Intel chấm dứt chương trình bảo vệ người dùng ép xung, vì đâu nên nỗi?
Sau 9 năm triển khai thì kể từ hôm nay, Gói Bảo vệ Điều chỉnh Hiệu suất (PTP)– tuỳ chọn bảo hành mở rộng phục vụ người dùng ép xung CPU – đã chính thức bị Intel loại bỏ. Hiện tại công ty đã ngừng bán các gói PTP mới, và thay vào đó sẽ chỉ còn phục vụ những trường hợp PTP còn hoạt động. Lần đầu được Intel giới thiệu hồi tháng 01/2012 - đúng vào thời kỳ hoàng kim của ép xung CPU Sandy Bridge hay Ivy Bridge, PTP đã sớm chiếm được cảm tình của người dùng ngay từ giai đoạn thử nghiệm 6 tháng.
Cụ thể, chỉ cần nộp một khoản phí dao động từ 25-30 USD, anh em sẽ được Intel đổi mới CPU nếu gặp thiệt hại trong quá trình ép xung. Dù chỉ áp dụng được một lần cho mỗi CPU, nhưng chừng đó vẫn là đủ để PTP đáp ứng nhu cầu của “vọc thủ” bấy giờ - vốn có số lượng khá hạn chế.
Tuy đạt được những thành công nhất định nhưng cuối cùng, Intel vẫn quyết định chấm dứt PTP. Theo chia sẻ trên website của chính sách, người dùng hiện nay đang có xu hướng “tự tin hơn khi ép xung”, vậy nên nhu cầu dành cho các biện pháp bảo hành (PTP) đang có xu hướng giảm dần.
Nhưng liệu mọi thứ có đơn giản như vậy, hay Intel còn đang che giấu điều gì phía sau câu chuyện ép xung CPU? Chưa kể đến việc đây vẫn là thời điểm mà những i9-10900KS, i9-10900K, v.v… đang còn sức nóng cho nhiều loại nhu cầu. Theo mình thì cũng có khả năng, các mẫu vi xử lý này đã có tỉ lệ xảy ra lỗi cao hơn khi thực hiện ép xung so với trước đây. Và với việc huỷ chính sách bảo hành, Intel mong muốn người dùng sẽ hạn chế hơn việc ép xung để che đậy được điều này.
Để củng cố cho giả định này thì nhìn lại trong quá khứ, chúng ta cũng từng có một (vài) trường hợp CPU Intel dính lỗi dẫn đến cản trở ép xung. Điển hình như hiện tượng quá nhiệt trên CPU Intel Core i7-8700K hồi 2018, dẫn đến ảnh hưởng đáng kể tới người dùng ở nhiều tác vụ. Khi đó, Intel chỉ khẳng định lại rằng mức nhiệt đó của CPU (ghi nhận nhiều trường hợp ở mức 85-90 độ) là hoàn toàn bình thường, và nếu còn ép xung thì không biết i7-8700K sẽ còn nóng tới đâu.
Còn về ảnh hưởng, việc mất đi một chính sách tốt như PTP cũng sẽ tác động tới nhiều đối tượng: Từ anh em “vọc thủ”, video editor, gamer cho tới nhiều hệ thống đặc thù như workstation. Khi đó thì dù có những con CPU lý tưởng, việc không được bảo vệ bởi PTP sẽ khiến rủi ro của việc ép xung trở nên đáng cân nhắc. Nếu Intel cho rằng việc người dùng tự tin vào kỹ năng ép xung sẽ làm mất giá trị của PTP thì với mình, chính sự hiện diện của nó mới là điểm tựa để chúng ta tiếp tục “vọc vạch” để đạt tới nhiều giới hạn mới.
Theo AnandTech