article detail

Điện thoại Vsmart dừng lại vì...

2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Mặc dù đã tạo được hiệu ứng tốt cho thị trường trong gần 3 năm qua, tuy nhiên VinSmart vẫn quyết định dừng lại.

Hôm qua, tập đoàn Vingroup chính thức công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất TV và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” cho ô tô VinFast. Đây là một trong những tin khiến cộng đồng người yêu smartphone Việt tiếc nuối, đặc biệt là sau những thành công trên thị trường trong vài năm qua.

Mới chỉ sau 3 năm phát triển, VinSmart với thế hệ smartphone VSmart đã mang lại được nhiều tiếng vang trong lòng người dùng, đỉnh điểm là vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng điện thoại bán chạy nhất nhiều quý năm 2020. Thành công là thế, vậy sao VSmart lại dừng lại?

Tình hình kinh doanh: U ám!

Tính riêng năm 2020, VinSmart đã bán được gần 2 triệu chiếc điện thoại di động, tăng hơn 200% so với doanh số năm liền trước và chiếm gần 13% thị phần tại Việt Nam. Xa hơn là năm 2019, Vsmart đạt doanh thu hơn 2.320 tỷ đồng, gấp 36 lần so với năm 2018. Báo cáo tài chính năm 2020 cũng cho thấy doanh thu từ hoạt động sản xuất nói chung (VinFast và VinSmart) gần 18.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó. 

Thông tin dừng hoạt động thực sự là cú sốc cho người dùng của hãng, khi Vsmart đang là thương hiệu đứng thứ ba tại Việt Nam về thị phần, với 12,7% chỉ sau hai ông lớn là Samsung (31%) và Oppo (18,6%), theo dữ liệu từ GfK. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù ghi nhận doanh tăng đều, song VinSmart vẫn đang trong giai đoạn hoạt động lỗ và cũng chưa thể hoà vốn trong vài năm tới. 

Con số lỗ của VinSmart thậm chí còn tăng theo từng năm với mức lỗ 260 tỷ đồng (năm 2018) và 1.865 tỷ đồng (năm 2019). Về số nợ phải trả, tính tới cuối năm 2018, Vsmart phải trả hơn 801 tỷ đồng và 6.799 tỷ đồng trong năm năm 2019. Giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu là nguyên nhân chủ yếu ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Rõ ràng, việc bán điện thoại trong phân khúc giá rẻ là rất khó để có lãi trong giai đoạn hiện nay.

Hoạt động khó có lãi, thị trường điện thoại đã bão hoà

Trong vài năm hoạt động, sản phẩm chủ yếu của Vsmart là các thiết bị có mức giá giao động từ 2-10 triệu đồng. Vsmart Aris Pro 5G là thiết bị cao cấp nhất và được đánh giá là đột phá nhất của hãng, có mức giá khởi điểm khoảng 10 triệu đồng. Còn lại, phần lớn sản phẩm của Vsmart đều nằm ở mức giá từ 2-5 triệu đồng, tập trung khai thác vào phân khúc giá rẻ.

Vsmart Aris Pro

Hầu hết các thương hiệu bán điện thoại giá rẻ ngày nay đều là những ông lớn, có tiềm lực tài chính và doanh thu ổn định từ điện thoại cao cấp hay thậm chí là những thiết bị công nghệ khác (như TV, màn hình, thiết bị thông minh,...). Giá linh kiện, chi phí gia công, sản xuất là một rào cản rất lớn trong quá trình làm điện thoại giá rẻ. Nếu cắt giảm quá nhiều, sản phẩm lại mất đi sức cạnh tranh với các đối thủ. Trong phân khúc này, nếu một thiết bị thua kém thông số, giá cao hơn các đối thủ thì gần như đã nắm chắc thất bại trong tay. Để có được hiệu ứng tốt trong thời gian qua, ắt hẳn Vsmart đã phải cố gắng rất nhiều để có được mức giá tốt nhất, thậm chí là phải chịu lỗ nặng để sản phẩm tới tay người dùng.

Hơn nữa, thị trường điện thoại thông minh giờ đây đã quá bão hoà với rất nhiều thương hiệu khác nhau. Xét về thị trường điện thoại Android, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về các thiết bị là không nhiều. Vẫn là màn hình AMOLED/IPS, vẫn là những con chip Qualcomm/MediaTek, vẫn là những cụm camera thông số không khác biệt,... tất cả đã quá nhàm chán và lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Để tạo ra đột phá và có thể cạnh tranh được với các ông lớn trong thị trường là vô cùng khó. Có lẽ VinSmart đã dừng lại đúng lúc để không đi vào lối mòn của thị trường.

Vsmart Aris Pro

VinGroup liên tục “thanh lọc” mô hình kinh doanh

Khoảng 10 năm gần đây, VinGroup cũng mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới nhưng cũng đóng cửa không ít mảng hoạt động không hiệu quả. Và VinSmart cũng là một phần trong số đó. Hiện tại, VinGroup đang có chiến lược nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.

Để dồn toàn lực cho hướng đi mới, các nhà máy của VinSmart sẽ được sử dụng để gia công cho các đối tác, phần còn lại được mở rộng điều chỉnh để sản xuất các sản phẩm mới. Khi tập trung toàn bộ nguồn lực cho Vinfast, VinSmart sẽ chú trọng phát triển các các tính năng thông tin, giải trí, dịch vụ cho những chiếc ô tô của VinGroup. Với gần 150 tính năng Infotainment sắp được trang bị, ô tô VinFast sẽ mang đến những tiện ích khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường ô tô toàn cầu.

Nhà máy của VinFast. Ảnh: VnExpress

Tương tự vài năm trước, chuỗi siêu thị điện máy VinPro hoạt động không hiệu quả cũng đã được tập đoàn cho giải tán tất cả các đại lý trên toàn quốc. Trang  thương mại điện tử Adayroi! không thể cạnh tranh trong cuộc đua “đốt tiền” với Shopee, Tiki cũng đã được tích hợp trực tiếp vào ứng dụng VinID. Từ đó có một ứng dụng tối ưu hơn, tiện dụng hơn cho người dùng Vin.

Gần nhất là thương vụ Vingroup bán Vinmart, VinEco cho Masan, đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Với động thái trên, lãnh đạo Vingroup cũng chia sẻ muốn dồn toàn tâm thương vụ này cho lĩnh vực công nghiệp và công nghệ với hai thương hiệu chủ lực là VinFast và VinSmart. Và tới nay, VinFast sẽ là con bài chiến lược của VinGroup sau rất nhiều năm thanh lọc mô hình kinh doanh

Tổng kết

Nhìn chung, để tiếp tục đua trong cuộc chiến làm điện thoại thông minh thời điểm này là vô cùng khó khăn. Để thực sự có lãi trong mảng này, các thương hiệu cần khai thác được vào phân khúc cao cấp. Hay xa hơn là bán các sản phẩm đi kèm như tai nghe, đồng hồ thông minh hoặc bán các dịch vụ số (như Apple TV+, Apple Music,...). Thế nhưng, để đến được cái đích đó sẽ là một chặng đường rất dài và nhiều gian nan.

Nhà máy VinSmart. Ảnh: Kenh14

Xiaomi là bài học mới nhất để chúng ta nhìn vào. Phải mất 10 năm phát triển, thương hiệu Trung Quốc này mới thực sự bước chân vào phân khúc điện thoại cao cấp và để lại tiếng vang với Mi 11 series. Ngắn hơn là OnePlus cũng đã mất tới 7 năm sống dưới cái mác “flagship killer” rồi mới dấn thân vào phân khúc cao cấp. Điểm chung của các ông lớn trên đều là xuất thân từ Trung Quốc, thị trường tiềm năng nhất để phát triển công nghệ, đặc biệt là smartphone. Còn với Vsmart, chặng đường để có lãi, để khẳng định được vị thế sẽ là vô cùng gian nan. Việc dừng lại ở thời điểm hiện tại có thể gây tiếc nuối nhưng sẽ là chính xác cho định hướng của VinGroup.

Tham khảo số liệu kinh doanh: VietnamBiz

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập