Đánh giá chi tiết Mi 11: Xiaomi đã thực sự sản xuất điện thoại cao cấp!

Vietbm
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Xiaomi Mi 11 mang lại những trải nghiệm tuyệt vời dù để sở hữu sản phẩm này, anh em phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng.

Đừng ngạc nhiên khi các mẫu flagship của Xiaomi có mức giá đang tăng dần và gần như sánh ngang các thương hiệu hàng đầu hiện nay. Tất nhiên, Xiaomi cũng có lý do chính đáng để áp một mức giá cao cho Mi 11. Một phần là định hình lại hình ảnh của Xiaomi sau nhiều năm cống hiến vì "sự nghiệp tiếp cận" smartphone, chuyển mình để vượt qua cái bóng quá khứ và quan trọng hơn cả là mang lại giá trị công nghệ, trải nghiệm cao cấp dành cho người dùng toàn cầu.

Tại Việt Nam, Xiaomi Mi 11 đang được bán ra với mức giá 21,99 triệu đồng với phiên bản chạy Snapdragon 888, 8GB và bộ nhớ trong 256GB. Ở tầm giá này, người dùng có khá nhiều lựa chọn bao gồm Samsung Galaxy S21+, iPhone 12, Samsung Galaxy Note 20 Ultra hay OnePlus 8T Pro. Thậm chí, nếu bạn đặt hàng ở đợt đầu thì mức giá sau khi được điều chỉnh sẽ ở mức 16,99 triệu đồng - ở tầm giá này, mình chắc chắn Xiaomi Mi 11 là sản phẩm đáng mua. Tất nhiên, trong quá trình trải nghiệm, có những điểm thiết bị của Xiaomi khiến mình hài lòng và cũng điểm xuyết một vài sự hụt hẫng.

Thiết kế

Thực tế, Xiaomi Mi 11 xách tay đã về Việt Nam từ khá lâu, điểm khác biệt về thiết kế là ở chỗ cạnh Xiaomi sẽ có thêm biểu tượng 5G. Còn trải nghiệm bên trong thì chắc hẳn anh em cũng biết nằm ở việc không có dịch vụ Google với bản nội địa. Mình được cho mượn bản màu xám bóng đêm nhưng thích bản màu xanh chân trời, trong bài viết này mình sẽ sử dụng bản màu này, đẹp, dễ lên ảnh.

May mắn là ở Việt Nam, Xiaomi không bỏ củ sạc trong hộp, thay vào đó là sạc GaN 55W mới nhất từ hãng, vừa cho tốc độ sạc nhanh vừa có kích thước tương đối gọn nhẹ. Điều này giúp Xiaomi ghi điểm trong mắt người dùng Việt Nam trong khi Apple, Samsung đã loại bỏ thẳng thừng củ sạc với mục tiêu "bảo vệ môi trường". Còn về thiết kế tổng quan, Mi 11 gần như không có điểm khác biệt với thế hệ đi trước, vẫn hai mặt kính cường lực Gorilla Glass cong và khung nhôm được sắp xếp liền mạch, cao cấp nhưng vẫn không có khả năng chống nước. Năm 2021, một mẫu điện thoại cao cấp lại không có khả năng chống nước? Xét trên toàn thị trường thì đây là thiếu xót lớn nhưng với những ai quen với cách làm của Xiaomi từ trước, đó quá là điều hiển nhiên. Hãng cũng bổ sung các chi tiết bảo vệ cơ bản khỏi các loại chất lỏng như gioăng cao su nhưng thực sự xài Mi 11, anh em nên cẩn thận.

Mặt kính phía sau được làm nhám, khá mịn và trơn, kết hợp phần viền nhôm siêu mỏng khiến mình cầm nắm không thực sự thoải mái, phần lớn là cảm giác sợ rơi. Xiaomi cung cấp một ốp lưng bằng nhựa dẻo để bảo vệ máy, nhưng ốp này cũng không đẹp, chống cháy ở thời điểm đầu chưa có nhiều phụ kiện được cung ứng ở Việt Nam. Điểm nhấn của Mi 11 nằm ở cụm camera với cảm biến chính khá lớn và lồi lên hẳn so với mặt bằng chung, với mình thì nó không đẹp nhưng tạo được một cảm giác chuyên nghiệp. Cách bố trí các cảm biến camera của Xiaomi phá cách so với thị trường, đồng thời tạo nên sự khác biệt, thu hút ánh nhìn hơn. Chưa nói đến cảm biến camera 108MP có mang lại nhiều hiệu quả hay không nhưng mình cá bạn sẽ thích kiểu bố trí này.

Màn hình kích thước 6,81 inches chiếm trọn mặt trước của Mi 11 với tỉ lệ lên tới 91.4%. Xiaomi đã làm độ cong vừa đủ để sử dụng, thao tác mà không gặp bất kỳ trường hợp chạm nhầm. Dẫu vậy, các góc được bo cong khá gắt, phá vỡ sự cân bằng về độ rộng của phần viền. Ở các góc, phần màu đen dày, có phần hơi thô. Phần nốt ruồi ở góc trên bên trái là nơi đặt camera selfie độ phân giải 20M. Cảm biến vân tay được tích hợp ngay trên màn hình đi kèm chức năng đo nhip tim hơi thừa so với nhu cầu cơ bản của người dùng. Cảm biến vân tay rất nhạy, nhận diện nhanh nhưng nhịp tim có chính xác hay không thì mình cũng không rõ, nên ở mức tham khảo thôi. Mình cũng ít sử dụng tính năng này trên Mi 11 vì luôn đeo đồng hồ thông minh hay chính chiếc Mi Band 5 để kiểm soát nhịp tim thường xuyên.

Nhìn chung, về thiết kế, mình thấy những thay đổi của Xiaomi là không nhiều nhưng vẫn tạo được điểm nhấn. Xấu hay đẹp tuỳ thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi người, mình nhường phần phán xử lại cho anh em.

Màn hình và loa

Sử dụng màn hình độ phân giải WQHD tần số quét 120Hz cùng cụm loa được chứng nhận chất lượng bởi Harman Kardon, Xiaomi Mi 11 xứng đáng là mẫu smartphone dành cho giải trí hàng đầu hiện nay. Như mình nói ở trên, màn hình của Mi 11 được làm cong 4 cạnh cho trải nghiệm thị giác hoàn hảo dù phần viền dưới vẫn còn hơi dày nhưng đáng tiếc nhất vẫn là các góc được làm quá gắt. Nếu góc rộng ra một chút, màn hình này sẽ thực sự hoàn hảo.

Ngoài một chút đáng tiếc trong thiết kế, màn hình của Xiaomi thực sự xuất sắc với khả năng hiển thị lên tới một tỉ màu nhờ hỗ trợ chuẩn HDR 10+ và độ sáng cao nhất lên tới 1500 nits. Màn hình trên Mi 11 chỉ có hai lựa chọn 60Hz tiêu chuẩn và 120Hz mượt mà. Một khi đã lựa chọn tần số quét 120Hz thì bất kỳ bạn sử dụng gì từ giao diện, ứng dụng hệ thống sẽ luôn hoạt động ở mức đó, không được linh hoạt, thông minh như Samsung Galaxy S21 Ultra. Điều này cũng là một phần ảnh hưởng đến thời lượng pin trong quá trình trải nghiệm của Mi 11.

Xiaomi Mi 11 được trang DisplayMate chấm điểm A+, xếp hạng cao nhất. Trong các hạng mục của Display Mate, hầu hết các bài kiểm tra Mi 11 đều cho ra kết quả rất tốt hoặc cao. Trang đánh giá màn hình uy tín dành không ngớt những lời có cánh cho siêu phẩm đến từ Xiaomi. Khi tham khảo những con số khô khan, mình đã nghĩ đó là một hình thức PR vì xét đến màn hình, Samsung vẫn đang dẫn đầu. Khi trải nghiệm thực tế, màn hình của Mi 11 hoàn toàn khiến mình hài lòng, thậm chí phải "wow" vì quá đẹp, màu sắc đươc tái tạo chính xác, xem HDR hoàn hảo và độ tương phản cao. Mình quá quen với màn hình của iPhone với độ bão hoà ở mức khá, độ chuẩn màu cao nhưng khi nhìn vào Mi 11 như một tầm khác vậy.

Thông thường mình sẽ không đánh giá hoặc ít khi nhắc đến loa khi viết, làm video về điện thoại, một phần nó mang tính cảm quan cá nhân, khó thể hiện bằng footage và một phần vì loa trên thiết bị nhỏ không đáng kể. Tuy nhiên, sự có mặt của dòng chữ Harman Kardon khiến mình tò mò và Mi 11 lại khiến mình "wow" thêm một lần nữa!

Âm thanh được tái tạo bởi loa stereo trong trẻo, âm lượng đủ to để sử dụng ở không gian rộng, độ chi tiết tuyệt vời. Mặc dù dải âm trầm không gọn như mình nghĩ nhưng quá đủ cho đôi tai không mấy "thượng đẳng" của mình. Cả khi chơi game, nghe nhạc, xem phim, Mi 11 đều hoàn thành tốt, không có hiện tượng rè khi sử dụng trong thời gian dài. Trong ba mẫu điện thoại cao cấp mình đã sử dụng qua bao gồm Samsung Galaxy S21 Ultra, iPhone 12 Pro Max, Mi 11, điện thoại của Xiaomi khiến mình hài lòng nhất ở khoản này.

Hiệu năng

Xiaomi Mi 11 là smartphone đầu tiên được bán thương mại với vi xử lý Snapdragon 888 mới nhất của Qualcomm. Vi xử lý của Qualcomm xây dựng trên dây chuyền 5nm và được đảm nhiệm bởi Samsung. Năm nay, vi xử lý Exynos 2100 và Snapdragon 888 có cùng kiến trúc ba cụm chứa tổng cộng 8 nhân mang tới hiệu năng cao hơn 25% so với Snapdragon 865. Điểm nhấn lớn nhất bên trong Snapdragon 888 là lõi Kryo 680 Prime hoạt động ở xung nhịp 2.84GHz, sau đó là bộ ba Kryo 680 Gold 2.42GHz lõi Cortex-A78 và bốn Kryo 680 Silver lõi Cortex-A55 dành cho các tác vụ thông thường.

Vi xử lý Snapdragon 888 đi kèm với GPU Adreno 660 mới, tăng hiệu suất đồ hoạ lên 35% so với thế hệ cũ, đồng thời bộ xử lý AI thế hệ thứ 6 Hexagon 780 DSP, modem X60 5G/LTE. Bên cạnh trái tim Snapdragon 888, Xiaomi cũng sử dụng RAM LPDDR5 8GB và 256GB bộ nhớ UFS 3.1. Tất cả tạo nên một "quái vật" hiệu năng thực thụ nhưng cũng có một vấn đề nảy sinh trong quá trình sử dụng, mình sẽ nhắc đến sau.

Thử nghiệm với GeekBench 5, vi xử lý Snapdragon 888 đạt hiệu năng đơn nhân 1128, cao hơn phần lớn các mẫu smartphone cao cấp hiện nay có mặt trên thị trường, vượt trội so với Snapdragon 865. Trong khi đó hiệu năng đơn nhân đạt 3691 điểm, chỉ chịu thua phiên bản Exynos 2100 chạy trên Galaxy S21 Ultra và Kirin 9000 trên Huawei Mate 40 Pro. Về mặt đồ hoạ, GPU Adreno 660 đang là mạnh nhất ở thế giới Android, đồng thời bộ nhớ UFS 3.1 trên Xiaomi Mi 11 cho tốc độ đọc/ghi lên tới 1542MB/s và 729MB/s. Đấy là những thông tin chỉ ra những điểm nổi bật về hiệu năng của sản phẩm của Xiaomi. Còn trải nghiệm thực tế?

Nhiều bạn sẽ lao vào việc chơi game để thử hiệu năng và tất nhiên, mình cũng vậy. Hầu hết tất cả các tựa game mình đều đặt ở mức đồ hoạ cao nhất bao gồm Genshin Impact, PUBG Mobile, Liên Quân Mobile, Call of Duty Mobile, Asphalt 9, Shadow Fight 3. Mobile Legend: Bang Bang VNG. Tất cả đều đạt 60fps ở thời điểm đầu khi đo đạc thông qua phần mềm Perfdog nhưng nhanh chóng bị tụt fps sau khoảng thời gian 10 phút chơi game, phần lớn là do hiện tượng quá nhiệt. Đáng chú ý khi khung hình thấp nhất đo được khi chơi Genshin Impact chỉ là 25fps, rất bất ngờ. Mình sẽ tổng hợp lại tốc độ khung hình trung bình các tựa game đã thử qua.

Trở lại với vấn đề gặp phải trên Xiaomi Mi 11, nóng! Dù được trang bị tản nhiệt buồng hơi nhưng do thiết kế mỏng nhẹ, hai mặt kính nên việc nóng lên là hoàn toàn dễ hiểu. Chơi Genshin Impact trong khoảng 15 phút, thực sự rất khó chịu ở lòng bàn tay khi máy nóng dù trong phòng nhiệt độ chỉ 20 độ C. Đặc biệt ở phần màn hình gần cụm camera hoặc mặt lưng ngay dưới cụm camera, nhiệt độ ở hai phần này lần lượt là 48,4 độ C và 43,1 độ C. (có video luôn). Hy vọng, Xiaomi có một cách tối ưu nào đó để giải quyết vấn đề này.

Camera

Với cụm camera sắp xếp theo ba tầng, khá dày bản và to, mình cũng như các anh em kỳ vọng vào sự thay đổi lớn trong việc nâng cao trải nghiệm chụp ảnh với Xiaomi Mi 11. Bộ ba cảm biến bao gồm camera chính ISOCELL Bright HMX 108MP của Samsung giống trên Mi 10 và Mi 10 Pro với ống kính 8 thành phần, khẩu độ f/1.85 (thậm chí khẩu độ còn nhỏ hơn so với Mi 10 với 1/6.9).

Camera siêu rộng sử dụng cảm biến OmniVision OV13B10 13MP và camera macro sử dụng cảm biến Samsung S5K5E9 1/5" 5MP. Ứng dụng camera của Xiaomi cũng rất đơn giản, dễ dùng, nhiều tính năng, bạn có thể truy cập nhanh bằng cách vuốt qua vuốt lại dễ dàng. Thực ra có một lưu ý là AI của điện thoại Xiaomi nói chung và Mi 11 nói riêng hoạt động không đúng cách mình mong đợi, thường chỉ bổ sung độ bão hoà, tăng dải động giống cách mà tính năng HDR hoạt động nhưng chưa vượt trôi. Vì không có camera tele nên zoom của Mi 11 là zoom số hoàn toàn, độ phân giải 108MP cho phép những bức ảnh chụp xa có độ chi tiết ở mức khá, tất nhiên chỉ nên dừng ở 2x mà thôi, cao hơn thì bạn sẽ không nghĩ nó sẽ tệ đến đâu.



Đặc biệt, camera macro cho phép lấy nét ở khoảng từ 3cm-9cm. Mình đã dùng thử chụp ảnh macro và ảnh cho ra ấn tượng dù ngay trên mặt bàn mình chỉ với đèn LED 10W với khả năng chiếu sáng ngang 40W của Philips. Ảnh cho ra chi tiết, màu sắc kết hợp cùng AI dù hơi đậm, nịnh mắt nhưng cũng là một trải nghiệm sáng giá. Dưới đây là một số ví dụ điển hình.



Trong khi đó, nếu camera góc rộng không có gì đặc biệt, độ chi tiết vẫn ở mức bình thường, không nhiều kỳ vọng thì camera chính để lại một số ấn tượng nhất định. Camera 108MP chụp ảnh cho ra ở độ phân giải 27MP theo mặc định. Ảnh giàu chi tiết, màu sắc chính xác, độ tương phản cao. Anh em xem qua nhé!



Ngoài ra, Xiaomi cũng quảng cáo tính năng quay phim chuẩn điện ảnh nhưng vì thời gian cầm máy chưa lâu nên mình xin hẹn review chi tiết tính năng này trong thời gian tới. À nhân tiên đang có phim ngắn được quay hoàn toàn bằng Mi 11, anh em có thể lên Youtube xem nhé, có Thái Vũ của FAPTV luôn.

Thời lượng pin

Dù có kích thước lớn, nhưng độ mỏng khiến Xiaomi chỉ cung cấp viên pin 4.600mAh bên trong Mi 11 và chia nó thành hai Cell có dung lượng 2.300mAh. Cách làm này phù hợp với công nghệ sạc nhanh bao gồm cả có dây và không dây.

Mi 11 sử dụng màn hình độ phân giải cao, tốc độ làm tươi 120Hz, hỗ trợ 5G và vi xử lý cực mạnh Snapdragon 888 nên nếu sử dụng ở mức cao như thường xuyên chơi game, kết nối 4G/5G, máy nóng, ảnh hưởng đến thời lượng pin. Việc duyệt web ở màn hình 60Hz cũng không giúp anh em tiết kiệm được thêm nhiều pin nhưng xem video lại là vấn đề khác. Thử nghiệm thực tế, Xiaomi Mi 11 có thể xem video liên tục qua kết nối WiFi (không bật HDR) lên tới 11 giờ đồng hồ.

Với việc sử dụng thông thường, Xiaomi Mi 11 cho thời gian hoạt động cả ngày dài ở tần số quét 60Hz, trong khi nếu bạn xài 120Hz thời gian này sẽ giảm đi nhanh chóng. Chơi game trên Mi 11 máy rút pin cũng nhanh, khi chơi PUBG Mobile khoảng 30 phút, máy rút 18% pin. Phần lớn lý do này là do màn hình 120Hz và nóng. Anh em nên lưu ý tản nhiệt cho máy để hoạt động bền bỉ hơn.

Thay cho lời kết

Nhìn chung, Xiaomi Mi 11 là điện thoại cao cấp đáng mua ở thời điểm hiện tại, sở hữu cấu hình mạnh nhất, màn hình đẹp nhất, thiết kế cũng đẹp mắt. Nếu anh em muốn tập trung vào trải nghiệm camera thì có lẽ nên cân nhắc các sản phẩm khác đến từ Samsung, Apple... Sau khi trải nghiệm Mi 11 mình cảm thấy Xiaomi thực sự đã tham chiến ở phân khúc cao cấp, lột xác theo chiều hướng tích cực hơn nhưng liệu người dùng có thực sự đón nhận? Mình nghĩ là có, anh em thì sao nhỉ?

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập