article detail

Tôi đặt niềm tin vào RTX 2050!

Minh Cận
1 năm trước
Cập nhật 1 năm trước
Ra mắt với các thông số không được đẹp đi kèm với những ý kiến không mấy tích cực từ cộng đồng. Nhưng, bản thân mình lại thấy đây là động thái tích cực từ NVIDIA.

RTX 2050 được giới thiệu vào tháng 12 năm ngoái. Đi kèm đó là các đánh giá không mấy tích cực từ cộng đồng. Lí do là các thông số và công nghệ mà đi kèm không quá tốt nếu đặt trong hệ quy chiếu với các dòng RTX, hay thậm chí là với cả GTX 1650. Nhưng đứng dưới quan điểm của một người dùng sáng tạo, bản thân mình lại thấy đây là những động thái tích cực của NVIDIA. Và mình sẵn sàng đặt niềm tin vào RTX 2050, bởi với mình, đây chính là người tiên phong của NVIDIA trong các dòng sản phẩm nhắm đến đối tượng người dùng sáng tạo.

Để hiểu rõ hơn về quan điểm mình đưa ra thì sau đây hãy cùng mình ngắm nghía về thông số, cũng như xem qua các phân tích và dự đoán của mình nhé. 

Thông số phần cứng

Đây là ảnh chi tiết phần cứng mình lấy từ trang chủ của NVIDIA.

Để dễ hình dung hơn nữa, hãy cùng đặt nó vào trong hệ quy chiếu với RTX 3050 và GTX 1650.

Nhìn vào thông số trên, chắc anh em cũng hiểu tại sao RTX 2050 lại nhận được các phản hồi kém tích cực đến từ cộng đồng rồi đúng không. Thông số thì không quá nổi bật, lại còn bị cắt giảm nhiều tính năng như: G-sync, hay xuất màn hình rời. Nhưng bản thân mình lại có những dự đoán và quan điểm khác, và sự thật thực tế thời điểm hiện tại đã chứng minh được phần nào quan điểm của mình là đúng. 

Quan điểm của mình đưa ra ở đây chính là: RTX 2050 là một trong những chiếc card đồ họa đầu tiên đánh trực tiếp vào thị trường của người dùng sáng tạo. Trong tương lai, nhiều khả năng sẽ còn tiếp những sản phẩm như thế này được tạo ra để đáp ứng cho một bộ phận người dùng cũng đang có xu hướng gia tăng trong thời gian các năm gần đây.

Phân tích và dự đoán

Đầu tiên sẽ là nhận định của mình trong việc chơi game. Số nhân CUDA core nhiều bằng RTX 3050. Nhưng xung, độ rộng bộ nhớ và băng thông lại thấp hơn cả GTX 1650. Dễ hiểu khi RTX 3050 chắc chắn cho ra mức hiệu năng cao hơn. GTX 1650 dù có hiệu năng kém hơn nhưng lại có mức giá hiện tại rất rẻ. Từ các nhận định này, anh em và mình đều nên chốt 1 ý ở đây rằng: Mức hiệu năng trên giá thành (p/p) của RTX 2050 chưa tốt nếu để chơi game.

Nhưng NVIDIA sẽ không bao giờ làm gì chỉ để cho có cả. RTX 2050 chắc chắn sẽ có những khả năng riêng của nó. Đầu tiên, ở ngay cái tên, RTX 2050 chắc chắn sẽ là quân bài được sử dụng để “phổ cập Ray Tracing đến mọi nhà”. Có nghĩa chúng ta sẽ có những chiếc laptop Ray Tracing ở cả mảng ultrabook hay gaming, với các mức giá được giảm dần hơn so với RTX 3050. À thì mặc dù hiện tại những em laptop có 2050 đang có giá không quá tốt. Nhưng chủ yếu nó đắt là vì đi kèm các mẫu laptop mới và intel 12th chứ không phải do bản thân nó đắt. Hiện nay các mô hình cần đến nhân RT core, Tensor core, hay có sử dụng DLSS cũng ngày càng nhiều, các dòng RTX được hỗ trợ các tính năng này chắc chắn sẽ có ưu thế và được hỗ trợ lâu dài bởi NVIDIA.

Tiếp đến hãy nói kĩ hơn về các thông số. Đầu tiên chúng ta có lượng nhân CUDA nhiều, đi kèm là mức xung không quá cao nhưng ở mức ổn, lượng điện tiêu thụ thấp hơn so với GTX 1650 và RTX 3050. Dự đoán được ngay, em này sẽ không tỏa ra quá nhiều nhiệt. Đồng thời, việc không xuất ra được màn hình rời trực tiếp chính là một “đặc trưng” của dòng MX. Từ đây thì hẳn trong đầu anh em đã hình dung ra hình ảnh của những chiếc laptop mỏng nhẹ rồi đúng không nào? Nhưng do hiệu năng chơi game sẽ cần đến băng thông bộ nhớ, điện năng tiêu thụ cũng quan trọng thế nên những chiếc laptop mỏng nhẹ ở đây sẽ không phải các mẫu gaming mỏng nhẹ mà sẽ thiên hướng về các dòng laptop dành cho dân sáng tạo nội dung, anh em làm về thiết kế, chỉnh sửa hình ảnh, video.

Thực tế thì trên đây đã là những nhận định của mình từ khoảng cuối năm ngoái khi em này vẫn còn là tin đồn. Năm nay thì với các mẫu laptop như Xiaomi Mi Notebook Pro 14&16, Redmi Book, ThinkPad Neo hay ThinkBook 16+ cũng đã giúp khẳng định được dự đoán của mình là có cơ sở chứ không chỉ là suy luận suông.

Mang trong mình các đặc trưng của dòng GPU MX, đồng thời đem lại hiệu năng và công nghệ vượt trội, chắc chắn RTX 2050 có thể sẽ đẩy dòng MX xuống phân khúc thấp hơn, thậm chí với ý nghĩ táo bạo hơn là sẽ thay thế hẳn cho MX theo nhận định của mình trong tương lai. Thì chắc chắn, đây sẽ là thứ giúp ích nhiều trong công việc hơn là trong vấn đề giải trí. 

TỔNG KẾT

Chốt lại cho câu hỏi được đặt ra từ ban đầu: Tại sao mình lại đặt niềm tin vào RTX 2050? Đó chính là bởi vì động thái của NVIDIA đã bắt đầu để ý hơn đến nhóm người dùng thiên về sáng tạo nội dung (và trong này thì có mình). Mình tin đây chính là nhóm đã đóng góp công sức rất nhiều trong việc đem công nghệ đến với đại chúng. Thay vì luôn phải “mượn” phần cứng của anh em game thủ rồi nhét vào mấy em ultrabook “có tản tốt hơn một chút”. Bây giờ đây, chúng ta đã có những cái tên tiên phong. Bây giờ RTX 2050 và sau này sẽ còn thêm nhiều nữa. RTX 2050, đúng, nó chưa tốt ở hiệu năng, nhưng đã làm tốt với tư cách người dẫn đầu. Và tin mình đi, những đàn em kế nhiệm nó rồi sẽ còn mang đến cho chúng ta nhiều bất ngờ.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập