mini-LED là gì? Giá trị ra sao đến Apple cũng muốn có?
Mặc dù cũng là một loại bóng đèn được dùng cho màn hình LCD, thế nhưng mini-LED lại có vẻ được săn đón nhiều hơn hẳn so với LED mà chúng ta hay biết. Apple cũng không phải cái tên ngoại lệ, với việc được cho là sẽ sớm hiện thực hóa công nghệ này trên iPad và MacBook sau khoảng thời gian dài thèm muốn.
Với việc những sản phẩm hiện tại của nhà Táo đều được đánh giá cao về chất lượng hiển thị, mini-LED rất có thể sẽ là bước tiến quan trọng giúp nâng tầm trải nghiệm sử dụng của người dùng cao hơn nữa. Vậy mini-LED chính xác là gì, có thể tạo khác biệt ra sao trên các sản phẩm công nghệ nói chung và của Apple nói riêng? Hãy cùng ThinkView đi tìm câu trả lời nhé.
Cơ chế hoạt động của màn hình LCD? Điểm mạnh của màn hình LCD trang bị đèn nền LED?
Về cơ bản, màn hình LCD trang bị đèn LED được sinh ra để thay thế màn hình CCFL (chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang ca-tốt lạnh) – vốn từng rất thịnh hành trong giai đoạn 2000-2010. Với nhiều lợi điểm về độ bền, độ tin cậy, độ phủ màu,… mẫu màn hình này dần trở nên phổ biến trên TV, Smartphone,… đến tận ngày nay.
Về cơ chế hoạt động, màn hình LCD trên thực tế tự thân không thể phát sáng và chỉ đóng vai trò như một mặt phẳng để hiển thị hình ảnh. Mọi thứ mà chúng ta nhìn được sẽ đến từ các pixel - được chiếu sáng bởi lớp LED nền nằm sâu phía dưới. Để hình ảnh hiển thị có màu sắc, ánh sáng ngoài việc đi qua pixel thì cũng sẽ qua thêm các filter RGB (Đỏ, Xanh Dương, Xanh Lá) phía trên trước khi tới với mắt người.
Mini-LED là gì? Có lợi hơn LED chỗ nào?
Đúng như cái tên, điểm nổi bật nhất của mini-LED chính là kích thước nhỏ hơn nhiều so với LED. Chính vì vậy, người ta sẽ đặt được nhiều bóng hơn lên tấm đèn nền trong quá trình sản xuất, giúp tăng số lượng cũng như thu nhỏ kích thước của các Dimming Zone (vùng làm mờ cục bộ). Nhờ vậy, hình ảnh trên màn LCD dùng mini-LED sẽ có độ tương phản, độ sáng, chi tiết, tiết kiệm điện năng, độ bền,… lớn hơn so với khi dùng bóng LED.
Hơn nữa, với kích thước nhỏ hơn, bóng mini-LED cũng sẽ kiểm soát ánh sáng tốt hơn khi được bật. Nhờ vậy, phần ánh sáng thừa lan ra khi chạm màn hình – hay chính là hiện tượng hở sáng - sẽ được hạn chế đáng kể.
Ngoài mini-LED, chúng ta cũng có micro-LED – công nghệ tương tự nhưng cho kết quả đáng chú ý hơn. Kích thước của bóng micro-LED thậm chí đủ nhỏ để đặt tương ứng với từng pixel màn hình, vậy nên việc sản xuất các màn hình dạng này đòi hỏi sự cẩn thận cực kỳ cao để đạt được hiệu năng mong muốn.
Ưu nhược của mini-LED với các thiết bị công nghệ?
Với nhiều điểm mạnh, màn hình mini-LED hứa hẹn sẽ giúp nâng cao chất lượng tổng thể trên nhiều dòng sản phẩm. Bên cạnh khả năng hiển thị; đó sẽ còn là cả điện năng tiêu thụ, độ sáng,… những yếu tố liên quan trực tiếp đến hiệu suất của máy. Người dùng sẽ có thể sử dụng laptop, tablet với thời lượng pin lâu hơn, trong khi vẫn có thể được đảm bảo về trải nghiệm.
Với các thiết bị như MacBook, iPad Pro; chúng thậm chí đã có sẵn một (vài) điểm mạnh phía trên về chất lượng hiển thị. Nếu được trang bị thêm màn hình kiểu mới, những lợi điểm vốn có của chúng có thể sẽ còn mạnh hơn nữa.
Tuy nhiên, mini-LED cũng đặt ra một số câu hỏi đáng lưu tâm với người dùng. Liệu giá thành sản phẩm trang bị màn hình kiểu này có tăng cao? Liệu các điểm mạnh của mini-LED sẽ được tận dụng tối đa trong các linh vực đặc thù như in ấn, đồ họa,… ở thời điểm hiện tại (tùy vào độ hiện đại của các thiết bị hỗ trợ)?... Và còn nhiều nữa. Tuy nhiên, nhìn chung với hầu hết nhu cầu, có một sản phẩm trang bị mini-LED vẫn sẽ được lợi cho người dùng nhiều hơn. Chưa kể, so với những OLED hay micro-LED, mini-LED cũng là giải pháp được xem là tiết kiệm về giá thành sản xuất / bán ra hơn cả.
Kế hoạch của Apple với mini-LED và micro-LED
Để có thể bước đầu giải quyết vấn đề về chi phí và quy mô sản xuất, Apple dự định sẽ đem màn hình mini-LED lên các thiết bị cỡ lớn (iPad Pro, MacBook Pro, v.v..) trước tiên. Theo thông tin từ Trendforce và Digitimes, sản phẩm đầu tiên trang bị công nghệ này sẽ đến ngay trong Quý I, cụ thể là một chiếc iPad Pro 12.9-inch. Macotakara cũng cho biết thêm, mẫu tablet này sẽ có độ dày lớn hơn thường lệ do được tích hợp màn hình kiểu mới.
Còn với các mẫu MacBook, thế hệ tích hợp màn hình mini-LED hiện vẫn chưa rõ ngày ra mắt. Tuy vậy, khả năng cao chúng sẽ được hé lộ ngay trong năm nay.
Còn về micro-LED, khả năng cao nhà Táo sẽ tích hợp công nghệ này trên Apple Watch trước tiên để tối ưu công đoạn sản xuất. Rất có thể mẫu Watch đầu tiên có micro-LED sẽ là Apple Watch Series 7 – dự kiến sẽ ra mắt vào mùa Thu năm nay.
Tạm kết
Và đó là những gì cơ bản nhất mà chúng ta có thể biết về mini-LED: Công dụng, ưu nhươc,… và tiềm năng của chúng nếu được đưa lên các sản phẩm nhà Táo. Bạn đọc thấy sao về công nghệ này? Hãy cùng bàn luận với ThinkView nhé.
Theo 9to5Mac