Samsung Galaxy A22: Samsung dạo này làm smartphone tầm trung tốt quá!

Mạnh Hà
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Trên tay mình là Samsung Galaxy A22 – thiết kế sang trọng, có 5G, kèm với cụm camera có cả công nghệ chống rung OIS dẫn đầu dẫn đầu phân khúc giá dưới 6 triệu VNĐ

Những công nghệ cao cấp xịn sò giờ đây đã không còn là “độc quyền” trên những mẫu smartphone cao cấp nữa rồi. Bằng chứng là thời gian trở lại đây, những mẫu máy tầm trung đến từ những tên tuổi lớn cũng đã được tích hợp những công nghệ đỉnh cao mà từ trước đó chỉ xuất hiện trên những mẫu flagship. Trên tay mình đây là Samsung Galaxy A22 – bằng chứng của điều đó với thiết kế sang trọng, có 5G và đi kèm với cụm camera có cả công nghệ chống rung quang học OIS dẫn đầu phân khúc giá dưới 6 triệu VNĐ.

Thiết kế của Samsung Galaxy A22 đối với cá nhân mình là một trong những điểm ăn tiền nhất của chiếc máy này. Tuy mặt lưng cũng như khung máy được hoàn thiện bằng nhựa thôi nhưng do được hãng hoàn thiện rất "bóng bẩy" nên trông chiếc A22 này trông như kiểu có giá 10 triệu vậy, thực sự mình khá bối rối khi lần đầu tiên cầm chiếc máy này trên tay. Cảm giác bối rối đến từ việc nó rẻ nhưng có được thiết kế như thế này là thì theo cá nhân mình là khá đỉnh, cứ như kiểu cần mấy chiếc S10 trên tay vậy, trông rất sang chảnh luôn. Chưa dừng lại ở đó, phần khung của Samsung Galaxy A22 có mức độ hoàn thiện cực kỳ cao, các chi tiết như logo, cụm camera, lớp sơn mạ đều có mức độ hoàn thiện rất tốt. 

Thiết kế máy thì cũng không có gì nổi trội cho lắm vì Samsung Galaxy A22 hướng tới phân khúc tầm trung mà. Vị trí các nút bấm được đặt ở chỗ cơ bản, vân tay nhạy, chạm phát ăn luôn, sạc với jack cắm tai nghe vẫn đặt ở dưới đáy. Tuy nhiên, cảm giác cầm nắm của chiếc A22 này cũng lại là thứ ăn điểm. Nó cầm rất đã tay, nhẹ nhưng chắc chắn, mỗi khi anh em rút điện thoại ra nghe gọi là trông khá sang chảnh luôn! Đúng là Samsung khoảng 2 năm trở lại đây làm thiết kế của những chiếc A series với M series tốt thật. Nhìn chung, theo như cảm quan cá nhân của mình, thiết kế cũng như chất lượng hoàn thiện của Samsung Galaxy A22 là một trong những điều ăn điểm nhất của chiếc máy này trong phân khúc smartphone có mức giá dưới 6 triệu VNĐ.

Có thể anh em đã đọc khá nhiều thông tin liên quan đến màn hình của Samsung Galaxy A22. Phiên bản mình đang có trên tay là phiên bản LTE, kích thước màn hình là 6.4 inch, độ phân giải 720*1600 (tương đương với HD+) nhưng lại có tần số quét 90Hz. Phiên bản Galaxy A22 5G lại có thông số màn hình thậm chí còn “phức tạp” hơn khi nó lại có kích thước lớn hơn phiên bản không có LTE 0.2 inch, độ phân giải lại lên được FullHD, có 90Hz nhưng sử dụng tấm nền TFT. Điểm chung trên màn hình của cả hai phiên bản Galaxy A22 đều là có độ sáng lên tới 600 nits, anh em có thể mang ra ngoài nắng gắt thoải mái mà không gặp phải tình trạng đuối khi hiển thị ngoài trời.

Trải nghiệm thực tế trên phiên bản mình đang có trên tay này lại khác hẳn so với những thông số mà nhà sản xuất đưa ra. Nó nét, không tạo cảm giác rỗ, màu sắc vẫn đúng chất Samsung, các dải màu được đẩy lên sống động hơn so với bình thường. Cạnh trên với hai cạnh bên cân xứng, viền dưới thì hơi dày, hoàn toàn chấp nhận được trong phân khúc giá. Tần số quét 90Hz đem lại trải nghiệm đã, thao tác lướt, cảm ứng cũng như mở ứng dụng rất nhanh chóng. Được cái 90Hz mà anh em lướt mạng xã hội như TikTok, Instagram với Facebook thì trông đã mắt lắm. Nhìn chung là mình không có phàn nàn gì về chiếc màn hình có thông số hơi khó hiểu đến từ vị trí của Samsung Galaxy A22.

Thực ra, mình không phải là người quá khó tính trong khoản màn hình vì chiếc smartphone chính mà mình đang sử dụng cũng có độ phân giải màn hình là HD+, hoàn toàn đủ để trải nghiệm đối với cá nhân mình rồi! Nhưng nói đi thì vẫn phải nói lại, với tùy chọn màn hình này thì cũng hơi khó cạnh tranh anh em nhỉ?

Nếu anh em nào thích nét hơn thì cũng có thể mua phiên bản 5G, còn nếu anh em nào quen với màn hình HD+ rồi thì phiên bản này hoàn toàn không vấn đề gì cả, thậm chí nó còn có điểm hơn là màu đen sâu hơn, màu sắc nịnh mắt hơn, góc nhìn tốt hơn cũng như có độ nổi khối hơn màn FullHD TFT kia là cái chắc.

Tiếp đến: Chống rung quang học OIS. Thực tế, không chỉ phiên bản LTE mình đang có đây hơn phiên bản 5G về khoản này mà thậm chí kể cả số lượng ống kính cũng như chất lượng ảnh chụp cho ra cũng hơn cả bản 5G nữa. Điểm qua chút về thông số nhé: Camera chính độ phân giải 48 MP, khẩu độ f/1.8, PDAF, tích hợp chống rung quang OIS, camera Ultrawide 8 MP, khẩu f/2.2, 1/4.0", 1.12µm, một camera macro 2 MP, khẩu độ f/2.4 và một camera đo cảm biến chiều sâu 2 MP, khẩu độ f/2.4.

Nói chung, chiếc Samsung Galaxy A22 phiên bản LTE này hiện đang là mẫu smartphone được trang bị chống rung quang học OIS rẻ nhất trên thị trường hiện nay. Mình nghĩ rằng ngôi vương này đến cuối năm chắc cũng chưa bị soán đâu! Và mình khẳng định luôn rằng, OIS trên chiếc Samsung Galaxy A22 này không phải thuộc dạng “tích hợp cho có” đâu anh em nhé!

Nói qua một chút về công nghệ OIS: OIS (Optical Image Stabilization) là công nghệ chống rung sử dụng con quay hồi chuyển của hệ thống cơ điện tử (MEMS), để phát hiện chuyển động và điều chỉnh hệ thống camera theo hướng bạn muốn. Ví dụ: Bạn cầm điện thoại thông minh của mình và tay bạn di chuyển nhẹ sang phía bên trái, thì hệ thống OIS sẽ tiếp nhận điều này và dịch chuyển camera nhẹ sang bên phải.

Công nghệ chống rung quang học OIS này sử dụng bộ đọc cảm biến đầy đủ để ghi lại ảnh chụp mà không xảy ra hiện tượng cắt xén hình ảnh nào, cũng như hình ảnh được quay video không bị biến dạng và được tự nhiên hơn rất nhiều mà không cần phải sử dụng thêm hiệu ứng cho video. Chi phí xây dựng phần cứng OIS tốt thường có giá không rẻ nên tất nhiên là bạn phải bỏ ra một khoảng chi phí lớn để sở hữu chiếc điện thoại có trang bị OIS. Công nghệ này rất hữu ích cho bạn khi quay hay chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu.

Khi thiết bị có OIS, các thao tác rung nhẹ sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, giúp cho hình ảnh được sắc nét hơn. Điều này tương tự khi bạn dùng máy ảnh ống kính tele vậy. Tuy nhiên, OIS vẫn gặp phải một số lỗi ảnh hay lỗi ứng dụng chụp ảnh khi nó dịch chuyển bằng mô đun camera. Ngoài ra, phần cứng khi đáp ứng OIS trong thiết bị có thể sẽ làm tăng độ dày của camera, hay làm tiêu tốn năng lượng pin nhiều hơn khi sử dụng.

Thông qua trải nghiệm thực tế rằng OIS trên chiếc Samsung Galaxy A22 này ngon thật. Nếu anh em đi bộ bình thường trong lúc quay video thì những những rung lắc thường thấy sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, chỉ khi nào anh em chạy thì lúc đó hiện tượng rung lắc mở xảy ra thôi, mà hiếm ai lại chạy khi quay video đâu, camera man chuyên nghiệp thì người ta cũng quay bằng những loại máy siêu chống rung xịn sò rồi!

Chưa dừng lại ở đó, dải nhạy sáng của bản 4G cũng nhỉnh hơn đôi chút so với bản 5. Camera Ultrawide cho ra ảnh cũng chi tiết hơn nữa, cơ bản là 8MP dù sao cũng lớn hơn 5MP mà, hiện tượng cong viền ảnh vẫn có xảy ra nhé! Còn ảnh ở camera chính thì vẫn theo đúng triết lý nhà Samsung thôi: Giàu chi tiết, màu sắc hơi được đẩy lên cao hơn so với mắt nhìn thực tế, anh em có thể up luôn lên mạng xã hội mà không cần phải chỉnh sửa gì cả, AI nó làm hộ hết rồi.

Về cấu hình, phiên bản mình đang có trên tay sở hữu sức mạnh của con chip Helio MediaTek G80 đi kèm với đó là 6GB RAM và 128GB bộ nhớ lưu trữ. Thông qua trải nghiệm nhanh, đây là một cấu hình đủ dùng đối với tất cả những tác vụ từ cơ bản (lướt mạng xã hội, xem Netflix, Youtube, đọc báo, mail,...) cho tới trung cấp (chỉnh sửa hình ảnh, chơi game với thiết lập đồ họa Medium setting,...). Thêm vào đó, với sự trợ giúp đắc lực đến từ màn hình tần số quét 90Hz, anh em có thể dễ dàng cảm nhận được hiệu ứng chuyển đổi giữa các ứng dụng cũng như khi mở ứng dụng được đẩy lên khá cao so với những chiếc smartphone được trang bị màn hình có tần số quét thấp mà lại còn cùng cấu hình với chiếc Samsung Galaxy A22 này.

Đối với cá nhân mình, dung lượng RAM 6GB là hoàn toàn đủ đối với những tác vụ mà mình hay làm đối với một chiếc smartphone (bật gần như toàn bộ bộ ứng dụng Google cũng như để từ một đến hai game chạy nền), Samsung Galaxy A22 hoàn toàn có thể gánh tốt mà không phải load lại bất cứ ứng dụng nào. 128GB ROM thì lại là quá thừa với mình rồi!

Thời lượng pin 5000mAh trên phiên bản mình đang có trên tay đây thì khỏi phải nói rồi. Anh em cũng có thể đoán ra rằng chiếc Samsung Galaxy A22 LTE này trâu bò như thế nào. Bật full kết nối, độ sáng màn hình cỡ 70%, làm việc bình thường cũng như lướt mạng xã hội thì cả ngày anh em không cần phải quan tâm đến pin của em nó làm gì cho mệt, để thời gian đi làm cái khác. Cơ bản là với một con chip “vừa đủ” đi kèm với màn hình độ phân giải HD+ thôi mà, thời gian on screen lên tới 7 tiếng là chuyện quá bình thường với Samsung Galaxy A22 LTE.

Tựu chung lại, đối với cá nhân mình, vài năm trở lại đây, Samsung đã từng bước hoàn thiện phân khúc tầm trung của mình, những sản phẩm mới càng ngày càng tốt, nhất là trong khâu thiết kế cũng như những trang bị thiết thực. Em út trong dòng A series đây là một trong những minh chứng đó. Dòng M cũng tương tự vậy, đi từ thiết kế cho tới trang bị đều rất đúng trọng tâm. Cá nhân mình, người ưu thiết kế đẹp thì anh em có thể biết được câu trả lời “có nên mua Samsung Galaxy A22” hay không rồi đó!!!

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập