ROG Phone 5: Gaming Phone cần thế này cơ!!!
Nhiều năm qua, game mobile đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhu cầu giải trí của hầu hết người trẻ. Nó dễ chơi, mất ít thời gian, tiền bạc để đầu tư hơn so với việc “cày cuốc” game trên laptop, PC. Và cũng vì vậy mà game luôn là thứ chúng ta mang ra để so sánh xem chiếc máy nào tốt hơn, chơi game ngon hơn.
Nhưng trên thực tế, chúng ta lại mang những Mi 11, S21 Ultra, iPhone 12 Pro Max ra để so xem máy nào chơi game ngon hơn. Ơ, tại sao vậy? Chúng mạnh thật đấy, tuy nhiên không phải sinh ra để phục vụ game thủ. Nếu bạn muốn cày cuốc game thật sự thì ROG Phone 5 mới là thứ khiến bạn mua không cần suy nghĩ. Nó quá đầy đủ và vừa khít với những gì mà chúng ta cần trên một chiếc Gaming Phone.
Anh em yêu Game Mobile có thể tham khảo giá của ROG Phone 5 tại CellphoneS nhé! Hiện tại máy đang có giá từ 21.999.000 và còn được tặng kèm một tai nghe ROG Core II trị giá hơn một triệu đồng đấy!
Gaming Phone cần nhiều hơn một cấu hình khủng
Bạn nghĩ chỉ cần Snapdragon 888, 16GB RAM, màn hình 120Hz, viên pin 6000mAh là đủ để trở thành một chiếc Gaming Phone? Không! Gaming Phone cần nhiều hơn như vậy. Chúng ta đã thấy rất nhiều thiết bị có cấu hình khủng nhưng chơi game vẫn chưa hoàn thiện. Đó là cái nóng như sa mạc Sahara trên Mi 11, đó là việc giảm độ sáng đột ngột trên iPhone,... Con chip hiện đại thật đấy, nhưng nó vẫn chưa tối ưu tốt cho phần mềm, dẫn đến giảm fps, tăng nhiệt độ liên tục khi chơi. Thực sự, cấu hình khủng như vậy nhưng trải nghiệm chơi game cũng không được trọn vẹn.
Với một người có nhu cầu chơi game giải trí 1-2 giờ một ngày thì thực trạng trên là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với những game thủ hay nhưng anh em dành 6-8 tiếng một ngày để chơi game thì nên xem xét đổi thiết bị bởi quá trình chơi liên tục sẽ vô cùng hại máy khi nhiệt độ liên tục bị đẩy lên cao, viên pin hoạt động hết công suất,...
Gaming Phone cần phần mềm và trang bị đúng chuẩn game thủ
Thứ mà hầu hết các thiết bị cao cấp ngày nay thiếu hụt so với một chiếc Gaming Phone là phần mềm và các tính năng hỗ trợ. Tất cả những thứ đó đã có sẵn trên ROG Phone 5. Ngay từ những ngày đầu cầm máy, tất cả ứng dụng mình tải xuống đều là game. Từ game nặng đến game nhẹ, mình đều vào thử hết những tính năng mà ASUS hỗ trợ.
ROG Phone 5 có Game Genie, thứ sẽ đưa trải nghiệm chơi game của bạn lên mức phê. Ở ngay chính giữa menu màn hình, chúng ta có một ứng dụng riêng để tùy chỉnh tất cả máy sao cho phù hợp nhất với game. ROG Phone 5 có 4 chế độ để chơi game bao gồm Chế độ X, Động, Siêu bền, Nâng cao. Mỗi chế độ sẽ phù hợp với một kiểu chơi riêng. Ví dụ, khi muốn cày Genshin Impact max setting, mình bật luôn Chế độ X để máy đẩy Hiệu suất và Phản hồi cảm ứng lên tối đa. Khi đó thì độ bền của PIN sẽ giảm một chút. Đây cũng là chế độ ROG Phone 5 gợi ý sẽ mang lại hiệu suất tốt nhất cho quá trình chơi. Ngược lại, khi chơi những tựa game nhẹ nhàng hơn như Liên Quân Mobile mình có thể bật chế độ Siêu bền để tiết kiệm PIN nhất, giảm hiệu năng đi bởi game cũng không quá ngốn cấu hình.
Hai chế độ trên là hoàn toàn trái ngược nhau và mình nhận thấy rõ sự khác biệt khi chơi cùng một game. Mình chọn một tựa game vừa nhẹ và cũng vừa yêu cầu xử lý combat nhanh đó là Call Of Duty Mobile. Cả hai lần chơi, mình đều xuất phát từ dung lượng PIN 100%, và thực tế sau 1 giờ chơi thì Chế độ X ngốn PIN hơn Siêu bền là 5% và nhiệt độ cũng cao hơn khoảng 3 độ C. Rõ ràng ROG Phone 5 có những tính năng trên không phải để phô trương, để làm cảnh mà nó thực sự có ích cho người dùng.
Khi vào Game, mục Game Genie này cũng rất dễ mở song song với game bằng thao tác vuốt từ cạnh trái. Danh sách các lựa chọn cài đặt cũng đầy đủ và hữu ích hơn hẳn so với công cụ hỗ trợ game đơn thuần của Xiaomi hay OPPO,... Nó có rất nhiều tính năng như chặn cuộc gọi, chặn thông báo, cảm biến. Thứ mình thấy đáng giá nhất là tính năng Khoá độ sáng, nó khắc phục được hoàn toàn tình trạng giảm độ sáng khi chơi lâu của iPhone. Cùng với đó là Air Trigger - thứ khác biệt hoàn toàn so với điện thoại thông thường.
Quá trình thiết lập Air Trigger cũng khá dễ dàng khi chỉ cần chọn và di chuyển đến bất kỳ cùng nào trên màn hình. Sau đó, quá trình chơi cũng khiến mình khá phê khi đó màn hình được giải phóng diện tích hiển thị, nó sẽ cực kỳ hữu ích cho những game yêu cầu nhiều ngón tay. Mình chơi PUBG Mobile bằng 5 ngón nên cảm nhận được rất rõ lợi ích của Air Trigger. Điều khiển linh hoạt như hack! Hai phím Air Trigger này hoạt động theo cảm ứng, nhưng độ rung mà nó mang lại thật đến nỗi mình tưởng nó là phím vật lý vậy.
ROG Phone 5 là một trong số rất ít smartphone có màn hình AMOLED, 1 tỷ màu tần số quét lên tới 144Hz. Và trên thực tế, mình không thể phân biệt được sự khác nhau giữa chúng trong quá trình sử dụng. Thế nhưng, không vì thế màn 144Hz là trang bị thừa vì Game Genie đã gợi ý rất nhiều tựa game có hỗ trợ 144fps và mình đã chơi thử Sonic Boom. Kết quả cho ra cực kỳ ấn tượng, và nó luôn ổn định ở 140-144fps. Đây thực sự là một điều hiếm có khi chơi game trên một chiếc điện thoại. Cứ đà này, khoảng 1-2 năm tới, tần số quét điện thoại còn lên tới 360Hz như màn hình PC ấy chứ!
Cấu hình, phần mềm hoà với ROG UI đã khiến mình thực sự hài lòng về trải nghiệm của ROG Phone 5. Trải nghiệm mở ứng dụng, vuốt chạm trên ROG Phone 5 thực sự là vô địch trong thế giới Android, thậm chí còn vượt qua cả iOS! Khi thoát ứng dụng ngang, nó cũng rất rất mượt, không xảy ra bất kỳ độ trễ nào như các mẫu máy Android hiện tại. Cảm biến rung của ROG Phone 5 cũng làm mình liên tưởng đến độ sướng của phản hồi trên OnePlus. Mình chỉ sợ dùng lâu quá rồi lại thành nghiện cái cảm giác vuốt chạm nhanh thế này thôi.
Đi cùng ROG Phone 5 còn là phụ kiện tản nhiệt AeroActive Cooler 5 đi kèm. Tuy nhiên mình lại không có cơ hội sử dụng nó nhưng theo hãng thì có thể giảm tới 15 độ C trong quá trình chơi game nặng. Đây thực sự là một con số ấn tượng và mình rất hy vọng sẽ được trải nghiệm trong tương lai.
Về kết quả chơi game, mình sẽ điểm nhanh qua thôi nhé bởi kết quả chắc chắn là sẽ rất tốt khi so sánh với phần còn lại của thế giới smartphone. Những tựa game nhẹ nhàng phổ biến như Tốc Chiến, Liên Quân, Call of Duty thì khỏi nói rồi, 60fps là dễ và nhiệt độ cũng chỉ ở mức 40-44 độ C trong 1 giờ chơi. Genshin Impact thì có một biểu đồ FPS đẹp nhất mình từng thấy, nó ổn định ở mức 55-60fps với mức đồ hoạ Trung. Đây là điều mà rất rất ít smartphone làm được trong vài năm qua. Nhiệt độ CPU cũng rất cao, lên tới 57 độ C nên mình vẫn hy vọng được trải nghiệm quạt tản nhiệt để xem hiệu quả tản nhiệt mà ASUS trang bị
Một vài điểm cần cải thiện
Điểm mình thấy khó chịu nhất với ROG Phone 5 có lẽ là khối lượng. Máy nặng tới 238 g khi không có phụ kiện, còn nếu đeo thêm quạt thì mình chưa tưởng tượng được sẽ cầm được nó trong bao lâu. Điều này là có thể hiểu được bởi viên pin 6000mAh mà nó phải gánh nhưng mình vẫn hi vọng ASUS sẽ giảm được khối lượng tổng thể trong những thế hệ tiếp theo. Laptop gaming của ASUS đã nhẹ hơn, mỏng hơn được, vậy thì sao ROG Phone không làm được phải không?
Điểm tiếp theo là thiết kế cụm camera khá sắc nhọn khiến mình khá khó chịu khi chơi. Mỗi lần di chuyển ngón tay là liên tục va phải phần cạnh sắc nhọn đó. Thêm nữa, trong mục game vẫn còn nhiều trò chơi chưa tối ưu khung hình. Ví dụ như Mortal Kombat vẫn xuất hiện 2 viền đen khá dày ở 2 bên. Hy vọng ASUS sẽ khắc phục được trong thế hệ tiếp theo, vậy là đủ với mình.
Tóm lại
ROG Phone 5 nó vượt xa những gì chúng ta mong đợi ở một chiếc Gaming Phone. Phần cấu hình cao thì khỏi nói, nhưng những tính năng phần mềm của nó hỗ trợ là quá tốt, đi sát với những gì chúng ta cần ở một chiếc điện thoại cho dân cày game.