Apple AirTag đây rồi!
Ngay sau khi AirTag được công bố, sức nóng của sản phẩm này đã phủ sóng mọi nền tảng truyền thông, mạng xã hội. Chúng ta chú ý bởi AirTag là một sản phẩm hoàn toàn mới, AirTag dễ dàng sử dụng trong thực tế và giá của nó không hề rẻ. Tại CellphoneS, giá bán chính hãng của Apple AirTag hiện tại là 790.000 đồng, đây là một mức giá khá cao cho một một phụ kiện nhỏ chỉ bằng cái nắp chai.
Và sau 2 tuần ra mắt, AirTag cũng đã về tới thị trường Việt Nam. Hãy cùng xem, “móc khoá Apple” có gì và trải nghiệm thực tế ra sao nhé!
Thiết kế
Ngay khi cầm trên tay, tính từ đầu tiên mình nghĩ đến là “nhỏ gọn”. Mặc dù đã tưởng tượng được kích thước qua video của Apple, tuy nhiên mình vẫn không nghĩ là nó nhỏ đến vậy. Cụ thể, AirTag có kích thước đường kính khoảng 3cm và dày 6mm (phần dày nhất). Mình nghĩ nó sẽ khá mỏng, tuy nhiên trên thực tế nó dày gần bằng iPhone 12.
AirTag có một bên là màu trắng, bên kia là thép không gỉ (mặt sau). Ở giữa mặt sau là logo Táo được phủ một lớp sơn trắng, cho cái nhìn khá tinh tế. Tuy nhiên, mình khá thất vọng khi phần vòng ngoài là quá nhiều thông tin bằng chữ. Nó bao gồm cái tên AirTag; nơi sản xuất Designed by Apple in California, Assembled in China; công nghệ Bluetooth LE, Ultra Wideband. Nó đầy đủ thông tin, tuy nhiên là quá nhiều chữ khiến sản phẩm mất đi độ cao cấp mà nó mang lại cho người dùng. Đơn giản là logo Táo ở mặt lưng tương tự iPhone, vậy là đủ!
Về chất liệu, AirTag được phủ bóng ở cả hai mặt trên và dưới. Lớp crom bóng ở mặt dưới giúp nó “sang” hơn hẳn so với Samsung Galaxy SmartTags có mức giá gần tương đương. Tuy nhiên, người dùng sẽ bị đánh đổi bằng độ bền, AirTag sẽ cực kỳ dễ xước trong quá trình sử dụng. Nếu thử chà xát cả 2 mặt này với bề mặt bàn hay tường, AirTag sẽ có vô vàn vết xước dăm. Phần phụ kiện đeo của AirTag cũng phần nào che kín được lớp viền ngoài, tuy nhiên nó không đáng kể. Do đó, hãy thật cẩn thận khi dùng AirTag nhé!
Apple AirTag có một lớp seal nilon bọc ở ngoài giúp bảo vệ sản phẩm, đồng thời còn có phần ngăn pin không cho kết nối với AirTag. Nếu muốn khởi động, bạn sẽ phải tháo phần seal này ra.
Trên thực tế, nó được xếp hạng IP67 về khả năng chống bụi và nước và có thể sống sót khi bị nhấn chìm tới 1 mét (khoảng 3 feet) trong 30 phút. Và tất nhiên mình sẽ không thử nhấn nó xuống nước bởi kết quả thử nghiệm chắc chắn sẽ khác xa so với thực tế.
Đằng sau mặt sau bằng thép không gỉ là pin CR2032 có thể thay thế. Viên pin này được Apple tuyên bố sẽ giúp AirTag sử dụng được trong suốt một năm. Khi dung lượng pin xuống mức thấp, iPhone của bạn sẽ nhận được thông báo để thay thế pin kịp thời. Mình khá thích cách làm này của Apple bởi pin CR2032 là rất dễ tìm và cũng không hề đắt.
Thiết lập và trải nghiệm nhanh
Là một thiết bị trong hệ sinh thái Apple, người dùng chắc chắn sẽ nhận được trải nghiệm kết nối cực kỳ nhanh chóng. Mình chỉ cần kéo lớp seal ngăn pin, mang nó đến gần iPhone và chạm vào nút Kết nối. Nó hoàn toàn tương tự như thiết lập một cặp AirPods mới. Tuy nhiên, trước đó hãy nhớ cập nhật iPhone lên iOS 14.5, đăng nhập vào tài khoản iCloud và xác minh mã khóa trên iPhone nhé! Trên thực tế, mình mất chưa tới 30 giây để thiết lập xong AirTag với iPhone. Sau đó, mình sẽ được nhắc đặt tên cho nó.
Sau khi AirTag được gắn với ID Apple, bạn có thể sử dụng ứng dụng Tìm và tương tác với nó trong tab Mục. Để giúp bạn tìm thấy bất kỳ đồ dùng nào được gắn với “móc khoá Apple”, bạn có thể cho AirTag phát âm thanh bằng cách chạm vào mục trong ứng dụng. AirTag sử dụng bề mặt của nó như một bộ truyền động âm thanh để tạo ra âm thanh do đó nó cũng không có bất kỳ lỗ nào để làm loa.
Ngay cả khi bạn không mở ứng dụng Tìm trên iPhone, bạn có thể nói, ví dụ: "Hey Siri, ThinkView của tôi đâu?" AirTag sẽ phát ra âm thanh để bạn có thể dễ dàng tìm ra nó.
Để sử dụng AirTag một cách trọn vẹn nhất, người dùng bắt buộc phải sở hữu iPhone 11 trở lên. Với những thiết bị từ iPhone XS Max đổ về trước, AirTag sẽ không có tính năng định vị chính xác (theo từng mét). iPhone 11 và 12 mới được Apple trang bị chip U1 để xác định khoảng cách và hướng chính xác để đưa bạn đến tìm đến AirTag.
Khi tìm AirTag, Apple cũng đã tạo nên một giao diện thực sự thú vị bật lên trên iPhone để hướng dẫn tìm. Nó sử dụng camera của iPhone, phần mềm ARKit, gia tốc kế và con quay hồi chuyển, cùng với dữ liệu từ AirTag để tạo ra một hướng dẫn trực quan nhất. Từ đó, hướng dẫn bạn đến vị trí chính xác nhất khi tìm kiếm. Tìm kiếm chính xác (theo từng mét) sẽ chỉ hoạt động trong phạm vi Bluetooth của AirTag.
Nhìn chung, AirTag sẽ là một phụ kiện hữu ích với người yêu công nghệ. Nó giúp chúng ta dễ dàng tìm đồ đạc hơn trong cuộc sống, bất kể nó ở ngóc ngách nào trên thế giới! ThinkView sẽ sớm có bài viết và video đánh giá chi tiết Apple AirTag ngay trong tuần này, hãy cùng chờ đón trước khi quyết định chi tiền sở hữu một "em" AirTag nhé!
Hiện tại sản hẩm đđã có hàng chính hãng, nếu mua lẻ thì AirTag sẽ có giá ở mức 790.000 đồng. Tuy nhiên, nếu khách hàng mua combo 4 chiếc, mức giá sẽ được giảm xuống chỉ từ 2.790.000 đồng. Tham khảo tại giá AirTag và các sản phẩm mới vừa ra mắt của Apple tại đây!