Người Trung Hoa: "Tẩy chay" iPhone nhưng doanh số vẫn đứng trên cả Mỹ!
Đầu tuần qua, Apple đã báo cáo kết quả tài chính quý đầu tiên năm 2021 với những con số tăng trưởng ấn tượng. Với 111,439 tỷ USD, Táo khuyết lập nên một kỷ lục mới về doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 92 tỷ USD). Xét về lợi nhuận ròng, Apple cán mốc mức tăng trưởng 29% với 111,439 tỷ USD.
Và bất ngờ nhất, Trung Quốc lại là thị trường đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của Apple với 21,313 tỷ USD, tăng trưởng lên tới 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều khá ngạc nhiên khi thị trường Hoa Kỳ với sức mua lớn cũng không thể vượt qua được “tình yêu iPhone” của người Trung Quốc.
Thế nhưng, chúng ta liệu còn nhớ làn sóng tẩy chay iPhone, tẩy chay Apple của của người dân Trung Quốc hồi năm 2019? Chỉ sau gần 2 năm, làn sóng tẩy chay ấy đã thực sự biến mất, thậm chí họ còn “yêu Apple” hơn rất nhiều và đóng góp rất nhiều vào doanh thu toàn cầu của Táo khuyết.
Làn sóng tẩy chay iPhone, tẩy chay Apple tại Trung Quốc
Năm 2019 Huawei - niềm tự hào quốc gia Trung Hoa bất ngờ nhận “đòn đánh” cực mạnh từ phía Chính phủ Mỹ. Lệnh cấm tiếp cận, sử dụng các linh kiện, phần mềm sản xuất bằng công nghệ Mỹ khiến Huawei và cả cộng đồng công nghệ chao đảo. Nhiều năm qua, smartphone Huawei vẫn có được những linh kiện, con chip và đặc biệt là Google Mobile Service từ các hãng công nghệ Hoa Kỳ và “lời từ chối” này đã khiến cả cộng đồng Trung Quốc dậy sóng.
Sau tuyên bố ngừng kinh doanh với Huawei của Google hôm 20/05/2019, những lời kêu gọi tẩy chay iPhone từ những nhân vật có ảnh hưởng xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội của Trung Quốc. Hàng loạt bài đăng trên WeChat, Weibo nhận được sự hưởng ứng của người dân nước này và họ cũng sẵn sàng từ bỏ iPhone để mua điện thoại Huawei.
Trên TikTok, cộng đồng mạng Trung Quốc cũng lan truyền video của Chủ tịch Huawei, Nhậm Chính Phi, nói hãng là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực 5G. Nhiều người khẳng định Huawei không chỉ là một thương hiệu mà còn là niềm tự hào quốc gia và điện thoại họ mua tiếp theo chắc chắn sẽ là của hãng này.
Hashtag "Huawei không cần chuỗi cung ứng của Mỹ" trên mạng xã hội Weibo đã có hơn 19 triệu lượt xem. Từ khóa "Hongmeng (Harmony OS) hệ điều hành của Huawei" cũng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng. Họ tự hào về những sản phẩm của Huawei, của Trung Quốc và sẵn sàng bỏ qua những công nghệ Mỹ.
Năm đó, các nhà phân tích dự đoán, ảnh hưởng của lệnh cấm này sẽ không dừng lại ở Huawei mà còn kéo sang cả Apple. Táo khuyết sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm lại vị thế trong thị trường tỷ dân. Đây luôn được coi là thị trường chiến lược của Apple trong nhiều năm qua, nơi có thị trường lớn và cũng là địa điểm đặt hầu hết nhà máy sản xuất thiết bị Apple.
Năm 2021, người Trung Quốc lại “yêu iPhone” trở lại
Làn sóng tẩy chay này lan ra tới toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, tuy nhiên sức nóng lại chỉ duy trì được trong gần 1 năm. Tới năm 2020, doanh số của iPhone tại Trung Quốc lại tăng mạnh.
Theo số liệu từ CINNO Research, doanh số iPhone đã tăng 62% so với cùng kỳ năm trước lên 13 triệu chiếc trong quý 2/2020. So với quý trước đó thì doanh số iPhone đã tăng tới 225%.
Tới đầu tháng 1 vừa qua, Apple cũng đã công bố số liệu về doanh số bán điện thoại di động hàng quý mới nhất. Trong đó, Trung Quốc đóng góp phần lớn sự tăng trưởng. Thị trường lớn nhất của iPhone không phải Mỹ mà là từ thị trường Trung Quốc.
Sức mua lớn của thị trường Trung Quốc đã thúc đẩy doanh số tổng thể của Apple. Trong quý đầu tiên của năm tài chính 2021, Apple đạt doanh thu 111,439 tỷ USD, tăng 21% và lợi nhuận ròng tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý tài chính đầu tiên, doanh thu của Apple tại riêng thị trường Trung Quốc là 21,313 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tình hình kinh doanh tại Châu Mỹ tăng trưởng chỉ khoảng 10%.
Đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu của iPhone tại thị trường Trung Quốc là bởi iPhone 12 series. Tốc độ tăng trưởng vượt bậc của iPhone 12 tại thị trường này một phần đến từ việc 5G ở Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, người dùng tại đây ưu tiên những smartphone hỗ trợ 5G như di động của Apple.
Thông tin này đi ngược lại hoàn toàn với các chiến dịch “tẩy chay” iPhone nổ ra khi TikTok, Huawei lần lượt bị cấm tại Mỹ. Ngoài ra, việc Apple chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam và Ấn Độ cũng bị người dân nước này lên án dữ dội.
Các bài đăng về doanh số iPhone tại Trung Quốc luôn nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Tuy nhiên, bất chấp tất cả làn sóng “tẩy chay”, iPhone vẫn “cháy hàng” tại Trung Quốc.
Sau tất cả, iPhone nói chung và các sản phẩm công nghệ của Apple vẫn có sức hút lớn với người Trung Quốc. Sự suy yếu của Huawei là tất yếu và người dân nước này cũng không thể mãi mãi ủng hộ một thiết bị "thiếu hụt" nhiều tính năng, phần cứng như vậy (những thứ bị Mỹ cấm vận). iPhone vẫn là sản phẩm khuấy đảo thị trường toàn cầu, và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.