article detail

Đánh giá Asus Vivobook Gaming F571GT 2020: Có quá nhiều thứ phải đánh đổi!

TPB1209
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Dòng F của Asus là dòng sản phẩm “làm gì cũng được những chẳng giỏi việc gì”, vừa có thể làm văn phòng vừa giải trí nghe nhạc vừa có thể chơi game.

Cũng đã khá lâu mình chưa sử dụng một chiếc laptop gaming mỏng nhẹ như chiếc Vivobook F571GT này (hiên bản máy được dùng trong bài có mã AL851T). Dòng F của Asus là dòng sản phẩm “làm gì cũng được những chẳng giỏi việc gì”, vừa có thể làm văn phòng vừa giải trí nghe nhạc vừa có thể chơi game. Và sản phẩm F571GT cũng không phải ngoại lệ.

Thiết kế tổng quan: thanh lịch, nhẹ nhàng nhưng hơi thô
Mình là một fan rất lớn với phong cách thiết kế đơn giản, lịch sự nên khi nhìn qua chiếc Vivobook F571GT mình đã khá ưng với thiết kế của máy khá đơn giản cùng màu xanh đen sang trọng và logo Asus sáng bóng ở chính giữa nắp máy. Đúng với chất dòng Vivobook nhưng thêm yếu tố Gaming nên thiết kế cũng được thêm họa tiết mình gọi vui là “cầu Long Biên” ở phần khe thoát nhiệt của máy khá bắt mắt.

Nhưng cũng chính vì phần thiết kế mang tính hầm hố này lại phá đi thiết kế tổng thể của máy nên cá nhân mình thì không thích lắm nhưng ngược lại có thể do ý của Asus muốn mix giữa tất cả các tập khách hàng có nhu cầu đa dụng trong một mức giá hợp lý nên muốn mỗi thứ một chút nhưng lại làm hơi thô dẫn đến sự bất hợp lý này.

Ngoài ra, phần viền màn hình  hai bên khá mỏng chỉ khoảng 7mm cũng đem tới sự hiện đại và hợp thời hơn nhưng hai viên trên dưới lại khá dày không quá sexy. Mặt đáy được cắt xẻ khá mạnh với những khe hút gió to và dày đặc khá thoáng. Phần tỏa nhiệt và thoát nhiệt của máy nằm cao phía trên nên phần kê tay không bị nóng lên nhiều trong quá trình sử dụng.

Chất lượng build: Đánh đổi quá nhiều

Toàn bộ máy được làm từ nhựa lại thêm yếu tố mỏng nhẹ dẫn đến sự “mong manh” là không thể tránh khỏi. Bàn phím bị hiện tượng flex khá nhiều. Hai cạnh bên của máy thể hiện rõ sự ọp ẹp của thân vỏ. Các chi tiết không được khít và có một độ dơ nhất định. Bù lại bản lề của máy khá nhẹ và mượt có thể mở được bằng một tay, cũng nhờ một phần tấm panel màn hình khá nhẹ - đây là một ưu điểm hiếm hoi

Màn hình: Phù hợp cho chơi game và văn phòng

Về màn hình máy được trang bị tấm nền 15.6 inch IPS với tần số quét 120Hz nên góc nhìn của máy rất rộng có thể nhìn được từ mọi góc mà không bị thay đổi chất lượng hình ảnh kết hợp với tần số quét cao nên trải nghiệm sử dụng rất mượt mà và thoải mái. Tuy nhiên chất lượng của tấm nền không quá cao khi đo bằng công cụ chuyên dụng Spyder X Elite cho số liệu về độ phủ màu chỉ đạt 63% sRGB và 47% AdobeRGB với độ sáng chỉ gần 300nit.

Đây là một chất lượng bình thường nếu không muốn nói là tệ trong mức giá gần 22 triệu đồng. Với chất lượng này khó để có một trải nghiệm tốt với các tác vụ liên quan đến chỉnh sửa hình ảnh và video cộng với độ sáng thấp nên việc sử dụng ở khu vực có ánh sáng mạnh tương đối khó khăn.

Cấu hình: Thông số đẹp nhưng hiệu năng tổng thể chưa đúng thông số

Máy được trang bị CPU Intel Core i5 9300H, Card đồ họa GTX 1650, RAM 8GB, SSD NVMe 512GB + Optane 32GB, Pin 3 Cell 42Wh. Nhìn qua thông số thì đây sẽ là một chiếc máy có thiên hướng về gaming khi trang bị CPU hiệu năng cao và card GTX 1650 khá mạnh mẽ nhưng khi chơi game thì hai phần cứng chính là CPU và card đồ họa bị bóp hiệu năng do vấn đề nhiệt độ - đây là vấn đề khá nhức nhối mà mình sẽ trình bày ở dưới. Ổ cứng trong máy là ổ SSD NMVe 512GB của Intel kết hợp với công nghệ Optane với 32GB nhúng trực tiếp vào mạch cùng với chip nhớ của SSD với tốc độ đọc ghi tuần tự lần lượt là ~1600Mb/s và ~970Mb/s. Đây là một tốc độ khá ổn để xử lý những tác vụ hàng ngày, tuy nhiên so với những chiếc máy cùng tầm giá được trang bị cũng là SSD NMVe thì tốc độ này là chậm hơn nhiều, so sánh nhanh với chiếc Lenovo Legion 5 thì ổ SSD chiếc máy này có tốc đọc ghi tuần tự lên đến ~3600MB/s và ~2900MB/s.

Về RAM thì chiếc máy này đang chạy 8GB DualChannel trong đó 1 thanh 4GB hàn trực tiếp lên bo mạch và 1 thanh gắn ngoài - đây là một lợi điểm nhưng cũng là một yếu điểm. Nếu người dùng chỉ sử dụng 8GB sẵn trong máy thì sẽ có lợi về hiệu năng của RAM được tăng do sử dụng kênh đôi nhưng ngược lại nếu người dùng có nhu cầu nâng cấp thêm về sau thì sẽ phải bỏ thanh RAM 4GB gắn ngoài ra để thay thế, đây là một sự bất tiện lớn cho người dùng. Về hiệu năng thực tế khi máy chạy nhưng tác vụ ăn nhiều vào CPU thì khá thoải mái khi Asus tự tin để CPU hoạt động ở mức TDP của Intel công bố là 45W với mức nhiệt độ giao động trong mức khoảng 75°C cùng mức xung nhịp đa nhân ổn định ở mức 3.2GHz và đơn nhân ở mức 4.0Ghz. Đây là mô phỏng tương đối giống với những tác vụ văn phòng hàng ngày khi các ứng dụng sử dụng chủ yếu CPU mà ít khi sử dụng đến card đồ hoạ rời.


Tuy nhiên khi vào các tác vụ cần hoạt động đến card đồ hoạ rời thì đây sẽ thể hiện ngay ra yếu điểm rất lớn của máy đó là hệ thống tản nhiệt hoạt động rất tệ. Trong bài đánh giá chỉ ví dụ với hoạt động chơi game Esport nhẹ đó là FIFA Online 4 thì card đồ hoạ GTX 1650 lúc này chỉ chạy khoảng 50% nhưng đã lên đến hơn 70°C và CPU lúc này đã lên trên 90°C thậm chí có khi lên đến 98°C (điều kiện test trong phòng điều hoà 27°C) do bị cộng hưởng nhiệt độ của cả 2 linh kiện nên mức nhiệt độ đã đạt mức rất nóng và ảnh hưởng lớn đến độ bền của linh kiện cũng như hiệu năng về lâu dài.

Chính vì nhiệt độ cao như vậy mà xung nhịp của CPU cũng bị giảm do phải cắt bớt điện để giảm nhiệt độ và cũng là thiếu ổn định hơn trong quá trình sử dụng. Ngoài ra về bộ nhớ RAM 8GB thì cũng là vừa đủ cho những nhu cầu cơ bản cộng với ổ cứng SSD NMVe 512GB thì tốc độ xử lý của những thao tác đơn thuần hàng ngày khá mượt mà kết hợp thêm màn hình có tần số quét cao 120Hz tạo nên một trải nghiệm sử dụng khá tốt.

Tản nhiệt: Tệ

Như đã trình bày ở trên chiếc máy này có hệ thống tản nhiệt khá tệ. Khi mở máy ra các bạn sẽ thấy hai phần linh kiện phát nhiệt chính là CPU và GPU được xếp khá gần nhau và chúng được tản nhiệt bằng 2 ống đồng dẫn sáng hai bên quạt. Chính vì thiết kế này mà nhiệt độ của CPU khó mà tản nhiệt tốt được khiến cho phần xung quanh nóng lên rất nhanh và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến độ bền cũng như hiệu suất của linh kiện trong thời gian dài. 

Đặc biệt quạt tản nhiệt phả thẳng khí nóng vào controller của màn hình khiến cho phần này của màn hình khi hoạt động các tác vụ nặng rất nóng. Uwu điểm lớn nhất của cách tản nhiệt này là phần kê tay của máy khá mát không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ quá nhiều. Đồng thời khi chạy nặng hai quạt hai bên kêu khá ồn ào. 

Bàn phím và touchpad: Được cái này mất cái kia

Về bàn phím của chiếc máy này thoạt nhìn qua thì máy có một layout được thiết kế khá ổn với cái nút bấm tổ khoảng cách giữa các phím rộng nên khi gõ văn bản ít khi bị nhầm phím. Tuy nhiên hành trình phím nông cộng với hiện tượng flex khá nhiều nên trải nghiệm gõ văn bản trong thời gian dài khá khó chịu, khi chơi game nếu các bạn cần điều khiển các nút mũi tên thì đây là một cực hình khi các nút mũi tên được làm rất bé và sát vào nhau rất khó bấm. Ngoài ra thêm một điểm mình không thích đó là máy không đèn nền phím với mình đây là một thiếu sót lớn.

Ngược lại phần touchpad lại khá tốt khi  diện tích khá rộng và được phủ kính nên trải nghiệm sử dụng là rất tốt, mượt mà và chính xác, máy còn được trang bị thêm vân tay một chạm trên touchpad khá nhanh và tiện lợi.

Cổng kết nối: Đầy đủ số lượng nhưng về chất thì thiếu

Về cổng kết nối của máy khá đầy đủ khi máy được trang bị HDMI x1, LAN RJ45 x1, USB 3.0 x1, USB Type C 3.1 Gen 1 x1, USB 2.0 x2, SD card reader x1, tai nghe combo 3.5mm x1, đây là một điểm cộng lớn của những chiếc máy mỏng nhẹ như chiếc Asus F571GT này. Các cổng kết nối được thiết kế khá thông minh không quá gây khó chịu khi sử dụng. 

Tuy nhiên, trên một mẫu máy với giá gần 22 triệu đồng như này không nên còn tồn tại cổng USB 2.0 mà đây máy có tận 2 cổng với mình đây thực sự là một điều đáng tiếc.

Loa: Chấp nhận được

Loa của sản phẩm được đặt ở vị trí hai bên hông với mức âm thanh vừa đủ không quá nổi bật cho dù được kết hợp với hãng âm thanh nổi tiếng Harman Kardon. Mức âm lượng cũng chỉ ở mức vừa đủ. Cũng khó để yêu cầu một chiếc máy mỏng nhẹ trong tầm giá này có loa hay. 


Pin: Không phù hợp với cấu hình 

Máy được trang bị viên pin 3 cell 43Wh tuy nhiên lại phải gánh một cấu hình khá mạnh với chip i5 9300H hiệu năng cao và card đồ họa rời GTX 1650 nên kể cả với những tác vụ hàng ngày thì máy cũng chỉ hoạt động liên tục trong khoảng từ 3 đến 3 tiếng rưỡi với mức độ sáng màn hình ở 50%.

Khả năng nâng cấp: Vừa đủ

Phiên bản được review trang bị sẵn một ổ SSD NVMe 512GB ở khe M.2. Bên cạnh đó máy trang bị 8G RAM trong đó 4 GB RAM hàn trực tiếp lên bo mạch và 4G còn lại lắp ngoài nên nếu các bạn muốn nâng RAM ở phiên bản này các bạn phải bỏ đi một thanh RAM 4GB khá bất tiện. Máy còn một khe sata 2.5 inch còn trống để có thể nâng thêm SSD sata 2.5 inch hoặc HDD. Đây cũng là một điều khá bình thường đối với những dòng máy mỏng nhẹ 


 

Tổng kết đây là một mẫu máy khá nửa vời và không được trau chuốt một cách kỹ càng. Có quá nhiều điểm phải đánh đổi để có được một hình dáng mỏng nhẹ. Nếu so với những đối thủ trong cùng tầm giá đi mẫu máy này không có quá nhiều điểm nổi bật đủ để cạnh tranh với những mẫu laptop của những thương hiệu khác.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập