Intel chipset 500 series: sự thay đổi phải chăng đã quá muộn màng
Chipset 500 series không giống như những lần nâng cấp trước đây của Intel. Nếu như trước đây, Intel luôn làm những gì mà mình cho là đúng thì Intel của ngày hôm nay đã biết “lắng nghe” thị trường hơn. Đây là một dấu mốc quan trọng đáng ghi nhớ trong những bản nâng cấp của hãng kể từ sau phiên bản Chipset 100 series dành cho bo mạch chủ của máy tính để bàn với việc hỗ trợ DDR4 thay cho DDR3. Trong năm 2021, thêm một lần nữa, Intel lại theo sau gót chân của AMD, chấp nhận bỏ qua định kiến của bản thân, theo chân đối thủ để mang lại những giá trị tốt hơn cho người dùng.
“Hạ mình” để đi theo số đông
Điều đầu tiên bạn nghĩ đến là PCIe 4.0? Cái đó cũng đúng đấy nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà Intel thay đổi trên chipset 500 series. Thực tế, mình cũng chẳng quan tâm đến PCIe 4.0 nữa. Những thiết bị PCIe 4.0 đều là cuộc chơi của những gã nhà giàu lắm tiền nhiều của. Với mình, giá trị quan trọng nhất mà Intel đưa vào chipset 500 series là khả năng ép xung RAM ở những bo mạch chủ tầm trung và cận cao cấp như B560 và H570. Trong khi AMD đã mở khoá xung CPU và cho phép ép xung RAM trên toàn dài chipset của mình từ lâu, thì nay Intel mới thực hiện điều đó trên những bo mạch chủ của mình.
Tại sao Intel lại có động thái “nhún nhường” người dùng vào lúc này? Có phải vì họ đang muốn lôi kéo những người đã từ bỏ Intel hãy quay trở về với Intel, bởi vì tôi đã có thứ bạn cần hay không? Đứng trên góc độ những người dùng AMD mà nói, họ cũng đã từng phải chờ đợi rất lâu chỉ để Intel thực hiện điều này. Khi mà AMD còn chưa thực sự áp đảo Intel, người dùng bắt buộc phải sử dụng Intel bởi vì nó là sự lựa chọn tốt nhất về hiệu năng ở thời điểm đó. Còn khi họ đã có thứ mà mình muốn, thậm chí ưu việt hơn như Ryzen 5000 series thì lại khác. Xin cảm ơn Intel, nhưng chúng tôi ổn.
Với những người dùng không có nhiều điều kiện về tài chính, khả năng mở rộng hiệu năng dựa vào ép xung là một món quà khi dựng một chiếc PC. Họ không mất quá nhiều tiền cho một bo mạch chủ tầm trung, một CPU tầm trung, một cặp RAM tầm trung nhưng cuối cùng thì những người dùng AMD lại cảm thấy thoả mãn vì dường như họ đã thu lại được nhiều giá trị hơn số tiền mà mình bỏ ra vậy. Một chiếc máy tính không phải là thứ có thể thay thế vào ngày mốt ngày hai. Người dùng tầm trung cũng không phải tuýp người có ý thức trong việc chạy đua công nghệ. Bởi vậy, việc B560 và H570 có thể ép xung Ram cũng chẳng hề ảnh hưởng đến họ.
Vậy thì ai sẽ là người được hưởng lợi từ Intel?
May mắn cho Intel, AMD cũng đang gặp những rắc rối riêng của mình. Mặc dù ai cũng biết rằng AMD hiện nay là sự lựa chọn tốt hơn so với Intel, nhưng đó là vấn đề về hiệu năng. Năm 2020 là một năm thành công về mọi mặt của AMD. Tuy nhiên, ngay trước thềm bước sang năm 2021, AMD đã nhận được những “cú đấm” khá đau từ phía thị trường, TSMC – đối tác chiến lược của AMD liên tục tăng giá wafer. Những chiếc CPU AMD trước đây vốn rẻ lại thành đắt. Còn với Intel, do tự chủ được nhà máy sản xuất wafer nên giá thành CPU lại đang trở nên rẻ cả AMD. Khi mà chuyện đắt rẻ đã trở thành một tiêu chí được đặt lên bàn cân của việc mua bán thì lúc này Intel sẽ có đầy đủ sức thuyết phục hơn AMD. Rẻ, nhưng vẫn đầy đủ tính năng. Có lẽ đó là điều khả thi duy nhất mà Intel có thể thực hiện ngay vào lúc này.
Mặc dù những thông tin này đang có lợi cho người dùng lựa chọn Intel Rocket Lake-S, tuy nhiên nó vẫn không phải là dành cho tất cả, những người sử dụng Intel Core i3 trở xuống và những bo mạch chủ H510 sẽ không được hỗ trợ khả năng này. Thực ra, đó cũng là một điều tương đối hợp lý. Những người sử dụng Intel Core i3 cùng với bo mạch chủ H510 chắc chắn sẽ không phải là đối tượng có nhu cầu sử dụng RAM có bus cao hơn 2666Mhz.
Theo Tom's Hardware