Apple đặt kỳ vọng lớn vào Việt Nam và Ấn Độ
Theo Nikkei Asia, Apple đang muốn tăng cường sản xuất iPhone, iPad, Macbook và các sản phẩm khác tại Việt Nam và Ấn Độ. Đây là dấu hiệu cho thấy gã khổng lồ công nghệ này đang tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa sản xuất, bất chấp hy vọng căng thẳng Mỹ-Trung sẽ giảm bớt dưới thời Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nikkei cho biết, việc sản xuất iPad sẽ được bắt đầu tại Việt Nam từ giữa năm nay, đánh dấu lần đầu tiên Apple cho phép sản xuất một số lượng đáng kể thiết bị bên ngoài Trung Quốc. Bên cạnh đó, Táo Khuyết cũng đang đẩy mạnh sản xuất iPhone ở Ấn Độ, phần lớn trong số đó là iPhone 11 và 12 series.
Tại Việt Nam, Apple đang vận động các nhà cung cấp mở rộng năng lực sản xuất HomePod mini mới nhất, bên cạnh các thế hệ AirPods. Trước đó, Cơ quan tài chính Nhật Bản cho biết Goertek - đối tác lắp ráp chính của Apple AirPods, đánh giá tính khả thi của việc chuyển sản xuất sang Việt Nam sớm nhất là vào cuối năm 2018.
Bên cạnh Việt Nam và Ấn Độ, Apple còn chuyển một số hoạt động sản xuất Mac mini sang Malaysia và một phần nhà máy sản xuất MacBook sang Việt Nam trong năm nay. Phần lớn hoạt động sản xuất máy tính hiện tại của hãng vẫn đang nằm ở Trung Quốc.
Các đối tác sản xuất của Apple đã và đang làm việc không ngừng để đáp ứng mong muốn Táo Khuyết về cả chất lượng và lẫn sản lượng sản xuất. Foxconn, đối tác sản xuất lớn nhất của Apple, mới đây đã đầu tư 270 triệu USD để thành lập công ty con tại Việt Nam, nhằm mở rộng năng lực sản xuất tại nước ta.
“Một phần sản lượng AirPods Pro, AirPods Max và HomePod mini cũng đã được phân bổ cho Việt Nam vào năm ngoái. Hiện tại, tình trạng thiếu nguồn cung các sản phẩm Apple đang xảy ra ở nhiều thiết bị khác nhau. Do đó, việc đẩy mạnh sản xuất ở Việt Nam và Ấn Độ cần được triển khai nhanh chóng ngay trong những tháng đầu năm 2021.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang là điểm đến ưa thích của các tập đoàn công nghệ lớn trên toàn thế giới. Với giá nhân công rẻ, chính sách rộng mở của Chính phủ và đặc biệt là khả năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt, Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn trong khoảng 2 năm gần đây.
Theo Nikkei Asia