[Chia sẻ] Đôi điều về việc nâng RAM laptop trong năm 2021

Công Minh
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Nâng RAM trên thực tế thì cũng không có quá nhiều khâu cần làm, nhưng để nâng sao cho chuẩn chỉ, phù hơp, thì cũng là câu chuyện dài.

Mặc dù có thể phần nào thuyên giảm so với trước kia, nhưng nâng cấp RAM laptop nhìn chung vẫn là câu chuyện chưa bao giờ lỗi thời. Điều này có lẽ sẽ đặc biệt đúng trong thời buổi hiện tại, khi nhu cầu sử dụng đa nhiệm / đa mục đích của người dùng đang có xu hướng tăng mạnh. Nếu nằm trong vòng xoáy kể trên, có lẽ sẽ không dễ để anh em có thể  việc với một cỗ máy quá hạn hẹp về RAM. Và lúc này, nâng cấp sẽ tạo ra sự khác biệt không nhỏ. 

 Nâng cấp phần cứng laptop, đặc biệt là RAM, vẫn là câu chuyện chưa hề lỗi thời.Nhưng lắp thêm RAM thì cũng có dăm bảy kiểu lắp; tuỳ thuộc vào bản thân thanh RAM, phần cứng laptop của anh em và cả tá vấn đề khác. Và đó cũng là lý do mà mình viết bài này, cũng là để giúp anh em hiểu thêm phần nào về quá trình tưởng dễ mà không này. Nếu có những mẹo nào thú vị và cần thiết hơn, đừng ngần ngại chia sẻ để mọi người cùng biết nhé. 

Lợi ích của việc nâng cấp RAM?

Trước khi đi vào câu chuyện nâng cấp, tháo lắp hay đại loại vậy; có lẽ cũng là không thừa nếu cùng điểm lại đôi ba lợi điểm của việc thêm RAM. Những lợi ích dễ thấy nhất thường sẽ liên quan tới khả năng đa nhiệm, chạy nhiều ứng dụng một lúc (Trình duyệt các loại, Word, Excel, bộ phần mềm Adobe, v.v…); khởi động nhiều dịch vụ hơn ngay khi mở máy (Zalo, Viber, Spotify, v.v..), hay đơn giản là để một vài cái tên “bất hảo” như Chrome hay Adobe After Effects hoạt động trơn tru. Về khả năng ngốn RAM siêu phàm của chúng thì có lẽ cũng không cần nhắc lại nhiều. Vẫn đủ tốn kém để không ít anh em vẫn phải than phiền trên các diễn đàn công nghệ. 

 Nhà tôi ba đời ngốn RAM...Mình vẫn nhớ rõ hồi lắp thêm một thanh RAM 4GB DDR3L cho chiếc Dell Vostro 3558 cách đây vài năm, trải nghiệm so với 4GB mặc định được mở rộng hơn hẳn. Mở trình duyệt thoải mái hơn, máy đỡ giật cục hơn, thậm chí mình còn tự tin để cả Wallpaper Engine khởi động cùng Windows để có hình nền động, khá là đã. Mãi về sau mới biết thêm dùng Opera GX hay Microsoft Edge, nên cũng còn tiết kiệm được một chút RAM nữa.

Bên cạnh những lợi ích cơ bản thì ở thời điểm hiện tại, việc nâng cấp RAM sẽ còn giúp ích khá nhiều cho một số hệ thống phần cứng mới ra lò. Ví dụ điển hình nhất thì mình sẽ lấy một cái tên cũng không còn xa lạ: Intel 11th Gen + Intel Iris Xe Graphics. Về bản chất thì để phát huy tối đa sức mạnh, Iris Xe Graphics sẽ cần hoạt động trong một hệ thống có RAM kênh đôi, hơi giống với Radeon Graphics bên AMD nhỉ? Chính vì vậy nên với một số laptop Intel Gen 11th chạy RAM kênh đơn, nó sẽ không được dán tem Xe Graphics dù có thực sự sở hữu nhân đồ hoạ kiểu này bên trong đi nữa. Chúng thường sẽ xuất hiện dưới một số cái tên dạng Iris hay UHD, trong khi vẫn giữ nguyên bản chất và điều kiện cần như vậy.

Intel Iris Xe Graphics sẽ chỉ có thể "cháy" hết mình nếu có RAM kênh đôi.Với những sản phẩm như thế, có khả năng chúng vẫn sẽ cho lắp thêm RAM hoặc là hàn chết hẳn. Nếu lắp thêm được RAM thì sẽ là rất tốt. Việc nâng cấp RAM đôi cũng có thể áp dụng với những máy có nhân đồ hoạ AMD Radeon Graphics, xét đến việc câu chuyện của iGPU đội Đỏ cũng gần như vậy.

Một trường hợp đặc biệt nữa hưởng lợi từ nâng RAM sẽ là khi anh em phải sử dụng một số phần mềm đặc thù phục vụ học tập / công việc; ví dụ như các công cụ giả lập như Bluestack, NOX Player hay Android Studio chẳng hạn. Với Bluestack và NOX thì độ mượt của chúng tỉ lệ thuận với lượng RAM (và CPU) mà chúng ta chia cho từ hệ thống, còn Android Studio thì sẽ ngốn khá nặng RAM mỗi khi anh em sử dụng SDK cùng các thiết bị được giả lập kèm theo. 

 Độ mượt cùa các trình giả lập từ NoxPlayer, Bluestack,.. thường tỉ lệ thuận với lượng RAM được chia.Thêm một trường hợp đáng lưu tâm khác có thể kể tới chính là Adobe After Effects, với cơ chế sideload dữ liệu vào RAM để tối ưu hiệu suất hoạt động. Và lúc này chúng ta sẽ không chỉ dung lượng, bus RAM mà anh em có cũng đóng vai trò quan trọng - càng cao thì người dùng càng được hưởng lợi nhiều. Vậy nên nếu sử dụng những cái tên “cá biệt" kể trên, việc nâng thêm RAM cũng là rất đáng cân nhắc.

Chọn RAM nâng cấp thế nào cho đúng?

Hiểu được lợi ích rồi; hẳn giờ đây anh em cũng đã có động lực để lắp thêm RAM cho chiếc máy thân yêu. Nhưng RAM laptop thì cũng có dăm bảy loại, vậy nên chọn thanh nào cho phù hợp với máy đây? Mình thì có một chút mẹo này, hi vọng có thể ít nhiều giúp đỡ được anh em trong khâu “chọn mặt gửi vàng" này.

Về dung lượng nâng thêm, khoản này vẫn sẽ dựa vào nhu cầu của anh em là chính. Anh em muốn có 8GB RAM tổng để làm được hầu hết mọi thứ, hay là 16GB, 32GB để phục vụ giả lập, dựng hình, v.v... Dựa vào đó, anh em giờ chỉ cần làm toán một chút để tìm ra mức dung lượng thiếu để mua RAM thêm cho phù hợp. Có sẵn 4GB thì thêm 4GB nữa, có sẵn 8GB thì thêm 8GB,… Cơ bản là vậy để có thể tối ưu việc chạy kênh đôi cho hệ thống. 

Nhưng cũng có một số trường hợp anh em nâng cấp lên một mức dung lượng hơi “dị”: 6GB, 12GB, 10GB,… với đôi RAM không cân về dung lượng. Thực ra nâng cấp kiểu này cũng được vì máy vẫn hoạt động kênh đôi, nhưng chúng ta không thể tận dụng toàn bộ dung lượng của thanh RAM lớn hơn. Nhìn chung là không nên, trừ khi tình huống cực kỳ hãn hữu.

Về bus RAM, bus của thanh RAM lắp thêm nên được đồng bộ với RAM anh em có sẵn. Tránh lắp hai thanh RAM với bus lệch nhau do khi đó, mức bus thấp hơn sẽ được lấy làm chuẩn cho cả đôi, khiến băng thông vô hình chung bị giới hạn. Và nếu anh em nâng cấp cả cặp, hãy cố gắng tìm được đôi RAM với mức bus tối đa mà laptop của anh em hỗ trợ nhé.

Cuối cùng, nếu có thể thì trước khi mua RAM, hãy tra cứu kỹ xem thanh RAM có sẵn trên laptop đến từ thương hiệu nào, bus bao nhiêu,… Sau đó tìm trên thị trường một thanh giống hệt để nâng thêm. Việc có thể trùng khớp về thông số hay nhà sản xuất sẽ giúp hai thanh hoạt động ổn định cùng nhau, tránh xung đột hay một vài lỗi không thể lường trước.

Các kiểu nâng cấp RAM?

RAM có nhiều loại để chọn, và nâng cấp RAM cho laptop thì cũng đa dạng không kém. Không phải chiếc laptop nào cũng có khả năng nâng cấp như nhau, và theo mình thì chúng ta sẽ có một vài kiểu như sau: 

  • Nâng cấp được 1 thanh RAM: Thường thì các máy dạng này sẽ có một thanh RAM được hàn chết lên mainboard, còn một khe sẽ được để trống để lắp thêm. 
  • Nâng được toàn bộ số RAM: Về cơ bản thì những máy này sẽ có thể tháo được tất cả RAM, vậy nên nếu muốn “đại tu" tổng thể thì anh em cũng có thể thoải mái thực hiện. Số RAM tháo được này có thể là 2 thanh, 4 thanh,... hay thậm chí chỉ là 1 thanh chạy kênh đơn với vài sản phẩm đặc biệt. 
  • Không nâng được thanh nào: Một số dòng laptop có RAM chết toàn bộ, không chừa khe để nâng cấp. Chủ yếu rơi vào ultrabook Windows và MacBook từ Late 2012 đổ đi. Một vài ví dụ có thể kể tới là ASUS ZenBook UX425, ASUS VivoBook A415, hay thậm chí là cả một sản phẩm gaming hạng nặng như Dell Alienware m15 R2, v.v..

 Ngay cả một mẫu laptop gaming cao cấp như Alienware m15 R2 cũng có thể không nâng được RAM.Để có thể nhận biết những trường hợp “cá biệt" này, anh em tốt nhất nên kiểm tra trước mã máy đang dùng (hoặc sắp mua) trên mạng trước khi cân nhắc về RAM, tránh mua lãng phí. 

Tạm kết

Và đó là đôi điều mình muốn chia sẻ về câu chuyện nâng RAM cho laptop: Nâng lúc nào, lợi ra sao, chọn kiểu gì,... Đại loại vậy. Nâng RAM trên thực tế thì cũng không quá nhiều khâu cần làm. Tuy nhiên để nâng sao cho chuẩn chỉ, phù hơp, tránh những sai lầm đáng tiếc thì mỗi khâu đấy; chúng ta cũng cần biết càng sâu càng tốt. 

Đúng là có nhiều thứ phải để ý thật, nhưng dù sao chúng cũng sẽ giúp anh em có được một khoản đầu tư xứng đáng nhất dành cho chiếc laptop thân yêu. Công việc cũng theo đó mà đảm bảo từ những thứ nhỏ nhất, mọi thứ cứ thế đi lên dần; ai lại không thích nhỉ. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập