Tin tưởng Google Maps, hai thanh niên Nga bỏ mạng tại con đường "tử thần thường đi dạo"

Thầy thuốc nhân dân
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Có vẻ như câu nói: "không biết thì hỏi Google không phải lúc nào cũng đúng"...nhất là lúc hỏi đường.

Thời tiết Hà Nội hiện nay đang là 14 độ và nó đủ để khiến tay chân chúng ta lạnh toát. Vậy mà đã có 2 thanh niên người Nga đã phải trải qua cái lạnh gần -60 độ C trong một tuần. Một người đã phải nằm xuống, còn một người có thể sống sót một cách thần kỳ mặc dù đang trong giai đoạn nguy kịch. Nguyên nhân không phải là do bất kì vụ tai nạn thông thường nào ập xuống đầu họ mà lại là do Google Maps.

Sergey Ustinov và Vladislav Istomin đều là các thanh niên 18 tuổi. Họ xuất phát từ Yakutsk đến Magadan trên một chiếc Toyota Chaser với hành trình gần 2000km. Nếu theo một ứng dụng chỉ đường phổ thông tại Nga tên là Yandex Maps thì quãng đường là 1900km đi qua cao tốc liên bang Kolyma qua Ust-Nera. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, họ lại sử dụng Google Maps, và ứng dụng này lại cung cấp một lộ trình ngắn hơn (chỉ 1733km). Đây cũng được gọi là con đường lạnh lẽo nhất trên trái đất.

Điều đáng nói là, tuy lộ trình thì ngắn hơn nhưng con đường này đã bị bỏ hoang từ năm 1970 với tuyết bao phủ toàn bộ địa hình. Đây là con đường được xây dựng từ thời Stalin, bắt đầu vào năm 1932 bởi các tù nhân chính trị. Con đường được xây dựng trên lớp băng vĩnh cửu có kết cấu được tạo bởi sỏi và xác những người công nhân làm đường chết đi. Ước tính có hơn ¼ triệu người đã ngã xuống khi xây dựng con đường này bởi sự khắc nghiệt của thời tiết.

Chính quyền đã nâng cấp tuyến cao tốc này và sử dụng một con đường vòng đi qua thị trấn Ust-Nera dài 420km, con đường cũ 200km đã bị bỏ hoang hoàn toàn. Và chính Google Maps là ứng dụng đã đưa 2 thanh niên trẻ nước Nga đi vào con đường đó.

Sau khi đi vào con đường 200Km phủ đầy tuyết và rác, chiếc xe của 2 thanh niên này đã bị vấp phải một khúc gỗ, một cây đinh đã làm hỏng hệ thống tản nhiệt của xe. Do đây là con đường bị bỏ hoang nên không có ai rảnh rỗi đi ngang qua để cứu giúp họ. Hệ thống di động cũng không thể phủ sóng ở khu vực này nên cũng không thể gọi cứu hộ. Phải cho đến khi được thông báo mất tích, 2 thanh niên này mới được tìm thấy. Sergey thì đã tử vong do lạnh, còn người bạn Vladislav Istomin thì rơi vào tình trạng nguy kịch do hạ thân nhiệt và chân tay tê cóng.

Qua câu chuyện đáng buồn này chúng ta cũng không thể trách cứ một ứng dụng chỉ đường miễn phí như Google Maps. Sẽ có những “điểm chết” trên trái đất mà Google Maps không thể đem lại kết quả chính xác hoặc bị lỗi thời. 

Bởi vậy, nếu có ý định đi đến một nơi nào đó mà bạn chưa hề biết đến, đừng quá phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ, hãy tìm hiểu về đường đi thật kĩ lưỡng hoặc hỏi những người có kinh nghiệm để có một chuyến đi an toàn nhé!

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập