Điện thoại "tối đường phát triển", Huawei đưa dịch vụ đám mây lên ưu tiên số một
Sau hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ gây cản trở đối với mảng kinh doanh điện thoại thông minh và 5G của Huawei Technologies, người sáng lập công ty - Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) cho biết gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc phải ưu tiên cho điện toán đám mây.
Trong một bài phát biểu nội bộ được chia sẻ trên một diễn đàn dành cho nhân viên hai ngày trước năm mới, ông Nhậm thừa nhận rằng dịch vụ đám mây không phải là thế mạnh và Huawei cần phải tạo ra “đột phá” trong năm 2021.
“Chúng ta không thể mãi đi theo con đường giống như Alibaba và Amazon… Họ có quyền truy cập vào nguồn tiền không giới hạn trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ” ông nói, đồng thời ám chỉ tình trạng “bí bách” của Huawei.
“Doanh nghiệp của chúng tôi cần phải thu hẹp quy mô thị trường của mình… Nếu chiến lược của chúng tôi quá rộng, Huawei sẽ mất dần đi sức chiến đấu của mình”.
Alibaba được niêm yết tại New York, sở hữu tờ South China Morning Post và Amazon đều là những tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh rộng lớn bao gồm: thương mại điện tử, phát trực tuyến video và điện toán đám mây. Mặt khác, Huawei chủ yếu tập trung vào lĩnh vực viễn thông và điện thoại thông minh.
Ông Nhậm Chính Phi cho rằng Huawei nên học hỏi từ thành công của Amazon và Microsoft, những công ty dẫn đầu về dịch vụ đám mây toàn cầu, bằng cách tập trung vào IaaS và PaaS.
Đọc thêm
Trong đó, “IaaS” là viết tắt của “Infrastructure as a Service”. Đây là một dịch vụ cho phép người dùng sử dụng cơ sở hạ tầng CNTT cần thiết cho việc xây dựng hệ thống, chẳng hạn như hệ thống mạng, máy chủ và hệ điều hành… cần thiết cho hoạt động của hệ thống, thông qua Internet.
Với IaaS, người dùng chọn các thông số kỹ thuật phần cứng và phần mềm cần có, thiết lập hệ điều hành, xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT và phát triển ứng dụng. Dịch vụ IaaS tiêu biểu: Google Compute Engine (GCE)
Ngoài ra, “PaaS” là viết tắt của “Platform as a Service”, là dịch vụ cho phép người dùng sử dụng platform (môi trường phát triển) cho ứng dụng thông qua hệ thống mạng.
PaaS cung cấp một bộ phần mềm như phần mềm trung gian kết nối hệ điều hành và ứng dụng cần thiết cho việc phát triển hệ thống, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, ngôn ngữ lập trình và hệ điều hành web server... Do đó, các developer có thể tập trung vào phát triển phần mềm mà không cần xây dựng platform (nền tảng). Dịch vụ PaaS tiêu biểu: Google App Engine (GAE)
Trong IaaS, khách hàng thường trả phí để sử dụng các tài nguyên máy tính như mạng và lưu trữ dữ liệu. Trong PaaS, họ trả tiền cho sự kết hợp của tài nguyên máy tính và cơ sở hạ tầng để mã hóa và cung cấp phần mềm qua internet.
Theo ông Nhậm, công ty nên tập trung vào việc đảm bảo các tập đoàn và công ty lớn trong các ngành công nghiệp lớn trở thành khách hàng trong các dịch vụ đám mây của hãng.
Trong khi Amazon và Microsoft đang dẫn đầu thị trường IaaS trên toàn thế giới, thì Huawei đã là một trong những nhà cung cấp lớn ở Trung Quốc cùng với Alibaba và Tencent.
Theo công ty nghiên cứu Canalys, trong quý 3 năm 2020, Alibaba chiếm hơn 40% thị phần tại Trung Quốc. Huawei và Tencent mỗi bên sở hữu khoảng 16%.
Dịch vụ điện toán đám mây đã chứng kiến nhu cầu tăng đột biến vào năm ngoái khi các tổ chức, doanh nghiệp chuyển sang hoạt động trực tuyến để đối phó với đại dịch SARS-CoV-2. Ở Trung Quốc, chi tiêu trên đám mây được thúc đẩy bởi sáng kiến "cơ sở hạ tầng mới" của chính phủ, nhằm tìm cách tăng tốc chi tiêu cho các lĩnh vực như mạng 5G và trung tâm dữ liệu.
Huawei đã đấu tranh để “tái tạo” lại hoạt động kinh doanh của mình sau khi bị chính phủ Mỹ coi là một nguy cơ an ninh trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc leo thang.
Kể từ giữa năm 2019, Huawei đã bị cấm mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ mà không có sự chấp thuận của Washington. Lệnh trừng phạt của Mỹ cũng yêu cầu các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng công nghệ của Mỹ phải xin giấy phép để bán cho Huawei.
Vào thời điểm đó, lãnh đạo Huawei cho biết, công ty vẫn có đủ chip cho hoạt động kinh doanh doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên trên thực tế, kho dự trữ chip điện thoại thông minh của hãng đã cạn kiệt đến mức họ buộc phải ngừng sản xuất thế hệ điện thoại thông minh cao cấp của hãng.
Cuối năm ngoái, Huawei Technologies đã quyết định bán thương hiệu điện thoại giá rẻ Honor với hy vọng rằng "cuộc ly hôn" sẽ cho phép Honor thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Việc chuyển hướng tập trung phát triển sang mảng điện toán đám mây của Huawei được cho là hợp vào thời điểm hiện tại. Lệnh cấm vận của Mỹ áp lên Huawei cũng khiến hãng gặp vô số khó khăn trong việc sản xuất và phân phối điện thoại thông minh. Thế hệ Huawei Mate 40 vừa ra mắt với nhiều công nghệ nổi bật nhưng cũng không để lại tiếng vang quá lớn trong làng công nghệ.
Trong khi đó, điện toán đám mây lại đang là xu thế của thế giới trong vài năm tới, nhất là khi các doanh nghiệp chuyển dần hoạt động sang trực tuyến. Do đó, nhu cầu của các doanh nghiệp là khá cao.
Việc tập trung sang mảng điện toán đám mây không đồng nghĩa với việc từ bỏ sản xuất điện thoại thông minh. Hãng vẫn sẽ nghiên cứu và sản xuất các thế hệ điện thoại mới, và cố gắng thoát khỏi cái bóng mà linh kiện, phần mềm Mỹ để lại.