Huawei và những chiến lược mới sau khi bán Honor

3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Huawei đang đàm phán với Digital China và một số công ty khác để bán thương hiệu smartphone Honor với giá trị giao dịch khoảng 3,7 tỷ USD.

Tuần qua, Reuter đưa tin về việc Huawei đang đàm phán để bán lại thương hiệu con Honor. Theo đó, Huawei đang liên hệ với Digital China Group và những tập đoàn lớn khác để bán thương hiệu Honor trong một thỏa thuận có thể thu về 25 tỷ nhân dân tệ (3,7 tỷ USD).

Họ cho biết Huawei đang thiết lập lại các ưu tiên của mình do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Hãng sẽ tập trung vào các dòng điện thoại Huawei cao cấp hơn thay vì thương hiệu Honor hướng đến những người trẻ tuổi và có khả năng tài chính không quá tốt.

Các tài sản sẽ bán vẫn chưa được làm rõ nhưng có thể bao gồm thương hiệu Honor, bộ phận nghiên cứu & phát triển và kinh doanh quản lý chuỗi cung ứng liên quan. Digital China đang là nhà phân phối chính cho Honor, hãng này cũng đã nổi lên như là người dẫn đầu trong thương vụ mua bán này. Bên cạnh đó cũng là các tập đoàn tiềm năng khác khác bao gồm TCL và cả đối thủ Xiaomi Corp.

Tập trung vào viễn thông và smartphone cao cấp

Dù liên tục gặp khó khăn vì lệnh cấm của Mỹ, Huawei vẫn là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bỏ xa Nokia và Ericsson. Theo thống kê của hãng nghiên cứu Dell'Oro (Mỹ), Huawei đạt thị phần 31% trong mảng cơ sở hạ tầng viễn thông nửa đầu 2020, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT), hơn 480.000 trạm gốc 5G đã được Trung Quốc xây dựng và đạt 96% tiến độ trong mục tiêu xây 500.000 trạm năm nay. Dự kiến hơn 60 triệu người dùng Trung Quốc sử dụng 5G tính đến cuối 2020.

Huawei cung cấp một loạt các công nghệ để giúp các nhà khai thác viễn thông mở rộng khả năng của các mạng băng thông di động. Các giải pháp mạng lõi của Huawei cung cấp các softswitch di động và cố định, cộng với đăng ký vị trí và hệ thống con giao thức Internet đa phương tiện (IMS).

Công ty cũng cung cấp cơ sở hạ tầng di động, truy cập băng thông rộng, bộ định tuyến và chuyển mạch của nhà cung cấp dịch vụ (SPRS). Các sản phẩm phần mềm của Huawei bao gồm nền tảng phân phối dịch vụ (SDPs), BSS, Rich Communication Suite và các giải pháp văn phòng và điện thoại di động kỹ thuật số. 

Huawei đã thông báo rằng họ đã tiến hành thử nghiệm thành công 5G với Telenor với tốc độ đạt tới 70 Gbit/s trong môi trường phòng thí nghiệm có kiểm soát. Trong năm 2010, 4G đã bắt đầu thay thế 3G và tăng tốc độ truyền dữ liệu di động gấp mười lần. Trong thời đại 5G, nó sẽ nhanh gấp 100 lần 4G trong việc truyền tải dữ liệu di động.

Ngoài ra, Huawei cũng sẽ tập trung phát triển các dòng điện thoại cao cấp của hãng, tiêu biểu là Mate series và P series. Theo thống kê hồi đầu năm nay, hơn 7 triệu thiết bị nằm trong dòng Mate 30 đã bán ra thị trường được Huawei chỉ sau 60 ngày ra mắt. Cùng thời gian đó, số lượng máy bán ra trên toàn cầu đã vượt qua con số 12 triệu máy.

Huawei P40 Pro - thiết bị cao cấp khác của Huawei cũng để lại được nhiều dấu ấn và doanh số tương đối tốt. Sau khi ra mắt, P40 Pro đã được ghi nhận là điện thoại có camera tốt bậc nhất trên thị trường. Với 128 điểm do chuyên trang đánh giá camera uy tín hàng đầu thế giới DxOMark chấm, smartphone của Huawei đã thiết lập kỷ lục mới đồng thời tạo khoảng cách lớn đối với các sản phẩm đứng sau. 

Nhìn chung, Huawei đang thu hẹp lĩnh vực hoạt động của minh, tránh dàn trải ra nhiều lĩnh vực, phân khúc thị trường khác nhau. Hơn hết, sau những đòn trừng phạt từ Mỹ, Huawei cũng phải cố gắng rất nhiều để khôi phục được các hoạt động nghiên cứu sản phẩm và phát triển kinh doanh. Ở giai đoạn này, việc tập trung nguồn lực để đứng lên một cách mạnh mẽ nhất là điều được Huawei đặt ưu tiên lên hàng đầu. Và hãng đã quyết định chọn việc tập trung vào mảng viễn thông và smartphone cao cấp. Đây đều là những mảng mà hãng đã làm tốt và để lại được nhiều dấu ấn trong nhiều năm qua.

Bán để tạo "đường sống" cho Honor

Thương hiệu Honor được Huawei thành lập vào năm 2013 nhưng doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động độc lập với công ty mẹ. Honor sẽ là một phần của chiến lược thương hiệu kép, song song với sản phẩm mang thương hiệu Huawei. Hãng con này sẽ cung cấp điện thoại thông minh nhắm vào khách hàng trẻ tuổi, cũng như đã phát hành máy tính bảng và thiết bị đeo thông minh ở phân khúc tầm trung và giá rẻ.

Kuo Ming-chi - nhà phân tích tại TF International Securities, đã nói rằng thương vụ bán Honor chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả bên bán và bên mua. Nhìn rộng hơn, nếu thương vụ này thành công, các nhà cung cấp và ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc cũng sẽ nhận được nhiều chuyển biến tích cực.

"Nếu Honor hoạt động độc lập và tách khỏi Huawei, việc mua các linh kiện của họ sẽ không còn phải tuân theo lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei. Điều này sẽ giúp ích rất lớn cho hoạt động kinh doanh của Honor và các nhà cung cấp".

Năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã ra lệnh ngăn chặn hầu hết các công ty Mỹ tiến hành kinh doanh với Huawei. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động chung của Huawei và ngành công nghệ Trung Quốc. Tiếp đó, vào tháng 5.2020, Washington đã công bố các quy tắc mới nhằm mục đích hạn chế khả năng của Huawei trong việc mua các chip quan trọng phục vụ thiết kế cho thiết bị mạng 5G và điện thoại thông minh.

Thương hiệu Honor hiện đang bán điện thoại trực tuyến thông qua các trang web của chính mình và thông qua các nhà bán lẻ bên thứ ba. Hãng luôn là đối thủ cạnh tranh lớn với Xiaomi, Oppo và Vivo trên thị trường điện thoại cấp thấp hơn ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Châu Âu.

Theo ước tính từ công ty nghiên cứu Canalys, smartphone thương hiệu Honor chiếm 14,6 triệu chiếc, tương đương 26% trong số 55,8 triệu chiếc smartphone mà Huawei xuất xưởng trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, lợi nhuận của của Honor mang lại là khá thấp. Honor đã ghi nhận lợi nhuận ròng chưa đến 5 tỷ nhân dân tệ trên doanh thu khoảng 70-80 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái.

Nếu đàm phán thành công, Digital China cũng sẽ hợp tác với Huawei trong lĩnh vực điện toán đám mây và các lĩnh vực có liên quan. Bên cạnh đó, hãng còn có kế hoạch tài trợ phần lớn các thỏa thuận để đảm bảo nguồn tài chính hoạt động trong năm tới.

Tuy nhiên, Mỹ cũng hoàn toàn có thể ra lệnh cấm lại với Huawei ngay sau khi hãng tách khỏi Huawei. Washington có thể lập luận rằng lệnh cấm sẽ đi liền với cả Huawei và Honor, cho dù có tách rời thì cả 2 hãng cũng phải tuân thủ lệnh cấm tới từ phía Mỹ. Do đó, việc Honor tách khỏi Huawei cũng không chắc chắn được rằng hãng có thể hoạt động bình thường với các tập đoàn Mỹ hay không.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập