Các nhà sản xuất laptop trên thế giới hãy tỏ ra tôn trọng AMD Ryzen hơn chút đi!
CPU AMD Ryzen 4000 là một thế lực rất là ra gì và này nọ. Thế nhưng, một lý do nào đó đã ngăn cản dòng CPU này của AMD kết hợp với những GPU cao cấp để tạo thành những hệ thống cực khủng trên những dòng laptop giá trị cao. Trong khi những laptop Intel thì xuất hiện cả RTX 2070, 2080 nhưng với laptop Ryzen thì chỉ dừng lại ở RTX 2060 mà thôi.
Giả thiết mà mình đưa ra để giải thích cho điều này là giá trị thương hiệu của CPU Ryzen. Mặc dù AMD có những CPU có khả năng sánh ngang hàng với nhà Intel nhưng lý do để người dùng lựa chọn AMD là bởi vì họ có thể bỏ ra ít tiền hơn nhưng lại có thể nhận về nhiều hơn. Điều đó vô hình chung đã gắn AMD với cái mác giá rẻ. Và bởi vì là CPU giá rẻ thì nó không hợp với concept cao cấp chút nào. Bên cạnh đó, CPU AMD trên laptop chưa thực sự có được tiếng nói như ở trên các mặt trận khác như Desktop, HEDT hay Workstation. Đó cũng có thể là lý do mà các nhà sản xuất cũng không dám mạo hiểm chăng? Nói thì AMD lại buồn nhưng có vẻ các nhà sản xuất laptop đang xem nhẹ khả năng của AMD Ryzen trên những dòng laptop cao cấp đó!
Tuy nhiên, khi nhìn vào những màn ra mắt hoành tráng đầy hứa hẹn của Ryzen 5000 và Radeon RX 6000 thì có lẽ họ đã nghĩ lại. Chưa bao giờ AMD lại đồng loạt đe doạ đỉnh cao của cả Intel lẫn Nvidia như bây giờ. Khi mà cán cân đã thay đổi thì chắc chắn các nhà sản xuất laptop sẽ không thể làm ngơ đến cái tên AMD nữa rồi.
Hiện nay, vi xử lý Ryzen 4000 đang dựa trên kiến trúc Zen 2 theo tiến trình 7nm FinFET của TSMC. Nếu như dây chuyền sản xuất trên các phiên bản desktop không có gì thay đổi, Ryzen 5000 có thể sử dụng vi kiến trúc Zen 3 nhưng được thiết kế dành riêng cho các thiết bị di động.
Theo nhiều nguồn tin (từ một nhà phân phối ở tít tận Nam Phi) để lộ, tất nhiên là vẫn đủ chính xác để chúng ta có thể xác định những sản phẩm di động đầu tiên sử dụng Ryzen 5000 series. Không quá bất ngờ, nhưng đó là những mẫu laptop đến từ Asus, chủ yếu là những mẫu laptop thuộc vào tầm "đỉnh của chóp" như flagship ROG Zephyrus, Strix.
Ryzen 9 5900H sẽ là đại diện của AMD có mặt ở các dòng cao cấp đó. Trong đó có 2 phiên bản là 5900HX và 5900HS, phiên bản HS sẽ có cấu hình thấp hơn một chút để ăn ít điện hơn, phục vụ cho những mẫu laptop mỏng nhẹ hơn giống như cách mà AMD vẫn làm với Ryzen 4000. Vẫn là một CPU sở hữu 8 nhân, 16 luồng như phiên bản Ryzen 9 4900H tiền nhiệm. Nhưng có thể 5900H sẽ có mức xung cao hơn, cache lớn hơn, tuỳ và khả năng thiết kế của AMD.
Tuy nhiên, sức mạnh của CPU Ryzen lại không phải là điều mà chúng ta quan tâm chính, sự xuất hiện của RTX 3080, 3070 và 3060 mới là điều đáng mừng. Laptop chạy Ryzen sẽ chính thức được trang bị những mẫu card đồ hoạ mạnh mẽ đứng đầu thế giới. Nhưng việc đó chỉ xảy ra khi chúng ta biết được ngày ra mắt của AMD Ryzen 5000 Mobile, cũng như Nvidia cho ra mắt RTX 3000 series cho laptop. Có lẽ, chúng ta sẽ phải chờ đợi đến CES 2021, một thời điểm đủ tốt để ra mắt những thứ hoành tráng và đáng chú ý.
Sau khi viết đến cuối bài, mình chợt nhận ra một điểm vô cùng thú vị về mối quan hệ của những chiếc card đồ hoạ Nvidia với CPU Ryzen. Thực tế là nó chẳng có gì liên quan cả. Nhưng tôi lại thấy rằng, sự kết hợp của CPU Ryzen và card đồ hoạ Nvidia trong một chiếc laptop được quyết định bởi hiệu năng tương đương trên một chiếc card đồ hoạ Radeon.
Nếu như trên những chiếc laptop Ryzen 4000, các option chỉ dừng lại ở RTX 2060 Max-Q design, đó cũng có thể là hiệu năng của một GPU Radeon 5700M. Giống như câu chuyện trên những GPU desktop, RTX 2060 cũng có hiệu năng tương đồng với RX 5700 vậy. Còn với thế hệ mới như Radeon RX 6900XT, nó đã có thể sánh ngang với RTX 3080 thì chúng ta lại được thấy một sự kết hợp của laptop Ryzen 5000 với những RTX 3080, 3070. Có thể, Radeon chưa thực sự được tin tưởng trên những chiếc laptop cao cấp, cũng có thể vì lý do nào đó. Nhưng đây cũng là một lý do đáng được lưu tâm nhỉ?