Bạn đã hiểu hết về khử răng cưa? SMAA, TAA, FXAA, MSAA, 2x, 4x, 8x hay 16x có ý nghĩa gì?
Khử răng cưa là gì? SMAA, TAA, FXAA với MSAA có gì khác nhau? Tại sao việc chỉnh qua lại giữa chúng lại có thể đem lại hiệu ứng hình ảnh và mức FPS khác biệt đến thế? Hãy cùng ThinkView tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.
Khử răng cưa là gì?
Đúng với tên gọi của mình, khử răng cưa (Anti-aliasing) khi bật lên sẽ giúp bạn làm mượt cạnh của các vật thể, con người,... qua đó giúp hình ảnh trong game mềm mại đáng kể so với ban đầu. Dưới đây là một ví dụ về khử răng cưa trong Genshin Impact, và hãy để ý vào phần viền bao quanh nhân vật Amber:
Khi chưa bật khử răng cưa, hình ảnh bạn nhìn thấy có thể sẽ khá là thô ráp, đặc biệt là với những game cũ. Vốn dĩ, các đường nét khi render bằng máy tính được cấu thành từ hàng triệu pixel vuông siêu nhỏ, vậy nên khi zoom kỹ chúng ta sẽ thấy vô số các khe rãnh lởm chởm do các góc vuông chồng lên nhau mà thành - gọi là răng cưa.
Về cách hoạt động, khử răng cưa sẽ lấy các pixel ở rìa vật thể làm mẫu, sau đó điều chỉnh màu sắc của các pixel lân cận để khiến chúng bớt "lộ" hơn. Hình ảnh trong mắt người chơi lúc này sẽ đỡ gai hơn, đỡ khó chịu hơn hẳn.
Các loại hình khử răng cưa
Khử răng cưa cũng có dăm bảy loại, và không phải tất cả đều sẽ xuất hiện trong game mà bạn đang chơi. Nhưng chúng cũng gần như sẽ xoay quanh các loại hình chính dưới đây:
SSAA (Super Sampling Anti-aliasing): SMAA sẽ render hình ảnh ở độ phân giải cực cao, sau đó "nén" xuống về độ phân giải nhỏ hơn để đạt chất lượng hình ảnh cao. Vì vậy, dù là hình thức khử răng cưa mạnh nhất, chúng ta cũng cần cân nhắc dùng SMAA do khả năng "ngốn" phần cứng rất cao của nó.
MSAA (Multi-Sampling Anti-aliasing): Về cơ bản, MSAA cũng có cơ chế hoạt động giống SMAA ở trên, tuy nhiên sẽ chỉ xử lý phần rìa vật thể thay vì "cân tất" như SSAA. Vì vậy, MSAA sẽ tốn ít tài nguyên hơn SSAA, nhưng hình ảnh cho ra sẽ phần nào kém hơn do không xử lý hết tất cả.
Điểm chung giữa MSAA và SSAA nằm ở việc cả hai đều khó xử lý các chi texture trong suốt, do thuật toán xác định rìa vật thể của chúng gần như không thể nhận ra các chi tiết kiểu này. Nếu muốn thấy hiệu quả khử răng cưa trên texture trong suốt, có thể bạn sẽ muốn thử Adaptive Anti-aliasing - một biến thể của MSAA. Cả SSAA và MSAA đều được coi là các hình thức Khử răng cưa truyền thống.
FXAA (Fast-Approximate Anti-aliasing): Sang đến FXAA, chúng ta sẽ lại có một cơ chế hoạt động mới so với MSAA và SSAA. FXAA sẽ áp một mảng mờ lên trên các cạnh viền, qua đó giúp chúng nhìn "mượt" hơn mà không cần upscale quá mạnh như hai loại khử truyền thống. Dưới đây là ví dụ trong Rise of the Tomb Raider, với ảnh bên phải là đã bật FXAA:
Nhờ vậy, FXAA giúp người chơi vừa có hình ảnh ồn, lại vừa tiết kiệm được kha khá tài nguyên phần cứng. Tuy vậy, với những người yêu thích độ sắc nét (Sharpness), FXAA sẽ khó có thể đáp ứng do các cạnh viền vật thể đã được làm mờ đi.
SMAA (Enhanced Subpixel Morphological Anti-Aliasing): Một kỹ thuật kết hợp của SSAA, MSAA và một hình thức khác là MLAA, có thể giảm tối đa độ mờ trong khi vẫn có thể làm mượt cạnh vật thể. Nhược điểm của SMAA cũng sẽ giống với MSAA: Khó khăn khi xử lý các texture trong suốt.
TAA / TXAA (Temporal Anti-Aliasing): Là loại khử răng cưa mới và phổ biến nhất, chỉ có trên các dòng GPU Kepler của NVIDIA. TAA có tác dụng khử các răng cưa tạm thời (Temporal Aliasing) - vốn xuất hiện khi tốc độ khung hình thấp hơn quá nhiều so với tốc độ chuyển động vốn có của vật thể trong game.
Đúng như tên gọi, TAA sẽ chọn khác khung hình gần nhau và (tạm thời) gắn chúng vào để làm mượt hình ảnh khi chuyển động. Hình ảnh trong TAA cũng đạt được độ mịn cao do kết hợp được nhiều hình thức khử răng cưa từ trước đến nay.
Ngoài ra, TAA cũng tiết kiệm tài nguyên, khiến cho hình thức này được ưa chuộng ngay cả trên các game điện thoại. Hình ảnh Genshin Impact ở trên cũng chính là ví dụ của TAA:
Bên cạnh các loại hình chính kể trên, chúng ta còn có nhiều biến thể phân nhánh khác được tối ưu riêng bởi từng hãng card đồ họa. Với NVIDIA thì đó có thể là TAA, CSAA (Coverage Sampling Anti-Aliasing) hay MFAA (Multi-Frame Anti-Aliasing). Còn sang AMD thì sẽ là một số hình thức như CFAA (Custom-Filter Anti-Aliasing) hay EQAA (Enhanced Quality Anti-Aliasing)
Các mức độ khử răng cưa
Khi chỉnh khử răng cưa, có thể các bạn sẽ thấy những con số như 2x, 4x, 8x hay 16x. Hãy hiểu đơn giản chúng là mức độ khử răng cưa cho từng hình thức, số càng cao thì độ khử càng mạnh. Tuy nhiên, sức PC có hạn, hãy tự mình cân đo đong đếm để có được chất lượng hình ảnh trên hiệu năng ổn nhất nhé.
Bên trên là một ví dụ của các mức độ khử răng cưa. Ảnh trái là chưa khử, ảnh phải là đã bật MSAA ở chế độ 2x.
Đâu là hình thức khử răng cưa phù hợp nhất?
Thật khó để nói cụ thể, vì hầu hết chúng ta sẽ sở hữu PC không giống nhau. Vì vậy, cách kiểm tra tốt nhất sẽ là vào game và tự mình thử từng cái. Nếu cái nào khiến PC của bạn vẫn ổn về khung hình, đó sẽ là lựa chọn tốt.
Còn nếu quan trọng nhất về khung hình, tắt hẳn Khử răng cưa sẽ là lựa chọn tốt nhất. Điều này thường sẽ nên làm nếu PC của bạn quá yếu, hoặc bạn chơi game FPS với màn hình tần số quét cao (CS:GO, VALORANT, Rainbow Six Siege, v.v...)
Tạm kết
Về cơ bản, đó là những gì cơ bản nhất mà bạn cần biết về Khử răng cưa - vấn đề từng làm đau đầu không ít game thủ khi mỗi tựa game AAA ra mắt. Mong rằng bài viết này sẽ có thể giải đáp thắc mắc, đồng thời giúp bạn đọc hiểu hơn về Khử răng cưa để có những lựa chọn tốt về sau.
Nếu thấy bài viết hay, đừng quên ủng hộ ThinkView để đội ngũ có thể tiếp tục đưa đến các bài viết chất lượng hơn nữa trong tương lai nhé.
Theo Hardwaretimes, NVIDIA