article detail

AMD ở CES 2023 có gì mà hot vậy ta?

Hoang Nguyen
1 năm trước
Cập nhật 1 năm trước
Radeon RX RDNA3 mới, Ryzen 7000 mới và hàng loạt công nghệ mới cũng đã được AMD cho ra lò!

CES 2023 thực sự là ngày mà các hãng công nghệ bùng nổ thực sự với hàng loạt sản phẩm mới từ chip tới các công nghệ tân tiến như xe điện được ra mắt. Thế nhưng hầu hết những con mắt tinh quái của những fan công nghệ đều đổ dồn vào cuộc đại chiến giữa bộ ba AMD, Intel và NVIDIA. Vậy thì cùng mình tổng hợp lại những gì mà AMD đã khoe ra đợt CES 2023 nhé anh em, cùng với đó là đánh giá xem, sản phẩm nào là sản phẩm ấn tượng nhất của hãng trong năm nay nhé! 

Ryzen 7000 trên laptop

Ryzen 7045HX Dragon Range - Cơ bắp, xôi thịt dành cho gaming hiệu năng cao và máy trạm!

Có vẻ như năm nay, với dòng laptop gaming thuần tuý như ROG Strix SCAR hay Razer Blade, dòng chip hiệu năng khủng Ryzen 7045HX như là một lựa chọn phải có bên cạnh dòng HX cũng của chính Intel. Dòng chip này như là một phiên bản của dòng X trên laptop vậy, với thiết kế "chiplet" sử dụng kiến trúc Zen 4 với TDP từ 55W. Nó được sản xuất trên quy trình 5nm của TSMC, nhưng vì thiết kế "chiplet" nên một số thành phần quan trọng thì lại sử dụng quy trình 6nm của hãng phần mềm Đài Loan, không khác gì dòng Ryzen 7000X trên laptop cả. Card đồ hoạ tích hợp của nó sẽ không phải loại RDNA3 mới nhất mà chỉ là RDNA2 cũ hơn, nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng vì những chiếc laptop HX sẽ luôn đi kèm với card đồ hoạ rời tới từ chính AMD hay NVIDIA. 

APU lần này của AMD sẽ có tối đa 16 nhân và 32 luồng, à và trước khi fan Intel so sánh với 24 nhân 32 luồng của con chip Core i9-13980HX, thì con chip Ryzen lần này có 16 nhân đều là nhân hiệu năng cao với xung nhịp tối đa là 5.4GHz, trong khi Intel có số nhân tuy cao hơn nhưng lại chỉ có 8 nhân hiệu năng cao đạt mức xung là 5.7GHz - 5.8GHz. APU của AMD cũng có tối đa 80MB Cache, cho hiệu năng đạt mức tối đa. Một số chiếc laptop với hiệu năng khoẻ cũng đủ sức kéo con CPU này lên ăn tới 100W điện, theo AMD. 

Khi so sánh với con chip Ryzen 9 - 6900HX, thì con chip 7945HX có mức hiệu suất cao hơn tới 62% tuỳ từng tác vụ. Hiệu năng đơn nhân tăng tới 18% và đa nhân là 78%, vì bản thân Dragon Range lần này có số nhân / luồng cao hơn hẳn so với người tiền nhiệm. Hiệu năng cao như vậy với thân hình của 1 chiếc laptop thì mình nghĩ các bạn sẽ nên kiếm chỗ nào có ổ điện và không yêu cầu sự yên tĩnh tuyệt đối để tránh việc đang làm việc lại hết pin và độ ồn của quạt gió quá lớn. 

Tuy là dòng chip mạnh nhất với hiệu năng khủng cùng với khả năng làm việc cường độ cao, tuy nhiên AMD sẽ không ra mắt quá nhiều dòng HX. Ở đây chúng ta sẽ chỉ có 4 con APU HX tới từ AMD mà thôi, và đó chính là:

  • Ryzen 5 - 7645HX: 6 nhân (4.0 - 5.0GHz) / 12 luồng, 38MB Cache, TDP 45W
  • Ryzen 7 - 7745HX: 8 nhân (3.6 - 5.1GHz) / 16 luồng, 40MB Cache, TDP 45W
  • Ryzen 9 - 7845HX: 12 nhân (3.0 - 5.2GHz) / 24 luồng, 76MB Cache, TDP 45W
  • Ryzen 9 - 7945HX: 16 nhân (2.5 - 5.4GHz) / 32 luồng, 80MB Cache, TDP 55W. 

Ryzen 7040 Phoenix - Chủ lực của AMD dành cho dòng laptop hiệu năng cao nhưng đề cao tính di động!

Khác với dòng HX vốn sẽ cho hiệu năng đạt đỉnh, thì dòng chip 7040 Phoenix vốn sẽ giống sự kết hợp giữa dòng H và P của Intel, khi cũng cho hiệu năng cao, khả năng làm việc tốt nhưng sẽ đề cao vào tính di động nhiều hơn. Nó sẽ có TDP tối đa là 45W với những dòng chip cao cấp, và 35W tuỳ vào những con máy có mức hiệu năng cùng với độ mỏng ấn tượng, từ đó cho thời lượng pin sử dụng tốt hơn rất nhiều so với dòng HX của hãng. Vì là dòng CPU chủ lực của hãng nên khi so với Dragon Range HX thì Phoenix sẽ được ưu ái hơn rất nhiều, chẳng hạn như APU Ryzen 7040 cũng được dựa trên quy trình Zen 4 4nm thay cho 5nm như thế hệ Zen 3+ hay Zen 4 HX, GPU Radeon RDNA3 tích hợp sẵn thay vì RDNA2. 

Đặc biệt đó chính là một kiến trúc tích hợp có tên là Ryzen AI Engine, giúp tăng tốc độ xử lý các tác vụ liên quan tới AI, tương tự giải pháp của Apple trên dòng chip M series. Ryzen AI Engine được dựa trên kiến trúc XDNA mới của Xilinx, một trong những startup được AMD mua lại để tăng cường giải pháp trí tuệ nhân tạo cho các sản phẩm của mình. Thậm chí AMD còn sẵn sàng tung ra một roadmap riêng cho kiến trúc AI này, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có XDNA2 và XDNA3 trong tương lai. Hãng cũng hợp tác với Microsoft để tăng cường giải pháp trí tuệ nhân tạo trên Windows. 

Hiện tại dòng chip Ryzen 7040 Phoenix mới có dòng chip HS dành cho máy mỏng nhẹ, nhưng trong tương lai những con chip U và thậm chí là H cũng sẽ sử dụng kiến trúc này. Chúng ta có:

  • Ryzen 5 - 7640HS: 6 nhân (4.3 - 5.0GHz) / 12 luồng, 38MB Cache, TDP 35W - 45W
  • Ryzen 7 - 7840HS: 8 nhân (3.8 - 5.1GHz) / 16 luồng, 40MB Cache, TDP 35W - 45W.
  • Ryzen 9 - 7940HS: 8 nhân (4.0 - 5.2GHz) / 16 luồng, 40MB Cache, TDP 35W - 45W. 

Ryzen 7030 và 7035 Rembrandt-R và Barcelo-R, coi chừng kẻo hớ! 

Cũng là Ryzen 7000 nhưng nó lạ lắm, AMD năm nay cũng tung một loạt dòng chip thuộc dòng Rembrandt Zen 3 cũ nhưng được làm lại dưới cái tên Ryzen 7030 và 7035. Như cái tên của nó, nó cũng sẽ có những gì mà chúng ta kì vọng ở một dòng Zen 3 refresh như quy trình sản xuất 6nm (Rembrandt R) và 7nm (Barcelo-R), tương ứng với hai kiến trúc Zen 3+ trên Ryzen 6000 và Zen 3 trên Ryzen 5000. Khó tin là AMD lại tích hợp 2 dòng chip từ quá khứ và cho chúng đội mồ sống dậy ngay tức khắc thế này, nhưng thật may mắn đó chính là định hướng của AMD khi ra mắt dải sản phẩm này là tập trung vào thị trường entry-level giá thấp, phù hợp cho những người muốn triển laptop mới nhưng không quá dư dả về tài chính.

Riêng dòng Rembrandt-R còn có 2 con APU thuộc dòng hiệu năng tốt như Ryzen 7 - 7735HS và Ryzen 5 - 7535HS, phục vụ trên những chiếc laptop gaming có mức giá thấp để đưa dòng gaming tiết kiệm hơn đối với mọi người. Với những người không quan trọng quá nhiều vào hiệu năng hay các doanh nghiệp muốn có một chiếc laptop ở mức độ bảo mật cao nhất, thì dòng Ryzen 7030 Barcelo-R còn có phiên bản Ryzen PRO phục vụ cho mọi người. Tất cả các con chip Ryzen PRO đều có 8 nhân 16 luồng, với xung tối đa là 4.5GHz. 

Phiên bản 7035 Rembrandt R và 7020 Mendocino sẽ sử dụng nhân đồ hoạ RDNA2, trong khi dòng 7030 Barcelo-R sẽ dùng card đồ hoạ tích hợp Vega.

Ryzen 7000 trên desktop

Quái vật gaming hiệu năng cao với 3D V-Cache - Ryzen 7000X3D!

AMD đã khiến cả thế giới phải bất ngờ khi họ thử nghiệm con chip Ryzen 7 - 5800X nhưng với công nghệ cực kì mới đó là 3D V-Cache và gọi tên nó là Ryzen 7 - 5800X3D. Bất chấp chỉ có 8 nhân 16 luồng, nhưng với lượng cache cao kỉ lục, nó khiến cho con chip này giờ đây vẫn có thể đứng vững ngay cả với những con chip huyền thoại nhất của nhà Intel đó là Core i9-12900K hay bản thân nhà AMD đó là Ryzen 9 - 5900X. Nhiều fan đã đặt ra câu hỏi đó chính là tại sao AMD không "phổ cập" dòng AMD X3D của mình, và giờ đội đỏ đã có câu trả lời cho việc đó.

AMD đã chính thức giới thiệu 3 con chip mà khiến cho người ta khi nhìn vào phải há hốc mồm, đó là series 7000X3D mới toanh của hãng, gồm 3 con chip Ryzen 9 - 7950X3D, Ryzen 9 - 7900X3D và Ryzen 7 - 7800X3D. Nó đều được sử dụng quy trình TSMC 5nm với TDP lên tới 120W, với số nhân tương ứng là 16, 12 và 8. Mặc dù nhìn với Intel thì có vẻ ít nhân như vậy, nhưng số nhân P thực tế của con chip mạnh mẽ nhất nhà Intel đó là Core i9-13900KS cũng chỉ dừng lại ở con số 8, nên với 16 nhân hiệu năng cao nhà AMD với xung nhịp khá là tương đồng với dòng chip mạnh mẽ nhất của Intel, thì chắc chắn năm nay cuộc đấu nóng nhất năm sẽ là giữa 13900KS và 7950X3D rồi. 

Bản thân số Cache của AMD đã nhiều gấp tới gần 4 lần so với Intel, khi nó có tận 140MB Cache thay vì chỉ 36MB Intel Smart Cache và 32MB L2 như đội xanh. Nó sử dụng socket Raphael AM5 mới nhất, nhưng mức tiêu thụ điện cao nhất vẫn đang là con số bí ẩn. Intel với con chip i9-13900KS đã là 253W rồi, chắc AMD vốn với hiệu quả năng lượng tốt hơn sẽ có mức tiêu thụ điện tối đa tương đương mà thôi, đặc biệt là khi con chip Ryzen 9 - 7900X3D cũng có mức tiêu thụ điện nằm trong khoảng ấy, 230W. 

Về mức hiệu năng, AMD cho rằng hiệu năng gaming có thể cao hơn con i9-13900K tới 24%, làm việc cao hơn tới từ 4 - 52% tuỳ tác vụ. 

Ryzen 7000 "non-X" 65W cũng ra mắt - giá rẻ hơn nhưng không kém cạnh gì dòng X! 

Đối với mức giá cao đến mức khiến cho các fan phải ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật người của dòng X, mức giá của dòng non-X Ryzen 7000 mới ra mắt chắc chắn là sự lựa chọn khá là hời rồi. Nó dường như là cú đánh của AMD nhằm hạ giá mainboard AM5 vốn còn mới và đang có mức giá cao trên thị trường. Tuy là vậy nhưng dòng Ryzen 7000 non-X cũng không hỗ trợ chuẩn bộ nhớ DDR4 mà chỉ có DDR5 mới hơn, nên mức giá giảm xuống cũng sẽ không đáng kể, và Intel vẫn đang có chút lợi thế ở đây. Ngạc nhiên thay, đó là dòng Ryzen non X năm nay cũng đi kèm với quạt tản nhiệt tích hợp, cùng với đó là Precision Boost Overdrive, một cơ chế giúp đẩy hiệu năng lên cao hơn cả thông số có trong con chip, nói cách khác là gần như overclock con chip này lên, và kết quả cho ra tương đương hay chỉ thấp hơn 1 chút so với dòng X mà thôi. 

Mức TDP 65W của Ryzen non X cũng khá lí tưởng, nhưng mà full load thì con chip này cũng chỉ ở mức 88W, khá là tiết kiệm điện đấy nha. Việc sử dụng socket AM5 cũng đủ để giúp cho hãng có được tích hợp làn bộ nhớ PCIe 5.0 mới nhất, và sẽ sử dụng đủ 16 làn bộ nhớ này khi sử dụng SSD M2 có chuẩn PCIe mới nhất này. 

Về mặt hiệu năng, con chip non-X của AMD cũng đủ để tạo ra sự khác biệt so với thế hệ trước, tức là con chip Ryzen 9 - 5900X của hãng. Nó sẽ cho hiệu suất gaming tăng từ 7 - 31% và hiệu suất làm việc cũng tăng tới gần 50%. Chúng ta vẫn chưa có bảng so sánh hiệu suất ở đây, là bởi vì dòng Intel Gen 13 non K năm nay khá là kín tiếng. 

RDNA3 trên laptop!

Radeon RX 7600M series, RX 7600S và RX 7700S, kẻ thay thế RTX 3060?

Tuy đã rất cố gắng thế nhưng dòng card đồ hoạ rời trên laptop của AMD thực sự vẫn chưa đủ sức để đối đầu 1-1 với card đồ hoạ rời tới từ NVIDIA. Năm nay thế lực ấy còn bị bỏ xa hơn nữa với dòng card RTX 40, thì cũng may mắn là AMD cũng đã có cho mình 1 câu trả lời, tuy là nó không có mạnh mẽ như người ta mong đợi. 

Được sản xuất dựa trên quy trình 6nm của TSMC và sử dụng kiến trúc RDNA3, Radeon RX mới năm nay có bốn con GPU rời cùng cạnh tranh với 1 phân khúc đó chính là gaming tầm trung. Ở đây chúng ta có RX 7600S và 7700S để cạnh tranh trên mặt trận laptop ultrabook multimedia hiệu năng cao và dòng gaming mỏng nhẹ, và card RX 7600M và người em XT trên mặt trận laptop gaming truyền thống. AMD không nói ra silicon nó sử dụng là gì nhưng theo chuyên trang Tom's Hardware thì nó sử dụng con silicon có tên là Navi 33. 

RX 7600M XT sẽ có 32 nhân tính toán máy học, với mức TGP nằm ở khoảng từ 75 đến 120W điện. Nó cho sức mạnh đạt 32TFLOPS ở bài FP32. RX 7600M sẽ yếu hơn 1 chút khi nó ăn tối đa 90W điện, và chỉ có 28 nhân máy học mà thôi. Phiên bản dòng S dành cho ultrabook đó là RX7600S và 7700S cũng sẽ có cấu hình tương tự như thế này, chỉ khác ở mức điện tiêu thụ. Với con GPU Radeon RX 7700S, nó sẽ ăn ở mức tối đa là 100W điện còn 7600S sẽ là 75W điện. Cả 4 con đều có bộ nhớ là 8GB VRAM theo chuẩn GDDR6, với bộ nhớ 128-bit và 32MB Infinity Cache. Để so sánh, RTX 4060 8GB Laptop sẽ chỉ có bộ nhớ 96-bit và RTX 4070 12GB laptop sẽ có bộ nhớ ở mức 128-bit, nên có vẻ như nó sẽ là cuộc đấu khá là cân bằng. 

Mọi công nghệ mới như AMD FidelityFX, SmartShift RDR và Smart Access cũng đều xuất hiện trên đây! Hiệu năng được phía đội đỏ kì vọng sẽ nằm ở mức ngang ngửa RTX 3060, nhưng là RTX 3060 desktop! So với phiên bản trước thì con GPU RX 7600M XT sẽ cho mức hiệu năng tốt hơn 39% so với RX 6600M, một mức so sánh có thể nói là khá khập khiễng, nhưng khi so với với RTX 3060 desktop (cả phiên bản 8GB và 12GB) thì hiệu năng có thể nói khá là ấn tượng khi mà AMD hơn tới 7% cho đến tận 37% tuỳ từng tựa game. Dòng S cũng có sự nhảy vọt khi phiên bản RX 7700S sẽ cho hiệu năng tốt hơn tới 40% so với RX 6700S. 

Ngoài ra, hãng còn ra mắt RX 6550M, RX 6550S và RX 6450M, tất cả đều là dòng entry level với 4GB VRAM GDDR6. Chắc là hãng muốn cạnh tranh cả với GTX 1650, RTX 2050 và 3050 4GB đây. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập