Apple Silicon 12 core dành cho MacBook: khả thi nhưng đó không phải là điều dễ đạt được
Một tipster (người cung cấp các thông tin dự đoán) có tài khoản Twitter là LeaksApplePro đã đưa ra một dòng trạng thái mang tính phỏng đoán về Apple Silicon thế hệ tiếp theo sẽ xuất hiện trong năm 2021, cụ thể là sớm nhất là vào tháng 3. Theo như LeaksApplePro thì Apple đã sẵn sàng tung ra một SoC có 12 lõi xử lý , tức là nhiều hơn 4 lõi so với Apple M1. Như vậy, Apple không chỉ “chào tạm biệt” CPU Intel trên các dòng laptop mỏng nhẹ, nó còn bắt đầu “cà khịa” vào khả năng xử lý đa nhân của các CPU Ryzen trên các máy laptop.
Với SoC có 12 lõi xử lý chắc chắn Apple vẫn sẽ giữ nguyên số lượn 4 lõi tiết kiệm điện IceStorem và nâng số lượng các lõi FireStorm hiệu năng cao lên con số 8. Ngoài các tuyên bố về nhân CPU, mình cũng chưa thấy bất cứ thông tin gì thêm về nhân GPU trên Apple Silicon thế hệ kế tiếp. Bởi vậy nên đây rất có thể là các dự đoán phiến diện.
Sự khác biệt của Apple M1 so với đối thủ Intel về khả năng xử lý là không thể bàn cãi, ngay cả ở một vài ứng dụng x86 được chạy dưới trình phiên dịch Rosetta 2 thì Apple M1 vẫn tỏ ra vượt trội hơn. Tuy nhiên, đó là khi so sánh với chỉ riêng Intel mà thôi. Đến khi đối chọi với CPU Ryzen Mobile thì họ lại gặp một vấn đề khác, đó là hiệu năng đa nhân.
Với một CPU 4 nhân như Apple M1 mà nói thì cũng khó để mà đấu 1 chọi 1 với AMD Ryzen Mobile, nhưng nếu phiên bản tiếp theo của Apple Silicon mà có 8 nhân thì lại là một câu chuyện khác. Nó không chỉ nâng hiệu năng tổng thể của những chiếc MacBook lên nhiều lần mà còn đặc biệt đẩy mạnh hiệu năng đa nhân trên các ứng dụng.
Tất nhiên, có một số hệ lụy xuất phát từ việc đẩy một SoC từ 4 core hiệu năng cao lên gấp đôi con số đó. Đầu tiên là về nhiệt độ, chắc chắn những SoC có 8 core sẽ sinh ra nhiều nhiệt hơn những SoC chỉ có 4 core như Apple M1. Một khi đã liên quan đến nhiệt độ, chắc chắn sẽ liên quan đến thời lượng pin cùng với hệ thống tản nhiệt, và điều đó cũng ảnh hưởng luôn đến thiết kế tổng thể của một chiếc Macbook. Mặc dù vậy, nếu Apple Silicon mới được sinh ra để dành cho Macbook Pro 16”, độ lớn của chiếc máy sẽ đảm bảo tốt về thời lượng pin và hiệu năng tản nhiệt và lúc này thì Apple Silicon 12 core lại trở nên hợp lý.
Còn một hệ lụy cũng khá nghiêm trọng nữa đối với Apple Silicon 12 core đó là việc phân bổ tài nguyên bộ nhớ trên SoC. Nhờ có cấu trúc UMA, mọi khả năng xử lý trở nên nhanh chóng và độ trễ thấp hơn rất nhiều nhưng đây cũng là vấn đề xảy ra với việc phân bổ tài nguyên mỗi khi CPU và GPU hoạt động hết công suất của mình. Với Apple M1, việc cân bằng giữa CPU và GPU sử dụng RAM xem chừng là khá dễ dàng.
Tuy nhiên Apple Silicon thế hệ mới lại là chuyện khác, gấp đôi số lượng nhân hiệu năng cao đồng nghĩa với việc tiềm năng xử lý của CPU sẽ cao hơn, đã vậy lại còn là hiệu năng xử lý đa nhân việc cân bằng tài nguyên bộ nhớ cho việc xử lý giữa hai thành phần này sẽ khác trên Apple M1. Nhưng chúng ta còn chưa biết Apple có nâng cấp GPU hay không, và nếu cả GPU cũng được nâng cấp thì việc phân bổ tài nguyên sẽ lại ngày một khó khăn hơn, không chỉ cần thêm RAM mà thậm chí muốn đảm bảo hiệu năng của SoC, Apple còn phải thiết kế lại SoC để tăng cả băng thông bộ nhớ và tối ưu lại vị trí giữa các thành phần thì mới hi vọng có thể đưa 12 core này hoạt động ở điều kiện tốt nhất.
Đúng như truyền thống của Apple, họ không làm cái gì nửa vời, họ cũng không phải là người đầu tiên áp dụng công nghệ, nhưng họ luôn là người làm tốt nhất. Chính vì điều đó, mình vẫn luôn có nhiều điều hồ nghi vào khả năng phát triển của những con Apple Silicon trên nền tảng ARM, nó mạnh mẽ, nó nhanh nhưng nó cũng lộ ra nhiều nhược điểm có thể cản bước tiến của chính bản thân nó trong tương lai. Dù sao thì ít nhất chúng ta cũng phải chờ đến tháng ba tới mói có thể có được câu trả lời xác đáng từ Apple.