Biểu đồ: Thế giới đang phụ thuộc quá nhiều vào Đài Loan cho nguồn cung chất bán dẫn!
Trong nhiều năm qua, vai trò to lớn của Đài Loan trong ngành sản xuất chip và chất bán dẫn đã được khẳng định rất nhiều. Nguồn cung dồi dào, chất lượng là lợi thế của các nhà sản xuất đến từ Đài Loan; tuy nhiên trong giai đoạn thiếu chip trầm trọng, những thương hiệu này đang ở đâu?
Các quốc gia bao gồm Mỹ và Đức đã liên hệ với Đài Loan để giúp giảm bớt các nút thắt trong sản xuất chip. Sự thiếu hụt là hệ quả của nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm điện tử trong đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, nó còn trở nên trầm trọng hơn bởi tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại từ thời cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc.
Cho đến nay, Đài Loan vẫn đang thống trị thị trường gia công chất bán dẫn của toàn thế giới. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu TrendForce có trụ sở tại Đài Bắc, các nhà sản xuất, gia công của TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co) đang chiếm hơn 60% tổng doanh thu mảng bản dẫn toàn cầu trong năm 2020.
Phần lớn sự thống trị của Đài Loan là nhờ đóng góp của ông lớn TSMC, thương hiệu gia công chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Khách hàng của TSMC đang là các công ty công nghệ lớn như Apple, Qualcomm và Nvidia. Cũng theo dữ liệu của TrendForce, trong năm 2020 TSMC chiếm tới 54% tổng doanh thu toàn cầu của ngành công nghiệp này.
Chất bán dẫn là thành phần tối quan trọng, cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử từ máy tính, điện thoại thông minh đến cảm biến phanh trong ô tô. Chất bán dẫn hoạt động như một chất cách điện ở nhiệt độ thấp và có tính dẫn điện ở nhiệt độ phòng. Gọi là "bán dẫn" (chữ "bán" theo nghĩa Hán Việt có nghĩa là một nửa), vì chất này có thể dẫn điện ở một điều kiện nào đó, hoặc ở một điều kiện khác sẽ không dẫn điện.
Dan Wang, một nhà phân tích công nghệ tại Gavekal cho biết: "TSMC chỉ tập trung vào sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Vì vậy, nếu bạn chỉ nhìn vào thị phần (khoảng 50%) mà đánh giá thấp TSMC thì đó là một sai lầm lớn. TSMC hiện nay vẫn là "báu vật" của cả thế giới khi hãng cung cấp một số lượng lớn chip tiên tiến nhất hiện nay cho toàn thế giới."
Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu của TSMC cũng đang nghiên cứu để cải thiện hơn nữa hiệu năng của chip, giảm tiến trong xuống nhỏ nhất có thể. Tới đầu năm 2021, TSMC thậm chí đã chuẩn bị sẵn sàng cho chip 3nm thế hệ tiếp theo, được cho là sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2022. Bên cạnh đó, một số quốc gia đang có kế hoạch thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của riêng họ, qua đó nhắm đến việc tự chủ hơn trong việc sản xuất điện thoại thông minh.
Bên cạnh TSMC, Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) cũng là một gã khổng lồ khác trong ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan và thế giới. Tuy nhiên, cuộc chiến công nghệ của Trung Quốc với chính quyền Hoa Kỳ đang kìm hãm nhà sản xuất chip này.
Năm ngoái, chính quyền Trump đã đưa SMIC vào danh sách đen được gọi là "danh sách thực thể", hạn chế quyền truy cập của công ty vào công nghệ và linh kiện đến từ Mỹ.
SMIC đang là thương hiệu bán dẫn lớn thứ năm trên toàn cầu về doanh thu trong năm 2020, sau TSMC và UMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc và GlobalFoundries ở Mỹ. Khả năng phát triển của SMIC là rất nhiều nhưng đã bị kìm hãm khá nhiều trong năm 2020.
Nhìn chung, sự áp đảo của các thương hiệu Đài Loan trong nhiều năm qua cũng đã thể hiện quá nhiều hạn chế trong ngành công nghiệp bán dẫn. Một khi tình trạng thiếu nguồn cung diễn ra, một mình gã khổng lồ TSMC không thể "gồng gánh" được nhu cầu của cả thế giới và khi đó, tình trạng này sẽ còn bị kéo dài hơn nữa.
Tham khảo CNBC