Tại sao lại là “i”Phone, “i”Pod, “i”Mac, “i”Pad?
Hầu hết tất cả các sản phẩm của Apple đều có tiền tố “i” trong tên gọi: iPhone, iPod, iPad, iPod, iMac,... Vậy tại sao lại là chữ “i” này? Anh em cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Sự ra đời của tiền tố “i”
Chúng ta quay ngược thời gian về năm 1998 chút nhé. Tiền tố “i” xuất hiện lần đầu tiên trên chiếc iMac được ra mắt cùng thời điểm. Trong buổi lễ ra mắt, Steve Jobs đã không giấu diếm và có hẳn một “bài diễn văn” liên quan đến tiền tố “i” trong tên gọi của sản phẩm này.
Vị cố CEO Apple chia sẻ: “iMac ra đời từ cuộc “hôn nhân” giữa sự hứng khởi mà kết nối Internet mang lại và sự đơn giản của dòng máy Macintosh, chúng tôi hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng số 1 mà người dùng mong đợi ở một chiếc máy tính. Họ muốn một chiếc máy tính có thể kết nối Internet đơn giản và tốc độ."
Đúng vậy, vào thời điểm này, chữ “i” đại diện cho từ Internet. Sau đó, bên cạnh “Internet”, “i” còn là viết tắt của:
- individual: Tính cá nhân
- instruct: Hướng dẫn
- inform: Truyền thông tin
- inspire: Truyền cảm hứng
Nếu nhìn trên góc độ ngôn ngữ, có vẻ như danh sách ý nghĩa chữ “i” Steve Jobs không hề có sự thống nhất và đi theo khuôn mẫu nào cả, vì nó bao gồm cả danh từ, động từ và tính từ. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rộng ra và xét từ khía cạnh hàm ý thì những từ trên phản ánh tham vọng lớn của vị cố CEO Apple trước tương lai phát triển toàn bộ dòng sản phẩm của Apple.
iPod và iPhone
Sản phẩm tiếp theo có chữ “i” ngay sau iMac là iPod. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tiền tố “i” trong iPod chính là đại diện cho “inspire” mà Steve Jobs đã nói trước đó. Vào thời điểm đó, iPod không chỉ là một món đồ công nghệ, phụ kiện thời trang mà nó còn thể hiện triết lý thiết kế độc đáo và nguồn cảm hứng sáng tạo trong sản phẩm. Phải thừa nhận rằng, iPod là một trong những thiết bị có tính biểu tượng nhất trong lịch sử của Apple, Táo cắn dở sẽ không có được như ngày hôm nay nếu không có iPod.
Đó là lý do mà tại sao iPod vẫn “sống” cho đến ngày hôm nay, một sản phẩm mang tính biểu tượng, hãng chắc chắn sẽ không bao giờ bỏ nó.
Sang đến iPhone, chiếc iPhone đầu tiên được Apple ra mắt vào năm 2007 - Đây là thời điểm mà Internet bùng nổ mạnh mẽ nhất từ lúc được xuất hiện vào năm 1986. Tiền tố “i” trong sản phẩm này chính là đại diện cho 3 điều mà Steve Jobs đã nói trước đó: Internet, individual và inspire.
Cũng chẳng phải nói quá nhiều về iPhone, đây là chiếc điện thoại đã thay đổi cả một nền công nghiệp smartphone, biểu tượng thứ hai sau iPod giúp Apple có được chỗ đứng trên trường công nghệ ngày hôm nay!
Nhưng iPad lại là câu chuyện khác
Chiếc máy tính bảng đầu tiên được Apple quyết định đặt cho cái tên là iPad. Tuy nhiên, Apple đã phải khá “khổ sở” mới có được cái tên iPad này. Apple đã phải tranh chấp tên gọi iPad này với công ty có tên Proview Shenzhen tại Trung Quốc nội địa để có quyền được bán sản phẩm trước thị trường tỷ dân (thị trường đem lại doanh thu cao nhất cho Apple). Nội tình của vụ việc này tương đối lằng nhằng.
Tập đoàn Proview International Holdings sở hữu 7 công ty con trên thế giới, trong đó có Proview Shenzhen (tại Trung Quốc) và Proview Electronic (tại Đài Loan). Năm 2000, Proview Đài Loan đăng ký thương hiệu IPAD ở nhiều nước nhưng không đăng ký ở Trung Quốc. Còn Proview Shenzhen đăng ký thương hiệu này ở riêng thị trường Trung Quốc.
Năm 2009, công ty IP Application Development Limited (IPADL) do Apple lập ra ở Vương quốc Anh, thông qua Proview Anh quốc, liên hệ với Proview Đài Loan mua lại thương hiệu IPAD của Tập đoàn Proview trên phạm vi toàn thế giới (bao gồm cả thị trường Trung Quốc) với giá $35.000. Vụ mua bán này hoàn tất nhưng nó lại châm ngòi cho một vụ tranh chấp thương hiệu khiến Apple tốn kém gấp gần 200 số tiền trên.
Proview Shenzhen không đồng ý với thỏa thuận nêu trên và từ chối cho Apple đăng ký thương hiệu iPad với Cục Thương hiệu Trung Quốc. Theo Xiang (2012), lý do Proview Shenzhen đưa ra là họ chưa bao giờ nhượng quyền sử dụng thương hiệu IPAD cho Apple, Proview Đài Loan không đăng ký IPAD tại thị trường Trung Quốc và họ cũng không biết thoả thuận của Proview Đài Loan với Apple.
Apple kiện Proview Shenzhen ra toà án tỉnh Quảng Đông. Vụ kiện kéo dài nhiều tháng và cuối cùng, ngày 02 tháng 07 năm 2012, Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Đông ra phán quyết buộc Apple đã phải trả cho Proview Shenzhen $60 triệu để giành quyền sử dụng tên IPAD và iPad tại thị trường Trung Quốc. Bloomberg, BBC và USAToday nhận định rằng về tổng thể đây là một thắng lợi cho cả đôi bên vì Apple không mất thị trường tỷ dân, còn Proview cũng kiếm được một khoản tiền khá khá trong khi tình hình tài chính của hãng đang khá khó khăn vào thời điểm đó.
Tạm kết
Nếu anh em đã từng đọc qua bài viết “Tại sao Apple lại có tên là “Apple”? thì có thể nhận thấy rằng cái tên Apple được Steve Jobs sinh ra một cách không thể nào đơn giản hơn, chả có gì “đao to búa lớn” cả. Tuy nhiên, tiền tố “i” trong tên gọi sản phẩm của Apple lại là một câu chuyện khác, nó cho thấy tham vọng thay đổi cả nền công nghiệp điện tử của Steve Jobs - một trong những bộ óc vĩ đại nhất từng được thế giới sản sinh ra.
Và nếu anh em có hứng thú với những câu chuyện xoay quanh hậu trường của Táo cắn dở thì nhớ theo dõi mình trong số tiếp theo nhé!!!