Mình đã chờ 5 năm để tìm được linh kiện phù hợp với bộ vỏ case này
ITX là một trong những form bo mạch chủ tương đối phổ biến hiện nay. Sự nhỏ gọn nhưng lại mạnh mẽ của dòng bo mạch chủ này, cùng với những vấn đề phức tạp và chuyên sâu trong việc lựa chọn và cân đối thiết bị trong một không gian hạn hẹp đã tạo nên một thú chơi dành cho những người thực sự yêu thích công việc “nhét con voi vào tủ lạnh”.
Cách đây khoảng nửa thập kỉ (tức là 5 năm trước ấy) việc trang bị một chiếc Mini ITX vẫn còn rất xa xỉ. Để tìm kiếm một chiếc bo mạch chủ Mini-ITX ở thời điểm đó không phải là đơn giản, tìm kiếm những linh kiện để vừa miếng với nó để có thể chứa được trong một không gian chật hẹp cũng là điều không hề dễ dàng. Thế nhưng nếu đã lỡ yêu phong cách setup này thì bạn sẽ muốn theo đuổi nó mãi mà thôi.
Riêng với mình, mẫu vỏ case ITX mình sở hữu đầu tiên là NZXT Concepts Manta siêu chất. Trông thì nó không có vẻ như một chiếc ITX lắm đúng không? Thực ra là mình đã đặt hàng nhầm đó, trông nó lớn như một vỏ case thông thường thế này mà lại là ITX thì đúng là khó tin. Nhưng ở thời điểm những mẫu vỏ case ra mắt vào năm 2016-2017, có quá ít những thiết kế đơn giản sang trọng mà lại mềm mại được như chiếc vỏ này. Đã vậy nhìn trông tựa như mấy mẫu Alienware Area51 kiểu cũ, thần tượng một thời của mình nên là mình “xúc” ngay mà không suy nghĩ.
Kể từ thời điểm đó đến nay, mình đã thay đổi máy tính không biết bao nhiêu lần nhưng duy nhất NZXT Concepts Manta là mình giữ lại để đợi chờ đợi những linh kiện để dựng nó thành một bộ máy hoàn chỉnh, thỏa mãn ước mơ trước đây là sở hữu một dàn máy đen trắng trông đơn giản nhưng lại đầy sự tinh tế và nghệ thuật. Mình đã phải chờ đến 5 năm các bạn ạ, một chặng đường dài qua tới 5 đời CPU và chipset mainboard khác nhau của Intel mới có thể tìm thấy một combo linh kiện có thể đạt đến độ hòa hợp với màu sắc của chiếc vỏ máy cũ kĩ đã không còn được kinh doanh trên thị trường.
Lần đầu tiên sau nhiều năm mình mới được thấy một hệ thống thiết kế sản phẩm có phối màu đen trắng ấn tượng đến thế. Đã vậy, nó còn có bo mạch chủ form ITX nữa, đúng là không thể kiếm được ở đâu tại Việt Nam có được mẫu nào đẹp và hợp với bộ case đó hơn mẫu này. Mình đang nói đến hệ thống linh kiện Vision đến từ nhà Gigabyte, một brand mới đang được đầu tư hết sức đúng mực. Không chỉ có độ phủ rộng mà tạo hình thiết kế, độ trau chuốt của sản phẩm, đều được làm một cách chỉn chu. Thực sự là nếu không phải Gigabyte Z590i Vision D xuất hiện đúng lúc này, mình không biết đến khi nào chiếc NZXT Concepts Manta của mình mới có cơ hội được quay trở lại bàn làm việc.
Mặc dù Gigabyte Z590i Vision D là một mẫu bo mạch chủ đi theo phong cách thiết kế tương đối “hiền lành”, đã vậy lại còn có kích thước nhỏ tí xíu. Nhưng không phải vì điều đó mà bạn có thể “trông mặt mà bắt hình dong” nhé. Z590i Vision D được trang bị đầy đủ những tính năng mới nhất mà thế hệ CPU Intel Gen 11 có hỗ trợ. Tất nhiên là với một người làm nội dung như mình thì chúng đều rất quan trọng và mình không hề bỏ sót bất cứ tính năng nào nhé.
Đầu tiên phải kể đến việc được trang bị tới 2 cổng Thunderbolt 4 giúp mình có thể sạc pin các thiết bị hỗ trợ PD, xuất thêm được màn hình rời, truyền dữ liệu siêu nhanh với những mẫu SSD tốc độ cao. Nếu các cổng Thunderbolt 4 đều bận rộn thì mình có thể chuyển qua 2 cổng USB 3.2 Gen 2 để kết nối với mục tiêu truyền dữ liệu cho những chiếc SSD. Bởi vì mình thu video rất nhiều mà. Số lượng ổ cứng đâu phải chỉ có một hai chiếc đâu.
Còn với các thiết bị ngoại vi khác như chuột và bàn phím thì mình cũng không vội vàng sử dụng các cổng USB 3.2 gen 1 còn lại. Mình sẽ làm gọn gàng góc làm việc của mình hơn với các kết nối không dây. Z590i Vision D trang bị cho mình hai kết nối không dây mạnh mẽ là Wifi 6 và Bluetooth 5.1. Với Wifi 6 thì như các bạn theo dõi mình thường xuyên cũng thấy được là mình vừa mới sắm một em Router Wifi 6 rồi đấy. Bởi vậy, một chiếc PC được trang bị Wifi 6 sẽ giúp mình bớt được thời gian và công sức để đi dây mạng LAN mà vẫn đảm bảo được tốc độ cao mỗi khi cần download hay upload. Đặc biệt là lúc phải up video lên youtube cho các bạn xem hàng này đây này, cần băng thông mạng rất cao để có được một video 4K đó. Còn với Bluetooth 5.1, mình đã tận dụng nó cho các kết nối không dây với bàn phím, chuột và tai nghe để setup trở nên gọn gàng và có tính linh hoạt cao hơn.
Khe PCIe 4.0 được trang bị trên bo mạch chủ Z590i này cho phép mình tự tin lắp những phiên bản card đồ họa cao cấp nhất hiện nay, bao gồm cả Nvidia và AMD. Ấy thế nhưng, mình đã tìm kiếm được mảnh ghép vô cùng phù hợp với bo mạch chủ này. Đó chính là GeForce RTX 3060 phiên bản Vision của Gigabyte. Thiết kế gọn gàng, bộ khung cực kì hợp lý của nó hòa nhập rất tốt với chiếc NZXT Concepts Manta và cả bo mạch chủ Z590i Vision D nữa.
Một trong những điều đáng tiếc khi sử dụng Z590i Vision D trên chiếc vỏ case này là phần front panel. Mặc dù bo mạch chủ có trang bị cổng USB 3.2 gen 2 ở mặt trước tuy nhiên cổng USB trên front panel của bộ vỏ case này chỉ là USB 3.2 gen 1 mà thôi. Như vậy thì mình không thể có được tốc độ cao nhất khi sử dụng ổ cứng gắn ngoài ở đây rồi. Nhưng cái giá này cho vẻ đẹp của bộ PC, mình có thể chấp nhận được.
Mặc dù năm nay Intel Gen 11 desktop đang là dòng CPU bị “hắt hủi” ở nhiều mặt trận với nhiều lời chê bai. Đặc biệt là với i9-11900K, mẫu CPU mới và mạnh mẽ nhất hiện tại. Quả thực là nếu đúng như những gì mà các reviewer trên toàn thế giới đã phàn nàn về 11900K về độ nóng thì bản thân mình và những người chơi Mini-ITX chắc chắn cũng không dám đưa nó lên một dàn máy chật hẹp đâu. Chính vì vậy, mình cũng cảm thấy may mắn khi đa đưa được con khủng long “nóng tính” này đến một mảnh đất rộng hơn. Cho đến hiện tại, NZXT Concepts Manta vẫn là mẫu vỏ case ITX phù hợp nhất để đặt i9-11900K.
Với Z590i Vision D, mặc dù hệ thống tản nhiệt tốt với các phiến tản và ống đồng nhưng gánh nặng về điện năng tiêu thụ vẫn là rào cản để i9-11900K có thể đi xa hơn với bo mạch chủ này. Cũng với Z590i Vision D trước đây mình đã có bài test với i9-11900 và khả năng của nó là có thể lên được 5.1GHz. Còn với i9-11900K, mình có thể nâng thêm một chút lên 5.2GHz đơn nhân và 4.7GHz đa nhân là tối đa. Đó có thể không phải con số ấn tượng, nhưng nếu bạn thật sự sân si về hiệu năng thì đây là lựa chọn phù hợp với bạn. Còn ở trên quan điểm của mình thì i9-11900 sẽ phù hợp hơn với hệ thống ITX mà mình đang có ở đây.
Để kiểm chứng cho điều này kĩ hơn thì mình đã sử dụng bài test Cinebench R23. I9-11900K mang lại điểm số đa nhân nhỉnh hơn khoảng 400 điểm (i9-11900: 14739, i9-11900K: 15144) trong khi điểm số đơn nhân thì gần như không có gì thay đổi (i9-11900: 1634, i9-11900K: 1615). Nhiệt độ của CPU thì cũng không quá lớn, chỉ ở mức gần 80 độ. Một con số có thể chấp nhận được và còn có thể chấp nhận được hơn nữa nếu mình thay hệ thống tản nhiệt AIO bằng một tản nhiệt custom chẳng hạn.
Hiệu năng xử lý đa nhân ở cái tầm của i9-11900K cũng có thể đem lại cho mình nhiều giá trị trong công việc như dựng video, render video. Trong số những sự lựa chọn phù hợp với mình cả về ngoại hình lẫn hiệu năng ở thời điểm hiện tại thì cũng không có sự lựa chọn nào tốt hơn.
Nhìn chung, để đưa con khủng long i9-11900K này vào một hệ thống nhỏ bé như Mini-ITX không hề khó khăn. Quan trọng là nó có phù hợp với giá trị mà bạn đang tìm kiếm hay không? Nếu bạn là một người tập trung nhiều vào hiệu năng thì có lẽ setup mà mình giới thiệu với các bạn ở đây sẽ không phải là phù hợp nhất. Trái lại, nếu bạn cần một sự cân bằng về cả ngoại hình mà bạn ưa thích, lối sống và những giá trị bên lề mà nó mang lại hơn là hiệu năng thì đây vẫn là một hệ thống mạnh mẽ nhất mà bạn không thể bỏ qua.