Những khó chịu bạn cần cân nhắc trước khi mua Mac ARM M1

Vietbm
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Mình sẽ tổng hợp lại những vấn đề khó chịu trên Mac M1 trong thời gian sống chung với chúng.

Trong bộ ba sản phẩm ra mắt với nền tảng ARM, mình may mắn được sử dụng MacBook Air, MacBook Pro 13 (thiết bị này mình mua) còn Mac Mini mới về với team thì mới xài được ngày đã thấy lỗi. Những lỗi khó chịu mà mình đã gặp trên hai thiết bị kia phần lớn sẽ có trên Mac Mini (đặc biệt là bản SA/a chính hãng). Dưới đây là những tổng hợp của mình, hy vọng trước khi mua các thiết bị ARM của Apple anh em cân nhắc hoặc khắc phục ngay nếu gặp trường hợp tương tự.

Bluetooth kết nối chập chờn

Thực tế, đây là một lỗi khó chịu rất lâu trên MacBook, mình nghe bằng AirPod Pro hoặc bất kỳ tai nghe Bluetooth nào khác thỉnh thoảng vẫn "giật cục". Tưởng rằng Mac M1 sẽ thay đổi điều đó nhưng không, nó vẫn tồn tại và mình cảm thấy thất vọng. Vấn đề nằm ở Apple vẫn đang sử dụng card Wi-Fi của Broadcomm.

Khắc phục bằng cách chuyển qua qua dùng Wi-Fi 2.4GHz sẽ bớt chập chờn, sử dụng được 2 thiết bị. Wi-Fi 5G ở những router phổ biến ở Việt Nam thì vẫn bị.

Mình cũng đã thử trên Wi-Fi 6 ax, kết nối Bluetooth cũng không còn chập chờn đối với cả ba thiết bị chạy M1, sử dụng tới 3 thiết bị khác nhau bao gồm bàn phím cơ, tai Bose và chuột. Các thiết bị hỗ trợ Bluetooth 5.0 cũng không chập chờn bất kể bao nhiêu thiết bị.

Wi-Fi

Với MacBook bao gồm cả Air và Pro thì lỗi này không xuất hiện, chỉ có Mac Mini chính hãng, mình nhấn mạnh là chính hãng mã SA/a. Mac Mini nhận sai country code. Hệ quả của việc này là anh em có thể không bắt được một số sóng WiFi (Do không cùng channel được quốc gia hỗ trợ). 

Cụ thể, các mẫu Mini SA/a nhận countrycode từ VN thành ID (Indonesia) làm cho máy không bắt được Wi-Fi 5GHz vì ID sẽ hỗ trợ những tần số sóng 5GHz và router cung cấp ở VN không có. Mà có cái hay là thỉnh thoảng nhận thành US. Mình không hiểu tại sao lại có vấn đề này.

Vậy cách khắc phục nhanh là như thế nào? Bạn sẽ phải kết nối với một mạng 2.4GHz trước để nhận mã VN sau đó chuyển sang Wi-Fi 5GHz để sử dụng. Tất nhiên, nếu không có nhu cầu hoặc mạng không có tốc độ quá cao, cứ nên sử dụng ở 2.4GHz. Mình xài only 5GHz ngay từ đầu nên thành ra hơi khó chịu và lâu lâu lại rớt mạng không kết nối nữa thế mới đau đầu!

Thêm một thông tin thú vị cho anh em, MacBook Pro là 3x3 antenna, Air và Mac Mini là 2x2. Vì vậy, MacBook sẽ bắt sóng tốt hơn so với Mac Mini một chút và một phần do cách thiết kế antenna định hướng khác nhau.

Về phầm mềm

Tất cả các ứng dụng dành cho MacOS BigSur hiện tại đều chạy được trên M1 qua Rosetta, một số ứng dụng hỗ trợ thì đặc biệt ngon. Ứng dụng nào cũng cài được, có điều khi app crack không tương thích thì không sử dụng được nếu hết thời gian dùng thử.

Chốt vấn đề là một số ứng dụng không chạy là do chưa crack được chứ không phải là cài xịt hay không tương thích. Nền tảng mới ra nên chờ các team làm crack mới, cái này dễ hiểu.

Thực tế, với những ứng dụng đang kiếm về cho bạn công việc hoặc tiền, xài thường xuyên, xài hàng ngày, hãy thử nghĩ đến việc mua bản quyền hoặc đợi crack. Nên nhớ, đối tác và công việc không đợi anh em đâu, hãy cân nhắc chuyển sang M1. Nếu đang xài ngon với Mac Intel thì chả tội gì phải qua M1. Đợi có đủ mọi thứ (bao gồm cả tiền) hãng chuyển sang cho "Xịn". Mình chắc chắn Mac M1 mang lại cho bạn trải nghiệm tuyệt vời.

Một số tác vụ hiện tại như ảo hóa hay lập trình cần tối ưu hay dung lượng RAM cao thì vẫn chưa thực tốt. Chờ thôi nhé!

Xuất đa màn hình

Hiện tại, MacBook Pro và MacBook Air chỉ có hai cổng Thunderbolt, mỗi cổng hiện tại chỉ được xuất ra một màn hình duy nhất. Cái này là do cấu trúc của vi xử lý ARM nó như vậy. Bởi vậy, muốn mở rộng lên 4-5 màn hình qua Daisy Chain. Tất nhiên, hiệu năng hiện thời của vi xử lý M1 việc gánh nhiều màn đem lại trải nghiệm không hề dễ chịu. Mình thấy bổ sung thêm 1-2 màn là đủ.

Riêng với Mac Mini, thiết bị này được trang bị thêm cổng HDMI và 2 Thunderbolt nên sẽ xuất ra được 3 màn hình. M1 trên Mac Mini cũng mạnh hơn đôi chút nên có thể xài tốt, nếu anh em cần.

Về nguồn điện sạc

Đây là vấn đề ít người dùng quan tâm nhưng MacBook Pro M1 có thể nhận tối đa với sạc 90W chuẩn PD, không chỉ giới hạn 61W như trước. Điều này khiến mình nghĩ đến việc M1 trên MacBook Pro sẽ mạnh hơn nhiều khi cung cấp nguồn năng lượng cao nhất. Apple chỉ cung cấp sạc 61W cho MacBook Pro và 30W cho MacBook Air ở bên trong hộp.

Giờ sạc GaN đang thống trị thị trường về sự mỏng nhẹ, hiệu suất cao, các bạn có thể lựa chọn loại sạc này để thay thế cho sạc đi kèm. Mình chỉ sử dụng MacBook Pro hay Air cho nhu cầu thông thường bao gồm duyệt web, chỉnh sửa ảnh qua Lightroom, word, excel thì chỉ cần sạc GaN 45W, vậy là đủ.

Tất nhiên còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến phần mềm nhưng đều có thể khắc phục bằng nhiều cách khác nhau. Anh em nào xài MacOS sẽ quen như lỗi bộ gõ, rồi thỉnh thoảng đang xài thì nó lag, giật hay thậm chí có nhiều thắc mắc sao quạt không chạy.... rất nhiều thắc mắc.

Mình chỉ nhắc đến những cái quan trọng gây khó chịu mà nhiều khi phải loay hoay mãi cũng không làm được, thậm chí là khó chịu khi anh em xài Mac M1. Còn nếu câu hỏi là có nên mua hay không? Mình sẽ trả lời là có, M1 là tương lai của Apple và đầu tư cho tương lai thì không có gì là lãng phí, trải nghiệm thực sự ngon, rất mát. Mùa đông mình có để lên chăn, chui vào chăn xài vẫn không nóng. Thật sự tuyệt!

Thảo luận (4)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập