Foxconn đang đưa BlackBerry trở lại châu Á
Theo Nikkei Asia, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Texas đang thực hiện sứ mệnh hồi sinh thương hiệu BlackBerry, sẵn sàng cho kỷ nguyên 5G.
OnwardMobility và Foxconn đang phát triển một phiên bản BlackBerry mới, và sau đó sẽ phát hành tại Bắc Mỹ và Châu Á. Giám đốc điều hành kiêm Người sáng lập OnwardMobility, ông Peter Franklin nhấn mạnh rằng, thị trường châu Á là một thị trường rất quan trọng với màn quay lại này của BlackBerry.
Hiện tại, chưa có thời gian chính thức về thời điểm chiếc điện thoại này ra mắt tại châu Á, nhưng OnwardMobility hy vọng sẽ làm được điều đó càng sớm càng tốt.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đang trong quá trình trao đổi với khách hàng và các nhà cung cấp dịch vụ di động trên phạm vi toàn cầu để phát triển kế hoạch phân phối của mình."
BlackBerry ban đầu được phát triển bởi một công ty Canada cùng tên, trước đây có tên là Research In Motion. Nhờ bàn phím vật lý và hệ điều hành độc quyền, chiếc điện thoại này trở nên vô cùng phổ biến trong những năm 2010.
Nhưng sự nổi lên của iPhone và các đối thủ khác đã giáng một đòn nặng nề vào thị trường của thiết bị có bàn phím vật lý này. BlackBerry đã ngừng bán những chiếc điện thoại của hãng từ năm 2016, thay vào đó tập trung vào các hoạt động an ninh mạng.
Trước đây, cũng đã có những nỗ lực để hồi sinh cái tên BlackBerry. Công ty điện tử TCL của Trung Quốc đã trở thành đơn vị được cấp phép thương hiệu và tung ra một số mẫu điện thoại dưới tên BlackBerry, nhưng năm ngoái đã thông báo về việc thoát khỏi thỏa thuận này.
OnwardMobility hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn hơn khi hợp tác với FIH Mobile, chi nhánh sản xuất điện thoại Android của Foxconn. Hai tập đoàn đang cùng nhau phát triển mẫu điện thoại mới sẽ được bán dưới thương hiệu BlackBerry, có bàn phím cũng như camera hàng đầu và kết nối 5G.
OnwardMobility cũng cam kết về việc cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn, chống lại rò rỉ dữ liệu và các mối đe dọa mạng khác. Hãng sẽ hoạt động với một công ty an ninh mạng bên ngoài và hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu của khách hàng quan tâm đến bảo mật.
Tuy nhiên, màn trở lại này sẽ đặt ra cho OnwardMobility bài toán đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Trong số 1,29 tỷ điện thoại thông minh được xuất xưởng trên toàn cầu vào năm 2020, 20,6% đến từ Samsung Electronics và 15,9% từ Apple.
Để BlackBerry thành công, OnwardMobility sẽ cần phải phát triển các kênh bán hàng mới. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty Trung Quốc như Xiaomi, những hãng đã thành công trong việc phát hành điện thoại hiệu năng cao với giá rẻ, cũng sẽ đặt ra một thách thức.
Bạn đã từng dùng những thiết bị mang tên BlackBerry? Nếu cái tên này quay lại, bạn sẽ ủng hộ sản phẩm của họ chứ? Hãy comment ý kiến cá nhân vào phần bên dưới để trao đổi cùng ThinkView nhé!
Theo Nikkei Asia