[Chia sẻ] Mang phím cơ ra ngoài làm việc: Hữu ích hơn mình nghĩ!
Mặc dù rất hiếm khi chơi game khi ra khỏi nhà, thế nhưng trong balo của mình luôn có một chiếc bàn phím cơ. Nghe có vẻ cồng kềnh, nhưng mình đang khá là tận hưởng nó, ít nhất là tính tời lúc này.
Có thể với nhiều người, bàn phím cơ sẽ chỉ hiệu quả để gaming, giải trí,... và đặc biệt chỉ nên ở nguyên một chỗ. Nhưng mình tin rằng nếu được sử dụng hợp lý, công cụ này hoàn toàn có thể làm nhiều hơn thế. Dưới đây là những lý do mình thích mang phím cơ ra ngoài, anh em có thể tham khảo, biết đâu lại hữu ích.
Lợi ích của việc đem phím cơ ra ngoài
Có một sự thật là từ khi mua phím cơ về, mình thường có xu hướng... nhập liệu nhiều hơn là chiến game. Và cũng vì vậy nên mình có thể thưởng xuyên cảm nhận độ "sướng" của công tắc cơ, rồi dần tận hưởng nó. Về phần mình, cái "sướng" này sẽ nằm ở độ phản hồi (do lò xo đem lại) và bề mắt keycap, giúp cảm giác tiếp xúc và chất lượng trải nghiệm được cải thiện nhiều so với phím laptop nói chung. Dù đây có thể là điều tương đối hiển nhiên, nhưng suy cho cùng vẫn là một điểm mạnh, khó có thể bỏ qua.
Bên cạnh đem lại cảm giác gõ tốt, phím cơ nhìn chung cũng bền hơn nhiều phím laptop. Với độ nảy và bền do switch lò xo, phím cơ giúp mình tự tin hơn để gõ thoải mái, thậm chí là hơi "mạnh bạo" mà không cần phải nâng niu quá nhiều. Do được sử dụng lò xo để phản hồi thay cho cao su, vậy nên nhỡ gõ mạnh thì bạn đọc cũng sẽ không sợ kẹt hay phản hồi giảm nhanh. Chưa kể đặt nguyên cái bàn phím trên bàn, nhìn thôi cũng thấy cứng cáp, yên tâm hơn hẳn. Đặt tay vào cũng không lo plate phím bị flex, khá là tuyệt.
Ngoài ra, mình thích mang phím cơ ra ngoài cũng vì cảm thấy... lạ lẫm với chính bàn phím laptop cá nhân. Khi quen với một layout phím nào đó rồi, thường sẽ không dễ để chúng ta "dứt áo" đầu quân cho một layout nào khác. Mình lại vốn phải test nhiều máy, ít ngày đổi một lần, vậy nên việc chuyển bàn phím liên tục cũng không thực sự thoải mái cho lắm. Vậy nên mỗi khi gõ bài hay chơi game, mình đều chuyền về phím quen để có hiệu quả "tryhard tốt nhất".
Áp dụng với cuộc sống, chúng ta có thể sử dụng một bàn phím cho nhiều máy (desktop ở nhà, laptop cá nhân, máy cơ quan cấp sẵn, v.v...). Vừa đảm bảo trải nghiệm, vừa đảm bảo hiệu suất công việc thực tế.
Mang phím cơ ra ngoài, cần lưu ý những gì?
1. Một số tiêu chí "lạ" khi chọn phím
a. Kích thước: Mặc dù full-size (104 phím) hay Tenkeyless (84 phím) là những kích thước được ưa chuộng, nhưng để tối ưu nhất thì phím 60% (61 phím) lại là tốt hơn cả. Mình cũng đang dùng phím loại này, thoải mái bỏ vừa cặp, đóng lại thoải mái hơn hẳn so với hồi vác phím Tenkeyless.
Chưa kể với phím cỡ này, mình thấy nhiều hãng cũng tặng thêm túi đựng. Để mang ra ngoài thì rất tiện.
Tuy nhiên, layout phím trên loại này thường là không thông dụng (nên cũng không dễ tìm), vậy nên bạn đọc sẽ cần sẵn sàng tinh thần làm quen đôi ba ngày để có trải nghiệm tốt nhất. Ngoài ra, hãy cố gắng tìm loại switch thân thuộc nhất (nếu bạn có sẵn phím tại nhà) để nhanh chóng thích nghi với phím mới.
b. Kết nối: Mình thì thích kết nối Bluetooth hơn là có dây, âu cũng vì nó sẽ tránh vướng víu trên bàn với đỡ phải thu gọn mỗi khi mang ra ngoài. Mất thêm một công đoạn kết nối rồi, hãy cố gắng để sự hy sinh ấy xứng đáng nhất. Nếu thiết bị bạn chọn có thể ghi nhớ nhiều máy cùng lúc thì sẽ càng tiện.
Nếu có thể, một gợi ý nho nhỏ là hãy tìm bàn phím có cổng kết nối Type-C để dễ dàng tận dụng dây sạc / kết nối nếu lỡ quên mang.
2. Hãy để ý người xung quanh
Trừ các loại phím low-profile / Silent, còn lại hầu hết phím cơ hiện nay đều gây tiếng ồn tùy mức độ khi sử dụng. Vậy nên trước khi mua phím cơ, bạn có thể hỏi trước đồng nghiệp, người ngồi cạnh ở cafe, v.v.. xem họ có thấy phiền không nếu bạn gõ ra tiếng ồn.
Ngoài ra trong các loại switch phổ thông (Blue, Red, Brown), Blue với tiếng clicky nổi nhất sẽ là loại cần tránh. Red và Brown thì tiếng ồn không khác nhau quá rõ, có thể cân nhắc tùy vào thói quen gõ cá nhân.
Lựa chọn của người viết
Hiện tại, bản thân mình đang sử dụng bàn phím E-Dra EK361W - mẫu bàn phím không dây đầu tiên của E-Dra trên thị trường. Đây có thể là dòng sản phẩm không quá cao cấp, nhưng lại có thể đem lại nhiều giá trị để mình biên được bài viết này. Không dây, có LED RGB, layout 60% gọn gàng,... Vẫn là rất đủ với nhu cầu nhập liệu và giải trí hỗn hợp.
Về thương hiệu, E-Dra cũng đang dần trở thành cái tên đáng chú ý ở phân khúc gear giá rẻ với nhiều sản phẩm tốt. Giá thành của EK361W cũng chỉ dao động từ 700-850 nghìn Đồng, rất phù hợp cho các bạn đang muốn có trải nghiệm mới.
Ngoài ra, hiện tại ở văn phòng mình cũng đang có sẵn một số ứng cử viên khá chất lượng như Akko 3084 (khoảng 1,5 triệu Đồng), Keychron K2 (khoảng 1,5 triệu Đồng), Anne Pro 2 (khoảng 1,6 triệu Đồng) hay Royal Kludge RK61 (khoảng 700 nghìn Đồng). Tất cả đều là những lựa chọn đủ ổn, đủ cơ động để bạn đọc tham khảo.
Tạm kết
Về cơ bản, đó là những gì mình muốn chia sẻ về câu chuyện "mang phím cơ đi khắp thế gian" của bản thân. Việc có cho mình một trải nghiệm nhập liệu "như ở nhà" là hoàn toàn có thể, nếu như chúng ta có thể để ý những điều cần thiết. Hi vọng rằng bên cạnh chia sẻ trải nghiệm, bài viết sẽ có thể giúp ích cho anh em đang muốn tìm phím cơ.
Anh em có đang dùng phím rời cùng laptop khi ra ngoài? Lựa chọn của anh em là gì và trải nghiệm ra sao? Hãy cùng chia sẻ với ThinkView nhé.