MacBook M1 đã ổn chưa?
Đây là câu hỏi mà mình nhận được rất nhiều trong thời gian vừa qua từ phía anh em và chính mình cũng tự có những thắc mắc tương tự. Mặc dù, chi tiền cho sản phẩm mới, nền tảng vi xử lý mới là đầu tư cho tương lai, cho sự ổn định, cho hiệu năng mạnh mẽ, hoạt động mát mẻ và dành cho một chiếc laptop (trên đùi) đích thực. Và đúng thật, MacBook M1 từ phiên bản Air và Pro đều mang lại những trải nghiệm tuyệt vời, trải nghiệm mà mình chưa từng được chứng kiến trên MacBook nói riêng và máy tính nói chúng. Nó mạnh, nó mát, màn hình đẹp, chất lượng loa tốt, thời lượng pin tuyệt vời và xử lý những công việc multimedia tốt hơn so với bản Intel. Ở đây mình chỉ nói đến hệ quy chiếu những mẫu máy 13-inch của Apple mà thôi!
MacBook M1 phiên bản chính hãng mang lại cho mình khá nhiều sự khó chịu, phần lớn đã tồn tại và cũng cố hữu trên các máy Mac không riêng gì với M1 bao gồm Bluetooth kết nối chập chờn, Wi-Fi nhận sai mã quốc gia (Countrycode), phần mềm native hạn chế, chạy qua Rosetta 2 ảnh hưởng đến hiệu suất và xuất màn hình độ phân giải cao không ưng ý. Sau nhiều bản cập nhật, liệu MacBook M1 đã ổn hay chưa?
Ứng dụng hỗ trợ đã đủ?
Trong tất cả các loại câu hỏi được đặt ra cho MacBook M1, đây sẽ là dạng phổ biến nhất. Và hầu hết người hỏi thường là đang đảm nhận các công việc có phần đặc thù như thiết kế, dựng hình, dựng phim, chỉnh sửa ảnh,... đại loại vậy. Với những việc cỡ đó thì thù lao hay tỉ lệ thuận với áp lực và trách nhiệm, vậy nên họ thắc mắc vậy cũng là dễ hiểu.
Nếu để nói về ứng dụng thì chà, đúng là thật khó để biết hết được cái nào đã hỗ trợ native, cái nào chưa. Căn bản là các hãng vẫn đang tinh chỉnh ứng dụng của mình mỗi ngày, vì sức hot của SoC Apple M1 vẫn đang chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Cơ mà với mỗi ngành nghề, tác vụ thì lượng ứng dụng được tối ưu cho M1 lại chênh lệch rõ rệt. Điển hình như bộ Adobe để thiết kế đồ hoạ, dựng phim thì lại chưa nhiều (Photoshop, Lightroom CC, v.v.); trong khi ở mảng dev (Docker, Slack, Visual Studio, v.v.) hay văn phòng thông thường (Office, các loại trình duyệt, v.v) thì con số lại khá hơn đáng kể.
Nhìn chung, nếu anh em chỉ quan tâm tới khoản native thì sẽ khá là khó để mua M1, đặc biệt khi hiện tại vẫn còn nhiều ứng dụng phổ biến chưa có Native, có hẳn một trang web để anh em theo dõi ứng dụng mình cần đã Native hay chưa. Tin mừng là mình thấy nhiều cái tên nổi tiếng cũng bắt đầu có Beta cho M1 rồi, và anh em có thể chờ đợi nếu đủ sự kiên nhẫn.
Nếu đến đây anh em đang thắc mắc "ứng dụng native" là gì, thì dưới đây là một bài viết nhỏ giúp anh em trả lời:
Nhưng đừng quên rằng dù không có Native, Apple vẫn còn một vũ khí lợi hại khác để anh em chạy mượt rất nhiều ứng dụng hiện hành: Trình biên dịch Rosetta 2. Không ít ứng dụng đã có thể sử dụng trên MacBook M1 nhờ phương pháp biên dịch này, trong đó có cả những công cụ mình hay dùng trong công việc như Lightroom Classic CC, Figma và nhiều nữa.
Nhưng quãng đường từ “chạy được” tới “chạy ổn định” không phải lúc nào cũng ngắn, và các app dùng với Rosetta 2 đôi lúc vẫn sẽ bị giật, lag,... nếu chúng ta ép nó xử lý những thứ quá hardcore. Ví dụ như với chính Lightroom, phải xử lý những file quá nặng như CR3 của Canon sẽ dẫn đến giật, lag,... Nói chung là chưa ổn. Chưa kể việc hiển thị thumbnail ảnh lúc import hiện lên rất lâu, thỉnh thoảng nó còn chả hiện lên, khó chịu thực sự!
Vậy nên về kho ứng dụng trên M1, phải công nhận là nó đã có cải thiện về số lượng cũng như khả năng tương thích so với hồi ra mắt - dù là chạy qua Rosetta 2 hay hỗ trợ native. Nhưng chừng này sẽ chỉ đủ nếu nhu cầu của anh em không quá đặc thù hay ảnh hưởng mạnh đến tài chính, còn nếu xa hơn thì theo mình, quay về với vi xử lý x86 vẫn sẽ dễ dàng và đảm bảo hơn.
Xuất màn hình
Đây cũng là một vấn đề được anh em hỏi khá nhiều, do các mẫu MacBook M1 giờ vẫn chỉ dừng ở kích thước 13-inch mà thôi, không phải lúc nào cũng đủ để làm việc. Và về khoản này thì mình thấy đôi khi máy vẫn hơi thiếu ổn định. Như anh sếp của Think, chuyên xài cắm vào màn 32 inches độ phân giải 4K thỉnh thoảng màn giật giật, đơ, thỉnh thoảng lại phải hard shutdown máy.
Treo hẳn máy thì mình chưa gặp, sếp cài nhiều phần mềm có thể xung đột, trước dùng con Mac 16 cũng như vậy, khó hiểu. Khi dùng ở chế độ extend thì kéo ứng dụng từ màn này qua màn khác đôi lúc bị đen, bị đơ, tối ưu chưa tốt. Còn khi không gặp những trường hợp trên thì lúc nào cũng mượt, dùng đã.
Khấu hao SSD: Thực hư ra sao?
Không phải ngẫu nhiên khi tầm hơn hai tháng trước, đây lại là một trong những chủ đề nóng nhất trong cộng đồng dùng M1 nói riêng cũng như dùng MacBook nói chung. Và nếu anh em vẫn còn cần xác thực về chuyện này thì đúng, việc SSD trên MacBook M1 khấu hao nhanh là có thật. Và quan trọng nhất, đây là lỗi không thể được sửa hay đúng hơn là một tính năng "hơi tiêu cực" của macOS.
Và để xác thực kỹ càng hơn tình trạng khấu hao này, mình cũng đã kiểm tra một lượt tất cả những chiếc MacBook M1 trong văn phòng ThinkView để có được con số chính xác. Ví dụ như chiếc MacBook Air này, cách đây 2 tháng thì nó đã khấu hao khoảng 26TB, tức mất đi 1% vòng đời. Khi đó thì máy đã được kích hoạt được hơn 3 tháng rồi.
Và giờ thì cũng bằng một phương pháp kiểm tra, nó đã tốn đến 79TB và mất thêm 4% vòng đời - Tức là nhiều hơn tới 3 lần rồi, thực sự là kinh khủng.
Mà theo phỏng vấn chủ nhân của nó thì các tác vụ thực hiện từ hồi đó đến giờ vẫn giữ nguyên (Gõ bài, chỉnh sửa ảnh bằng Lightroom Classic hay Photoshop,…), và máy thì luôn update đầy đủ macOS chính thức, không phải Beta. Vậy là chiếc MacBook này cũng đạt được điều kiện khá lý tưởng để tham khảo rồi.
Check thêm một máy Pro M1 nữa của sếp Long ThinkView thì so cùng một thời điểm, mức khấu hao cũng tăng lên từ 19TB lên 41TB. Dù các tác vụ của sếp không cần đến các phần mềm chỉnh sửa ảnh hay video phức tạp, nhưng gấp đôi mức ghi sau 2 tháng thì cũng không hề nhẹ nhàng gì. Vậy nên về tính xác thực của câu chuyện khấu hao SSD thì qua những con số kể trên, anh em cũng hiểu là nó còn có thật hay không đúng không nào?
Chưa cần bàn tới độ chính xác của những ứng dụng đo dung lượng ghi, mà chính cơ chế hoạt động swap dữ liệu thẳng vào SSD của SoC M1 đã là thứ không thể thay đổi. Mục đích chính của việc này là để gánh đỡ RAM nếu có bị tràn, giúp chiếc MacBook M1 của anh em duy trì tốc độ khởi chạy nhanh nhạy vốn có. Nhưng cái đáng nói ở đây là quá trình swap này sẽ diễn ra liên tục, đồng nghĩa với việc từng giây trôi qua, MacBook M1 lại đang “tự huỷ” SSD của mình tuỳ vào khối lượng tác vụ mà anh em đang làm.
Đúng là không thể phủ nhận, đây là một lỗi nghiêm trọng khi nó có thể khiến SSD của máy chết nhanh hơn nhiều so với thông thường. Nhưng thực ra mọi thứ cũng không đến mức quá tiêu cực như anh em vẫn nghĩ. Trên thực tế, mức khấu hao này nhiều hay ít sẽ còn tuỳ thuộc vào khối lượng ứng dụng trong từng giây bạn dùng máy, vậy nên tốc độ chết nhanh hay chậm cũng sẽ khác nhau rõ rệt. Nếu anh em chỉ mua máy để lướt web, xem phim,... thì bộ nhớ của anh em sẽ sống khá là thọ đấy.
Nhưng với những anh em mua máy để “tryhard” thì mọi thứ cũng không hẳn là tệ, vì thực ra vẫn chưa có trường hợp M1 nào trên thế giới được ghi nhận là chết SSD do làm việc nhiều cả. Còn nếu chưa yên tâm hẳn thì hãy cứ mua phiên bản nhiều RAM, vì it khi tràn RAM cũng đồng nghĩa với ít dữ liệu swap, thoải mái hơn nhiều.
Ảo hoá có tốt không?
Ảo hoá theo mình thấy thì cũng là một vấn đề mà rất nhiều anh em quan tâm trên M1. Cũng dễ hiểu thôi vì không như những chiếc MacBook Intel, MacBook Silicon lại chưa được Apple cho phép sử dụng Bootcamp. Mà đôi khi trong công việc, giải trí,.. Chúng ta sẽ gặp những ứng dụng chỉ hỗ trợ x86 mà thôi. Vậy nên lúc này, ảo hoá gần như là giải pháp duy nhất để anh em có thể trải nghiệm.
Về chuyện này thì từ những ngày đầu tiên của M1, nhiều người dùng trên thế giới đã thử nghiệm thành công với hiệu suất ở mức chấp nhận được. Còn trong vài tuần trở lại, chúng ta cũng có thêm một số tín hiệu tích cực - cụ thể là về các công cụ ảo hoá nổi tiếng như Parallels Desktop, vMWare, v.v.. Một số thì đã có thể chạy Windows Insider Preview với tốc độ “nhanh như nguyên bản", số khác thì được xác nhận sẽ sớm đặt chân lên phần cứng Apple Silicon.
Nhưng mình thì thấy rằng, nếu ảo hoá để phục vụ làm việc chuyên nghiệp thì M1 lại chưa thể làm tốt. Ảo hoá Windows thì mức xung còn thấp, khó có thể sử dụng các ứng dụng nặng. Hay giả lập Android thì nhiều phần mềm phổ biến như Bluestack cũng chưa NoxPlayer cũng không chạy - thậm chí là trên Rosetta 2. Vậy nên theo mình, ảo hoá trên M1 ổn hay không thì cũng tuỳ công việc anh em làm. Nếu chỉ dừng lại ở những thứ cơ bản thì hiệu năng như lúc này là đủ rồi, còn phức tạp hơn thì mình nghĩ anh em sẽ phải chờ thêm thời gian nữa đấy.
Chưa kể với các phần mềm như Parallels hay vMWare thì muốn sử dụng, thường chúng ta sẽ phải mua bản quyền. Cũng có những cách để bypass hay đại loại vậy nhưng ở đây mình sẽ không nói đến.
Tạm kết
Nếu phải mô tả ngắn gọn tình trạng của MacBook M1 lúc này thì với mình, nó đã đặt được một chân vào ngưỡng cửa của sự lý tưởng. Một chân ở đây thể hiện ở khả năng tối ưu với macOS, tương thích ứng dụng tạm thời tốt nhờ Rosetta 2 cũng như sức hút để khiến các nhà phát triển mặn mà hơn với nó mỗi ngày. Nhưng về chân còn lại, nó lại liên quan tới các vấn đề lớn như hao tổn phần cứng hay chính sự không hoàn hảo của trình biên dịch - những yếu tố sẽ cần nhiều thời gian để có thể thay đổi.
Vậy có nên mua MacBook M1 ở thời điểm hiện tại? Nên vì nó đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của người dùng thông thường, thậm chí là quá tốt. Nhưng nếu anh em cần những phần mềm chuyên nghiệp hơn hãy kiểm tra xem chúng đã được hỗ trợ trực tiếp hay tham khảo trên mạng rằng nó chạy Rosetta 2 có thực sự ổn hay chưa hẵng lựa chọn. Mình thấy thông tin Apple đang sản xuất M2, chưa biết chừng cuối năm sẽ có thêm MacBook Pro 16-inch rồi cả 14-inch không chừng. Nếu chưa vội, anh em nên chờ đợi thêm để có được trải nghiệm tốt nhất.