Pat Gelsinger: Vị CEO mới có khả năng chấm dứt chuỗi ngày tệ hại của Intel?

Thầy thuốc nhân dân
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Hoá ra, Pat không chỉ là "người nhà" mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành của các bộ vi xử lý Intel

Vậy là Pat Gelsinger đã trở thành vị CEO mới của Intel thay thế cho Bob Swan – vị CEO có thể gọi là bất đắc dĩ trong những năm 2019 và 2020. Ngay khi thông tin này được đưa ra, cổ phiếu của Intel đã tăng vọt 7%. Điều đó chứng tỏ, các nhà đầu tư và chuyên gia đang đánh giá cao vai trò của vị CEO này với khả năng vực dậy của Intel trong tương lai.

Sự trở lại của một kỹ sư

Pat Gelsinger – tên đầy đủ là Patrick Paul Gelsinger, một kỹ sư công nghệ đến từ Pennsylvania. Ông làm việc tại Intel với vai trò là một kĩ thuật viên khâu kiểm soát chất lượng (Quality-control) ở tuổi 18. Ông vừa làm vừa học đại học, đến năm 1983, ông tốt nghiệm đại học Santa Clara chuyên ngành kỹ thuật điện tử, ông tốt nghiệp thạc sĩ tại đại học Stanford năm 1985.

Trong quá trình làm việc tại Intel, ông là một trong những người tham gia thiết kế vi xử lý Intel 80486, đây cũng là con chip đầu tiên của intel có nhiều hơn 1 triệu transistor, và cũng là con chip x86 có cấu trúc lệnh pipeline chặt chẽ đầu tiên của Intel. Ông đã từng có thời gian giữ chức CTO của Intel, và tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa Intel và Microsoft thông qua một diễn đàn phát triển chung. Ông rời Intel năm 2009 để đến với EMC – tập đoạn bị Dell mua lại vào năm 2015. Trước thông tin quay trở lại Intel, ông đang giữ chức CEO của VMware, một công ty con chuyên về giải pháp phần mềm và dịch vụ điện toán đám mây của Dell.

Trong toàn bộ sự nghiệp của Pat cho đến thời điểm hiện tại, ông đã dành ra đúng 30 năm của mình để gắn bó với Intel. Ông đã tham gia vào quá trình thiết kế vi xử lý của Intel trong 2/3 quãng thời gian của mình tại Intel (kể từ Intel 486 - Sandy Bridge). Trong quãng thời gian ấy, có những lúc, Intel đã thống trị cả thị trường CPU và Pat là một mảnh ghép không thể thiếu trong sự thành công ấy của Intel. Ngay cả khi ông đã rời đi, những di sản mà ông đã để lại cho Intel là rất lớn. Thậm chí ngay cả những vi kiến trúc thế hệ sau này như Ivy Bridge, Skylake cũng rất có thể là tác phẩm có dấu ấn của Pat. Những con chip x86 hiện nay của Intel vẫn mang trong mình cái bóng của Pat, và nó vẫn là con gà đẻ trứng vàng cho Intel ở thời điểm hiện tại.

Thông tin Pat quay trở lại giống như một dấu hiệu tốt cho một Intel đã đi chệch khỏi đường ray nhiều năm nay, chậm tiến trình tới 5 năm, bị đối thủ vượt mặt, mắc kẹt ở việc sản xuất card đồ hoạ rời. Thậm chí, Intel còn bị nhận xét rằng công ty này đang phát triển theo định hướng marketing nhiều hơn với cấu trúc sản phẩm rất hỗn loạn, khó hiểu và gây hoang mang đến cả những người đam mê công nghệ nhất. Chỉ trong một thế hệ thôi mà Intel lại ra tới ba kiến trúc khác nhau, nó khiến cho nhiều người không khỏi thắc mắc rằng, liệu Intel thế hệ thứ X còn có ý nghĩa gì về mặt phát triển hay không. Khi Pat quay trở lại, nhiều người, trong đó có mình, hi vọng rằng những thứ tương tự như vậy tại Intel sẽ chấm dứt

Gánh nặng trên vai vị CEO 59 tuổi

Pat Gelsinger là một kỹ sư tài năng, một người tốt. Ông còn được một nền tảng tuyển dụng tại Mỹ bình chọn là một trong những CEO tốt nhất năm 2019. Không chỉ có kiến thức về kĩ thật sâu sắc, ông còn có tài thuyết phục và lãnh đạo với những thành tích đáng nể khi còn làm cho VMware. Tuy nhiên, vực dậy một Intel đang trên đà suy thoái không phải là điều dễ dàng.

Trước đây, những CPU đắt tiền của Intel luôn là niềm mơ ước của nhiều người dùng máy tính. Chỉ khi bạn sở hữu chúng bạn mới có được những “đặc quyền” như mở khoá xung nhịp, ép xung bộ nhớ trong, công nghệ siêu phân luồng HyperThreading cùng nhiều tính năng khác. Không phải vì những CPU rẻ tiền hơn không thể thực hiện được điều đó, mà Intel không cho phép. Một hành động gần như hút máu khách hàng và sặc mùi độc quyền vì họ nghĩ rằng sẽ không một ai có thể vượt mặt mình về hiệu năng sản phẩm. Cho đến khi AMD bất ngờ trỗi dậy và mở ra chân trời mới cho người dùng máy tính ở mọi đẳng cấp, mọi phân khúc lớn nhỏ khác nhau. Intel ngày nay không chỉ thua kém đối thủ ở hiệu năng mà còn những giá trị đi kèm mỗi con chip họ bán ra. Mới đây thôi, Intel đã phải vội vàng thay đổi chipset 500 series để bổ sung PCIe 4.0 và mở rộng khả năng ép xung bộ nhớ trong trên những bo mạch chủ tầm trung. Liệu rằng, những thay đổi trên có quá muộn màng? Intel còn có thể giữ được khách hàng của mình hay không? Có lẽ ngay khi nhâm chức CEO, công việc của Pat đã rất nặng nề trong việc hệ thống lại sản phẩm của công ty.

Đối phó với những mặt yếu kém của Intel trong nhiều năm nay không phải là tất cả những gì mà vị CEO này phải gánh chịu. Những con chip như Apple M1, hay chip custom của Amazon, Google và sắp tới là Microsoft là những mối nguy của Intel trong tương lai. Khi các công ty lớn đã từng là khách hàng chủ chốt của Intel ở mảng server và data center lần lượt rời bỏ hãng để tự chủ hệ thống của riêng mình, Intel không chỉ mất đi những vị khách lớn của mình, mà nó còn kéo theo cả một hệ thống những công ty khác cũng có những động thái tương tự. Tổn thất trong tương lai là không thể lường trước.

Đối với một ngành đặc thù như sản xuất CPU, bạn cần một khoảng thời gian đủ lâu để thấy được sự thay đổi trong công nghệ. Đối với trường hơp của Pat Gelsinger cũng vậy, mặc dù ông đã rời Intel từ lâu. Nhưng ảnh hưởng của ông lên những con chip thế hệ sau là vẫn còn đó, nhưng Intel đã thực sự gặp nhiều rắc rối khi không còn Pat Gelsinger trong quá trình phát triển của mình. Hệ quả của việc đó thì chúng ta đã rõ, nhưng phải mất nhiều năm chúng ta mới nhìn ra được kết quả. Bởi vậy, để đưa Intel quay trở lại cuộc đua công nghệ sẽ không phải là việc có thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Thảo luận (3)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập