Người dùng có thể không tin nhưng macOS 10 đã ... 21 năm tuổi rồi đấy

Thầy thuốc nhân dân
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Nó chuẩn bị bước sang tuổi 22 và Apple vẫn chưa hề có kế hoạch nghỉ hưu cho vị "già làng" này

Nếu bạn là một người dùng máy tính Windows chắc hẳn bạn đã có thời gian trải nghiệm tương đối dài với phiên bản Windows 10. Nó chính thức được phát hành vào ngày 25 tháng 7 năm 2015, tính đến nay hệ điều hành PC phổ biến nhất trên thế giới này đã có hơn 5 năm tuổi. Đây cũng là hệ điều hành được phát triển dài nhất trong lịch sử Microsoft . Nhưng nó vẫn chưa đủ lâu để “sóng sánh” với một hệ điều hành cũng có số 10, cũng rất nổi tiếng, nhưng lại có hơn 20 năm tuổi đời. Hệ điều hành này mới được nâng cấp lên phiên bản thứ 11 vào trung tuần tháng 11 năm 2020 vừa qua. Đến đây, chắc bạn cũng biết rằng mình đang nhắc đến hệ điều hành nào rồi chứ? Ngoài macOS ra thì “còn ai trồng khoai đất này”.

Những viên gạch đầu tiên

Hệ điều hành “macOS 10” được chúng ta biết đến nhiều hơn với cái tên macOS X. Sau 9 phiên bản trước sử dụng chữ số như một phần của tên gọi thì macOS 10 cũng là lần đầu tiền Apple sử dụng số la mã “X” để thay thế cho chữ số 10. Nhiều người thường nhầm lẫn rằng đây là chữ X trong bảng chữ cái latin.

macOS X phiên bản thương mại đầu tiên được ra mắt vào năm 1999 với cái tên macOS X Server. Nó được phát triển dựa trên nền tảng Rhapsody - hệ điều hành lai được Apple tạo ra để có thể chạy trên cả phần cứng của PowerPC và x86. Tất nhiên là chỉ nhìn cái tên thôi thì bạn cũng đoán được rằng, nó phục vụ cho các những máy server của Apple chứ không phải là cho người dùng phổ thông.

Đây cũng là một hệ điều hành tiêu biểu cho thời kì quá độ của Apple sau khi mua lại NeXT Computer của Steve Jobs. Nó có tổng cộng 5 phiên bản, được phát hành chỉ trong vỏn vẹn 19 tháng kể từ phiên bản 1.0 đầu tiên vào 16 tháng 3 năm 1999 và kết thúc ở phiên bản 1.2 v3 vào 27 tháng 10 năm 2000. Cùng lúc đó là sự ra đời của macOS X Public Beta, một hệ điều hành dành cho người dùng phổ thông trên những chiếc PowerPC.

Những thông tin thú vị 

Phiên bản macOS X 10.0 đầu tiên được phát hành vào tháng 24 tháng 3 năm 2001 chính thức bắt đầu một kỉ nguyên mới cho những chiếc máy tính của Apple đến ngày hôm nay. macOS “10” có 21 năm “tuổi đời” với tổng cộng 16 phiên bản lớn. Phiên bản cuối cùng macOS 10.15 Catalina vừa mới kết thúc nhiệm vụ của mình vào tháng 11 năm 2020. Trong 21 năm đó, macOS đã có nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu cho hệ điều hành của mình. Điển hình là việc đưa tên mã của hệ điều hành lên phần tên gọi chính kể từ macOS X 10.3 (tất nhiên là nhằm mục đích marketing), bởi vậy chúng ta mới có những tên gọi như High Sierra, Catalina hay Big Sur ngày hôm nay.

Vẫn là “hệ điều hành dành cho Mac thế hệ thứ 10” nhưng bản thân cái tên macOS cũng trải qua không ít “sóng gió”. Apple sử dụng tên macOS X cho 8 phiên bản macOS “10” đầu tiên. Sau khi loại bỏ Scott Forstall – người lãnh đạo đội ngũ phát triển macOS, Apple đã xoá luôn tiền tố “mac” để trở thành OS X cùng với những thay đổi đầy tham vọng nhằm kết nối tất cả các thiết bị trong hệ sinh thái của mình trở thành môt thể thống nhất với những kế hoạch phát triển có tính đồng bộ hơn. Tuy nhiên, cái tên macOS một lần nữa quay trở lại ở bản macOS 10.12, không còn “X” nữa. Lần này, không có ai phải nghỉ việc cả, Apple chỉ muốn hệ thống hoá lại tên gọi hệ điều hành trên các thiết bị đặc thù của Apple như watchOS, tvOS, iPadOS mà thôi.

Điều gì đã giữ chân macOS 10 ở lại Apple lâu đến vậy?

Khi macOS 10 được đặt tên là macOS X thay vì con số 10 như những phiên bản macOS cũ hơn. Chắc hẳn nó có nhiều ý nghĩa hơn chỉ là một cái tên. Tên của một sản phẩm không phải là thứ có thể đặt một cách bữa bãi, bất cứ sự thay đổi nào đó về cấu trúc tên gọi của sản phẩm đều hàm chứa một hoặc nhiều ý đồ của nhà sản xuất. Apple có xác nhận rằng chữ X trong macOS X là chữ số 10 trong số la mã, nhưng họ không hề nói lý do tại sao lại sử dụng kí tự này thay vì chữ số ả rập như trước đây. Trong cách chơi chữ của những người nói tiếng anh, chữ X trong tên sản phẩm thường là viết tắt của chữ Extreme (biểu thị cho sự tột đỉnh). Đó cũng có thể là cách giải thích khá hợp lý. Chữ X này đã tồn tại tới 13 phiên bản macOS 10 rất có thể là vì thế.

Bản thân macOS 10 cũng là một bước ngoặt lớn của Apple khi có sự xuất hiện của yếu tố x86 bên trong hệ điều hành lõi. Nó là một bản cập nhật lớn của macOS, một sự thay đổi về chiến lược phát triển cả về phần cứng lẫn phần mềm. Khi nói về lịch sử của macOS, người ta thường chia chúng ra làm hai phần chính. Classic macOS (tạm dịch: macOS cổ điển) và macOS X. 

Trong khi Classic macOS là một hệ điều hành đóng sử dụng lõi monolithic và microkernel với ngôn ngữ lập trình riêng biệt thì từ macOS X trở đi, Apple lại viết một hệ điều hành nguồn mở dựa trên nền tảng Unix, sử dụng lõi XNU cho phép hệ điều hành hoạt động trên cả hai nền tảng x86 và PowerPC. Việc này liên quan mật thiết đến sự trở về của Steve Jobs và việc Apple mua lại NeXT Computer – công ty riêng mà Steve thành lập khi ông rời Apple. Có thể, toàn bộ macOS 10 là di sản của Steve Jobs, nó chỉ thực sự vừa mới kết thúc vào năm vừa qua. Mặc dù Steve Jobs đã qua đời trước khi phiên bản macOS 10.8 được ra mắt nhưng có thể ông đã vẽ ra một lộ trình đủ dài để Apple và các kĩ sư phần mềm có thể phát triển nó thêm 7 phiên bản tiếp theo.

Một giả thuyết khác được đặt ra là trước macOS 10, đó là một thời kì có rất nhiều sự thay đổi lớn bên trong một hệ điều hành. Mỗi một phiên bản từ 1 đến 9 đều có rất nhiều sự khác biệt giữa phiên bản trước và phiên bản sau. Khi macOS 10 được dựng lên thì nó lại là một bản ổn định. Nó đủ ổn định để các nhà thiết kế và phát triển của Apple không phải tạo ra nhiều thay đổi vào phần lõi như trước nữa, mà họ sẽ chỉ tối ưu khả năng làm việc của hệ điều hành, nâng cấp giao diện và những mô-đun tính năng và xây dựng hệ thống ứng dụng đa dạng.

Rút phích cắm

Kỉ nguyên của macOS “10” chính thức chấm dứt vào tháng 11 năm 2020 với sự ra mắt của macOS 11. Yếu tố “11” có thể coi như một bản update lớn can thiệp vào sâu bên trong phần lõi của hệ điều hành, số 11 đại diện cho một thế hệ máy mac mới, một hệ thống phần mềm đi kèm mới, còn có thể là tiền đề cho những sự thay đổi trong của Apple trong thời gian không xa. Rất có thể (chỉ là có thể thôi nhé), chúng ta sẽ không còn được thấy cái tên macOS nữa, mà sẽ có một hệ điều hành chung cho tất cả các sản phẩm Apple. 

Vậy nên, nếu bạn cảm thấy phiền lòng vì Microsoft vẫn chưa có động thái gì cho Windows next-gen sau 5 năm, hãy nhìn về phía những người dùng Mac nhé, họ đã dùng macOS 10 được 21 năm rồi đấy!

Thảo luận (2)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập