article detail

Đánh giá Galaxy A52 5G: Có đáng để nâng cấp lên phiên bản 5G?

3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Với những tính năng cao cấp, Galaxy A52 và A52 5G đã thực sự thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường của Samsung.

Năm 2020, Samsung Galaxy A51 là chiếc điện thoại Android bán chạy nhất với hơn 23 triệu chiếc được xuất xưởng trên toàn cầu. Thành công của nó là bằng chứng cho thấy tiềm năng phát triển của phân khúc điện thoại tầm trung. Tới năm 2021, để tiếp tục khai thác “mảnh đất màu mỡ” này, Samsung đã mang tới 2 sản phẩm kế nhiệm của Galaxy A51.

Phiên bản Galaxy A52 thường có giá từ 9.290.000 triệu đồng, trong khi Galaxy A52 5G cao hơn một chút, ở mức 10.990.000 đồng. Với hơn 1 triệu đồng chênh lệch này, phiên bản 5G không chỉ hơn phiên bản thường ở kết nối mạng, mà còn vượt trội hơn về tần số quét màn hình và con chip Snapdragon 750G 5G.

Thiết kế

“Nhẹ!”, đây là tính từ đầu tiên mình nghĩ đến khi cầm trên tay chiếc Galaxy A52 5G. Với chất liệu chính là nhựa, Galaxy A52 5G mang tới một cảm giác cầm nắm khá thân thiện và không hề bám mồ hôi và dấu vân tay. Chính phần khung nhựa này đã tạo cho máy có một khối lượng nhẹ hơn hẳn so với nhiều smartphone của hãng và cũng dễ dàng để đưa nhiều màu sắc lên mặt lưng hơn.

Mặt lưng tối giản này cũng là thứ khiến mình ưng ý hơn nhiều so với mặt lưng đổi màu của Galaxy A51. Bên cạnh phần mặt lưng nhựa này là phần viên được phủ sơn bóng để tạo độ cao cấp tương tự Galaxy A21 series. Phần sơn bóng này được phủ lên cả phím nguồn và phím tăng giảm âm lượng ở cạnh phải. Cách làm này giúp máy giữ được độ “sang” trên một thiết bị có giá trên 10 triệu đồng.

Ở phần cạnh viền, Samsung đã phủ một lớp sơn bóng giúp làm tăng độ cao cấp cho Galaxy A52 5G. Phần sơn bóng này được phủ lên cả phím nguồn và phím tăng giảm âm lượng ở cạnh phải. Phần ghép nối giữa mặt lưng và cạnh bên cũng được Samsung chuyển tiếp khá liền mạch, tạo cảm giác cầm nắm vô cùng thoải mái và dễ chịu.

Về các cổng giao tiếp, cạnh dưới sẽ là nơi chứa cổng sạc USB-C, jack cắm tai nghe 3,5mm và loa, trong khi khe SIM lại được đưa lên cạnh phía trên cùng. Phím nguồn và phím tăng giảm âm lượng cũng được đặt ở vị trí khá nên người dùng sẽ không mất quá nhiều thời gian để làm quen.

Cách bố trí cụm camera ở mặt lưng dường như được pha trộn giữa Galaxy S21 Ultra và Galaxy Note 20 Ultra. Nó không được đóng khung bóng bẩy, nổi bật như S21 Ultra nên cũng thể hiện được thân thiện hơn trên một thiết bị tầm trung.

Màn hình

Dòng Galaxy A5x đã có màn hình Super AMOLED kể từ những thiết bị đầu tiên. Xu hướng này tiếp tục tới Galaxy A52, với màn hình Super AMOLED Full HD+ 6,5 inch được đục lỗ ở giữa cho camera selfie. Phần camera selfie này rất nhỏ nên ảnh hưởng tới trải nghiệm hiển thị là không nhiều. Thậm chí, đây cũng là kiểu làm camera selfie mình thích nhất trên các thiết bị smartphones hiện nay. Nó vừa có được độ cân xứng, vừa tối ưu hoá được diện tích hiển thị so với dạng tai thỏ.

Samsung tuyên bố màn hình của A52 5G có thể đạt độ sáng cao nhất lên tới 800 nits. Với nhu cầu sử dụng hằng ngày, màn hình này cũng vừa đủ để sử dụng dưới ánh nắng mặt trời mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Bên cạnh đó, màn hình của A52 5G cũng hỗ trợ HDR10+ và HLG để phát lại nội dung HDR trên YouTube hay các nền tảng OTT như Netflix và Apple TV+. Điều này cũng đáng giá hơn khi giờ đây Google đã cho phép phát nội dung 4K trên YouTube của các thiết bị Android. Màn hình của máy chưa đạt đến độ phân giải 4K, tuy nhiên hỗ trợ này cũng phần nào cải thiện được chi tiết, màu sắc khi xem các video 4K HDR.

Chất lượng hiển thị của tấm nền AMOLED này cũng không có gì để chê trong tầm giá. Độ rõ nét và màu sắc của màn hình là phù hợp với nhu cầu sử dụng của một chiếc điện thoại tầm trung. Điểm mình không ưng ý nhất có lẽ là chế độ hiển thị màu của Samsung trong vài năm qua. Hãng cung cấp 2 chế độ màu bao gồm: Tự nhiên và Sinh động, để thay đổi mức độ màu sắc hiển thị. Ở chế độ Tự nhiên, màu sắc hơi nhợt nhạt trong khi Sinh động lại cho ra kết quả rực rỡ quá đà.

Điểm nổi bật nhất của Samsung Galaxy A series năm nay là cải tiến về tần số quét màn hình, và Galaxy A52 5G là thiết bị được hưởng lợi nhiều nhất. Máy được trang bị màn hình 120Hz, cao cấp hơn hẳn so với 90Hz của A52 thường và 60Hz của A51. Tần số quét cao kết hợp cùng One UI 3.1 đã nâng tầm cảm giác vuốt chạm trên máy. Samsung cũng trang bị 2 lựa chọn tần số quét màn hình gồm 60Hz và 120Hz nếu người dùng muốn tiết kiệm pin. Trên thực tế sử dụng, màn hình 60Hz làm giảm đi độ "sướng” mà thời lượng pin không được cải thiện quả nhiều. Do đó, hãy cứ bật 120Hz để sử dụng thông số cao cấp này nhé!

Camera

Galaxy A52 5G có thiết lập 4 camera ở mặt sau, bao gồm camera chính 64MP, camera góc siêu rộng 12MP, camera macro 5MP và cảm biến độ sâu 5MP. Ngoài ra, Galaxy A52 đi kèm với OIS để quay video chống rung. Giao diện và các tính năng chụp của Galaxy A52 5G cũng khá đầy đủ, tương tự Galaxy S21 hay Note 20 Ultra.

Chất lượng chụp ở ống kính chính là tương đối tốt về cả chi tiết lẫn màu sắc. Kết quả cho ra được trợ giúp khá nhiều từ phần mềm xử lý của Samsung. Khi đưa máy lên chụp, bạn sẽ thấy hình ảnh khá nhạt và chi tiết cũng không tốt. Tuy nhiên, sau khi bấm chụp, Samsung sẽ làm cho bức ảnh trở nên "có hồn" hơn rất nhiều sau hàng loạt thuật toán. Hình ảnh cho ra vẫn có xu hướng được đẩy độ bão hoà như cách mà Samsung vẫn làm vài năm qua.



Bên cạnh hình ảnh 16MP, Galaxy A52 5G cũng có thể chụp bằng cách sử dụng độ phân giải đầy đủ của cảm biến 64MP. Những hình ảnh được chụp với chế độ 64MP trong Galaxy A52 có vẻ ít bão hòa hơn so với những hình ảnh được chụp bằng chế độ 16MP vào ban ngày. Trên thực tế, hình ảnh 64MP có tông màu tự nhiên hơn trong khi những hình ảnh 16MP được tăng cường độ bão hoà khá nhiều, thậm chí là hơi giả. Khi chụp, A52 5G sẽ mất 3-5 giây để xử lý hình ảnh 64MP và thời gian chụp khá dài nên bạn phải giữ máy thật chắc tay nhé!



Vào ban đêm hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu, tính năng binning điểm ảnh tăng phơi sáng giúp ảnh có được chi tiết tốt hơn hẳn. Mình khá thích chế độ chụp đêm bởi cách nó xử lý chi tiết và màu sắc. Ngay cả ban ngày khi ở trong nhà, mình cũng thường xuyên sử dụng chế độ chụp này để có được một bức ảnh ưng ý nhất.




Samsung Galaxy A52 có thể quay video 4K ở video 30fps hoặc 1080p ở 60fps. OIS (ổn định hình ảnh quang học) chỉ hoạt động trong khi quay video ở 1080p@30fps hoặc thấp hơn bằng camera chính. Trên thực tế, video cho màu sắc và dải nhạy sáng không quá tốt. Tuy nhiên, khả năng chống rung cũng đáng được ghi nhận. Hy vọng ở phiên bản năm sau, Samsung sẽ nâng cấp hơn nữa chất lượng quay video (chẳng hạn như 4K @60fps) để người trẻ có thể tận dụng làm video/vlog. 

Cấu hình

Qualcomm Snapdragon 750G 5G là một cải tiến lớn so với Exynos 9611 trên Galaxy A52. Con chip này cũng không mạnh hơn quá nhiều so với Snapdragon 720G trên A52 phiên bản thường. Bên cạnh việc cung cấp kết nối 5G thì hiệu suất mang lại của cả 2 phiên bản Galaxy A52 năm nay đều khá tương đồng.

Trải nghiệm chơi game trên Galaxy A52 5G cũng ở mức khá. Một số tựa game có thể chơi mượt mà trên Galaxy A52 5G có thể kể tới Call of Duty Mobile hay Liên Quân Mobile. Trong khi đó, khi chơi PUBG Mobile hay Genshin Impact, máy chỉ cho mức khung hình ở khoảng 30-40 fps. Nếu so sánh với những mẫu flagship hiện nay, Galaxy A52 vẫn có độ trễ cảm ứng khá cao nên trải nghiệm chơi game là không thật sự tốt. Do đó, Galaxy A52 5G sẽ chỉ phù hợp để chơi game ở mức giải trí cơ bản chứ không phải quá "try hard". Điểm mình thích nhất trên A52 5G là nhiệt độ không quá cao ngay cả khi chơi game trong thời gian dài.

Về các thao tác sử dụng hằng ngày, Galaxy A52 5G vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của mình. Việc chuyển qua lại các ứng dụng cũng là vô cùng vượt mà, nhất là khi được kết hợp với màn hình 120Hz. Điểm mình cảm thấy khó chịu đôi chút là độ trễ nhỏ khi mở ứng dụng. Tuy nhiên, điều này cũng là điểm chấp nhận được khi máy chỉ là một thiết bị tầm trung.

Nói về phần mềm, One UI 3.1 vẫn là một trong những giao diện bên thứ ba giàu tính năng nhất cho người dùng Android. Nó cũng nhận được một loạt các cải tiến và tích hợp tốt hơn với các dịch vụ của Google so với One UI 3.0. Giao diện giờ đây đã được thông minh và tối ưu hơn khá nhiều, đặc biệt là ở thanh trạng thái.

Về bảo mật, Galaxy A52 5G hỗ trợ 2 phương pháp mở khoá bao gồm: mở khoá bằng gương mặt và vân tay trong màn hình. Ở điều kiện đủ sáng, tính năng mở khoá bằng gương mặt cho phản hồi ở mức khá, tuy nhiên vào điều kiện ánh sáng kém hơn lại khá tệ. Lúc này, mình sẽ chọn mở khoá bằng vân tay trong màn hình. Tốc độ phản hồi của cảm biến vân tay cũng khá tốt, tuy nhiên bạn phải đặt chính xác vào vị trí cảm biến.

Thời lượng pin

Galaxy A52 5G đi kèm với viên pin 4500mAh cùng với hỗ trợ sạc nhanh lên tới 25W. Không giống với xu hướng bỏ sạc khỏi hộp trong năm 2021, A52 5G vẫn có được bộ sạc ở trong hộp. Tuy nhiên, Samsung đó chỉ là bộ sạc 15W trong hộp, do đó nếu bạn muốn có được tốc độ sạc tối đa thì hãy lên website của Samsung để sắm một củ sạc 25W nhé!

Bộ sạc 25W của Samsung sẽ làm tăng tốc độ dòng điện lên khoảng 30% và cho đầy pin trong khoảng 1 giờ. Ngoài ra, Galaxy A52 cũng hỗ trợ chuẩn USB-PD, nhưng tốc độ sạc bị giới hạn ở 15W.

Nhìn chung, dung lượng pin của Galaxy A52 5G vẫn hoàn toàn đủ cho nhu cầu sử dụng trong ngày của mình. Khi bật Wi-Fi, máy cho khoảng 5-6 giờ sử dụng các tác vụ cơ bản. Còn nếu thường xuyên bật 4G hoặc 5G, thời lượng sử dụng sẽ giảm đi khoảng 45 phút. Việc nâng cấp từ viên pin 4000 mAh của thế hệ trước lên 4500 mAh đã là giúp cải thiện khá nhiều về thời lượng sử dụng của Galaxy A52 năm nay.

Tổng kết

Galaxy A52 5G đã thực sự "lột xác" so với phiên bản Galaxy A51 của năm ngoái. Từ thiết kế cho tới các tính năng, thông số, A52 5G đã thể hiện rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường của Samsung với Galaxy A52 và A52 5G trong năm nay.

Nhìn chung, với con số 1,7 triệu đồng chênh lệch so với phiên bản thường, Galaxy A52 không quá nổi bật, tuy nhiên đó sẽ là một khoản đầu tư cho dài hạn nếu bạn muốn sử dụng máy trong 3-5 năm tới. Đó sẽ là lúc 5G được triển khai rộng rãi, từ đó có thể tận dụng tối đa được thế mạnh 5G mà nó mang lại. Galaxy A52 5G ra mắt với mức giá 10.990.000 đồng, nếu bạn thấy những gì máy mang lại là hợp lý thì nhanh chóng chọn cho mình một chiếc nhé!

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập