article detail

Thử nhảy từ laptop Windows sang Macbook và cái kết...

Hoang Nguyen
1 năm trước
Cập nhật 1 năm trước
Cũng tại vì con lap Windows hết sạch pin, nên mình tranh thủ dùng thử con Macbook Air mới về trên văn phòng xem sao...

Mình là một người dùng Windows hardcore chính hiệu. Suốt từ những ngày biết cách sử dụng máy tính đến giờ đã ngót nghét 18 năm, mình luôn cảm thấy cực kì thoải mái với hệ sinh thái ứng dụng của nhà cửa sổ, khi tất cả mọi thứ đều cài đặt tương đối dễ dàng, máy tính luôn có đầy đủ mọi thứ mình cần, từ những phần mềm đồ họa như Adobe hay đống game mình vẫn thường chơi hàng ngày. Nhưng có một điều mà anh em hay kể cả mình để ý đó là dạo gần đây, các nhà sản xuất laptop Windows hay thậm chí chính Microsoft cũng đang học hỏi tư duy thiết kế của nhà Táo để phát triển cho hệ điều hành cũng như phần cứng máy tính của mình. Mình vẫn ngày đêm thắc mắc là hệ điều hành của táo có gì mà khiến các hãng phải học hỏi, hay như Macbook có gì mà các hãng từ nhỏ đến lớn vẫn đổ xô đi định nghĩa lại, và liệu Macbook có học hỏi gì từ những đối thủ hay không?

Nhân tiện khi con laptop Windows của mình hết pin và đang chờ cắm để sạc lại, mình cũng tranh thủ tìm hiểu để trả lời cho những thắc mắc cho chính bản thân mình trên chiếc Macbook Air M2 mới về được gần 1 tuần trên văn phòng của ThinkView. 

Những ấn tượng ban đầu và những định kiến cố hữu

Mình chưa bao giờ dùng Mac với 1 thời gian dài, nhưng trên tay trải nghiệm thì chắc là không hề thiếu. Những con Mac ngày trước có thiết kế sexy mỏng nhẹ, có màu khá là... sang, điều mà khá ít con laptop Windows làm được tại thời điểm ấy. Những đường vát cạnh chéo khiến mình cực kì ấn tượng về chất lượng hoàn thiện thì số 2 ít ai dám nhận là số 1, với thiết kế nhôm nguyên khối được cắt kim cương. Nhưng đây cũng chính là điểm mạnh và cũng là điểm yếu chết người của nó. Thiết kế mỏng nhẹ thì đẹp thật, nhưng nó cũng khiến cho con máy bị giới hạn về khả năng tản nhiệt, bởi vì trước đó không có những con chip M series mà là những con chip Intel truyền thống. Làm tác vụ nặng là đủ sức vút lên 100 độ C như chơi.

Cộng thêm, thiết kế cắt kim cương sắc lẹm như vậy tuy đẹp nhưng nó lại không hề thân thiện với tay mình một tí nào. Mình khá dám chắc là anh em sẽ bảo mình là ai dùng laptop mà lại cầm trên tay, nhưng mà khi các bạn đem đi di chuyển giữa các phòng thì các bạn sẽ cầm nó trên tay, thì các bạn đúng nghĩa sẽ thấy được là nó cứa vào tay gây khó chịu tới mức nào. Đoạn mép phần kê tay cũng sắc lẹm không kém, tì lên thì thôi nó hằn rõ luôn ý. 

Và một cái nữa, mình là 1 gamer. Không chuyên nghiệp nhưng chơi là chắc chắn có. Mình thường xuyên chơi Valorant, CSGO, các game trên steam, Epic hay Origin mình cũng có tương đối nhiều và hầu hết đều đã chơi qua. Chưa kể, việc mình cũng có chiếc PC Game pass nữa, khiến mình chơi được nhiều game hơn. Cũng vì vậy mà mục tiêu của mình luôn là những chiếc máy gaming, mặc dù dạo này nó được thiết kế mỏng nhẹ hơn, nhưng nếu so với Macbook thì vẫn giống như so sánh 1 quyển sách bìa cứng và 1 quyển từ điển bìa mềm ý. Mặc dù không có thiết kế chanh sả như Macbook nhưng điều đó cũng giúp cho hiệu quả tản nhiệt của những chiếc laptop gaming và những chiếc máy chạy hệ điều hành Windows nói chung cực kì tốt, và có thể nói là đỡ nóng hơn so với đại kình định nhà Táo. 

Thử "ăn ngủ" với Macbook.

Đợt vừa rồi, chiếc Macbook Air mới ra mắt gần như thay đổi quan điểm của mình về một chiếc laptop mỏng nhẹ. Nó được làm theo thiết kế có phần cục mịch hơn, mặc dù nếu so sánh thì nó cũng ít dày hơn so với Macbook Air kiểu cũ. Macbook Air M2 cũng được trang bị con chip Apple M series, vốn là một con chip ARM được tối ưu tốt để "đả bại 98% laptop Windows có mặt trên thị trường" như lời táo nói. Nó cũng có thiết kế thân thiện hơn một chút với sự bo tròn nhẹ nhàng ở phần dưới đáy máy thay vì... vát chéo như thế hệ cũ. 

Bàn phím cũng được đem trở lại là bàn phím Magic Keyboard theo kiểu cắt kéo hơn là bàn phím cánh bướm như thế hệ năm 2016 khiến mình cảm thấy thích thú. Gõ thử trên bàn phím cánh bướm cho mình cảm thấy rất là ba chấm, vì nó gần như không có độ sâu của bàn phím, gõ cảm giác không thật, giống như bạn đang bấm vô số cái nút có trên bàn phím hơn là bạn đang gõ từng phím. Trải nghiệm bàn phím của Mac có layout hợp lí, cho mình cảm giác lại sự quen thuộc khi gõ trên những chiếc bàn phím laptop Windows. Có một điều là mình vốn là một người dùng Windows, nên mình vốn đã quen các phím tắt của Windows vốn dựa trên phím Ctrl, nên khi sang đây mình cứ bị nhầm với chức năng phím Ctrl trên Windows, trong khi các thao tác của Macbook chủ yếu dựa trên phím Command cơ. 

Tiếp theo là touchpad, thứ khiến mình cực kì mê mẩn trước giờ từ 1 chiếc Macbook. Cũng khó hiểu mặc dù Windows Precision Touchpad đã xuất hiện từ những ngày đầu của Windows 10, nhưng công nghệ haptic touchpad của Windows thì đến giờ chỉ có 2 chiếc là Surface Laptop Studio và Dell XPS 13 Plus làm, còn lại đến giờ thì vẫn theo kiểu touchpad có từ những năm 2015-16, trong khi touchpad của Macbook đã được bổ sung Force Touchpad và Taptic Engine, để nó mô phỏng lại những cú click chuột, và thao tác như một màn hình cảm ứng. Nhưng thao tác vuốt và hiệu ứng chuyển cảnh của macOS là điều khiến mình phải bất ngờ vì sự mượt mà và hợp lí, chứ nó không giật cục như ông Windows. 

Thế nhưng điều out trình tất cả đó là màn hình của con Macbook, vốn có độ phân giải khá là cao, độ sáng lớn và đặc biệt hơn nó là tấm nền 10-bit màu, khiến cho những gì hiển thị trước mặt mình cực kì rực rỡ và sáng hơn nhiều so với tấm nền 8 bit vốn được sử dụng trên những chiếc laptop Windows, còn về độ sáng thì mình đã được thấy trên những chiếc ultrabook như Zenbook hay những chiếc laptop có màn hình OLED rồi. Có thể màn hình của chiếc Macbook Pro 14 2021 sẽ rực rỡ hơn vì nó là tấm nền miniLED, nhưng nó cũng khiến cho nó cực kì đắt đỏ. Những con laptop dùng màn hình OLED bên nhà Windows cũng vậy, đến giờ phân khúc giá mới được hạ xuống hợp lí hơn. Những chiếc máy gaming của Windows thì phải phân khúc tầm tiền như con này mới có màn hình đẹp, nhưng mình cảm giác nó chắc chắn không đẹp như con này được. 

Còn tai thỏ ư? Điều đó làm mình khá là khó chịu. Lí do mà Apple đưa ra cho lựa chọn màn hình tai thỏ đó là để nhét cụm camera 1080p lên, nhưng điều đó không làm mình thấy hợp lí bởi vì, cái cụm tai trâu trên Macbook to vãi đạn. Những chiếc laptop Windows có viền mỏng hơn nhiều nhưng vẫn có thể nhét webcam 1080p vào vị trí đó, nên mình nghĩ Apple cố tình làm vậy để "đồng phục" thiết kế cho những chiếc Macbook mới. 

Việc đầu tiên mình làm trên chiếc Macbook này đó là việc chuẩn bị content, và theo mình đó vẫn là thế mạnh của những chiếc Macbook Air chạy M series. Nền tảng M2 trên Macbook cũng tương tự như vậy, khi mình gõ bài trên app CRM cực kì nhạy và rõ ràng, kể cả sau một thời gian dài. Mình không rõ trên con laptop Windows của mình có phải gặp vấn đề hay không, nhưng chắc chắn là độ mượt không thể bằng con này được. Mình đảo Desktop liên tục thì rất là mượt mà, thường mình đảo desktop để có thể chuyển đổi cửa sổ làm việc trên Mac, một bên là CRM, Telegram và các website tìm thông tin, một bên là mạng xã hội để chia sẻ bài lên Facebook Group và Page một cách nhanh chóng nhất. 

Tuy vậy, việc chia đôi màn hình của macOS vẫn còn phải xách dép với Windows nếu so với độ tùy biến. Nhà cửa sổ có thể chia 4 cửa sổ một cách trực quan, hoặc bạn có thể di chuyển cưả sổ lên phía trên để nó nhả ra cửa sổ chia màn hình rất trực quan, còn với Mac, bạn chỉ có 3 tùy chọn, full màn hình, trái và phải, và không có những tùy chỉnh cho cửa sổ làm việc như ông Windows được. Gần đây có Stage manager, nhưng bạn không thể thao tác trực tiếp được mà chỉ có thể nhìn xem nó đang làm gì mà thôi. 

Nhưng ngoài công việc đó ra, thì thi thoảng trong lúc làm việc mình có chơi 1 chút game giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, đó là nền tảng Windows, còn trên macOS, việc chơi game gần như là không tồn tại, trừ khi bạn muốn bắn Angry Birds trên Macbook. Apple cũng có chút gỡ gạc để tận dụng GPU hiệu suất cao của mình cho tác vụ gaming với MetalFX 3, là câu trả lời của Táo Khuyết cho AMD FidelityFX hay NVIDIA RTX, thế nhưng Táo không phải là AMD hay NVIDIA vốn đã quá mạnh với những chiếc Radeon RX hay Geforce RTX, phục vụ cho cả 1 nền công nghiệp lớn, nên họ đến giờ chỉ có No Man's Sky và Resident Evil Village là được tận dụng cái nhân này. Nhưng nhìn chung mình không game trên con này vì một phần nó không được hỗ trợ, chỉ còn các game mobile thông qua Apple Arcade mà thôi, mà game mobile thì chơi trên iPhone vẫn hơn chứ nhỉ. 

Chán vì không được game, mình quay sang làm bài tập trên Office, với bộ Word và PowerPoint. Bình thường mình vẫn thường xuyên làm với bộ công cụ này bởi vì nó có nhiều tính năng chuyên biệt hơn Google Docs, và đặc biệt là nó có nhiều những tùy chỉnh nâng cao để trình bày tài liệu cho đẹp hơn, cộng thêm mình có sử dụng Microsoft 365 để sử dụng tối đa những template và hiệu ứng độc quyền. Thế nhưng đó lại là điểm yếu chí tử của Mac, khi nó không có nhiều những tính năng nâng cao để có thể tùy biến tài liệu sao cho nó đẹp và chuyên nghiệp hơn. PowerPoint thì cũng không ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng ở Excel thì thôi... quên đi. Nói chung là trải nghiệm làm việc trên Office của Microsoft khá là đần, nếu bạn chỉ làm cơ bản thì oke, nhưng nếu tính đến chuyện làm những tài liệu chuyên nghiệp hơn hay làm nhiều về Excel thì mình nghĩ nên để đó cho những chiếc máy tính Windows. 

Thôi thì quay xe sang bộ công cụ của Adobe. Ơ nhưng mà làm gì có tiền để mua nên chắc phải cài crack rồi... Vì những tính năng bảo mật của macOS nên việc cài những ứng dụng crack khá là khó, thường phải can thiệp tắt SIP và Gatekeeper, nên đến giờ mình đang chưa dùng được bộ công cụ này. Nó không đơn giản như chỉ cần tắt Windows Security bên laptop Windows, nên mình khá là ... ngại vì là máy đi mượn mà. Nên nếu các bạn có ý định dùng Mac, thì nên mua bản quyền hoặc lưu ý những tính năng bảo mật liên quan tới phần cứng nha. 

Kết luận

Sau những tháng ngày đã ăn ngủ với hệ điều hành Windows, và cũng phải sau một thời gian dùng thử, thì mình nghĩ đã đến lúc mình nên quay về Windows dùng. Mặc dù cái touchpad rất mượt và màn hình rất đẹp, nhưng những giới hạn về phần mềm hay dùng hay như không chơi được 96% các game đang có trên thị trường sẽ không khiến mình chuyển sang đồ nhà Táo. Nhưng đối với những người làm văn phòng cơ bản và không phụ thuộc nhiều vào bộ Microsoft Office, hay các content creator lệ thuộc nhiều vào bộ Adobe, thì việc sử dụng Mac sẽ vẫn là lựa chọn được ưu tiên vì tính ổn định của nó. Còn bảo cái gì dễ dùng hơn, điều đó sẽ tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. macOS trực quan và rõ ràng hơn, nhưng Windows có nhiều tùy chỉnh sâu và đơn giản hơn. Nhưng đối với mình, mình sẽ vẫn tiếp tục gắn bó với Windows, ít nhất là trong 1 khoảng thời gian tương đối dài nữa.

 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập