Thử dựng video "Không chạm" với Samsung Galaxy S22 Ultra: Không dễ, nhưng vẫn vui!
Trước kia khi nói đến chỉnh sửa ảnh, dựng video; gần như ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ tới những chiếc màn hình rời với màu sắc chuẩn chỉ, những cỗ máy tính cấu hình cực cao đi kèm phần mềm chuyên dụng,... Nói chung là toàn đồ “khủng”. Nhưng giờ thì khác rồi; ai cũng vlog được, chụp đươc, và có khi chỉ cần smartphone thôi là có thể tạo ra thành phẩm rồi. Bản thân mình cũng từng quay bằng camera smartphone, cơ mà cắt ghép, chỉnh sửa ngay trên đó thì lại chưa. Nhưng vừa hay, đợt này lại đang ầm Samsung Galaxy S22 Ultra đi kèm “đũa thần” S-Pen, có khi thử thách bản thân một lần xem sao nhỉ?
Theo lời anh em bên Samsung thì khi dùng S-Pen, dễ có khi mình sẽ quên luôn việc vuốt chạm bằng tay vì… tiện quá. Vậy nên chúng ta sẽ gọi đây là thử thách “Không chạm” nhé, để xem xem thế nào. Không lan man nữa, cầm máy lên và đi thôi!
Thử thách 1: Dựng video “Không chạm”
Như một thói quen, cầm sản phẩm mới là cứ phải đổi gió chỗ ngồi cho có cảm hứng. Vậy nên mình đã ra ngay quán cafe quen để chụp hình và quay một chiếc footage ngắn. Video mình quay lần này sẽ là về chính Galaxy S22 Ultra - về những trải nghiệm ban đầu khi cùng nó chụp ảnh, chơi game,.. trong vài ngày vừa qua. Ngày hôm nay nắng khá đẹp, quay A-roll với B-roll cũng nhờ thế mà thuận lợi. Giờ thì đến khâu cắt và dựng vid, và mình sẽ thử sử dụng Adobe Premiere Rush cùng S-Pen xem sao.
Vì là phần mềm Trial và cũng là mới dùng thôi nên nhìn chung, mình cũng chưa thể làm quá nhiều thứ trên Rush được. Các thao tác của mình với footage chủ yếu sẽ là cắt, chỉnh màu hay thêm vài hiệu ứng chuyển cảnh có sẵn. Và khi dùng S-Pen để làm, mình thấy ảnh hưởng thiết thực nhất mà nó đem lại sẽ là sự chuẩn xác. Đầu bút nhỏ, độ nhạy cao, chưa kể mỗi lần chạm thì màn hình máy cũng nhảy lên 120Hz - rất đã.
Mọi thao tác của mình từ kéo thả, cuộn qua lại thành công cụ,... dù là với thành phần nhỏ nhất thì đều có độ mượt và chuẩn chỉ hơn nhiều so với dùng tay. Anh em nào mà có ngón tay hơi mũm mĩm xíu thì chắc sẽ hiểu hơn điều này, cần kéo chính xác từng đơn vị một thì nhiều khi sẽ không hề dễ dàng. Chưa kể đây còn là smartphone, màn hình còn rất bé so với PC hay tablet, và việc có một công cụ tinh vi như S-Pen đúng là đã giúp mình rất nhiều.
Có điều hơi tiếc rằng, Premiere Rush Trial cũng có nhiều hạn chế khiến mình chưa thể tận dụng tối đa S-Pen. Chẳng hạn như với một số intro hay transition hay, chúng ta sẽ phải trả tiền thì mới mở được; hay việc viết vẽ text, hình minh họa trên này cũng không thể làm ngay được. Có thể với mình - một người có trường phái edit nghiêm túc - thì nhiêu đây không ảnh hưởng nhiều. Nhưng với những bạn hay làm video kiểu Reels, TikTok vui nhộn thì nên chuyển qua CapCut, VivaVideo,.. sẽ tốt hơn.
Lúc đang dựng dở, mình cũng đã phát hiện ra một số chỗ chưa ổn và sẽ cần quay lại để trám vào. Đang định lôi bút sổ thì lại nhớ ra rằng, mình có thể mở Note ngay bằng S-Pen thông qua shortcut hình cây bút cơ mà. Trải nghiệm viết trên S-Pen tốt đến đâu thì chắc mình không cần giới thiệu nhiều, cũng chẳng ngẫu nhiên mà nó lại thu hút được nhiều người dùng đến vậy. Mà thấy đâu S-Pen năm nay còn được cải thiện về độ trễ, có tiếng sột soạt khi viết như trên giấy thật,... Kể cũng thú đấy chứ?
Thử thách 2: Chỉnh sửa ảnh “Không chạm”
Sửa video các kiểu xong rồi, tạm gọi là ưng ý thôi vì cũng là lần đầu dựng trên smartphone. Giờ thì sẽ tới một khâu cũng quan trọng không kém đó là làm ảnh, không chỉ là ảnh chụp từ máy để trám mà còn là thumbnail video nữa. Thường thì mình sẽ muốn dùng tiếp cái gì liên quan tới Adobe vì quen rồi, nhưng riêng trên smartphone thì Snapseed mới là chân ái. Đơn giản vì nó miễn phí, và có rất nhiều công cụ để chúng ta thỏa sức sáng tạo.
Với ảnh thumbnail thì mình sẽ muốn để nó có được tông màu hợp nhất với video. Vì vậy nên từng yếu tố như độ sáng, nhiệt độ màu,.. đều sẽ cần chính xác. Mình thì thích kéo màu bằng tay hơn là nhập số vì nó trực quan, dễ thấy được sự thay đổi về sắc độ. Và tới đây thì lại một lần nữa phải nêu bật ưu điểm về độ chính xác của S-Pen, nghe đâu phiên bản này còn được cải thiện hơn nữa về độ trễ nữa - nhiều anh em chắc sẽ rất thích đây.
Với một số bức ảnh chụp bằng máy để làm dẫn chứng, mình cũng có dùng S-Pen để ghi chú, khoanh trực tiếp lên ảnh để tăng độ trực quan. Thường thì nếu làm trên máy tính thì nhiều khi mình sẽ phải mở Paint, Picture gì đó để làm, mà độ chính xác thì cũng khó mà bằng được - cái này mình cũng khá thích khi được dùng bút.
Thử thách 3: Xuất ảnh, video nhanh chóng, mượt mà!
Thử thách 3: Xuất ảnh, video nhanh chóng, mượt mà!
Ngày xưa thì với những hạn chế về công nghệ, việc ép một chiếc smartphone nhỏ bé phải làm những công việc “nặng đô” như chơi game, xuất video,... thường sẽ là điều không được hoan nghênh. Nhưng ngày nay, các hãng sản xuất đã có đầy đủ công cụ để đuổi kịp nhu cầu kể trên, điển hình có thể kể tới những con chip mạnh mẽ như Snapdragon® 8 Gen 1. Với video của mình, độ dài và chất lượng của nó cũng sẽ chỉ ở mức trung bình thôi (1080p, dài khoảng 5 phút), nhưng cũng không thể phủ nhận chiếc Galaxy S22 Ultra đã làm tốt khi render nó ra hết sức mượt mà.
Tới đây thì hẳn sẽ có anh em thắc mắc rằng, cứ xuất video như vậy thì có lo nóng máy, hết pin không. Đây là nỗi lo mà mình thấy rất thực tế, và kể cũng may là Samsung đã trang bị cho Galaxy S22 Ultra viên pin lên tới 5000 mAh cùng khả năng sạc nhanh tới 45W. Điều này sẽ có thể giúp thiết bị của bạn trụ được đủ lâu cho một ngày dài, vừa làm vừa quay, mà nếu có cần pin để trở lại nhanh chóng thì vẫn sẽ có cách.
Còn về nhiệt độ thì với mình, máy sẽ ở mức ổn thôi: Có nóng lên nhanh ở gần cụm camera lúc quay chụp, nhưng hạ nhiệt cũng dễ và duy trì ở mức chấp nhận được.
Tạm kết
Theo quan sát của mình, thường nếu dùng smartphone để làm video hiện nay thì đó sẽ là các bạn GenZ hay GenY - với những sản phẩm là video TikTok, story,.. thật chất để truyền tải ý tưởng. Và nhìn lại những trải nghiệm kể trên, những sản phẩm như Galaxy S22 Ultra hoàn toàn có thể trở thành công cụ lý tưởng để sản xuất nội dung mọi lúc, mọi nơi. Phần cứng mạnh mẽ không lo giật lag, S-Pen thì cũng rất nhiều ứng dụng tiềm năng,... Một người làm sáng tạo hiện đại còn mong muốn gì hơn thế nữa?