Combo chơi game siêu biến hình của Asus ROG: Ở nhà thì hoành tráng ra ngoài thì nhỏ gọn

Thầy thuốc nhân dân
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Đối với những game thủ cầu kì trong trải nghiệm thì chắc chắn phải có cho mình vài bộ gear để có thể đáp ứng đủ trải nghiệm ở mọi nơi mọi chốn.

Theo các bạn thì một bộ gaming gear ảnh hưởng thế nào đến trải nghiệm chơi game?  Mặc dù mình đang sử dụng siêu nhân ROG Flow X13 và đã quen làm việc trên bàn phím và touchpad trên laptop nhưng đó chỉ là lúc làm việc thôi. Khi chơi game, mình vẫn cần đến chuột, bàn phím và tai nghe thì mới thoải mái được.

Nhưng mà, bạn cũng biết đó, cuộc sống của game thủ đôi khi là những chuỗi xung đột tâm lý kéo dài. Khi ra ngoài mà phải vác theo cả bộ gaming gear đi theo thì chắc chắn là sẽ rất cồng kềnh vì vậy nên mình muốn có một bộ gear thực sự nhỏ gọn để mang theo mà thôi. Đó có thể là một bàn phím TKL và một con chuột không dây mà thôi. Còn khi ở nhà để có thể chơi nghiêm túc một thứ gì đó thì mình lạị muốn một bộ gear đầy đủ tính năng, phím bấm, ổn định kết nối. Giải pháp mà mình nghĩ ra trong đầu khi đó là sắm hai bộ gear riêng biệt. Như thế thì tốn kém quá, lại còn cồng kềnh nữa, mình cũng đâu phải tuyển thủ chuyên nghiệp đâu mà làm vậy? Thật là một bài toán nan giải.

Ấy thế mà trên đời này lại có những bộ gear “biến hình” thần thánh có khả năng đáp ứng cả nhu cầu di chuyển lẫn khi chơi game tại gia oái oăm của mình cơ đấy. Vừa hay, nó cũng đến từ Asus ROG.

Asus ROG Claymore II: chương kế tiếp của một biểu tượng

Đầu tiên là bàn phím. Chắc chắn bàn phím cơ gaming luôn là sự lựa chọn đầu tiên của mình mỗi khi cần sắm một bộ gaming gear hoàn chỉnh. Content creator như mình thì gõ phím cũng khá nhiều, giao tiếp cũng vậy, nên tranh thủ một công đôi việc, vừa làm và vừa chơi là điều dễ hiểu mà. Lần theo những mẫu phím cơ đến từ Asus ROG, bên cạnh những chiếc Flare đồ sộ, Scope ngầu lòi và Falchion nhỏ gọn. Claymore II đem lại cho mình nhiều ấn tượng nhất ở khả năng biến hình cực đỉnh.

Claymore II là phiên bản nâng cấp từ Claymore đời đầu. Đây cũng là phiên bản duy nhất mang tính kế thừa trong loạt phím cơ của Asus ROG. Nếu như Claymore thế hệ đầu tiên là một phiên bản gai góc với những đường vân theo phong cách Ai Cập đã từng được đưa lên nhiều thiết bị chơi game khác của Asus thì Claymore II lại là một sự thay đổi lớn về ngoại hình khi đi theo form có phần đầy đặn hơn. Bộ vỏ cũng đã chuyển qua kiểu xử lý bề mặt nhôm phay xước như trên bề mặt của những chiếc laptop Asus Strix mà chúng mình đã từng có dịp trải nghiệm.

Có khá nhiều logo ROG được bố trí ở khắp các mặt của bàn phím, đó đã là truyền thống thiết kế của Asus từ trước đến nay rồi. Kể cả những nơi mà bạn ít ngó ngàng tới, nhưng chỉ cần bạn cầm chúng lên là có thể nhìn thấy một cách rõ rang. Điểm nhấn của chiếc bàn phím này là logo Asus và những họa tiết ở góc trên bên trái, nơi mà đã được Asus thiết kế để có phần viền trên dày dặn hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Asus lại cho phần viền đó lớn hơn so với phiên bản trước. Đó do mặt dưới được tận dụng làm khu vực cắm dây kết nối. Claymore II sử dụng cổng USB-Type C, có cả hub USB dành cho một kết nối ngoài vi khác như chuột hay bàn phím.

Asus còn hào phóng tặng thêm cho mình một chiếc kê tay bằng da khá là êm ái và sang trọng để mình không còn mỏi cổ tay do chiều cao của profile phím nữa.

Điều khiến mình bị mê mẩn bởi mẫu bàn phím này phần numpad tháo rời được. Có lẽ đây cũng chính là lý do để Asus lựa chọn Claymore là bàn phím được ưu ái nâng cấp lên phiên bản thứ hai. Ở phiên bản này, phần Numpad cũng được làm dài ra để cân đối với chiều dài mới của bàn phím chính. Bởi vậy, với khoảng trống lớn hơn, tạo điều kiện cho Asus trang bị thêm 4 phím Macro cực tiện lợi khi sử dụng ở mọi hoàn cảnh. Khi chơi làm việc hoặc chơi game thì các tổ hợp phím được gán trên các phím macro cũng giúp cho mọi việc thuận tiện hơn rất nhiều. Thay vì phải cố gắng nhớ một số phím tắt khó, bạn chỉ cần gán thao tác cho các phím này là có thể sử dụng một cách linh hoạt.  

Cơ chế hoạt động của nó vẫn vậy, khi mình sử dụng bàn để làm việc, mình cài bộ numpad này sang bên phải để dễ tiếp cận bàn phím số khi nhập liệu hơn. Khi mình chơi game, để thông thoáng khu vực di chuột hơn. Mình lại cho chiếc bàn phím này “biến hình” để phần numpad hoạt động ở phần cạnh trái. Khi đó thì mình sẽ sử dụng các nút điều hướng thay cho ASWD, và các phím macro lúc này cũng rất hợp lý chứ không dễ dàng bị bấm nhầm như một số bố cục bàn phím với dãy macro ở cạnh trái nằm khá gần với khu vực phím chính nên rất hay bị bấm nhầm.

Khi mình đi ra ngoài, chiếc bàn phím này lại “biến hình” một lần nữa, rút kết nối USB, rút luôn numpad. Thế là mình có bàn phím TKL 80% nhỏ gọn để cất vào balo mang ra ngoài. Lúc này, một cải tiến khác của Claymore II là kết nối không dây 2.4GHz sẽ giúp mình kết nối với chiếc ROG Flow X13 thông qua một receiver nhỏ gọn cài ở mặt dưới của bàn phím. Pin của Claymore II cho phép mình làm việc tới 144 giờ ở chế độ không LED RGB và nếu sử dụng LED RGB thì cũng được tới hơn 40 giờ. Mà thường thì khi ra ngoài mình cũng đâu có bật LED RGB nên có thể thoải mái sử dụng mà không phải lo lắng về pin của mình trong những chuyến đi dài vài ngày.

Asus ROG Keris: Đơn giản mà hiệu quả

Mảnh ghép tiếp theo trọng bộ gear “biến hình” của mình là mẫu chuột Keris. Thực ra thì mẫu chuột gaming wireless nào của Asus cũng đều được trang bị khả năng sử dụng hỗn hợp cả kết nối có dây lẫn không dây, khả năng biến hình của nó thì cũng chỉ có vậy nhưng Keris là một mẫu chuột có trong đó cả sự đơn giản cơ bản của một thiết bị di động, lại vừa có form cầm rất vừa với tay của mình. Mẫu chuột 5 phím này có kiểu dáng trung tính, kích thước nhỏ gọn. Phần LED RGB trên chuột cũng rất nhã nhặn, chứ không quá màu mè và hầm hố như nhiều mẫu chuột khác của Asus ROG.

Asus ROG Delta S: Mảnh ghép cần có để hoàn thiện trải nghiệm

Khi ở ngoài thì mình thường sử dụng ROG Cetra để trang bị trong balo gọn nhẹ nhất có thể. Tuy nhiên, khi ở nhà thì ROG Delta S lại là mẫu tai nghe gaming được mình sử dụng. Tất nhiên là vẻ ngoài của những chiếc ROG Delta đã là quá quen thuộc, nhưng bên cạnh thiết kế đẹp của chiếc tai nghe thì khả năng tháo rời micro cũng là khả năng “biến hình” để mình đỡ cảm thấy vướng víu mỗi khi ngồi chơi game mà không phải giao tiếp gì. 

Khi tập hợp cả bộ gear cùng với chiếc laptop và màn hình Asus. Đây đúng là một chú tắc kè hoa có khả năng “biến hình” còn đỉnh hơn nữa. Bạn chỉ cần kết nối chúng lại, mở Amoury Crate lên và để cho hệ thống đèn LED RGB nhảy múa theo ý bạn mà thôi. Nếu bạn không thích những chế độ mặc định thì có thể dùng AURA Creator để tự chỉnh LED theo ý thích của mình nữa nhé. Phần mềm này hay lắm! Bạn có thể xác định vị trí chính xác của từng sản phẩm hỗ trợ, sắp xếp chúng theo đúng thứ tự, tạo các lớp hiệu ứng và chạy chúng theo ý tưởng của bạn. Cảm giác cứ như một phiên bản Adobe Premiere dành cho các hiệu ứng ánh sáng vậy. Độ chất thì khỏi nói luôn. Đặc biệt là những sản phẩm có kết nối không dây như Claymore II hay Keris đều không cần phải kết nối có dây để chỉnh hiệu ứng như những thương hiệu khác đâu nhé.

Trên thị trường hiện nay, để tìm được một bộ gaming gear ưng ý về hiệu năng và trải nghiệm cơ bản thì không có. Tuy nhiên, nếu bạn cần sự linh hoạt, khả năng tùy biến cao thì có lẽ chỉ có hệ thống Gear đầy tính sáng tạo của Asus ROG mới có thể đem lại được cho bạn. Mà không chỉ là bộ gear này có thiết kế mang tính sáng tạo đâu nhé. Nó cũng mang lại cho bạn cảm hứng để sáng tạo nên nhiều điều đấy!.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập