AMD đăng kí bản quyền chiplet AI, card đồ hoạ Radeon tiếp theo sẽ có tính năng như DLSS?
Mặc dù AMD đã vượt qua được “ải” Intel để vươn lên trở thành nhà sản xuất CPU phổ thông mạnh mẽ nhất thế giới. Tuy vây, để có thể thuyết phục được người dùng nói chung và các game thủ nói riêng sử dụng một hệ thống 100% đến từ AMD quả thực là vẫn còn cả một chặng đường dài.
Đối với thế giới game, để có thể chơi mượt một tựa game AAA với đồ hoạ thế hệ mới ở độ phân giải FHD hiện nay không phải chiếc máy tính nào cũng làm được. Chúng ta có thể lấy Cyber Punk 2077 là một ví dụ điển hình. Trải nghiệm game 4K hiện nay cũng không còn là điều quá xa xỉ với những game thủ tầm trung nữa.
Để có thể trải nghiệm một đẳng cấp đồ hoạ khác biệt với Ray Tracing, AMD cũng phải dấn thân vào con đường này như cách mà Nvidia đã làm trước đó. Tất cả những nhu cầu của người dùng đều đổ dồn lên một chiếc card đồ hoạ với nhân xử lý thông thường là quá nặng nề. Nvidia đã rất khôn ngoan khi sớm ứng dụng nhân AI vào mỗi chiếc card đồ hoạ. DLSS thực sự là cứu cánh cho những hệ thống chẳng mấy dư dả nhưng nhu cầu chơi game thì lại siêu to khổng lồ.
Điểm yếu chí mạng của AMD là không có yếu tố AI để hỗ trợ game thủ có được những trải nghiệm mượt mà hơn bình thường. Mặc dù AMD có bù lại cho game thủ bằng SAM, nhưng nó không đủ sức thuyết phục như DLSS của Nvidia. So sánh những thứ không giống nhau chỉ làm cho đầu óc họ rối bời hơn mà thôi. Game thủ thì chỉ cần biết là chơi game mượt, DLSS đã chứng minh được điều đó. Còn với SAM thì không phải ai cũng có CPU và bo mạch chủ AMD mới nhất để có thể hỗ trợ tính năng này. 1-0 cho Nvidia.
Tất nhiên, AMD Radeon không thể nào chịu thua Nvidia được. Mới đây, AMD đã đăng ký bản quyền cho một thứ được gọi là Chiplet Machine Learning Accelerator (tạm dịch là hệ thống gia tốc máy học dạng chiplet). Nói đến chiplet, chắc nhiều người cũng đã biết qua về khái niệm này. Đó là cách để lắp ghép các mô đun vi xử lý riêng biệt lại thành một con chip hoàn chỉnh. Nó khác với cách tạo ra những CPU hoặc GPU trên một die chung nhưng cũng không hề giống với cấu trúc của một SoC. Rất có thể cấu trúc này sẽ xuất hiện ngay trên những chiếc card đồ hoạ thế hệ tiếp theo của AMD cùng với GPU RDNA3.
Với máy học dạng chiplet của AMD, nó không nhất thiết phải được sản xuất trên tiến trình 7nm như các nhân GPU thông thường, nó có thể được sản xuất ở tiến trình 14nm hoặc cao cấp hơn 1 chút là 12nm. Đây cũng là cách để tiết kiệm chi phí và giảm bớt gánh nặng của các nhà máy sản xuất chip cho AMD trong thời điểm hiện tại.
Lại thêm một lý do nữa để chúng ta chờ đợi những chiếc card đồ hoạ thế hệ mới của AMD. Khi đó, rất có thể AMD sẽ đủ sức thuyết phục với người dùng hơn là ở thời điểm hiện tại.