article detail

Đánh giá OnePlus 11: OnePlus chúng ta biết đã trở lại!

Hoang Nguyen
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Một chiếc điện thoại tốt với chiến lược sản phẩm không rõ ràng!

Đây là chiếc OnePlus 11, hậu bản của chiếc OnePlus 10… Pro. Anh em có thấy sai sai không? Một chiếc điện thoại thường thay thế cho 1 chiếc điện thoại Pro, có tất cả thông số của 1 chiếc điện thoại Pro! Nó có gì đó hơi giống giống tư duy thiết kế của OnePlus trước đây, thời đỉnh cao của hãng. Điều đó có nghĩa rằng là OnePlus chúng ta đã biết đã có một màn comeback ngoạn mục? Đúng hay không thì anh em cùng xem nhé.

Review này sẽ dựa trên những gì mình được trải nghiệm về chiếc OnePlus 11, anh em có thể tham khảo thêm quan điểm của anh Hưng Khúc về chiếc máy này ở đây nhé!

A. Thiết kế và hoàn thiện

  • Mặt kính trước: Corning Gorilla Victus
  • Mặt kính sau: Corning Gorilla 5, phủ nhám ở bản màu đen
  • Chuẩn chống nước: IP64

Thứ đầu tiên mà anh em để ý ngay lập tức đó chính là thiết kế có phần cực kì nổi bật của nó. Nó toát lên mình sự cao cấp và cực kì chắc chắn với phần mặt lưng được bo và lắp khít vào khung viền. Chúng ta ở đây có màu xanh ngọc với mặt lưng bóng, thế nhưng cá nhân mình lại thích phiên bản màu đen với mặt lưng nhám sần gần giống với S23 hơn vì nó chống bám vân tay tốt hơn nhiều. Phần khung kim loại được làm bóng, nó cũng bám dấu vân tay khá nhiều, nhưng bù lại hoàn thiện của OnePlus cho đường tiếp giáp này lại cực kì chỉn chu. 

Các nút bấm và thanh trượt âm thanh như iPhone này cũng vậy, nó cực kì chắc chắn và không có độ dơ. Còn thiết kế cụm camera thì mình có cảm xúc cực kì lẫn lộn. Bởi vì so với OnePlus 10 Pro hay 10T thì trông nó đẹp và nổi bật hơn rất nhiều. Chúng ta có cụm camera bo tròn gần giống với chiếc đồng hồ, bên trong còn được phủ vân gần giống graphite, nhìn cực kì ngầu và cao cấp. Thậm chí thứ mình cực kì thích ở OnePlus đó chính là phần khung camera ở bên ngoài được làm cao hơn 1 chút so với kính cường lực, bảo vệ cụm kính camera khỏi những vết xước dăm khi anh em để máy xuống bàn. 

Tuy nhiên, phần nối giữa phần cụm camera này xuống phần khung kim loại nó lại là hai phần hoàn toàn tách biệt, và bằng mắt thường chúng ta cũng có thể để ý thấy đường chỉ kim loại này, nó khá là to luôn. Chưa kể, thiết kế của cụm camera sẽ không hợp để anh em chúng ta chơi game, khi cầm ngang máy thì nó sẽ bị cấn ở phía bên tay trái, và chúng ta cũng sẽ vô tình để tay vào cụm camera này. Còn nữa, ở dưới có dòng chữ về con máy này khá là to, trông khá là vô duyên và dường như khiến cho mạn dưới trông kém sang hơn hẳn. 

Thanh trượt âm thanh này đã quay trở lại, nó được cắt thành các đường texture, và đây là tính năng chỉ có OnePlus mới có, mặc dù hãng đã bỏ đi từ đợt OnePlus 10T.

B. Cấu hình

  • Màn hình: 6,7 inch LTPO3 AMOLED 120Hz, 2K + (3216 x 1440), 1 tỷ màu, HDR10+ hỗ trợ Dolby Vision, 500 nit : 1300 nit (peak).
  • CPU:Snapdragon 8 Gen 2 (4nm TSMC) với GPU Adreno 740.
  • Bộ nhớ:128GB (UFS 3.1), 256GB (UFS 4.0)
  • RAM: 8GB, 16GB (LPDDR5X)
  • Hệ thống tản nhiệt: Vapor Chamber, Crystal-Graphene Chamber
  • Hệ điều hành: Android 13 (OxygenOS 13)
  • Pin: 5000mAh, hỗ trợ sạc nhanh SuperVOOC lên tới 100W (toàn cầu), 80W (Mỹ)

Với mức giá tối đa chỉ vừa tròn 20 triệu đồng, tức là thấp hơn tương đối một số con điện thoại cao cấp mới ra, nhưng những gì chúng ta nhận lại từ con máy này lại là những gì mà những chiếc flagship Pro, Max hay Ultra đều có được. Đến nỗi mà OnePlus còn phải làm riêng cho mình bảng so sánh với các đối thủ của họ cơ mà! Chúng ta có con chip Snapdragon 8 Gen 2 cao cấp, nhưng khi sử dụng bình thường mình không hề cảm thấy nóng như con 8 Gen 1. OnePlus cũng trang bị một lớp tản nhiệt buồng hơi có diện tích lên tới 3700 mm2 cùng với thêm một lớp graphene nữa có diện tích tản lên tới hơn 5000 mm2, bảo sao nhiệt độ cao như vậy mà OnePlus vẫn để thả cửa hiệu suất. Ngay cả S23 Ultra cũng chỉ có 1 lớp ống đồng tản nhiệt mà thôi. Nên những tác vụ bình thường hay chơi game đều không hề nóng, nó chỉ nóng khi mình bật Genshin ở mức cấu hình cao nhất với 60FPS mà thôi. 

Ấy thế mà mặc dù nhiệt lượng toả ra lớn như vậy, nhưng máy không hề có hiện tượng bị giảm hiệu năng, tức là hệ thống tản nhiệt của nó đã hoạt động rất hiệu quả. Chơi Genshin ở mức cấu hình cao nhất mà nó chỉ bị khựng nhẹ ở 1 số khoảng thời gian, còn tất cả đều rất mượt, và trong thời gian dài, nó không có hiện tượng giật giật nhẹ như S23 Ultra. 

Nó cũng có 16GB LPDDR5X cực kì mạnh mẽ, với bộ nhớ trong 256GB UFS 4.0, chuẩn tốc độ bộ nhớ nhanh nhất thế giới mới đang được trang bị trên chiếc Galaxy S23 mới nhất. Chính nhờ cái này mà tốc độ mở app trên chiếc OnePlus 11 này cực kì nhanh, bấm phát là hiện luôn, thoát ra cũng rất là mượt mà, chứ gần như không có sự delay nhất định nào như những chiếc điện thoại sử dụng UFS 3.1 cũ hơn.

Hơn nữa, bản thân nó đang được chạy trên OxygenOS 13 dựa trên hệ điều hành Android 13. OxygenOS thì có vẻ như đã hoàn toàn khác xưa, nó không có là 1 bộ giao diện Android theo hướng thuần nữa mà giờ nó là một phiên bản ColorOS thêm thắt chút phần mềm của OnePlus mà thôi. Tuy nhiên, chiếc OnePlus 11 lại mượt chẳng kém gì những thế hệ tiền nhiệm như OnePlus 7 Pro trước đây hay như những chiếc điện thoại cao cấp của OPPO như Find X5 Pro, và thậm chí còn ổn định hơn. 

Cũng nhờ vậy mà OnePlus thừa hưởng luôn cái kiểu animation có nét chầm chậm cực kì giống iOS của đội OPPO. Qua nhiều ngày sử dụng mà mình chẳng thấy mấy cái bugs nào, dù có mở từ từ hay nhanh thì các app vẫn load lên quá là nhanh luôn. Kể cả những thao tác khó như chuyển đổi nhanh các ứng dụng, mở nhiều app hay thậm chí là thoát ra đa nhiệm liên tục, vẫn là 1 thao tác cực kì liền mạch và không có độ trễ chẳng kém gì iOS cả. Tuy nhiên, chuyển qua lại chế độ camera thì nó lại hơi khựng nhẹ một chút, cái này là do OnePlus sử dụng nhiều loại phần cứng khác nhau.

C. Camera

  • Camera chính: 50MP 24mm, f/1.8, 1/1.56'', hỗ trợ lấy nét theo pha đa hướng, chống rung quang học OIS. 
  • Camera tele: 32MP 48mm, f/2.0, 1/2.74'', hỗ trợ lấy nét theo pha, zoom quang 2x. 
  • Camera góc siêu rộng: 48MP, f/2.2, 1/2.0", hỗ trợ lấy nét tự động
  • Camera selfie: 16MP f/2.5, 25mm góc rộng. 
  • Tinh chỉnh bởi Hasselblad, chế độ tự động căn chỉnh màu Hasselblad Color Calibration.
  • Video:Lên tới 8K ở 24FPS, hỗ trợ chống rung điện tử theo trục, HDR tự động. Camera trước quay tối đa 1080p30.

Mà nhắc đến phần cứng camera, camera thường không phải là điểm mạnh của những chiếc OnePlus, dù họ trước đây có hợp tác với Hasselblad như nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, có vẻ điều đó cũng thay đổi với chiếc OnePlus 11. Cảm biến 50MP của nó cho ra những bức ảnh có màu sắc khá là tươi và nịnh mắt, đặc biệt là khi so sánh với iPhone 14 Pro Max. Tuy nhiên, khi chụp cảnh hoàng hôn ở ULIS này thì màu của OnePlus dường như bị đẩy sáng lên khá nhiều, màu cũng thiên hướng ám đỏ, thành ra nhìn ảnh trông nó không thực sự tự nhiên như 14 Pro Max. 

Với bức ảnh zoom 2x hay chụp chân dung thì OnePlus sử dụng camera 32MP telephoto, nhưng màu sắc vẫn thực sự bắt mắt hơn so với iPhone khá là nhiều nhờ công nghệ Hasselblad Color Calibration để cân bằng lại màu sắc.Tuy nhiên, phần nền bị xoá phông của OnePlus có vẻ như đã xoá khá là mạnh, tuy có thể chỉnh tay nhưng không cải thiện được gì nhiều, trong khi đó iPhone cho mình cảm giác xoá phông tự nhiên hơn. Đặc biệt là lợi thế khoản chụp chân dung có vẻ nghiêng nhiều về iPhone, khi nó có camera tele 3,3x, giúp chúng ta lấy chân dung ở khoảng cách xa hơn chiếc OnePlus của chúng ta khá là nhiều. 

Quay video luôn là lợi thế của những chiếc iPhone, khi chúng ta có thể có mức độ chi tiết cao hơn và không có hiện tượng giật nhè nhẹ như chiếc OnePlus này, dù quay ở 1080p60 hay 4K60. OnePlus 11 cũng có hiện tượng shutterlag, khi mà mình chuyển góc quay là phải mất 1 khoảng thời gian nửa tích tắc thì cái viewfinder mới tìm được, khác với iPhone, iPhone quay góc nào là nó hiện đúng góc đấy. 

Chụp zoom 15x trên chiếc OnePlus 11

Phản hồi rung của con này khá là ngon luôn, nó rung theo từng vùng chứ không cả máy như mấy con cận cao cấp. Bấm là cực kì thích, nhất là gõ trên phím ảo ý, thích lắm luôn ấy. OnePlus cũng cho chúng ta tuỳ chỉnh độ rung trong mục O-Haptic, với từng độ rung mạnh nhẹ khác nhau và tuỳ chỉnh rung theo từng thao tác. 

D. Các điểm chưa được:

  • USB-C OTG 2.0
  • Màn hình không có quá nhiều nâng cấp
  • Camera selfie chỉ quay ở 1080p30
  • Bản 128GB chỉ dùng tốc độ UFS 3.1

Anh em có thể thấy mức giá của chiếc OnePlus 11 khá là ngon, nhưng để được mức giá dưới 20 củ mà được trang bị cấu hình flagship, chắc chắn sẽ có thứ phải bị cắt. Đầu tiên là màn hình. So với Find X5 Pro hay OnePlus 10 Pro thì nó chẳng thay đổi gì cả, thạm chí cái màn hình này mình có cảm giác nó đã được sử dụng từ đời OnePlus 9 Pro cơ. Nói vậy không có nghĩa là màn của con OnePlus 11 này tệ, nó còn có thông số khá là ổn áp chẳng hạn như 2K+ 120Hz, hỗ trợ Dolby Vision, màn AMOLED cong, nhưng thực tế chúng ta vẫn có cùng 1 độ dày viền trên dưới, nhìn chẳng ăn nhập tổng hoà với thiết kế của nó. 

Thứ 2, tuy hỗ trợ sạc nhanh VOOC lên tới 100W, thì cổng kết nối vẫn là USB-C 2.0 cũ kĩ, chuyển file đúng là cực hình ạ. Và nó cũng bỏ luôn sạc không dây trên phiên bản này cùng với chống nước IP67, và giờ sẽ chỉ có chuẩn kháng nước nhẹ IP54 mà thôi. Và phiên bản 128GB sẽ không có tốc độ bộ nhớ UFS4 mà sẽ chỉ là 3.1 mà thôi, nó chậm hơn khá nhiều so với phiên bản 256GB đấy.

Anh em nghĩ sao về chiếc OnePlus 11? Hãy cùng bình luận bên dưới nhé. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập