Đánh giá chi tiết ASUS VivoBook 14 A415: Liệu có ngon so với mức giá 17 triệu?
Thiết kế - ASUS năm nay làm quá tốt
Năm nay, đối với cá nhân mình, hầu như tất cả những chiếc VivoBook và ZenBook đều được ASUS làm rất tốt trong khâu hoàn thiện sản phẩm. Những chiếc ZenBook 14 UM425 hay VivoBook 14 M413 mà mình đã review trước đó đều có mức độ hoàn thiện khá tốt trong tầm giá và chiếc VivoBook 14 A415 này cũng vậy.
Được hoàn thiện hoàn toàn bằng nhôm, đi kèm với đó là những đường nét thiết kế được ASUS hoàn thiện khá tốt nên cảm giác ọp ẹp là điều gần như không có trên mẫu laptop phổ thông này. Cụm bản lề của máy được hoàn thiện rất chắc chắn, các chi tiết như logo mặt lưng hay cổng kết nối rất được đầu tư. Tuy hiện tượng flex nhẹ ở cụm bàn phím khi gõ nhanh vẫn còn hiện hữu nhưng nhìn chung về thiết kế, ASUS VivoBook 14 A415 đem lại cho mình cảm giác tốt so với mức giá 17 triệu đồng mà nó mang lại.
Hiệu năng - Đúng với mức giá
Phiên bản mình đang đánh giá được trang bị vi xử lý Intel Core i5 - 1135G7 kèm với card đồ họa Intel Iris Xe tích hợp, 8GB RAM DDR4 bus 3200 MHz và 512GB SSD m.2 NVMe. Nhìn chung, cấu hình của ASUS VivoBook 14 A415 ổn so với mức giá.
Bài test quen thuộc đầu tiên mà mình luôn làm trên bất cứ chiếc máy nào dù là văn phòng hay gaming chính là Cinebench R20. Mình vẫn sẽ cho máy chạy 3 lần liên tiếp cả đơn nhân lẫn đa nhân. Điểm số đa nhân trung bình qua 3 lần test liên tiếp là 1800, nhiệt độ CPU trung bình ở mức 65 đến 68 độ C và TPU ổn định ở 19W.
Điểm số đơn nhân qua 3 lần test liên tiếp khoảng 520 điểm, TPU ổn định ở mức 15W và nhiệt độ trung bình giao động trong khoảng từ 70 đến 72 độ C. Đây là những thông số test khá tốt. Tuy nhiên, nếu bạn muốn một trải nghiệm hiệu năng thuần tốt hơn thì ASUS VivoBook 14 A415 chưa phải là sự lựa chọn phù hợp. Đối thủ về hiệu năng của chiếc máy này lại chính là chiếc ASUS VivoBook 14 M413 có mức giá rẻ hơn đến 2 triệu đồng.
ASUS VivoBook 14 M413 được trang bị sức mạnh của vi xử lý AMD Ryzen 5 4500U nên hiệu suất đa nhân của M413 lại mạnh hơn khá đáng kể so với A415. Đa nhân trên M413 cho ra 2200 điểm, cao hơn khoảng hơn 400 điểm so với VivoBook 14 A415. Vậy nên, những tác vụ yêu cầu đến sức mạnh đa nhân lớn hơn như Excel, làm số liệu, xem video Youtube ở độ phân giải cao, M413 lại làm tốt hơn so với A415. Tại sao mình lại nêu ra 3 tác vụ này? Đó chính là việc đây là 2 chiếc Ultrabook văn phòng, người dùng khi mua 2 chiếc máy này phần lớn là họ sẽ làm những công việc đó.
Bài test thứ 2 mà mình thực hiện trên ASUS VivoBook 14 A415 chính là khả năng chơi game và game đầu tiên mà mình thực hiện trên chiếc máy này chính là tựa game quốc dân CS:GO. Với mức giá phổ thông nên việc test hardcore là hoàn toàn không cần thiết trên ASUS VivoBook 14 A415. Sau khi thiết lập setting đồ họa mức thấp nhất với độ phân giải màn hình ở mức Full HD, FPS trung bình của tựa game giao động trong khoảng từ 65 đến 70 FPS.
Tuy nhiên, mình cũng đã thử sức xem với việc trang bị Intel Tiger Lake vs Iris Xe. khả năng của chiếc máy này có thể đến đâu. Chính vì vậy, The Witcher là tựa game tiếp theo mà mình test. Nếu muốn chơi được tựa game này, bắt buộc phải thiết lập cài đặt đồ họa ở mức thấp nhất. Sau 30 phút chơi liên tục, tốc độ khung hình trung bình của tựa game The Witcher cho ra trên ASUS VivoBook 14 A415 vào khoảng 25 đến 30 FPS. Nhìn chung, ASUS VivoBook 14 A415 hoàn toàn có thể chơi được game nặng. Tuy nhiên, đây chỉ là bài test cá nhân của mình để thử xem sức mạnh phần cứng của ASUS VivoBook 14 A415 đến đâu nên người viết phải khuyến cáo với bạn đọc rằng không nên chơi game nặng quá lâu trên trên chiếc Ultrabook văn phòng này.
Như trên hình minh họa, các bạn có thể thấy rằng khi chơi The Witcher, nhiệt độ GPU luôn đạt ngưỡng 99 đến 100 độ C, đây là nhiệt độ đáng báo động với 1 chiếc Ultrabook phổ thông. Khi lên đến ngưỡng nhiệt độ này trong khoảng thời gian dài, hoàn toàn không có gì để đảm bảo rằng các linh kiện phần cứng bên trong sẽ có vấn đề khi bạn để chiếc máy này chạm ngưỡng nhiệt độ đó.
Tựu chung, xét về hiệu năng tổng thể, ASUS VivoBook 14 A415 gói gọn lại trong cụm từ “đủ dùng”. Với hiệu năng thuộc dạng khá bình thường, chiếc máy này phù hợp với đại đa số người dùng văn phòng phổ thông, các bạn học sinh sinh viên cần cho mình 1 chiếc laptop làm việc cũng như giải trí ở mức cơ bản có thể hoạt động được ổn định.
Cụm bàn phím và touchpad - Không thể chê
Nói riêng về cụm bàn phím trên ASUS VivoBook 14 A415, hành trình cũng như độ nảy phím rất nhẹ nhàng, layout phím được bố trí rất hợp lý, thuận tiện cho công việc gõ văn phòng nên xét về cảm giác gõ tổng thể, những gì mà cụm bàn phím trên ASUS VivoBook 14 A415 đem lại rất tốt, không có bất cứ điều gì để chê. Có chăng, nếu kỹ tính hơn và so sánh nó với cụm bàn phím ThinkPad, lúc đó cụm bàn phím trên ASUS VivoBook 14 A415 mới tỏ ra thua thiệt mà thôi.
Chiếc touchpad này có kích thước tuy không to bản nhưng bù lại, do được phủ kính nên cảm giác di rất tốt, kèm với đó là khả năng tracking rất ổn và mượt mà nên xét về trải nghiệm sử dụng tổng thể, mình cũng phải dành 1 lời khen dành cho touchpad trên ASUS VivoBook 14 A415.
Đối với cá nhân mình, cụm bàn phím và touchpad trên ASUS VivoBook 14 A415 nói riêng và tất cả những mẫu VivoBook phổ thông nói chung đều đem lại cảm giác sử dụng cực kỳ tuyệt vời, nhất là khi so sánh với các đối thủ trong phân khúc giá. Cảm giác sử dụng của cụm bàn phím và touchpad này mang lại tốt hơn rất nhiều so với những chiếc Dell Inspiron, HP ProBook hay Lenovo IdeaPad cùm mức giá.
Màn hình - Yếu thông số, nhưng...
Thực tế, gần như tất cả các loại màn hình được trang bị trên những chiếc ASUS trong tầm giá dưới 18 triệu đồng đều có những thông số phần cứng rất kém, các đối thủ của hãng trong tầm giá này cũng vậy. Tuy nhiên, ASUS rất biết cách “đánh lừa” khách hàng của mình bằng những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với những thông số yếu kém mà hãng đề ra.
Mình đã trực tiếp đo thông số màn bằng bọ SpiderXElite, kết quả cho ra đúng như những gì mà nhà sản xuất công bố: 65% sRGB, giải màu Adobe RGB và P3 đều đạt con số 48% và độ sáng dừng lại ở mức 276.2 nits.
Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế lại hoàn toàn khác so với những thông số trên. Sau khi phát một đoạn clip 4K trên Youtube, mình nhận thấy giải màu đen được thể hiện trên chiếc màn hình này khá sâu cũng như các giải màu khác được thể hiện khá chính. Có được điều trên chính là nhờ việc độ sai lệch màu sắc trên chiếc màn hình này là cực kỳ thấp, chính xác là 1.32, nếu xét trên hệ quy chiếu laptop phổ thông, đây là một trong những thông số màn hình cực kỳ đáng giá.
Tựu chung, tuy sở hữu những thông số không mấy ấn tượng nhưng trải nghiệm thực tế trên màn hình của ASUS VivoBook 14 A415 hoàn toàn chấp nhận được trong mức giá. Độ sai lệch màu sắc rất thấp nên người dùng hoàn toàn có thể chỉnh ảnh cũng như chơi game trên chiếc màn hình này mà hoàn toàn không gặp bất cứ khó khăn nào.
Cổng kết nối và thời lượng pin
ASUS VivoBook 14 A415 được trang bị viên pin dung lượng 42Wh. Tuy nhiên, do có độ sáng màn hình thấp, nên mình luôn phải để độ sáng màn ở mức tối đa trong quá trình sử dụng dẫn đến việc đây là một chiếc Ultrabook có thời gian onscreen thực tế không được tốt. Đối với những tác vụ văn phòng cũng như chỉnh sửa hình ảnh ở mức cơ bản (không chơi game và bật tắt các kết nối hợp lý), ASUS VivoBook 14 A415 trụ được tối đa khoảng 4 tiếng sử dụng, không mấy ấn tượng đối với một chiếc Ultrabook phổ thông.
3 cổng USB Type-A, 1 cổng USB Type-C hỗ trợ giao thức Thunderbolt 4.0, 1 jack cắm tai nghe 3.5mm, 1 khi thẻ nhớ microSD và 1 cổng sạc là tất cả những giao thức kết nối được trang bị trên ASUS VivoBook 14 A415. Đối với cá nhân mình, đây là số lượng cổng kết nối đủ dùng, không gặp bất cứ cản trở nào khi sử dụng những giao thức này.
Tạm kết
Nhìn chung, những gì mà ASUS VivoBook 14 A415 mang lại dừng lại ở mức ổn, không có gì quá nổi bật nhưng cũng không có gì quá tệ nếu xét trên hệ quy chiếu đúng với mức giá mà nó mang tới cho người dùng. Chất lượng build tốt, bàn phím và touchpad đem lại trải nghiệm sử dụng tuyệt vời cũng như màn hình có khả năng hiển thị khá, đó là tất cả những gì mà đại đa số người dùng sẽ cần trong phân khúc Ultrabook phổ thông này.
Tuy nhiên, nếu các bạn yêu cầu 1 hiệu năng mạnh mẽ, ASUS VivoBook 14 A415 không phải là sự lựa chọn dành cho bạn. Nếu người dùng cần thiết điều này hơn, và nếu 2 triệu đồng không phải là vấn đề quá lớn đối với bạn thì chiếc ZenBook UM425 sẽ là lựa chọn tốt hơn khá nhiều so với ASUS VivoBook 14 A415.