Tản nhiệt bằng kem đánh răng: Tại sao không?
Nhiệt độ vốn là một vấn đề mà được không chỉ anh em người dùng chúng ta quan tâm. Bản thân các hãng cũng rất để ý đến vấn đề này, đây cũng chính là điểm mà các hãng sẽ cải thiện liên tục qua các đời máy. Còn đối với anh em chúng ta thì ngoài việc vệ sinh máy thường xuyên, nhiệt độ môi trường thì cũng còn một yếu tố nữa được anh em cực kì quan tâm - đó chính là keo tản nhiệt.
Nếu có hay đi dạo ở các group hay ở trên các diễn đàn về công nghệ, không khó để chúng ta thường xuyên bắt gặp các câu hỏi như:"Máy A, B, C nên dùng keo/kem tản nhiệt gì?","Với mẫu A xyz 7xxx thì em dùng MX4 (tên 1 loại kem tản) có được hay không?", "Keo tản nhiệt kim loại lỏng có an toàn hay không?',... Nhưng hôm nay, thậm chí mình còn muốn giải đáp cho các bạn một câu hỏi "thú vị" hơn:"Kem đánh răng có làm kem tản nhiệt được hay không?".
1. Tình huống thực tế.
Đây là một câu hỏi thú vị, nhưng cũng không phải là mới lạ nữa. Thực tế trước đây ThinkView cũng đã có video làm về vấn đề này rồi. Để cho các bạn tiện theo dõi thì đây, chính là video đó:
Qua video trên, sau khi anh Hưng Khúc trải nghiệm và dùng thử, thì hoàn toàn có thể có câu trả lời rằng kem đánh răng cũng có thể sử dụng để làm tản nhiệt được. Mặc dù về độ hiệu quả hay độ ổn định như chúng ta thấy trong video nó sẽ là không cao. Vậy, lí do là gì mà lại giúp kem đánh răng vẫn có thể giúp chúng ta tản nhiệt nhỉ?
2. ThinkView giải đáp.
Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cách mà kem tản nhiệt hoạt động.
a. Cách hoạt động.
Khi CPU/ GPU hoạt động, thường 2 thành phần này sẽ tỏa một lượng lớn nhiệt độ ra bề mặt của chúng. Nếu để tự nhiên, nó vẫn sẽ trao đổi nóng - lạnh với môi trường để nguội đi. Nhưng tốc độ này diễn ra chậm, khiến chúng ta phải dùng thêm tản nhiệt. Tản nhiệt sẽ có chức năng là tiếp xúc trực tiếp với bề mặt của CPU/ GPU, sau đó dẫn nhiệt trức tiếp đi vào bề mặt tản nhiệt rồi đi qua các lá đồng. Ở tản nhiệt nước thì sẽ có các dung dịch chạy qua phần đế tản để giúp tăng được tính hiệu quả tản nhiệt lên.
Cứ tưởng như vậy là xong, nhưng chưa đâu. Bề mặt của đế tản cùng với CPU/ GPU có thể khi nhìn vào chúng ta đã thấy nó rất phẳng rồi, nhưng nó vẫn sẽ có khoảng hở ở giữa 2 bề mặt này. Lúc này, chúng ta sẽ cần 1 chất gì đó không có hình thù cố định lấp đầy ở giữa 2 khoảng này để tăng hiệu quả tản nhiệt. Từ đây, các loại kem tản nhiệt đã ra đời để trám vào đúng vị trí này.
Sau khi nghe xong, chúng ta hoàn toàn có thể thấy rằng, kem đánh răng nó cũng là 1 dạng chất không có hình thù cố định, đồng thời cũng có khả năng dẫn nhiệt. Như vậy, về lí thuyết, kem đánh răng cũng đã có điều kiện cần để trở thành kem tản nhiệt.
b. Nhưng tại sao không ai dùng trong thực tế?
Mặc dù đã đủ điều kiện cần, cũng đã nhiều người thử nghiệm với kem đáng răng. (Điển hình là anh Hưng Khúc). Thậm chí Linus Tech Tip họ còn từng lấy bấy cứ thứ gì đạt được điều kiện đó để có thể trét lên bề mặt CPU và kiểm tra hiệu quả tản nhiệt. Dù vậy thì những hành động này chỉ dừng lại ở mức em yêu khoa học chứ không có tính áp dụng thực tiễn cao.
Lí do lí giải cho việc này thường sẽ nằm ở 2 lí do chính. Đầu tiên, hỗn hợp kem đánh răng còn nguy hiểm hơn cả kim loại lỏng. Hỗn hợp này có chứa rất nhiều các lợi khoáng hay các loại muối, tạp chất khác nhau để giúp chúng ta ngăn ngừa vi khuẩn và làm thơm miệng. Nhưng cũng tiềm ẩn theo trong đó chính là nguy cơ về khả năng dẫn điện. Kem tản kim loại lỏng tuy cũng dẫn điện nhưng chúng ta chỉ cần dùng lượng vừa phải, không như kem đánh răng thường chúng ta sẽ sử dụng lượng lớn hơn. Từ đó gây ra nguy cơ chập cháy khi rơi vào main board là cao hơn.
Lí do thứ 2, kem đánh răng rất nhanh khô. Khi khô lại thì hiệu quả tản nhiệt của kem đánh răng sẽ biến mất. Mà CPU càng nóng thì kem đánh răng lại càng nhanh khô. Trong điều kiện lý tưởng nhất thì có lẽ nó cũng sẽ chỉ chịu được vài ngày là gần như mất hết tác dụng, còn nếu sử dụng bình thường, có lẽ chỉ khoảng vài tiếng, hay thậm chí là vài chục phút mà thôi. Còn với các loại kem tản thông thường, nó có thể chịu được từ vài tháng cho đến 1 hoặc 2 năm.
3. Tổng kết.
Câu trả lời: Có, kem đánh răng có thể dùng để làm kem tản nhiệt. Thậm chí nó còn vượt trội hơn kem tản nhiệt nhờ vào mùi thơm mà nó mang lại. Nhưng xét về tính thực tiễn thì gần như độ hiệu quả của nó là con số 0. Nó quá nhanh khô, nhanh mất tác dụng tản nhiệt đồng thời chứ đựng nguy cơ chập cháy mainboard rất cao. Thế nên, mình khuyên thật đây chỉ là bài test dành cho anh em nào rảnh rỗi muốn làm em yêu khoa học, còn không thì tuyệt đối không nên thử ở nhà nhé. Cái gì vẫn nên dùng đúng mục đích của cái đấy thì đúng hơn.
Anh em nghĩ sao, còn vấn đề em yêu khoa họa nào mà anh em muốn tìm hiểu trong thời gian tới không? Có thể để lại comment để mình biết và cùng tìm hiểu với anh em nhé!