Intel và làn sóng đầu tư của các "ông lớn" công nghệ vào Việt Nam
Hôm qua, gã khổng lồ Intel vừa xác nhận đầu tư hơn 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV). Đây là một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất của tập đoàn trên toàn thế giới.
Đại diện Intel cho biết, khoản đầu tư bổ sung này được thực hiện vào nửa cuối năm ngoái, giúp tăng cường khả năng sản xuất 5G và bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid.
Khoản đầu tư 475 triệu USD này là khoản đầu tư mới bên cạnh 1 tỷ USD trước đó cho việc xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP). Qua đó, đưa tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam cán mốc gần 1,5 tỷ USD.
Làn sóng đầu tư của các "ông lớn" công nghệ vào Việt Nam
#1 | Intel rót vốn vào Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP)
IPV là một trong 10 địa điểm sản xuất của Intel trên toàn cầu. Nhà máy tại SHTP có hơn 2.700 nhân viên và là nhà máy lắp ráp, kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu. Trong 10 năm qua, giá trị xuất khẩu từ nhà máy Intel tại Việt Nam đạt trên 50,2 tỷ USD. Riêng năm 2020, Intel đã ghi nhận giá trị xuất khẩu kỷ lục là 13,1 tỷ USD, chiếm khoảng 68% tổng giá trị xuất khẩu của SHTP.
Đây là bước khởi đầu tích cực so với năm 2020 được SHTP đánh giá là dịch bệnh đã "tác động toàn diện đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội của doanh nghiệp và người lao động". Cả năm qua, khu cấp mới 8 dự án và điều chỉnh tăng vốn một dự án với tổng vốn 53,8 triệu USD, chỉ đạt 9,8% so với kế hoạch ban đầu và đạt 53,8% so với kế hoạch điều chỉnh
#2 | Samsung với nhà máy tại tại cả 2 miền Bắc, Nam.
Sau 12 năm kể từ khi nhận giấy phép đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy điện thoại đầu tiên tại Việt Nam, đến nay vốn đầu tư của Samsung đã tăng lên 26 lần với tổng vốn công bố 17,3 tỷ USD và doanh số xuất khẩu chiếm tỷ trọng trung bình 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.
Mới nhất, bên cạnh khoản đầu tư của Intel, Samsung HCMC CE Complex cũng đã chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất theo hình thức "doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghệ cao" với điều kiện giá trị xuất khẩu đạt tỷ lệ 90% trở lên.
Với 6 nhà máy Samsung tại Việt Nam, hàng tỷ thiết bị đã được đưa ra thị trường toàn cầu, chỉ tính riêng năm 2019 đã mang lại doanh số xuất khẩu 59 tỷ USD cho Việt Nam. Việt Nam hiện đang là quốc gia sản xuất lớn nhất của Samsung ở nước ngoài, đồng thời Samsung trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam.
Sự gia tăng đầu tư và sản xuất của Samsung đã góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng ghi tên trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Cùng với những đóng góp về kinh tế, Samsung đang sử dụng hơn 130.000 lao động Việt Nam có tay nghề cao đang làm việc tại khắp các nhà máy Samsung tại Việt Nam.
#3 | Foxconn mở rộng nhà máy tại Bắc Giang
Gần đây nhất, ngày 18/1, UBND tỉnh Bắc Giang đã chính thức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Foxconn.
Theo kế hoạch, Foxconn sẽ xây dựng Nhà máy Fukang Technology tại Khu công nghiệp Quang Châu, với mục tiêu dự án sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD.
Đây được cho sẽ là nơi sản xuất hàng loạt các thiết bị của Apple, bao gồm Macbook, iPad và cả iPhone. Tháng 11 năm 2020, Foxconn được ghi nhận đã chuyển một số hoạt động lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple như là một phần trong chiến dịch đa dạng hóa sản xuất mà Apple đang hướng đến nhằm giảm thiểu tác động của căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Và Việt Nam chính là điểm đến tiềm năng nhất, thoả mãn đầy đủ các điều kiện để phát triển nhà máy lắp ráp.
Việt Nam hưởng lợi nhiều từ những dự án này.
#1 | Lợi ích lớn về kinh tế
Với Intel, IPV là một trong 10 địa điểm sản xuất của Intel trên toàn cầu. Nhà máy tại SHTP có hơn 2.700 nhân viên và là nhà máy lắp ráp, kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu. Trong 10 năm qua, giá trị xuất khẩu từ nhà máy Intel tại Việt Nam đạt trên 50,2 tỷ USD. Riêng năm 2020, Intel đã ghi nhận giá trị xuất khẩu kỷ lục là 13,1 tỷ USD, chiếm khoảng 68% tổng giá trị xuất khẩu của SHTP.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý SHTP cho rằng, việc Intel quyết định mở rộng đầu tư có ý nghĩa lớn cho Khu công nghệ cao nói riêng cũng như TP HCM và cả nước nói chung, trong bối cảnh tình hình khó khăn vì Covid-19.
Trong năm qua, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm qua đạt 20,69 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ và vượt 3,45% so với kế hoạch. Giá trị xuất khẩu đạt 19,08 tỷ USD, tăng 20,15%.
Theo dự đoán, trong năm 2021 SHTP sẽ bước sang giai đoạn mới, với tầm nhìn trở thành trung tâm kinh tế tri thức trên nền tảng khoa học công nghệ, nhân lực công nghệ cao, tập trung những dự án đầu tư sáng tạo, sản xuất những sản phẩm mới có quy mô thị trường thế giới.
#2 | Khẳng định vị thế Việt Nam
Bất chấp hàng loạt khó khăn của dịch Covid-19 trên toan thế giới, Việt Nam vẫn thu hút được tới 23,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tính đến cuối tháng 10.2020.
Mặc dù chịu mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ, song tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu 30,4 tỉ USD, bù đắp cho con số nhập siêu của khu vực trong nước và giúp cả nước xuất siêu hơn 18,2 tỉ USD.
Những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI giúp Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc ngay trong báo cáo năm 2017 cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong tốp 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Việt Nam sẽ chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam”. Qua đó đưa thương hiệu Việt Nam tới khắp năm Châu.
#3 | Cung cấp nguồn việc làm dồi dào
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động Việt Nam
Cụ thể, số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu lao động vào năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực này, bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005-2017, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.
Foxconn bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh tại Việt Nam vào năm 2007. Tính đến tháng 12/2020, tổng số lượng công nhân viên hơn 53.000 người. Trong đó, số vốn đầu tư tại tỉnh Bắc Giang là 900 triệu USD với 35.000 lao động.
Khoản đầu tư 270 triệu USD nằm trong giai đoạn 1 của dự án. Giai đoạn 2 có số vốn lớn hơn lên tới 400 triệu USD. Dự kiến năm 2021, Foxconn tăng mới 10.000 lao động ở Bắc Giang.
Ở quy mô lớn hơn, Samsung thậm chí còn đang sử dụng hơn 130.000 lao động Việt Nam có tay nghề cao đang làm việc tại khắp các nhà máy Samsung tại Việt Nam.
Với làn sóng chuyển dịch của hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn trên toàn thế giới, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều bởi nguồn lao động dồi dào. Qua đó, giải quyết được tình trạng thiếu việc làm ở nhiều khu công nghiệp, thành phố lớn trong vài năm gần đây.