article detail

Sự phân mảnh của USB-C khiến mình phát ĐIÊN!

Hoang Nguyen
1 năm trước
Cập nhật 1 năm trước
Chưa có cổng kết nối nào thực sự hoàn hảo, Lightning cũng vậy, nhưng USB-C còn tệ hơn.

Vừa qua, Uỷ ban châu Âu đã chính thức bắt buộc các nhà sản xuất phải sử dụng cổng kết nối USB-C cho tất cả các thiết bị của họ. Và mọi người đều kêu rằng cổng Apple giờ đây cũng phải sử dụng cổng USB-C đó trên những chiếc iPhone kể từ iPhone 15 nếu muốn bán tại thị trường này! Nhưng ngoài tăng cường khả năng truyền file dữ liệu nhanh hơn thì việc thêm cổng USB-C sẽ giúp chúng ta bớt đi một cái dây phải mang đi, nhưng thực tế, cổng USB-C không hề hoàn hảo như chúng ta vẫn đang ca tụng, và có rất nhiều thứ phải đánh đổi khi sử dụng cái cổng này, và điểm chí tử đầu tiên chính là sự phân mảnh của nó! Vậy thì sự phân mảnh của USB-C đã trở nên tồi tệ đến mức như nào, hãy cùng mình phân tích nhé!

Đầu tiên, đó là USB-C nó là cổng và dây kết nối chứ không phải là một CHUẨN kết nối. Lí do mình nói như vậy là bởi vì ngay từ cái tên của nó, USB-C chỉ đang nói về thiết kế của nó chứ không hề liên quan gì tới tính năng được tích hợp trên đó mà bình thường chúng ta vẫn đang ngộ nhận. Nói cách khác, việc hai cổng có tính năng hoàn toàn khác nhau nhưng có thiết kế vật lí giống nhau và theo kiểu của USB-C thì chúng vẫn được gọi USB-C. Còn những “chuẩn kết nối”, hay những gì diễn ra bên trong cái cổng đó, thì chẳng được có cái nào có tính bắt buộc cả. Tốc độ truyền tải của USB-C sẽ được giới hạn trong khoảng từ USB 2.0 cho đến USB4, tức là ở giữa có hằng hà sa số các chuẩn tốc độ truyền tải cực kì phức tạp như USB 3.2 Gen 2x2, và mỗi chuẩn có vô số yêu cầu về tốc độ truyền tải dữ liệu, năng lượng hoàn toàn khác nhau.

Chuẩn tốc độ USB mà USB-C hỗ trợ

Thuật ngữ marketing

Tốc độ truyền tải cao nhất (Gbps)

Thời gian để truyền 100GB dữ liệu (tốc độ tối đa)

USB 2.0

Hi-speed USB

0,48

31 phút 17 giây

USB 3.1

SuperSpeed 10Gbps

10

1 phút 28 giây

USB4

USB4 Gen 3x2 40Gbps

40

22 giây

©: File Transfer Time Calculator - Techinternets

Chẳng hạn như USB-C 2.0 vốn đang được sử dụng trên đa số smartphone tầm trung ngày nay có tốc độ truyền tải tối đa chưa đến 500 megabit trên giây. Đồng nghĩa với việc khi chúng ta truyền tải một file nào đó nặng 100GB qua cổng và dây USB-C 2.0, nó sẽ tốn ít nhất là hơn 31 phút. Trong khi đó, chỉ cầm cắm dây USB4 vào cổng USB-C có hỗ trợ tốc độ USB4 là 40 gigabit trong 1 giây, thì thời gian đó sẽ được rút ngắn xuống còn… 22 giây là nhanh nhất. Từ đó ta có thể thấy được rằng truyền dữ liệu bằng dây sạc điện thoại của chúng ta có khi còn lâu gấp hàng chục lần so với truyền tải bằng một dây cắm ổ cứng ngoài. 

Củ sạc (hãng)

Dây sạc (hãng)

Tốc độ lí thuyết mong đợi khi sạc với S20

Tốc độ thực tế khi sạc với Galaxy S20

Samsung 25W

Samsung

25W

20,94W

Huawei SuperCharger 40W

Huawei

25W

8,9W

Quick Charge 3.0

Quick Charge 3.0

18W

8,69W

©:  Android Central

Thế nhưng sự phân mảnh này vẫn chưa dừng lại ở đó, khi mà tốc độ truyền tải năng lượng của USB-C ở mỗi chuẩn khác nhau thì sẽ khác nhau, và ở mỗi hãng khác nhau thì cũng… khác nhau nốt. Việc truyền tải năng lượng này được định nghĩa chung là USB-PD, hay Power Delivery, giúp chúng ta có thể sạc những chiếc máy tính hay điện thoại hay bất cứ máy nào có hỗ trợ USB-C Power Delivery. Ấy vậy mà khoan, sạc một chiếc điện thoại Samsung với dây của Google Pixel và củ của Huawei sẽ cho tốc độ sạc hoàn toàn khác so với việc dùng củ sạc và dây sạc bóc máy. Thậm chí cùng máy và cùng dây nhưng ta sạc bằng củ sạc zin sẽ có tốc độ sạc và truyền năng lượng hoàn toàn khác so với củ sạc của RAVPower, Apple hay Belkin.

Nhưng USB-PD cũng chỉ là một tính năng và điều đó đồng nghĩa với việc là không phải cứ có cổng USB-C là sạc được. Một số cổng USB-C chỉ có thể truyền dữ liệu mà thôi, số khác lại có thể xuất hình ảnh, số khác nữa lại có thể truyền và chuyển đổi dữ liệu âm thanh (như tai nghe cổng C). Điều này cũng áp dụng với cả dây USB-C nữa. 

Không quan tâm tới việc máy bạn có cổng C hỗ trợ xuất hình ảnh hay không, chỉ cần cái dây đó không xuất được hình ảnh thì đồng nghĩa với việc là bạn sẽ không xuất được ra màn hình rời. Hay điên rồ hơn nữa là việc chúng ta đã quen với các jack âm thanh Type C sang 3,5, nhưng dây của hãng này có tính năng này không đồng nghĩa với việc nó sẽ hoạt động ở máy khác cũng với USB-C. Điều đó sẽ dẫn tới một vấn đề đó là một chiếc laptop có 2 hay tất cả các cổng đều là USB-C, nhưng không phải cổng nào cũng giống như cổng nào. 


Từ đó, chúng ta sẽ có dây USB-C với hàng loạt mức giá khác nhau, từ vài chục nghìn cũng có cho đến cả triệu đồng cho một dây cũng có, và mỗi dây ở mỗi mức giá khác nhau, sẽ có tính năng được tích hợp khác nhau, được trang bị chuẩn sạc, truyền tải dữ liệu cũng khác nhau nốt. Qua tất cả những điều trên, việc đi tìm sợi cáp USB-C phù hợp chẳng khác nào việc thầy bói xem voi cả, chúng ta phải tốn một vài đồng chỉ để mò xem dây nào hợp với nhu cầu của mình và mức giá tốt thôi.

Sau hàng loạt những vấn đề mình đề cập bên trên, chắc chắn anh em sẽ đặt cho mình câu hỏi cực kì to trong đầu, đó là USB-IF, tổ chức hỗ trợ việc phổ cập USB-C đã không làm gì để hạn chế sự phân mảnh này hay sao? Thực tế, họ có làm đấy chứ, thế nhưng những tham vọng của họ còn quá bé nhỏ và cũng như cổng USB-C đã phân mảnh quá sức tưởng tượng khiến cho họ không đủ tiền và công nghệ để tích hợp kịp thời. 

Đồng thời, vì sự phổ biến của USB-C đã quá rộng rãi, ở trên quá nhiều thiết bị với kiểu dáng khác nhau, nên việc bắt buộc các nhà sản xuất phải tích hợp hết xem chừng lại là một đòi hỏi phi lí. Chẳng hạn, bạn sẽ không cần công nghệ Power Delivery qua cổng USB-C trên ổ cứng rời, hay như ai cần tốc độ truyền tải lên tới 40Gbps và hỗ trợ PCI Express trên sạc dự phòng làm gì cơ chứ? 

Sự phổ cập này đã dẫn tới kết luận của mình đó là USB-C sẽ không bao giờ là một chuẩn kết nối - nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ mong đợi một cổng USB-C có tất cả tính năng của tất cả các chuẩn kết nối khác như truyền dữ liệu, hình ảnh, … được phổ cập trên tất cả các thiết bị dùng cổng USB-C được. Thế nhưng, chúng ta vẫn có cách để có thể vượt qua những điều này, đó là:

  • Nên chỉ sử dụng dây USB-C bóc hộp cho mỗi thiết bị khác nhau để đảm bảo rằng tốc độ truyền tải và sạc được đạt tốc độ cao nhất. Vì nó được thiết kế để sạc và truyền tải cho thiết bị đó, nên dây đó sẽ là dây tốt nhất và an toàn nhất. 
  • Và hai, đó là chỉ nên mua từ những nhà sản xuất uy tín. Chúng ta có rất nhiều nhà sản xuất thiết bị sử dụng USB-C uy tín như ổ cứng thì có Western Digital, Kingston hay Crucial; dây sạc và củ sạc C như Anker, RAVPower, Belkin hay Pisen nếu không tính các hãng sản xuất điện thoại thông minh.
  • Và ba, đừng bao giờ sử dụng chung sạc laptop và điện thoại với nhau, vì nó sẽ có cường độ dòng điện khác nhau. Việc sử dụng dây sạc và củ sạc sai cường độ dòng điện có thể khiến thiết bị đó có nguy cơ chập, cháy nổ hay nhẹ hơn là không sử dụng được khá là cao.

Tuy có sự phân mảnh quá lớn đến mức không thể kiểm soát nổi như vậy, sự tiện lợi của USB-C là điều mà chúng ta không phải bàn cãi,đặc biệt là khi so với Lightning của táo, nó vẫn tiện hơn khá là nhiều. Chúng ta có thể cắm mọi thiết bị ở mọi lúc mọi nơi, và hơn hết, là nó có thể sạc ở hai chiều như Lightning. Anh em có suy nghĩ gì và giải pháp nào giúp cải thiện cổng USB-C, hãy để lại đề xuất đó dưới phần comment nhé!

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập