Intel Core i9-11900: Chúng ta đang được chứng kiến một Intel rất lạ
Mặc dù Intel Core thế hệ thứ 11 đã ra mắt được một thời gian nhưng vẫn còn nhiều điều đáng để suy ngẫm về nó. Đã có quá nhiều lời chê bai, nhiều sự chế giễu dành cho một thế hệ CPU mới của thương hiệu hàng đầu thế giới này. Cả trước và sau khi ra mắt, không có mấy cái nhìn tích cực dành cho chúng. Lộ trình ra mắt sản phẩm thì vẫn phải thực hiện, nhưng Intel Rocket Lake S sẽ "ế" hay vẫn còn có thể được cộng đồng chấp nhận?
Dù sao đi nữa, đây là thế hệ CPU cuối cùng chấm dứt chuỗi 6 năm dài đằng đẵng với 5 thế hệ CPU đều sử dụng chung một tiến trình. Tức là đây đã là giới hạn cuối cùng mà Intel có thể tối ưu được khả năng hoạt động của một con chip tiến trình 14nm. Đứng trên quan điểm kinh doanh, bản thân Intel cũng sẽ không để cho mẫu CPU mang đậm dấu ấn này của mình trôi đi một cách lãng phí. Bởi vậy, Intel Gen 11 sẽ có chút thay đổi và quay trở lại với bản ngã của Intel là một CPU có xung nhịp cao hơn là tìm cách để đẩy xung nhịp lên cao trên một CPU nhiều nhân luồng.
Hi sinh để tạo nên sự thay đổi
Khác với mọi năm, những mẫu CPU dành cho máy tính để bàn thường được ra mắt trước khi những mẫu CPU phiên bản mobile cùng thế hệ được ra mắt. Năm nay thì ngược lại, Intel lại để cho những mẫu CPU trên laptop mang lại sự đột phá trước rồi áp dụng những công nghệ của chúng lên những mẫu CPU Intel Gen 11 để bàn. Điều đó mang lại sự thú vị nhất định khi nhìn vào cách mà Intel đang hành động.
Sẽ không khó để nhận ra, Intel Rocket Lake năm nay được kế thừa rất nhiều những mảnh ghép từ vi kiến trúc của dòng Tiger Lake trên những chiếc laptop. Đầu tiên phải kể đến việc đây là dòng CPU một phiên bản có nhiều sự cải tiến về I/O, được trang bị kết nối USB 3.2 gen 2x2. Đây là kết nối mà mình đã chờ đợi từ lâu, vì trên thị trường đã có rất nhiều mẫu SSD di động sử dụng kết nối này. Chỉ cần có kết nối này, bạn có thể làm được rất nhiều việc có tính di động mà không nhất thiết phải copy tất cả vào trong ổ cứng gắn trong hệ thống. Cho dù, đó có là những công việc đòi hỏi khả năng đọc ghi cao như edit video hay là chơi game từ ổ cứng gắn ngoài thì chỉ cần một kết nối với băng thông 20Gbps là đã có thể giải quyết mọi việc.
Nếu bạn cần khả năng kết nối mạnh mẽ và đa dụng hơn như Thunderbolt 4 trên những dòng Ultrabook thế hệ mới thì tin mừng cho bạn là chúng đã được hỗ trợ trên Intel Gen11 năm nay. Tức là bạn chỉ cần một cổng duy nhất để vừa thực hiện các thao tác như truyền dữ liệu, xuất hình ảnh, sạc các thiết bị có hỗ trợ Power Delivery, thậm chí là kết nối mạng Internet, kết nối với một số thiết bị đặc thù như eGPU. Chúng sẽ sử dụng băng thông PCIe 40Gbps và số lane được sử dụng sẽ chỉ là một phần nhỏ trong một hệ thống hỗ trợ tới tổng cộng 44 lane PCIe.
Không chỉ dừng lại ở những kết nối truyền dữ liệu tốc độ cao, khả năng xuất hình với những CPU Intel Gen 11 cũng được cải thiện không ít khi được trang bị HDMI 2.0 và HBR3 (High bit Rate 3 DisplayPort).
Đối với các kết nối không dây, Intel cũng hỗ trợ mô đun wifi mới nhất do chính mình phát triển là Intel Wifi 6E, mang lại sự về tốc độ, độ trễ, khả năng tương thích ngược và bảo mật tốt hơn so với người đồng cấp là Wifi 6 (802.11ax).
Để có được những điều trên, hãy nhìn sâu hơn vào thế hệ CPU mới này của Intel, việc hi sinh số nhân luồng so với thế hệ trước chính là khả năng để tạo tiền đề cho những nâng cấp ở thế hệ hiện tại. Intel đã đúng khi thực hiện điều này và mang đến những trải nghiệm có lợi hơn cho người dùng thay vì theo đuổi sự cải thiện mang lại giá trị sử dụng rất nhỏ từ việc tăng số nhân số luồng khi đã đến giới hạn của tiến trình 14nm.
Khả năng cải thiện IPC (instruction Per cycle) thêm 19% cũng có thể là kết quả của việc áp dụng vi kiến trúc từ một dòng CPU mobile lên desktop. Khi mà bạn phải tính toán nhiều về sự cân bằng giữa hiệu năng, tính năng và hiệu suất tiêu thụ điện như một chiếc laptop, những thiết kế mang tính chất như vậy được đưa lên desktop sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, mang đến sự cân bằng cần phải có trên những hệ thống được trang bị CPU Intel Core thay vì thiên về một hướng như những thế hệ trước đây. Có thể, việc giảm đi số nhân luồng sẽ làm giảm phần nào đó về hiệu năng, tuy nhiên sự cải thiện về IPC sẽ giúp cho hiệu năng đơn nhân tốt hơn và lấp đầy khoảng trống hiệu năng của hai nhân vừa bị cắt giảm.
Không chỉ có phần nhân CPU là được cải thiện nhờ vi kiến trúc trên những con chip dành cho laptop của Intel mà ngay cả nhân đồ hoạ tích hợp trên CPU Intel Gen 11 cũng có những sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Đó là việc ứng dụng kiến trúc Intel Iris Xe lên dòng Intel UHD để tạo nên sự nhảy vọt về hiệu năng xử lý bên trong một nhân đồ hoạ tích hợp. Đó là điều mà ai cũng mong muốn, không cần card đồ hoạ rời, chỉ cần một giải pháp xử lý đồ hoạ nhỏ gọn bên trong một con chip nhưng vẫn có thể thực hiện đủ loại tác vụ nặng nhẹ khác nhau. Đồng thời, kiến trúc này cũng mang lại khả năng hoạt động song song của card đồ hoạ rời và card đồ hoạ tích hợp, đem lại những lợi ích cho những tác vụ khác nhau. Điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những tác vụ liên quan đến multimedia như giải mã và đóng gói các định dạng video như 10-bit AV1, 12-bit HEVC, v.v…
Cùng với đó là khả năng hỗ trợ những thanh RAM DDR4 có thể chạy default ở mức 3200Mhz so với thế hệ trước là 2933MHz. Đây là một trong những sự cải tiến có rất nhiều ý nghĩa với các game thủ và những người cần sử dụng nhiều yếu tố về bus RAM trong công việc. Đồng thời cho phép việc ép xung RAM diễn ra phổ biến hơn trên các bo mạch chủ chipset Intel 500 series dòng Z, B và W.
Sự thay đổi sáng giá khác của Intel Gen 11 là việc được trang bị lên tới 20 Lane PCIe 4.0. 16 Lane là dành cho card đồ hoạ (đây là lẽ dĩ nhiên rồi), 4 lane còn lại được dùng để hỗ trợ khe M.2 cho những SSD NVMe PCIe 4.0. Ngoài ra thì Intel Rocket Lake cũng đã hỗ trợ SSD Intel Optane H20 nhanh hơn và mạnh mẽ hơn thế hệ H10 với nhiều cải tiến về tốc độ giúp cho “dòng chảy công việc” của bạn “trôi” một cách mượt mà và nhanh hơn. Kể từ nay, người dùng Intel đã được trải nghiệm những SSD siêu tốc với khả năng đọc/ghi ấn tượng lên đến 7000MB/s. Tất nhiên, người dùng cũng phải sở hữu một SSD tương xứng để thực hiện được điều này.
Giá trị của sự thay đổi
Khi trực tiếp nhìn vào Intel Gen 11 và cách mà nó thể hiện, mình nhìn thấy một Intel rất lạ. Một Intel đã thôi không theo đuổi những đỉnh cao như thời kì mà họ còn độc chiếm thị trường. Họ đang tiếp cận những giá trị thực tế hơn của một người sử dụng thông thường, bao phủ những giá trị đó lại để trở thành một mẫu CPU “quốc dân” hơn. Không phải cứ hiệu năng cao thì mới là một CPU, một CPU phù hợp với tất cả mọi người mới là một CPU xứng đáng.
Ngay cả việc liệt kê những gì mới mẻ trên một sản phẩm đã được mổ xẻ từ lâu rõ ràng là một công việc vô cùng nhàm chán. Mình thì thích nói về giá trị đến từ những sự thay đổi hơn. Sự thay đổi một cách toàn diện như thế này của Intel mang đến giá trị lớn cho những hệ thống chạy thuần CPU của Intel mà không sử dụng đến card đồ hoạ và các linh kiện mở rộng. Bản thân CPU Intel Gen 11 đã là quá đủ cho rất nhiều nhu cầu từ Văn phòng, cho đến các hệ thống Multimedia nhỏ gọn. Intel Gen 11 tạo nên một cú huých lớn vào trải nghiệm trên những chiếc máy tính đồng bộ, máy tính lắp ráp và các hệ thống tính toán khác.
Những chiếc máy tính cá nhân vẫn thực sự cần những trải nghiệm là dành cho cá nhân chứ không phải cho một công ty, một tổ chức. Và cách mà Intel thiết kế và tạo ra Intel Gen 11 cũng là bởi mục đích đó. Mang đến những trải nghiệm tiện nghi và mạnh mẽ là dành cho cá nhân nhiều hơn chứ không phải là môi trường chuyên nghiệp. Tập trung vào hiệu năng đơn nhân bởi vì những tác vụ hàng ngày thì chủ yếu được thực hiện bởi các những ứng dụng đơn nhân, đặc biệt là chúng vô cùng xuất sắc. Khi thực hiện các bài benchmark, mình thấy được sự vượt trội trong tất cả các bài test đơn nhân.Mình cũng thích cái cách mà một CPU Intel i9-11900 (không được mở khoá xung nhé) chạy vọt lên 5.1Ghz một cách dễ dàng và duy trì ở con số đó trong suốt quá trình nó hoạt động.
Đã có một khoảng thời gian, giá của những thanh RAM hầu như không còn được phân định bằng mức bus của chúng. Những thanh DDR4-2666Mhz cho đến DDR4-3200Mhz không có nhiều sự chênh lệch về giá, đôi khi là bằng nhau. Nhưng nếu là bạn, bạn sẽ muốn chạy chúng ở mức nào? Tất nhiên là ở bus 3200Mhz rồi, để khởi động mọi thứ nhanh hơn, hiệu năng trên nhân đồ hoạ tích hợp cũng được cải thiện phần nào. Vậy thì rõ ràng việc nâng cấp khả năng chạy RAM ở bus cao như 3200Mhz là một sự cải tiến đáng kể trên Intel Gen 11, mặc dù nó là thứ ít rõ ràng nhất trong trải nghiệm của một người dùng cá nhân nhưng nó vẫn là một trong những giá trị gần gũi nhất với người dùng. Bản thân mình cũng cảm nhận được điều này khi thanh RAM của mình trên hệ thống sử dụng Intel Gen 11 có thể đẩy lên mức 4000MHz nhẹ nhàng đến vậy.
Bạn có biết điều gì đang khiến cho thị trường máy tính náo loạn? Đó chính là tiền ảo và card đồ hoạ. Vậy nếu người dùng không có card đồ hoạ thì không lẽ mọi trải nghiệm đều bó tay? Ít nhất là khi sử dụng Intel Gen 11, bạn sẽ vớt vát lại được chút trải nghiệm mà bạn cần trên một chiếc card đồ hoạ. Chơi game hay edit video, kiến trúc Intel Iris Xe trên nhân đồ hoạ Intel UHD có thể đảm bảo cho bạn hiệu năng cao hơn rất nhiều so với những nhân đồ hoạ thế hệ trước. Dù vẫn không thể so sánh với card đồ hoạ rời về mọi mặt nhưng chí ít thì hiệu năng của nó cũng giúp bạn đứng vững trước cơn sóng này trong một thời gian không phải là ngắn. Việc hỗ trợ những chuẩn video như 10-bit VA1 hay 12-bit HEVC cho thấy rằng bạn chỉ cần một chiếc máy tính rất cơ bản là đã có thể thực hiện khả năng dựng và biên tập video 4K tuyệt vời. Còn nếu đơn thuẩn là chơi game thôi, bạn cũng cảm nhận được rằng, Intel đang cho phép bạn chơi được nhiều game hơn trên nhân đồ hoạ tích hợp của họ. Nhiều game hơn tức là nhiều niềm vui hơn.
Cũng nhờ có vi kiến trúc đồ hoạ này mà khả năng xuất hình trực tiếp từ những CPU Intel có đồ hoạ tích hợp được cải thiện. Người dùng đã có thể xem những nội dung cao cấp như 4K với số khung hình tốt hơn, màu sắc cũng như độ nét cao hơn. Có thể bạn không nhận ra điều này nhưng các nội dung số 4K đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta từng ngày. Bạn cũng khó mà cưỡng lại được sức hút từ chúng phải không?
Một trong những thay đổi có giá trị với những người làm nội dung, multimedia như mình là khả năng kết nối với những chiếc SSD cả bên trong lẫn bên ngoài. Với những chiếc ổ cứng gắn trong, Intel Gen 11 đã cho phép những chiếc SSD có khả năng đọc/ghi tuần tự lên đến 7000MB/s có thể xuất hiện trên hệ thống của nó, điều này khiến cho công việc sản xuất nội dung số như video và hình ảnh thêm phần nhanh chóng hơn. Điều này cũng tương tự với những ổ cứng gắn ngoài. Việc cho phép những kết nối như Thunderbolt 4 hay USB 3.2 gen2x2 xuất hiện giúp cho mình có khả năng giao tiếp di động tốt hơn rất nhiều, thậm chí là làm việc trên đó mà không cần đưa chúng vào ổ cứng bên trong vốn dĩ khá hạn hẹp. Trước đây chúng mình cũng đã sản xuất những video YouTube có dung lượng File gốc lên đến trên 1TB, mình đã ý thức được việc sở hữu những chiếc ổ cứng gắn ngoài có dung lượng và tốc độ kết cao sẽ tốt như thế nào cho một dòng chảy công việc. Bản thân bạn cũng không thể đảm bảo rằng quá trình di chuyển File qua lại sẽ không để lại lỗi, tuy nhiên, nếu bạn có thể thực hiện chúng trực tiếp trên ổ cứng gắn ngoài thì dữ liệu gốc sẽ được đảm bảo tính an toàn hơn.
Vậy Intel Gen 11 có đáng mua?
Nếu mọi người đã theo dõi những thông tin chính thức và không chính thức về lộ trình ra mắt sản phẩm của Intel thì ngay trong nửa cuối năm 2021 này, một thế hệ CPU nữa sẽ tiếp tục được ra mắt. Hơn nữa đó lại là một tiến trình mới đối với dòng CPU cho máy tính để bàn, tiến trình 10nm. Tâm lý nhiều người sẽ là chờ đợi thêm vài tháng nữa để sở hữu một con chip mạnh mẽ vượt trội hơn về số nhân luồng cũng như những tính năng khác.
Mình thì lại có suy nghĩ ngược lại hoàn toàn với ý kiến đó bởi nhiều lý do:
- Vi kiến trúc trên tiến trình 10nm mới phần nhiều sẽ được ra mắt cho dòng mobile trước chứ không phải là desktop như chúng ta lầm tưởng. Tính đến thời điểm hiện tại, Intel Tiger Lake đã đi được một chặng đường, tuy chưa thực sự lâu nhưng cũng đã được gần 6 tháng và thời điểm mà Intel ra mắt Core Gen 12 với kiến trúc mới khá trùng khớp với thời điểm mà họ ra mắt Intel Core Gen 11 vào năm 2020. Tức là bạn nếu bạn là người dùng desktop, bạn phải chờ thêm vài tháng, giống như ngày hôm nay nhưng là của năm tiếp theo để Intel chính thức ra mắt Intel Core Gen 12 cho desktop.
- Vi kiến trúc dành cho CPU máy tính để bàn trên tiến trình 10nm có thể sẽ vẫn giữ nguyên như ở thời điểm hiện tại. Chỉ là số lượng bóng bán dẫn sẽ cho phép Intel đạt được mục đích về số lượng nhân luồng và xung nhịp tốt hơn thời điểm hiện tại mà thôi. Nó không có quá nhiều ý nghĩa với những người cần tính năng mới của Intel chứ không phải số lượng nhân luồng.
- So với tiến trình 14nm đã 6 năm tuổi, dây chuyền 10nm mới sẽ khiến cho chi phí sản xuất CPU tăng lên. Bởi vậy, nếu bạn có ý định sở hữu Intel Core desktop 10nm, chắc chắn bạn sẽ phải bỏ ra số tiền cao hơn hẳn so với CPU từ tiến trình cũ.
Nếu bạn là một người đã sử dụng những CPU đã cũ và cần sự nâng cấp phần cứng để hoạt động mượt mà và mang lại giá trị cho công việc hay giá trị cuộc sống thì cũng đừng ngần ngại sử dụng Intel Gen 11 desktop ở thời điểm này.
Nếu bạn đang muốn mua máy tính mới và lo ngại tiến trình 14nm già cỗi này sẽ khiến cho bạn sớm lạc hậu thì bạn đừng lo. Hầu hết những tính năng mà bạn cần hoặc sẽ cần trong tương lai gần đều được trang bị ở Intel Gen 11. Nó sẽ không có nhiều sự thay đổi ở 1 hoặc thậm chí là 2 thế hệ tới. Và bởi vì bạn đang không có máy tính thì giá trị của việc không làm gì và giá trị của những thứ mà Intel Gen 11 mang lại vẫn khác nhau rất nhiều. Sự chênh lệch giữa các thế hệ phần cứng là không quá lớn để bạn phải tiếc khoản tiền đầu tư của mình.