%) và Hàn Quốc (83,6%). Đây là hai quốc gia dẫn đầu thế giới về eSports trong nhiều năm qua trong các giải đấu chuyên nghiệp, tuy nhiên Việt Nam lại đứng trên về mức độ người chơi game phổ biến. Các quốc gia/vùng lãnh thổ còn lại được đưa vào bảng thống kê bao gồm: Đài Loan, Malaysia, Hồng Kông, Singapore, New Zealand và Australia. 

Ngoài ra, bảng thống kê cũng đề cập tới một số thể loại game phổ biến theo độ tuổi. Theo đó, 2 dòng game ShooterAction Adventure được yêu thích nhất ở 4 độ tuổi, kể từ 16 đến 54.

Tại Việt Nam, một số game thuộc hai thể loại trên được nhiều người yêu thích có thể kể tới như Counter-Strike: Global Offensive, PlayerUnknown's Battlegrounds, The Witcher 3: Wild Hunt, Tomb Raider,... Còn lại, những người lớn tuổi có xu hướng lựa chọn những tựa game Puzzle (giải đố).

Nhìn chung, thống kê trên cũng cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về mức độ phổ biến của game tại từng quốc gia trong khu vực APAC. Các con số trên đều rất cao, và sẽ còn ngày càng phát triển hơn nữa nhất là khi đại dịch COVI-19 đang diễn biến phức tạp. Các nhà phát hành game nếu bắt kịp được xu hướng này chắc chắn sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập