article detail

Intel i7 12800HX vs AMD Ryzen 9 6900HX: Intel mạnh hơn, nhưng tốn tiền điện quá

Hung Khuc
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Những con số benchmark về em CPU 16 nhân i7 12800HX trên MSI GE67 cho thấy sức mạnh của Intel. Nhưng, không có gì là miễn phí, đây là một con chip cực kỳ tốn điện.

Trang Notebookcheck mới đây đã thực hiện những bài benchmark về hai con chip mobile gần như là mạnh mẽ nhất của Intel và AMD, cho chúng ta những cái nhìn rất thú vị về hướng đi hoàn toàn khác biệt giữa hai hãng sản xuất chip PC hàng đầu hiện nay.


Intel vượt trội về mặt hiệu năng

Intel gen 12 Core i7 12800HX được trang bị trên chiếc MSI GE67, còn AMD Ryzen 9 6900HX đang trang bị trên Zephyrus Duo 16.

Trong bài test Cinebench R15, Intel Core i7 12800HX đã tỏ ra lợi thế vượt trội hoàn toàn so với 6900HX, nó mạnh hơn 50-60% ở hiệu năng đa nhân. Đây là một khoảng cách quá xa giữa hai đối thủ xét trong cùng một thế hệ. Có được điều này là do Intel gen 12 có lợi thế vượt trội hoàn toàn ở số lượng nhân và luồng.  

Kiến trúc Zen3+ trên AMD Ryzen 6000 vẫn được nhiều người coi là một bản "Refresh" so với thế hệ tiền nhiệm, vẫn kiểu cùng một loại nhân và nó vẫn có 8 nhân 16 luồng. Còn Intel gen 12th Alder Lake có kiến trúc hoàn toàn mới, nhân P core E core, số lượng nhân cũng nhảy vọt hẳn lên 16 nhân và 24 luồng - thông số nghe phát sợ đối với một con chip được đặt trong những chiếc laptop di động.

Xét về hiệu năng đơn nhân thì Core i7 12800HX cũng vượt trội hơn khoảng 15% so với Ryzen 9 6900HX, đem lại một lợi thế lớn trong các tác vụ tận dụng được sức mạnh đơn nhân. 

 Intel 12800HX mạnh hơn AMD Ryzen 6900HX 16% ở hiệu năng đơn nhân, bài test Cinebench R23

Vấn đề của Intel là điểm mạnh của AMD

Tuy nhiên, vấn đề của Intel gen 12 thì luôn xoay quanh những câu chuyện về việc tối ưu hiệu năng trên mỗi W điện, dù nó đã cải thiện tương đối nhiều so với Intel gen 11, nhưng, vẫn là chưa đủ.

Core i7 12800HX "đói" điện đến mức mà ăn tới 165W, trong khi đó Ryzen 9 6900HX nó chỉ ăn có gần 130W mà thôi. Thực tế là Core i7 12800HX nó có thể ăn hơn nữa lên tới trên 200W - đó là một con số vẫn đang ở mức không tưởng, thậm chí có phần hơi lố, MSI GE 67 là một chiếc máy rất dày nhưng vẫn không thể tiêu thụ và tản nhiệt nổi cho từng đấy điện nên là nó lên được 200W vài giây thôi rồi sau đó về mức ổn định là 165W. 

INTEL & AMD: 2 trường phái khác biệt

Có thể thấy là Intel và AMD đang đi theo hai trường phái hoàn toàn khác nhau. Đối với Intel thì từ dòng chip P, chip H, cho đến HX trong năm nay, đều cùng một concept là đẩy nhân, đẩy điện để từ đó đẩy hiệu năng. Còn AMD lại theo trường phái tối ưu hiệu năng trên mỗi W điện, khá giống với cách của Apple. 

Tất nhiên, hiệu năng là một yếu tố cực kỳ quan trọng, nó giúp máy xử lý công việc nhanh hơn. Và cũng không thể phủ nhận những thay đổi rất tích cực của Intel trong năm nay, ngoài hiệu năng mạnh hơn máy còn xử lý tối ưu hơn, phân chia các tác vụ chạy dưới nền và tác vụ chính một cách liền mạch hơn, từ đó đem lại một sự ổn định cho hệ thống, đặc biệt khi làm những công việc nặng liên tục kéo dài. 

Nhưng sau quá trình trải nghiệm mình vẫn thấy Intel phải tối ưu hơn nữa ở một vài điểm sau. Thứ nhất là ở nhân E Core, nó được quảng cáo là nhân "efficient", tức là hiệu quả, tiết kiệm, nhưng mình vẫn chưa thấy Laptop nào sử dụng Intel gen 12 mà có cải thiện rõ rệt về mặt hiệu năng cả. Thứ 2 nữa là ở những phiên bản sau, song song với đẩy điện thì Intel phải tối ưu hiệu năng trên mỗi W hơn nữa. 

Giờ hiệu năng không còn là câu chuyện duy nhất như vài năm trước nữa rồi, kể từ khi Apple ra mắt Apple M series đã tạo ra một trào lưu mới về sự tối ưu, về khả năng tiết kiệm năng lượng, và nó cũng là một trong những tiêu chí mà bạn phải cân nhắc kỹ khi đi mua laptop. Nó giống như kiểu ngày xưa các bạn chỉ cần ăn no, còn giờ là phải vừa no và vừa ngon. Tương tự với Intel gen 12, ngày xưa chỉ cần máy mạnh để chơi game hay chạy được ứng dụng là mừng lắm rồi, nhưng giờ là phải vừa chạy khoẻ và máy phải hoạt động êm ái mát mẻ nữa. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập