Đánh giá Sandisk Extreme Portable SSD: Thiết bị lưu trữ dành cho người "ưa xê dịch"
Sandisk là một thương hiệu quá nổi tiếng với với những chiếc thẻ nhớ và USB Flash. Kể từ khi sáp nhập với Western Digital, Sandisk không chỉ giúp thương hiệu này trở thành một thế lực lớn trong ngành lưu trữ nhờ mảng SSD mà còn tự mở đường cho mình với dòng sản phẩm mới tốc độ cao và đầy tính cơ động như Sandisk vẫn làm từ trước cho đến ngày hôm nay.
Với dân nhiếp ảnh và quay phim nghiệp dư cho đến bán chuyên mà nói, Sandisk Extreme vẫn là một tượng đài khó có thể thay thế được. Hiệu năng đọc ghi thì khỏi phải bàn rồi, quan trọng là Sandisk Extreme còn đem lại một sự tin cậy vô cùng cao về chất lượng, độ bền và sự ổn định chung. Có lẽ đó cũng là đặc trưng của dòng Sandisk Extreme này. Nó không chỉ nói về giá trị của những chiếc thẻ nhớ mà còn có cả những sản phẩm cùng với chất lượng như USB Flash Sandisk Extreme và mới đây nhất là SSD di động Sandisk Extreme nữa.
Là một người làm nội dung, mình hiểu được sự cần thiết của việc sở hữu một chiếc SSD di động mỗi khi ra ngoài làm việc. Bởi vậy, mình đã rất quan tâm đến những mẫu SSD di động được ra mắt trong thời gian qua. Trong đó, Sandisk – thương hiệu đã gắn bó rất lâu với những người làm nội dung, là cái tên luôn được mình kì vọng sẽ đem lại những trải nghiệm tốt nhất. Sau khi nhắm mắt xuống tiền, mình đã sở hữu một chiếc Sandisk Extreme Portable SSD.
Chiếc Sandisk Extreme Portable SSD mình đang sở hữu ở đây là thế hệ thứ hai của một phiên bản cùng tên được ra mắt năm 2019. Ở thế hệ thứ hai này, tốc độ đọc ghi được tăng lên gấp đôi, quả là một bước tiến lớn của Sandisk để bắt kịp sự thay đổi của công nghệ SSD. Trong năm 2019, giá của một chiếc SSD vẫn còn khá đắt nên người dùng phổ thông không mấy mặn mà với những chiếc SSD di động có dung lượng cao, lên đến 500GB như thế này. Năm nay, khi giá SSD đã dễ tiếp cận hơn, việc sở hữu một chiếc SSD di động 500GB có mức giá chỉ loanh quanh 3 triệu đồng là việc quá khó khăn.
Quay trở lại với chiếc Sandisk Extreme Portable SSD, đây là chiếc SSD được thiết kế đúng chất dành cho người ưa di chuyển. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là sự mỏng nhẹ của sản phẩm, với hình dáng thuôn dài, cùng cái móc rất lớn và nội bật, người dùng có rất nhiều cách để mang theo sản phẩm bên mình mà không phải bỏ vào balo hay túi xách rườm ra. Nó rất dễ để vừa vặn trong một túi quần, túi áo hay bạn có thể móc nó thẳng vào chùm chìa khóa của bạn. Nó cũng cũng rất thân thiện với không gian chật hẹp như trong túi chống sốc của một chiếc laptop, hay trong một cái khe nhỏ của túi máy ảnh.
Phần vỏ của Sandisk Extreme Portable SSD được kết hợp giữa nhựa vào cao su để cân bằng giữa trọng lượng và khả năng chống sốc cho sản phẩm. Mặt trước có một ốp nhựa với logo Sandisk, mặt sau và các mệt mặt còn lại đều được phủ cao su sờ rất mịn nhưng cũng khá bám bụi và dễ bị bẩn và ăn mòn theo thời gian. Tuy nhiên, nó là cần thiết để Sandisk có thể dễ dàng đạt chuẩn kháng nước và bụi IP55. Cho dù bạn có đang đi dưới trời mưa lớn, hay lỡ tay làm đổ ly nước trên bàn. Sandisk Extreme Portable SSD vẫn đảm bảo được tính an toàn dữ liệu cao cho bạn. Tất nhiên, đây không phải là chuẩn kháng bụi nước cao nhất để người dùng có thể ngâm nước sản phẩm hay bỏ quên trong máy giặt hàng tiếng đồng hồ.
Để giao tiếp, Sandisk sử dụng cổng USB Type-C với chuẩn kết nối USB 3.2 gen 2. Chuẩn kết nối này cho phép băng thông giao tiếp lên đến 10gbps nên với tốc độ đọc/ghi được hứa hẹn là 1050MB/s và 1000MB/s thì hoàn toàn khả thi.
Để xác nhận lại tính chính xác về hiệu năng của sản phẩm, mình đã sử dụng 2 phần mềm benchmark sau: Crystal Disk Mark và HDTune
Với Crystal Disk Mark, mình sẽ xem được tốc độ đọc ghi ở trạng thái cơ bản nhất, từ đọc ghi tuần tự cho đến các file 4k. Ở định vị là một sản phẩm di động dành cho việc backup dữ liệu thì mình sẽ quan tâm nhiều vào khả năng đọc ghi tuần tự hơn.
Tất nhiên, điểm số 4k cũng có phần quan trọng nếu như thi thoảng bạn có chạy ứng dụng trực tiếp từ SSD di động. Còn với phần mình, mình sẽ cài ứng dụng vào máy để đạt được độ ổn định nhất có thể. Chiếc SSD này tuy lớn nhưng nó chỉ nên dùng để lưu trữ khi cần thiết mà thôi, việc chạy ứng dụng liên tục trên SSD không phải là một ý tưởng hay ho cho lắm.
Một điểm thú vị nữa trong quá trình benchmark là mình có bật thêm Crystal Disk Info để đọc thông số của sản phẩm. Hóa ra phần “ruột” của chiếc Sandisk này giống với chiếc WD Blue SN550 NVMe khá phổ biến trên thị trường. Một sự tận dụng khá tốt đến từ nhà WD.
Ở bài test HDTune, mình mong muốn được thấy sự ổn định trong tốc độ đọc và ghi của sản phẩm. Đôi khi, sẽ có những file media lớn cần phải được lưu trữ, và sự ổn định của chiếc SSD sẽ giúp cho mình thực sự tiết kiệm được thời gian khi ở bên ngoài.
Trong 50GB đầu tiên, tốc độ đọc/ghi khá cao. Sau 50GB này, tốc độ chậm và giữ ổn định ở loanh quanh mức 150MB/s cho đến hết 450GB còn lại của dung lượng bộ nhớ. Dĩ nhiên, hiện tượng này cho biết Sandisk Extreme Portable SSD đang bị tràn cache. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, đây không phải là mẫu SSD di động có thể dùng để đọc ghi liên tục, ví dụ như: làm bộ nhớ cho máy quay phim chẳng hạn.
Hiệu năng ổn trong tầm giá, cùng khả năng chống lại thời tiết và những sự cố đáng tiếc khác đã thuyết phục mình sử dụng Sandisk Extreme Portable SSD cho nhu cầu lưu trữ hàng ngày vào việc làm content của mình. 3.5 triệu đồng là khoản đầu tư không lớn nhưng cũng không phải là nhỏ cho một giải pháp lưu trữ an toàn. Nhưng bạn sẽ sớm thấy được giá trị của nó khi bắt tay vào việc.
Nếu bạn muốn một phiên bản tốt hơn nữa của Sandisk thì bạn có thể tham khảo thêm phiên bản Pro của nó nữa. Với tốc độ cao hơn và các tính năng cũng xịn xò hơn, đó chắc chắn là một phiên bản dành cho những người làm việc chuyên nghiệp hơn. Còn mình thì sẽ vẫn hài lòng với Sandisk Extreme Portable SSD mà thôi.
Một thông tin khá thú vị dành cho anh em muốn sở hữu ngay chiếc Sandisk Extreme Portable SSD này. Trong tháng 12 này, bạn sẽ được tăng thêm một món đồ "chống nước" khác là một chiếc ô rút ngược dành cho những ngày mưa gió..