Tóm tắt phần 2 sự kiện AMD "Where Gaming Begins": Sức mạnh khó tin của RDNA2 và RX 6000
Đêm qua (28/10) theo giờ Việt Nam, AMD đã lên sóng phần 2 của series “Where Gaming Begins”. Lần này, “đội Đỏ” tập trung vào việc thuyết trình về chi tiết của series card đồ họa RX 6000, thứ được cho sẽ là vũ khí của hãng để đối chọi với những con quái vật RTX Ampere của NVIDIA.
Và vẫn như phần 1 nói về CPU Ryzen 5000, điểm chưa thỏa mãn duy nhất của sự kiện vẫn nằm ở thời lượng hơi ngắn. Nếu kết quả thực tế đúng như những gì CEO Lisa Su phát biểu, cán cân trên mặt trận card đồ họa rất có thể sẽ đổi chiều trong tương lai gần.
RNDA2: Bước nhảy vọt về hiệu năng so với RDNA
Mở đầu buổi thuyết trình, bà Lisa Su đã giới thiệu sơ lược về GPU Big Navi - “trái tim” của các sản phẩm RX 6000, được tạo thành bởi 26,8 tỉ bóng bán dẫn trên tiến trình 7nm. Với nhân tính toán (Compute Unit – CU) kiểu mới với hiệu năng vượt trội, đồng thời tiết kiệm 30% điện năng tiêu thụ so với nhân cũ.
Bên cạnh đó, đại diện của AMD cũng đã giới thiệu về Infinity Cache – công nghệ mới dựa trên cấu trúc L3 Cache của Ryzen. Infinity Cache được sinh ra với vai trò giảm nghẽn băng thông VRAM, qua giảm tối đa độ trễ và tối ưu hoá điện năng tiêu thụ của card đồ hoạ. Với Infinity Cache, một GPU AMD dù với băng thông 256-bit vẫn sẽ mạnh hơn gấp đôi một GPU với băng thông 384-bit truyền thống, trong khi tiêu thụ điện ít hơn. Dường như với năm nay, AMD đã chú trọng rất nhiều vào khâu giảm độ trễ trong truyền dẫn dữ liệu trên cả CPU lẫn GPU.
Xung nhịp cũng là một điểm được cải thiện trên RDNA2. Vẫn tiến trình 7nm, nhưng RDNA 2 cho xung nhịp nhanh hơn 30% so với RDNA, qua đó dẫn đến hiệu năng tổng thể nhỉnh hơn thế hệ tiền nhiệm 54%.
Về các tính năng phụ trợ mới: RDNA 2 sẽ chính thức hỗ trợ Microsoft DirectX 12 Ultimate, với những tính năng như DirectX Ray Tracing, Variable Rate Shading, Mesh Shaders và Sampler Feedback. Cộng thêm đó là việc hỗ trợ Microsoft DirectStorage API, với công dụng giảm tốc độ tải asset của game trên các mẫu SSD dung lượng cao.
RX 6800 XT: Đại diện đầu tiên của RX 6000 series
Tiếp theo đó, AMD đã trình làng đại diện đầu tiên của RX 6000 series: RX 6800 XT. Với 72 CU, xung nhip dao động từ 2015 – 2250 MHz khi gaming, 128MB Infinity Cache cùng 16GB VRAM GDDR6; RX 6800 XT hứa hẹn sẽ đủ mạnh để “cân” mọi tựa game ở thời điểm hiện tại 4K Ultra Settings.
Đáng chú ý, tổng điện năng tiêu thụ của RX 6800 XT chỉ là 300W – tiết kiệm hơn so với 320W RTX 3080, trong khi hiệu năng cho ra là bằng hoặc hơn đối thủ ở hầu hết các tựa game 4K và 2K.
Ngoài ra, mức giá bán ra của RX 6800 XT sẽ là 649 Đô-la Mỹ, rẻ hơn 50 Đô-la so với đối thủ trực tiếp RTX 3080. Một pha “vỗ mặt” khá đau với dòng card có hiệu năng / giá thành tốt nhất của NVIDIA lúc này.
Tiếp theo đó, tùy chọn RX 6800 cũng được AMD đề cập, với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với RTX 2080Ti. Mức giá bán ra của RX 6800 sẽ là 570 Đô-la Mỹ.
RX 6900 XT: Vượt mặt RTX 3090, mức giá bất ngờ
“Chúng tôi luôn để dành những điều tuyệt nhất tới sau cùng”, đó là những gì CEO Lisa Su đã chia sẻ với người xem. Và “điều tuyệt nhất” này không gì khác chính là RX 6900 XT – “chủ bài” của AMD trong cuộc chiến card đồ họa năm nay. Về mặt thông số, RX 6900 XT gần như tương tự RX 6800 XT, tuy nhiên sẽ có số nhân tính toán nhiều hơn (80 so với 76).
Khi so sánh với thế hệ tiền nhiệm, hiệu năng trên mỗi W điện của RX 6900 XT nhỉnh hơn đến 65%. Với sức mạnh mới này, RX 6900 XT đã có thể so ngang với RTX 3090 của NVIDIA trên mặt trận gaming 4K. Đáng chú ý, mức điện năng tiêu thụ của RX 6900 XT vẫn đang dừng lại ở 300W – rất đáng nể.
Và về giá bán của 6900 XT, AMD còn tạo nên một cú sốc lớn hơn với 999 Đô-la, rẻ hơn tới 500 Đô-la so với đối thủ RTX 3090. Vừa bị đuổi kịp về hiệu năng, vừa bị vượt mặt về giá thành, RX 6900 XT hứa hẹn sẽ đặt một áp lực cực lớn đặt lên vai NVIDIA. Liệu với showcase công bố sản phẩm mới sắp diễn ra, “đội Xanh” sẽ có chiến lược gì để đối phó với RX 6900 XT và RX 6000 series nói chung?
Cuối cùng, về thời gian mở bán, RX 6800 và RX 6800 XT sẽ ra mắt thị trường vào ngày 18/11. Trong khi đó, người dùng sẽ có cơ hội sở hữu “quái vật” RX 6900 XT kể từ ngày 8/12.
Và đó là tất cả những gì đã diễn ra trong phần 2 của chuỗi sự kiện “Where Gaming Begins” của AMD. Bạn đọc thấy sao về RDNA2 và RX 6000 series? Hãy cùng bàn luận với ThinkView nhé.