TP-Link Archer AX11000: Trải nghiệm "Oai-phai" xịn như ở Dubai
Cuộc sống hiện đại ngày nay, hầu hết mọi sản phẩm công nghệ đều cần đến kết nối Internet. Quá nhiều kết nối trong cùng một thời điểm có thể tạo nên gánh nặng cho một bộ định tuyến. Thật buồn nếu như đúng vào cái thời điểm mà bạn đang say sưa trong một trận đấu, một bộ phim 4K cực kì mùi mẫn, hay một cuộc họp quan trọng và… BÙM! Mất kết nối, văng ra khỏi internet, lag v.v…những rắc rối về hệ thống mạng sẽ kết thúc một ngày của bạn với sự bực tức cũng như nhiều điều không vui khác.
Khi đó, bạn nghĩ rằng gói mạng bạn đang sử dụng không đủ hoặc găp vấn đề về đường truyền, điều đó có thể đúng nhưng cũng có thể nguyên nhân không đến các nhà cung cấp dịch vụ. Mặc dù bạn có lựa chọn những gói mạng có giá trị cao hơn, điều đó không có nghĩa là mọi chuyện ở trên sẽ được giải quyết theo hướng mà bạn mong muốn. Thực tế, bạn đang cần một chiếc router mạnh mẽ hơn để có thể hệ thống mạng của mình hoạt động trơn tru nhất.
Vì mỗi gia đình sẽ có nhu cầu khác nhau, số lượng thiết bị khác nhau và độ phủ của sóng Wifi cũng khác nhau nên chiếc router thực sự phù hợp của mỗi gia đình không phải là giống nhau. Nhưng, bạn hãy thử đưa ra giả định rằng tiền không phải là vấn đề đối với bạn thì một chiếc router wifi nào sẽ là phù hợp nhất? Xin chào mừng bạn đã đến với hội nhà giàu tại Dubai, bởi vì kể cả có giàu có tới cỡ nào thì chiếc router wifi cũng chẳng thể vượt qua được con số này. Đó chính là chiếc TP-Link Archer AX11000 trị giá tới gần 13 triệu đồng.
Tại sao một chiếc router ở mỗi gia đình chỉ có vài trăm ngàn đến một hoặc hai triệu đồng là có thể sử dụng được bình thường mà chúng ta lại cần đến một cỗ máy khủng khiếp và đắt đỏ đến vậy? Thực ra khi việc dùng được và dùng tốt đối với một hệ thống mạng trong gia đình là hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Khi bạn đang sống một cuộc sống có ít những thiết bị kết nối internet trong nhà, ví dụ như một chiếc máy tính, một chiếc TV và một vài cái điện thoại thông minh. Chỉ nhiêu đó thôi thì tất nhiên là cũng không làm khó được chiếc router bình thường trong tầm giá dưới hai triệu đồng.
Nhưng tất nhiên, ai cũng mong muốn cuộc sống của mình tiện nghi hơn, phong phú hơn và tốt hơn về mọi mặt. Đó là lý do để những sản phẩm thông minh xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường để cho bạn lựa chọn. Bạn muốn giải trí “xịn” hơn, thưởng thức những nội dụng 4K, 8K đang ngày một nhiều, bạn muốn chơi những tựa game có sức hút trên thị trường, hay là bạn muốn ngôi nhà của mình thông minh hơn. Lúc đó bạn sẽ trang bị cho mình những sản phẩm cao cấp hơn trên thị trường.
Khi số lượng và chất lượng sản phẩm tăng lên thì kết nối không dây càng được chú ý nhiều hơn, hay thậm chí là gia đình bạn có thêm những thành viên mới chẳng hạn. Gánh nặng trên một chiếc router thông thường là rất lớn, hiện tượng lỗi mạng, giật lag khi trải nghiệm và những rắc rối về thông lượng đường truyền sẽ diễn ra thường xuyên hơn, đơn giản nhất là khi chiếc router của bạn còn không thể đáp ứng được nhu cầu đường truyền mạng của duy nhất một thiết bị.
Không chỉ ảnh hưởng đến đường truyền mạnh internet, ngay cả những giao tiếp nội bộ trong hệ thống mạng gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu router wifi của bạn không đủ mạnh. Gia đình mình có thể là một ví dụ trực quan nhất của một ngôi nhà với nhiều thiết bị thông minh trong gia đình có sự tương tác lẫn nhau. Sống trong một hệ sinh thái Apple với hầu hết các thiết bị như máy tính, điện thoại, và máy tính bảng cũng như một số món đồ khác là một điều tuyệt vời bởi khả năng liên kết giữa chúng là vô cùng chặt chẽ. Một số tính năng được mình thường xuyên sử dụng là Airdrop, Sidecar, AirPlay là những tính năng có sự trao đổi tương tác giữa hai hay nhiều thiết bị với nhau. Khi đường truyền mạng nội bộ không thể đáp ứng được nhu cầu trao đổi giữa các thiết bị đó thì thật sự là một điều vô cùng khó chịu.
Và còn rất nhiều những hệ sinh thái tương tự như vậy hoặc thậm chí phức tạp hơn như Samsung và khối sản phẩm gia dụng thông minh đồ sộ của họ, LG và tính năng ThinQ trên những chiếc điều hoà không khí, máy giặt và tủ lạnh nữa. Khi bạn sống một cuộc sống tiện nghi với những sự liên kết thì bạn không thể thiếu một hệ thống mạng mạnh mẽ
Đó là lúc bạn nên nghĩ đến việc sử dụng những chiếc router mạnh mẽ hơn. Và càng mạnh thì càng đắt tiền là lẽ đương nhiên, chiếc TP-Link Archer AX11000 với sức mạnh khủng khiếp như vậy sinh ra cũng không phải là để khoe mẽ công nghệ hay dành cho những người lắm tiền nhiều của về trưng cho đẹp, nó thực sự có ích với rất nhiều gia đình hoặc tổ chức ngày nay.
Ấn tượng đầu tiên của mình khi nhìn vào chiếc router wifi TP-Link Archer AX11000 này không phải ở mức giá, mà là sự đồ sộ và phức tạp của nó. Một thiết bị mạng cực kì hầm hố, góc cạnh, với kích thước thì không phải là nhỏ, dù có tìm kiếm một mặt phẳng để đặt được nó thì bạn cũng phải tìm những vị trí có không gian tương đối lớn một chút. Mặc dù các nhà thiết kế cho phép bạn treo nó lên tường hay treo ngược trên trần nhà để tiết kiệm diện tích thì trông nó cũng không thực sự hợp lý như việc bạn đặt nó trên một chiếc bàn hoặc một cái tủ đủ rộng.
Bên cạnh lý do về phần thân máy đồ sộ ấy thì phải kể đến một chút về những chiếc antenna hiệu suất cao của TP-Link được trang bị trên Archer AX11000, nó lớn và đẹp, những 8 cái lận. Tại sao lại phải nhiều vậy nhỉ? Tất nhiên là để thực hiện các tính năng cao cấp của một sản phẩm router hiệu năng cao rồi. Không chỉ tạo độ phủ sóng rộng lấp đầy các góc chết của một không gian, những cột sóng ấy còn có nhiệm vụ hỗ trợ những tính năng ăn tiền như 4x4 MU-MIMO, Beamforming, OFDMA v.v… Thế nhưng, tại sao nó lại phải được gắn cố định trên chiếc router này mà không thể chuyển hướng nhỉ, đó là điều mà mình vẫn thắc mắc. Và cũng bởi vì nó không thể lái theo một hướng khác nên việc treo lên trần hay lên tường cũng khiến cho không gian trở nên xấu xí đi. Bởi vậy, tốt nhất thì cứ đặt nó xuống vẫn là hợp lý nhất. Mình cũng tin rằng, những người sở hữu chiếc router này hoàn toàn có khả năng tạo ra một không gian hợp lý cho nó thôi. (Người có tiền mà, gì cũng có thể làm được).
Phần vỏ của Archer AX11000 hầu hết là nhựa, điều đó khiến mình hơi thất vọng một chút bởi vì mình đang tìm kiếm đâu đó những chi tiết thể hiện sự sang trong của một sản phẩm có thể được coi là flagship của dòng Router. Phần đèn hiển thị trạng thái được thu gọn lại thành logo nằm ngay ở chính giữa chiếc router với nhiều màu sắc. Điều này có thể tạo nên sự khác biệt của một sản phẩm cao cấp nhưng theo ý kiến cá nhân của mình thì nó lại hơi bất tiện khi cần theo dõi trạng thái của từng đường truyền.
Sự đáng tiền của chiếc router này chắc chắn vẫn nằm ở sức mạnh của một bộ định tuyến, Archer AX11000 được trang bị bộ CPU 4 nhân xung nhịp 1.8GHz, 1GB RAM, bộ nhớ flash 512MB để đảm bảo cho quá trình tiếp nhận và vận chuyển thông tin của nhiều thiết bị được ổn định và nhanh chóng hơn.
Thử nhìn vào con số 11000 trên mã sản phẩm, tương đương với băng thông 10756 Mbps thì bạn có thể thấy được rằng chiếc router này có thể đáp ứng cho biết bao nhiêu thiết bị kết nối không dây rồi đó. Con số này có thể lên đến hàng trăm thiết bị. Tuy nhiên, nếu bạn sở hữu những thiết bị kết nối không dây tốc độ cao như Laptop thế hệ mới, TV 4K-8K, Gaming Console, điện thoại và máy tính bảng cao cấp thì chỉ cần vài chục thiết bị như vậy trong nhà thôi đã có thể vận dụng hết băng thông wifi mà chiếc Archer AX11000 cung cấp. Bạn nên lưu ý rằng con số băng thông 10756Mbps không chỉ thể hiện cho khả năng đáp ứng tốc độ truy cập Internet qua mạng không dây mà còn là thông lượng dữ liệu giữa các thiết bị giao tiếp với nhau nên đừng nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ cần đến con số này nhé.
Bên cạnh mạng không dây, Archer AX11000 còn được trang bị cổng WAN 2.5Gbps, mang đến khả năng truy cập internet tốc độ rất cao. Hiện nay với các gói mạng phổ thông được cung cấp tại Việt Nam thì chưa có gói nào sở hữu tốc độ truyền dữ liệu lên đến 2.5Gbps nhưng có lẽ Việt Nam sẽ sớm có gói mạng này mà thôi. 8 cổng LAN Gigabit vẫn còn rất xịn xò với game thủ Việt bởi vì hầu hết trong chúng ta cũng chưa thể vận dụng hết băng thông của cổng này trên hệ thống mạng máy tính gia đình của mình. Bạn sẽ làm gì với 8 cổng LAN này? Lập môt đội tuyển thi đấu game chuyên nghiệp chăng? Hoàn toàn có thể đấy chứ.
Một trong những tính năng tuyệt vời của Archer AX11000 mà mình sẽ sử dụng thường xuyên nếu sở hữu chiếc router này, đó là hai cổng USB 3.0 type-A và type-C. Bạn chỉ cần kết nối những chiếc SSD/HDD di động được định dạng NTFS, exFAT, FAT32 hoặc HFS+ với chiếc router, chúng sẽ trở thành một máy chủ đa phương tiên, máy chủ lưu trữ File hoặc một máy chủ backup Time Machine của những chiếc máy Mac. Nếu một ngày không nắng không mưa, chiếc MacBook của mình có gặp hiện tượng trục trặc, mình hoàn toàn có thể lấy File backup ngay trên chiếc router này để thực hiện việc khôi phục lại chiếc máy như cũ mà không cần thêm bất cứ một thao tác nào. Bạn cũng có thể backup nhiều thứ khác như dữ liệu cá nhân, các File quan trọng trên máy chủ được tạo ra từ chiếc router này.
Việc setup chiếc router này cũng hoàn toàn dễ dàng, bạn có thể sử dụng nó như router chính, nhưng cũng có thể sử dụng nó như một nút mạng trong gia đình. Quan trọng nhất là bạn phải cắm dây mạng vào cổng WAN và thực hiện đăng nhập để chạy setup tự động cấu hình cho router.
Nói về phần setup, giao diện của phần này rất trực quan và dễ hiểu. Kể cả một tay mơ với chút ít kiến thức về setup mạng qua một số đời router như mình cũng có thể tự cấu hình được mang không cần đến những anh thợ chuyên nghiệp. Ngay ở trang đầu tiên của setup, Tp-link cũng trang bị luôn công cụ speedtest để bạn có thể kiểm tra tốc độ truy cập internet của bạn một cách thuận tiện nhất.
Một số công cụ giúp bạn theo dõi hệ thống cũng được làm theo cả dạng số lẫn biểu đồ để bạn có thể hình dung ra chúng dễ dàng hơn. Chỉ cần đọc chút hướng dẫn, và tìm tòi thêm, bạn đã có thể điều khiển cả hệ thống mạng của mình một cách trơn tru không khác gì dân chuyên.
Qua thử nghiệm cơ bản, chất lượng đường truyền Wifi6 trên băng tần 5G là rất tốt. Tuy nhiên, nó chỉ có thể cung cấp cho bạn tốc độ này trong một khuôn khổ mà độ phủ sóng cho phép, chỉ cần mình rời khỏi phòng làm việc và di chuyển thiết kết nối xuống dưới một tầng là đã không thể bắt được sóng 5G nữa rồi. Đây là đặc điểm chung của băng tần 5GHz nên mình không hề có ý kiến gì cả.
Tính năng Beamforming cũng phát huy tác dụng rất tốt khi đã có thể giữ mình lại với hệ thống mạng thêm một quãng đường nữa ngay cả khi bước ra khỏi vùng phủ sóng của băng tần 5G. Tại điểm xa nhất mà băng tần 5G của Archer AX11000 có thể chạm tới, mình đã ngắt hẳn sóng để ngắt Beamforming, mình đã không thể bắt được sóng wifi băng tần 5G của nó nữa. Điều đó chứng tỏ, đây là một tính năng vô cùng quan trong giúp cho thiết bị của bạn không bị ngắt kết nối đột ngột khi bước ra khỏi độ phủ sóng của những băng tần tốc độ cao.
Mình đã vận hành hệ thống mạng của công ty với chiếc router này, hàng chục chiếc laptop và điện thoại truy cập cùng lúc. Ngoài ra, chúng mình còn có cả những chiếc laptop gaming và game Console để giải trí nữa. Chiếc router này vẫn hoàn toàn đứng vững và cho tất cả những trải nghiệm mạng không dây đều mượt mà. Tất nhiên, với điều kiện hiện tại của chúng mình thì không thể làm khó được chiếc router này. Nếu bạn có những yêu cầu cao cấp hơn chúng mình thì Archer AX11000 hoàn toàn có thể gồng gánh một cách dễ dàng.
Nhìn chung, để đầu tư số tiền trên 13 triệu đồng cho một chiếc router wifi như thế này có thể là lãng phí với nhu cầu của một gia đình Việt cơ bản. Nhưng với những gia đình siêu hiện đại với những thiết bị cao cấp thì không có gì khó hiểu nếu bạn lựa chọn Archer AX11000 để cung cấp trải nghiệm kết nối mạng không dây mượt mà, ổn định.