article detail

Đến bao giờ thì có được một hệ sinh thái chuẩn chỉnh như thế này ở Android?

Hoang Nguyen
1 năm trước
Cập nhật 1 năm trước
HarmonyOS Super Device là hệ sinh thái thiết bị lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Samsung và Apple, tuy vậy, trải nghiệm cho chúng ta thấy được sự đầu tư cực kì lớn của Huawei!

Bất chấp lệnh cấm vận, Huawei vẫn đang sống theo kiểu... thực vật. Họ từ mảng smartphone đã chuyển sang bán laptop và các phần cứng khác, và đầu tư cực kì nhiều vào mặt phần mềm. Mặc dù bị gọi là một phiên bản giao diện khác của Android mà không có Google Play Services, thế nhưng HarmonyOS vẫn cho chúng ta được một trải nghiệm khá là hoàn chỉnh chứ không hẳn là nhái lại bộ của Google đâu nhé. Huawei đã học hỏi mỗi nơi một ít và dần biến nó thành của mình.

Trải nghiệm màn hình chính

Giao diện màn hình home screen có những nét gì đó hơi giống giống iPadOS, nhưng được làm theo kiểu tư duy của Huawei. Chúng ta vẫn có bộ giao diện tương đối giống EMUI, chỉ trừ việc là giờ đây có 1 thanh dock mang cảm hứng của iOS sang. 

Huawei cũng bổ sung 1 tính năng khá thú vị đó là Folder phóng to, giúp chúng ta có thể truy cập nhanh trong khi cácứng dụng vẫn được gom lại trông khá là gọn gàng. Hay tính năng truy cập nhanh widget với các app của Huawei, giúp ta có thể nhanh chóng pin widget vào màn hình chính,hoặc truy cập nhanh những tính năng mà ta cần.

Vuốt từ trên xuống dưới là tính năng AI Search nhanh giống kiểu của Apple, khi chúng ta có thể nhanh chóng tìm kiếm ứng dụng hay là tìm kiếm web. Huawei cũng cho chúng ta previewkết quả tìm kiếm ngay trên màn hình này giống nhà táo, và cái này mình nghĩ Google có thể học hỏi được.

Từ màn hình home vuốt sang bên trái chính là giải pháp của Huawei với màn hình Discovery của riêng họ. Các bạn cũng có thể tuỳ biến phần truy cập nhanh, trong khi vuốt lên trên đó là tính năng Feed khá giống như Microsoft Start. Tuy nhiên do Huawei vẫn chưa tối ưu nên vẫn có quá nhiều diện tích thừa. 

Điểm trừ lớn nhất của Huawei là khá nhiều quảng cáo trên màn hình Home Screen, có vẻ như các nhà sản xuất Trung Quốc đều đẩy rất nhiều quảng cáo lên đây, khi bấm vào là ứng dụng tự động tải xuống thông qua Huawei AppGallery. 

Phần đa nhiệm vẫn còn rất nhiều dư âm của smartphone chứ chưa được tối ưu cho tablet, nên chúng ta vẫn thấy phần diện tích thừa vẫn quá lớn. Mình chỉ hy vọng là Huawei sẽ tối ưu phần này để làm sao tối ưu cho giao diện màn hình lớn!

Trải nghiệm các ứng dụng bên thứ nhất 

Settings của Huawei được lấy cảm hứng cực kì lớn của Apple, với các tuỳ chọn khá giống của Apple. Bên trái là nội dung cài đặt và phải là bên trong là cụ thể cái cài đặt đó có những tuỳ chọn đó là gì.

Trình duyệt web Huawei Browser có thiết kế tương đối giống Safari của Apple. Tuy nhiên, khi tìm kiếm, trong khi Safari sử dụng kết quả tìm kiếm của Google, thì Huawei lại liên kết với Microsoft và đưa Bing Search vào Huawei Browser. Tuy nhiên, chúng ta không thể tự do kéo thả cửa sổ để chia đôi màn hình như đối thủ Samsung Internet được, một điều theo mình là khá là kì quái. 

Các ứng dụng bên thứ nhất của Huawei có một bộ giao diện khá là thoáng và dễ sử dụng, với cột tab bên trái và những gì chúng ta thao tác trong đó nó nằm ở bên phải, với cách bố trí rất là gọn gàng. Hầu hết các ứng dụng đều được tối ưu cho màn hình lớn. Tuy nhiên, một số chỗ vẫn chưa được tối ưu cho màn hình lớn, cụ thể là ứng dụng Huawei Health. 

Ít nhất là ông Huawei vẫn không tối ưu màn hình lớn tệ như ông Táo Khuyết, khi các ứng dụng này đều không cho cảm giác quá bé, thế nhưng mà Huawei có thể làm được những ứng dụng như Gallery, hay App Gallery, thì việc điều chỉnh những ứng dụng này làm sao để nó phù hợp với giao diện máy tính bảng hoàn toàn nằm trong khả năng của Huawei, còn những ông bên thứ 3 thì chịu rồi. Hy vọng sự tối ưu của Huawei sẽ đến với những ứng dụng này. 

Ứng dụng mình thích nhất trong đám này đó là Huawei Petal Maps, có thiết kế gọn gàng hơn rất nhiều so với Google Maps.

Nhiều anh em sẽ thắc mắc là liệu rằng chúng ta không có Google Play Store, thì chúng ta sẽ hoàn toàn bị cắt khỏi những bộ ứng dụng của Google, phải không? Không... hẳn, bởi vì chúng ta có thể sử dụng thông qua bộ ứng dụng có tên là Gspace trên cửa hàng Huawei App Gallery. Ứng dụng Gspace cho chúng ta khả năng truy cập vào tất cả những ứng dụng chúng ta cần như Facebook, hay những ứng dụng không có mặt trên Huawei App Gallery thông qua... Google Play Store. Tuy nhiên, trải nghiệm chắc chắn là không mượt như là hàng được tích hợp vào nhân hệ thống, bởi vì Huawei đã phải tự phát triển Huawei Mobile Services để thay thế cho Google Play Services bởi vì lệnh cấm vận. 

Tuy nhiên, ứng dụng Gspace lại... tràn ngập quảng cáo, và để gỡ quảng cáo ứng dụng này thì chúng ta phải trả... tương đối nhiều tiền cho nhà phát triển đó nha. 

Trải nghiệm với Huawei Super Device - trên thiết bị khác của Huawei!

Nhưng hệ sinh thái của Huawei không chỉ có vậy, việc tương tác với những thiết bị nhà Huawei lại cực kì chỉn chu và đầy đủ những tính năng bạn có của một chiếc điện thoại hay máy tính bảng của Huawei. Chúng ta có Huawei Screen Collaboration, tính năng tương tự Samsung Second Screen, để phản chiếu màn hình máy tính lên máy tính bảng Huawei. Trải nghiệm cho mình thấy là độ trễ của nó cũng có, nhưng khá là mượt và không giật cục như hàng của hãng S. 

Chúng ta có Huawei Share, một trong những tính năng chia sẻ file tốt nhất, mà không phải của Apple, bởi vì Huawei đã kết hợp cả phần cứng và phần mềm lên chiếc laptop Matebook mà mình có ở đây. Tốc độ truyền file từ chiếc MatePad mình có lên trên chiếc Matebook này gần như là ngay lập tức, và nó cũng đơn giản tới mức mình không thể ngờ được. Nhưng chúng ta không dừng lại chỉ có thế. 

Chúng ta có thể quản lý tài khoản Huawei ngay trên chiếc laptop này, sử dụng ứng dụng Huawei App Gallery chỉ bằng cách cài HMS Core lên laptop, để dùng và phát triển ứng dụng cho Huawei. Chúng ta còn có Feed riêng cho laptop thông qua Huawei Assistant Today, hay như truy cập nhanh các tính năng của laptop Huawei thông qua PC manager. 

Quá u là trời nhiều tính năng luôn á, và mình đến giờ vẫn chưa thấy hãng nào có khả năng tích hợp sâu như Apple thế này. Ngay cả Samsung có Microsoft hỗ trợ cũng không sâu và kĩ như thế này, thực sự là những chiếc laptop của Huawei tạo cho mình cảm giác được dùng "hệ sinh thái của hãng" hơn bất kì hãng nào khác trừ Apple ra. 

Kết luận

Sự có mặt của Huawei HarmonyOS hay Super Devices là 1 làn gió mới cho thị trường máy tính và di động toàn cầu, mặc dù bị thua thiệt do lệnh cấm vận của Mỹ làm mất đi khả năng tiếp cận các công ty Mỹ trên di động và 5G. Mình chỉ hy vọng lệnh cấm đó sẽ chỉ nhắm vào mảng viễn thông của Huawei mà thôi, còn mảng di động thì hãy để cho hãng được tiếp cận 5G thông qua Qualcomm và Mediatek, và Google Play Services nữa. Như thế đồ Huawei mới thực sự có giá trị trong trường quốc tế.

Anh em nghĩ sao, cho mình nghe ở phần bình luận nhé!



Thảo luận (1)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập