Đào tiền ảo trên MacBook M1 giống như một trò đùa vô hại, thế nhưng...
Mặc dù Apple M1 đang gặp lỗi rất nghiêm trọng về SSD, đó là điều mà Apple cũng chưa có câu trả lời, và người dùng thì hoang mang. Điều đó gây cản trở rất nhiều tới quyết định sắm những chiếc MacBook thế hệ mới của những người đang nhắm đến nó. Vậy thì nếu MacBook M1 bị ruồng bỏ thì nó sẽ trở nên vô dụng? Với những người đam mê cày tiền ảo thì điều đó dường như không ảnh hưởng đến việc họ sẽ xem xét việc đào tiền ảo trên những con chip mới của Apple.
Việc đào tiền ảo là một chủ đề nóng trong thời gian vừa qua. Thực ra thì nó vẫn nóng âm ỉ trong suốt quãng thời gian mà nó xuất hiện cho đến ngày nay. Bởi vì cái giá trị vô thực điên rồ mà nó tạo ra, không ít người đã tìm đủ mọi cách để biến những bộ vi xử lý trở thành công cụ kiếm tiền theo kiểu “không làm mà vẫn muốn có ăn”. Sau card đồ hoạ, CPU và nhiều thiết bị khác điều được đưa ra để thử nghiệm trong việc giải các thuật toán blockchain để mang lại nguồn lợi cho người sử dụng.
Trong số những đồng tiền ảo đang được sử dụng chính để tạo ra nguồn lợi từ những chiếc card đồ hoạ. Ethereum đang là đồng tiền phổ biến và có nhiều giá trị nhất. Bởi vậy, không có gì là lạ nếu bạn thấy có một người “hiếu động” nào đó lại tìm mọi cách để có thể đào tiền ảo trên Apple MacBook. Không chỉ có vậy, đó lại còn là chiếc MacBook M1 sử dụng nền tảng ARM mới được ra mắt nữa chứ.
Một kĩ sư phần mềm người Trung Quốc tên là Yifan Gu đã tìm ra được cách để sử dụng phần nhân GPU bên trong SoC M1 cho mục đích giải các thuật toán KECCAK-256 để đào Ethereum. Kết quả khá là kém khi hashrate chỉ là con số 2 MH/s. Tức là công suất khai thác không cao nhưng lại khá là tiết kiệm điện năng khi chỉ tiêu tốn từ 17-20W/h.
Theo mình, có khá nhiều điều đang tạm thời cản trở việc khai thác đồng ETH trên nền tảng Apple M1. Về bản chất, con chip M1 được sản xuất trên nền tảng của một con chip di động và hoạt động trên môi trường ARM. Đó không phải là môi trường lý tưởng để ứng dụng khai thác tiền ảo như Ethminer có thể hoạt động, hoặc ít ra thì trong thời điểm hiện tại thì không. Ngay cả những chiếc card đồ hoạ cũng phải sử dụng đến bios và Driver được viết riêng. Một chiếc MacBook trên nền ARM với khả năng tiếp cận và phát triển phần mềm ứng dụng cho nó còn gặp nhiều khó khăn thì việc sử dụng nó để đào tiền ảo càng trở nên khó khăn hơn.
Xét về mặt hiệu năng khi so sánh GPU M1 với các GPU rời như AMD và Nvidia thì hiệu năng tính toán của nó cũng không thể có bất kì sự tương ứng nào cả. Một GPU chỉ tiêu thụ có chưa đầy 20W thì không thể mạnh mẽ tới mức cho ra một hiệu năng giải toán cao như cách mà những chiếc card 200-300W có thể làm được.
Nhưng, nếu như ý tưởng về một thuật toán blockchain có thể được giải bởi những con chip ARM. Sớm muộn thì, MacBook M1 sẽ có thể bị lôi ra để làm con trâu cày trong một ngày đẹp trời nào đó. Và nếu điều đó thực sự xảy ra, khả năng mà những chiếc Smartphone khác cũng bị sử dụng để đào tiền ảo là điều hiển nhiên.
Trong quá trình phát triển mạnh mẽ của các đồng tiền ảo như thời điểm hiện tại. Việc sử dụng tất cả những thiết bị có khả năng tính toán để giải các blockchain là điều đã được tính tới. Cản trở duy nhất là không có bất cứ một thế lực nào đủ mạnh để biến những đồng tiền tạo ra từ các thiết bị trên nền tảng đặc thù như ARM trở nên có giá trị.
Nếu nghĩ một cách đơn giản hơn thì những vi xử lý trên nền tảng ARM không đủ mạnh mẽ để giải quyết những phép toán phức tạp do các blockchain tạo ra. Sẽ ra sao nếu Apple là đơn vị tiên phong có khả năng tạo ra những vi xử lý mạnh mẽ và đủ sức thuyết phục để giải các bài toán như vậy.
Chúng ta vẫn chưa thể khẳng định rằng Apple M1 vô dụng với tiền ảo (mặc dù mình cũng hi vọng là thế). Hoặc cũng có thể, chính Apple sẽ bỏ qua lỗi khấu hao đang mắc phải trên SSD để biến chính M1 trở thành sản phẩm được săn đón bởi giới đầu tư do một đồng tiền ảo có thể được tạo ra thông qua con chip xử lý “nhà làm” đầu tiên trên những chiếc MacBook, và Apple chính là người giật dây cho đồng tiền đó.